Bên cạnh FOMO, FUD cũng là một hiệu ứng tâm lý rất thường gặp trong lĩnh vực đầu tư tài chính, đặc biệt là trên thị trường Crypto. Đây được xem là thủ phạm khiến rất nhiều trader mất tiền hoặc thậm chí là phá sản. Vậy FUD là gì? Hiệu ứng tâm lý này có ý nghĩa gì trong đầu tư? Các bạn hãy tham khảo bài viết sau đây để tìm câu trả lời chính xác nhất nhé!
FUD là gì?
Định nghĩa FUD
FUD là viết tắt 3 chữ cái đầu trong cụm từ Fear – Uncertainty – Doubt, tạm dịch: Sợ hãi – Không chắc chắn – Nghi ngờ. Đây là một hiệu ứng tâm lý tác động đến nhận thức của nhà đầu tư về một loại tiền điện tử nhất định hoặc cả thị trường tiền điện tử nói chung, mang lại cho nạn nhân những cảm giác lo lắng, không yên lòng, sợ bỏ lỡ, đánh mất điều mà mọi người xung quanh sẽ đạt được.
Tuy nhiên, hiệu ứng này không phải được hình thành tự nhiên, FUD là một chiến thuật cạnh tranh bằng cách truyền bá thông tin tiêu cực, gây hiểu lầm hoặc sai sự thật nhằm mục đích khiến nạn nhân đưa ra quyết định thiếu lý trí và mang lại lợi ích cho người tung tin.
Chiến thuật tâm lý gây tác động đến nhận thức này thường được sử dụng trong một số các lĩnh vực từ tài chính, kinh doanh, marketing cho đến chính trị…
Lịch sử ra đời của FUD
Theo một số tài liệu, thuật ngữ FUD xuất hiện từ giữa những năm 70 của thế kỷ 20 bởi Gene Amdahl. Anh là một kỹ sư máy tính đã nghỉ việc ở IBM để thành lập một công ty mới. Gene Amdahl cũng chính là người đã đưa ra khái niệm FUD nhằm chỉ việc người chủ cũ của ông đã nói xấu công việc kinh doanh mới của mình như thế nào.
Đến những năm 80, FUD được xem là một chiến lược cạnh tranh “bẩn” mà các doanh nghiệp sử dụng để loại bỏ đối thủ cạnh tranh của mình thông qua truyền thông.
Lĩnh vực Crypto ra đời đã mang đầy đủ những đặc tính để phù hợp hơn với việc “truyền bá nỗi sợ hãi ” và khiến cho hội chứng FUD có cơ hội xuất hiện phổ biến hơn. Nếu như hiệu ứng FOMO khiến giá tăng thì FUD lại làm cho giá giảm.
FUD được tạo ra như thế nào?
Về quy mô, vốn hóa thị trường của một số loại tiền điện tử thường không lớn. Do đó, FUD rất hay được các “cá mập” sử dụng để “dìm giá” và “gom hàng”. Cũng vì quy mô thị trường nhỏ nên đã mang đến cơ hội cho các thế lực dễ dàng liên kết với nhau để tạo ra FUD và trục lợi.
FUD thường được lan truyền đến cộng đồng thông qua các kênh truyền thông lớn và đặc biệt là các nhân vật có ảnh hưởng hay còn gọi là KOLs. Mục tiêu của họ là giảm nhu cầu mua để ổn định hoặc làm sụt giảm giá đồng coin. Về cơ bản, FUD có thể được so sánh với tin tức giả mạo hoặc những tin tức bị thổi phồng so với thực tế.
Chỉ cần các KOLs lớn đẩy một số thông tin xấu lên các mạng xã hội như Telegram, Facebook, Twitter, Reddit,…, thị trường chắc chắn sẽ dậy sóng với nỗi lo sợ bao trùm.
Ví dụ, nạn nhân của hội chứng này sau khi nghe được các tin tức không tốt về thị trường liền có tâm lý hoang mang, sợ hãi, chưa kịp tìm hiểu kỹ đã nhanh chóng bán tháo những coin đang nắm giữ một cách không cần thiết. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân họ, mà còn khiến sụt giảm nghiêm trọng giá thị trường, tạo điều kiện cho các “cá mập” thu gom coin với giá rẻ một cách dễ dàng.
Ai sẽ là người hưởng lợi chính với FUD?
Dễ dàng nhận ra rằng chính những KOLs hay các cá mập đang thao túng thị trường sẽ là những người hưởng lợi chính từ FUD. Ngay cả những nhà đầu tư có tiếng, các chuyên gia tư vấn tài chính hay những người mong muốn gây chú ý bằng việc dự đoán giá coin, cũng đóng góp phần nào vào quá trình này của của thị trường. Họ thường được gọi là FUDer.
Một trong những ví dụ điển hình về FUDer là Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk. Trước đó vào tháng 5 năm 2024, Musk đã bị chỉ trích vì bày tỏ mối lo ngại về việc khai thác Bitcoin sẽ có tác động gây hại đến môi trường, đồng thời ông tuyên bố sẽ không chấp nhận Bitcoin cho xe điện của họ nữa.
Thông báo này đã gây ra một đợt điều chỉnh lớn về giá của Bitcoin, sau khi đồng tiền điện tử này đạt mức giá cao kỷ lục hồi đầu năm.
Cách để các nhà đầu tư vượt qua hiệu ứng FUD trong giao dịch
Bạn không thể thay đổi được yếu tố thị trường nên chỉ còn cách thay đổi chính bản thân mình qua những phương pháp điều quan trọng dưới đây.
Kiên định với bản thân và với chiến lược đã vạch ra
Bạn cần xác định mục tiêu của mình một cách rõ ràng, xác định thời gian đầu tư, target chốt lời…nhằm giữ vững được tâm lý, tránh bị xao lãng. Đồng thời giúp bạn có cái nhìn chính xác, phân biệt được sai trái từ đó đưa ra được những quyết định phù hợp nhất. Nên tránh trường hợp hấp tấp mà gây ra những sai lầm ngoài dự tính và khiến bạn mất khả năng kiểm soát.
Nắm bắt, hiểu rõ thị trường đầu tư
Đây là một nguyên tắc quan trọng nhưng không dễ để thực hiện. Ngay cả những trader có nhiều kinh nghiệm cũng không dám khẳng định mình hiểu rõ toàn bộ thị trường.
Dù thị trường sẽ có rất nhiều cơ hội “béo bở” nhưng nếu bạn thấy coin đột nhiên có sự biến động về giá thì tốt nhất bạn nên nằm ngoài cuộc chơi, theo dõi và rút ra kinh nghiệm cho những lần đầu tư sau. Vì rất có thể đó là những chiến thuật FOMO hoặc FUD.
Cắt lỗ đúng thời điểm
Nếu đã lỡ bị “đu đỉnh”, bạn hãy mạnh dạn cắt lỗ và chờ cơ hội tiếp theo. Việc cắt lỗ đúng lúc sẽ giúp bạn nhanh chóng thoát ra và vẫn có thể giữ được một số vốn nhất định để tìm cơ hội đầu tư khác. Nếu do dự, tài sản của bạn sẽ thất thoát ngày càng nhiều.
Xác định phong cách đầu tư
Việc xác định rõ phong cách đầu tư như ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn sẽ giúp bạn chuẩn bị tâm lý, có những phương pháp, cách thức giải quyết khi chịu ảnh hưởng bở FOMO và FUD.
Biết cách quản lí vốn hiệu quả
Khi bạn biết cách quản lý và phối vốn hiệu quả sẽ giảm thiểu được rủi ro do FOMO và FUD gây ra. Ngoài ra, điều này còn giúp bạn có được khoản lợi nhuận ổn định, nắm được thế chủ động. Khi đó FOMO và FUD sẽ không còn vấn đề nghiêm trọng, gây nhiễu loạn, ảnh hưởng đến những quyết định của bạn nữa.
Hiệu ứng FUD rất nguy hiểm trong đầu tư tài chính nói riêng và các lĩnh vực khác trong xã hội nói chung. Việc nhận diện và đối phó với FUD là điều vô cùng cần thiết. Trên đây là những thông tin về FUD. Hy vọng với những phương pháp vượt qua FUD, các bạn sẽ có một tâm lý vững vàng hơn trong đầu tư nhé!
CẢNH BÁO: Đây là bài viết chia sẻ thông tin, không phải là lời kêu gọi đầu tư, bạn phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Đầu tư vào các sản phẩm tài chính luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nên bạn cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Chúc bạn sáng suốt và tỉnh táo để đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn nhé!
FAQs về FUD
Có phải FUD đều là tin giả không?
Không phải tất cả FUD đều là tin giả. Trong một số trường hợp, FUD là tin chính thống đã xác thực, nhưng lại được cố tình tung ra vào một thời điểm nhạy cảm nào đó nhằm gây áp lực về tâm lý. Đôi khi, FUD cũng có thể hoàn toàn là khách quan và không bị thao túng bởi bất kỳ tổ chức nào như thiên tai, dịch bệnh, sự kiện thiên nga đen (Black Swan).
FOMO là gì?
FOMO là viết tắt của cụm từ Fear Of Missing Out, tạm dịch: Sợ bỏ lỡ, hiệu ứng này mang tính chất cá nhân nhiều hơn.
Trong trade coin, FOMO là cảm giác khi bạn thấy có một đồng coin nào đó tăng giá mạnh mẽ trong thời gian ngắn và bạn có xu hướng nghĩ đến việc rất nhiều trader khác đang lời to khiến bạn muốn sở hữu coin đó ngay lập tức. Bạn sợ rằng nếu không vào nhanh tay sẽ lỡ mất cơ hội. Đây cũng là nguyên nhân khiến bạn thường mua ở giá cao nhất hay còn gọi là bị “đu đỉnh”.
Có chiến thuật nào để khắc chế FUD không?
Có một chiến thuật nhiều người hay dùng là Hold hoặc Hodl (cả hai đều đúng)
Trong thị trường tiền điện tử, Hold coin được hiểu là việc nắm giữ một đồng coin nào đó mà không bán ra (xả) ngay cả khi thị trường biến động hoặc giảm giá như thế nào đi nữa. Bạn cũng có thể hiểu đơn giản Hodl coin là một hình thức đầu tư dài hạn. Chiến thuật này rất hiệu quả để đối phó với hiệu ứng FUD.
FUD và FOMO có mối quan hệ nào không?
Như bạn đã biết, FUD và FOMO không bao giờ tự nhiên sinh ra. Nhóm người phát tán FOMO thường là những nhà đầu tư muốn lôi kéo thêm nhiều người vào để đẩy giá lên cao. Trong khi đó, FUD được truyền bá bởi những người đã lỡ cơ hội và muốn dùng thủ thuật này để kéo giá xuống sau đó gom hàng.
Elon Musk cũng đã từng khiến giá đồng Dogecoin tăng khi đăng một dòng Tweet về đồng coin này lên Twitter.