Trở thành lập trình viên Full Stack chính là ước mơ của nhiều bạn trẻ khi dấn thân vào con đường CNTT (công nghệ thông tin). Không chỉ am hiểu nhiều loại ngôn ngữ lập trình, các lập trình viên Full Stack còn phải tích lũy kiến thức công nghệ và những kỹ năng cần thiết. Để hiểu rõ Full Stack là gì cũng như lộ trình trở thành lập trình viên Full Stack chuyên nghiệp, mời bạn tham khảo chi tiết qua bài viết dưới đây cùng Tino Group.
Giới thiệu tổng quan về Full Stack
Full Stack là gì?
Full Stack là một thuật ngữ quen thuộc, được sử dụng khá nhiều trong các lĩnh vực khác nhau nhưng phổ biến nhất là CNTT và kinh doanh. Trong bài viết hôm nay, Tino Group sẽ chỉ tập trung vào thuật ngữ Full Stack trong lĩnh vực CNTT. Về cơ bản, Full Stack đề cập đến những kỹ năng và kiến thức cần thiết về công nghệ mà một lập trình viên cần phải có để hoàn thành các dự án chung.
Full Stack Developers là gì?
Full Stack Developer hay lập trình viên Full Stack là những chuyên gia công nghệ am hiểu về nhiều ngôn ngữ lập trình, thành thạo đa dạng kỹ năng và có khả năng ứng dụng những kỹ năng ấy để hoàn thành dự án một cách tốt nhất.
Một Full Stack Developers có thể xử lý toàn bộ công việc liên quan đến bảo mật, servers, database. Thậm chí, việc phát triển Back-end và Front-end cũng nằm trong khả năng của các Full Stack Developers.
Tuy nhiên, không phải Full Stack Developers nào cũng phải giỏi toàn bộ kỹ năng công nghệ. Khi trở thành Full Stack Developers, bạn chỉ cần hiểu rõ những công nghệ và kỹ năng cần thiết cho dự án mình tham gia. Trong quá trình làm việc, bạn vẫn có thể học hỏi và rèn luyện thêm những kiến thức cần thiết.
Ưu điểm và hạn chế khi trở thành Full Stack Developers
Ưu điểm
Cơ hội thăng tiến cao
Khi trở thành lập trình viên Full Stack, bạn sẽ được đào tạo tư duy tổng thể về hệ thống, công nghệ và các kỹ năng liên quan. Đây chính là nền tảng giúp bạn có thể nhiều cơ hội phát triển, hướng đến các vị trí cao hơn như Team Leader hoặc Product Manager.
Phần lớn các lập trình viên Full Stack đều có kiến thức chuyên sâu về những khía cạnh khác nhau trong hệ thống, bao gồm: front-end, back-end và database,… Có thể nói, lập trình viên Full Stack chính là “cầu nối” giữa team CNTT và các bộ phận khác. Sự góp mặt của họ sẽ giúp công việc được vận hành trôi chảy hơn.
Mức thu nhập hấp dẫn
So với các lập trình viên thông thường, một Full Stack Developer sẽ có mức lương cơ bản cao hơn đến 30%. Mức thu nhập của lập trình viên Full Stack được tính dựa trên trình độ chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm thực chiến. Một lập trình viên Full Stack giỏi có thể đảm đương nhiều công việc cùng một lúc. Vì vậy, khi trở thành lập trình viên Full Stack xuất sắc, bạn chắc hẳn sẽ sở hữu một mức lương cực kỳ hấp dẫn.
Mở rộng cơ hội làm việc
Vì sở hữu những skill set rộng, kiến thức chuyên môn đa dạng, các lập trình viên Full Stack sẽ dễ tìm việc hơn. Họ có thể chuyển sang bất kỳ lĩnh vực nào trong ngành CNTT như database, back-end hay front-end. Từ công ty nhỏ đến các doanh nghiệp lớn đều mong muốn được chiêu mộ các nhân tài Full Stack. Thông thường, các lập trình viên Full Stack đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển sản phẩm ở giai đoạn đầu khi hệ thống chưa phát triển phức tạp.
Hạn chế
Như đã chia sẻ, lập trình viên Full Stack là “nhân vật chủ chốt” khi hệ thống phát triển trong giai đoạn đầu. Chính vì thế, đối với các hệ thống đã phát triển và ngày càng phức tạp hơn, lập trình viên Full Stack sẽ không thể kiểm soát tốt như trước đây.
Lúc này, doanh nghiệp bạn sẽ cần sự hỗ trợ từ các lập trình viên có kỹ năng chuyên sâu trong một lĩnh vực hơn một lập trình viên Full Stack đa năng. Đây cũng chính là lý do vì sao các lập trình viên Full Stack thường được tuyển dụng bởi các công ty có quy mô nhỏ, đang trong quá trình phát triển ở mức MVP (Minimum Viable Product).
Trở thành lập trình viên Full Stack nên bắt đầu từ đâu?
Trau dồi và tích luỹ kiến thức
Để trở thành một lập trình viên Full Stack chuyên nghiệp, bước đầu tiên bạn cần làm là tham gia các khóa học lập trình Full Stack uy tín. Bổ sung và trau dồi kiến thức CNTT chính là nền tảng giúp bạn biến ước mơ của mình thành sự thật. Nếu đang hoạt động trong lĩnh vực front-end, bạn có thể bồi dưỡng thêm kiến thức back-end và ngược lại.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm hiểu cơ sở hạ tầng, cách tối ưu hoá UI/UX, trau dồi thêm trình độ tiếng Anh. Bạn có thể dành thời gian đọc tài liệu tiếng Anh để cải thiện khả năng phản xạ ngôn ngữ, ghi nhớ các từ chuyên ngành.
Vậy chính xác lập trình viên Full Stack nên học những gì?
#1. HTML & CSS
HTML & CSS là yếu tố quan trọng, đóng vai trò xây dựng cho mọi trang web. Chính vì thế, để trở thành lập trình viên Full Stack, bạn cần bồi dưỡng kiến thức về HTML & CSS. Sau quá trình tìm hiểu và thành thạo HTML & CSS để xây dựng các website responsive, bạn có thể chuyển sang lĩnh vực tiếp theo.
#2. JavaScript
JavaScript là thành phần quan trọng tiếp theo và có khả năng bổ trợ cho HTML & CSS. Khi am hiểu về JavaScript, bạn có thể tạo hoạt ảnh, cá hiệu ứng pop-up, slider,…, để trang web tăng tương tác tốt hơn.
#3. Front-end
Sau khi đã hiểu rõ về JavaScript, kỹ năng tiếp theo bạn cần học là front-end. Về cơ bản, JavaScript có rất nhiều framework mà bạn có thể sử dụng như ReactJS, Vue.js, Ember JS, Angular,…
Giao diện người dùng là thành phần cơ bản của mọi trang web. Đây cũng là yếu tố bạn có thể nhìn thấy và được xây dựng bằng HTML, CSS và JavaScript. Nếu giao diện là “phần nổi” thì back-end chính là “phần chìm”. Nghĩa là back-end sẽ không hiện diện trực tiếp trước mắt bạn. Tuy nhiên, đây lại là yếu tố quan trọng, đảm nhiệm chức năng thực hiện toàn bộ quá trình xử lý dữ liệu.
Để trở thành một lập trình viên front-end, bạn chỉ cần nắm rõ kiến thức về HTML, CSS và JavaScript. Tuy nhiên, nếu muốn làm lập trình viên Full Stack, bạn chắc chắn phải học thêm back-end.
#4. Back-end
Thông thường, toàn bộ chương trình đào tạo trực tuyến và bootcamp sẽ tập trung vào một ngôn ngữ back-end cụ thể. Như đã đề cập, back-end có khả năng xử lý toàn bộ dữ liệu đã nhận được từ front-end. Đồng thời, back-end cũng thực hiện được các tác vụ liên quan đến API và gửi nội dung đến giao diện người dùng.
Một số ngôn ngữ back-end phổ biến bạn có thể học để bồi dưỡng kiến thức là:
- Python.
- JavaScript.
- Java.
- C#.
- C++.
- C.
- PHP.
Trong đó, các framwork tiêu biểu của các ngôn ngữ back-end là:
- Python: Django, Flask.
- JavaScript: Node.js.
- Java: Spring MVC.
- C#: ASP.NET Core.
- PHP: Laravel.
- Ruby: Ruby on Rails.
#5. Database
Database (tạm dịch: cơ sở dữ liệu) là một “bộ sưu tập” dữ liệu có liên quan với nhau. Chúng được biết đến dưới dạng một tập hợp các tập tin trong hệ điều hành hoặc lưu trữ trong các hệ quản trị cơ sở dữ liệu. Một số database điển hình là bảng chấm công, danh sách kiểm kê hàng hoá, danh sách học sinh trong lớp,…
Trên thực tế, bất kỳ dự án nào cũng có dữ liệu cần được lưu trữ trên database. Vì vậy, là một lập trình viên Full Stack, bạn cũng phải sở hữu ít nhất một hoặc hai cơ sở dữ liệu và biết cách tương tác với chúng.
Rèn luyện kỹ năng quản lý dự án và giao tiếp
Bên cạnh việc trau dồi thường xuyên kiến thức chuyên môn, lập trình viên Full Stack cũng cần có kỹ năng giao tiếp để làm việc giữa các team. Ví dụ, đội ngũ back-end muốn cải thiện tốc độ website nhưng vô tình ảnh hưởng đến giao diện của các lập trình viên front-end. Trong trường hợp này, lập trình viên Full Stack sẽ là người giải quyết vấn đề, trao đổi với các bên để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất.
Không những thế, lập trình viên Full Stack còn phải hiểu và biết cách sử dụng Agile/Scrum trong quy trình làm việc của mình. Có thể nói, các lập trình viên Full Stack chính là “key person” – những người nắm giữ vai trò “cốt cán” trong toàn bộ quy trình của hệ thống.
Để hoàn thành công việc tốt hơn, lập trình viên Full Stack cần biết cách quản lý dự án, hiểu rõ công cụ nào nên được đưa vào sử dụng. Một lập trình viên Full Stack thành công là lập trình viên được đào tạo bài bản về tối ưu hoá việc áp dụng Agile, sở hữu kỹ năng xây dựng kế hoạch và quản lý đội nhóm hiệu quả.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ về thuật ngữ Full Stack trong lĩnh vực CNTT. Qua bài viết, Tino Group hy vọng bạn đã giải đáp được Full Stack là gì cũng như cơ hội và tiềm năng khi trở thành lập trình viên Full Stack. Nếu cảm thấy thông tin trên thật sự bổ ích, bạn đừng ngại để lại bình luận bên dưới, đánh giá 5 sao và nhấn nút chia sẻ nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Mức lương cơ bản của các lập trình viên Full Stack là bao nhiêu?
Hiện tại, mức lương của các lập trình viên Full Stack tại Việt Nam dao động từ 2,500 – 4,000 USD/tháng tuỳ vào kỹ năng, trình độ chuyên môn và tính linh hoạt của nhân sự.
Trở thành lập trình viên Full Stack có những lợi ích gì?
Khi trở thành lập trình viên Full Stack, bạn sẽ:
- Sở hữu nhiều cơ hội phát triển bản thân.
- Cơ hội thăng tiến cao, được làm tại nhiều vị trí đang mong ước.
- Thu nhập cao, mức lương ổn định mỗi tháng.
Các tiêu chí trở thành lập trình viên Full Stack là gì?
Một lập trình viên Full Stack sở hữu các tiêu chí sau:
- Có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau trong ngành CNTT.
- Ham học hỏi, không ngừng nâng cao tư duy, mở rộng kiến thức, cập nhật công nghệ mới.
- Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý dự án tốt.
Học lập trình viên Full Stack mà không cần học chính quy được không?
Tất nhiên là được! Trên thực tế, bạn vẫn có thể trở thành một lập trình viên Full Stack dù không theo học các trường Đại học chính quy. Hiện tại, có rất nhiều khóa học lập trình ngắn hạn hoặc dài hạn được tổ chức tại các trung tâm đào tạo CNTT uy tín. Bạn có thể tự tham khảo và đăng ký học để theo đuổi đam mê của mình.