Khởi nghiệp hay Startup đang là một phong trào nổi trội không chỉ trong nước mà còn trên cả thế giới. Từ một người trung niên cho đến những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, ai đều có thể trở thành một Founder của một dự án khởi nghiệp. Vậy Founder là gì? Co-Founder là gì? Và làm cách nào để trở thành một Founder thực thụ? Tất cả sẽ được Tino Group giải đáp trong bài viết này!
Tìm hiểu về Founder
Founder là gì?
Founder có nghĩa là người sáng lập, là người đầu tiên đưa ra ý tưởng hoặc đặt nền móng cho dự án. Hay nói cách khác, Founder là người biến dự án từ ý tưởng trở thành hiện thực còn việc có thể duy trì dự án khởi nghiệp hay không là cả một vấn đề lớn.
Thông thường, Founder sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc thiết lập sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Chúng ta có rất nhiều gương mặt Founder để học hỏi như: Mark Zuckerberg với Facebook, Steve Jobs với Apple, Jeff Bezos với Amazon, Elon Musk với SpaceX/Tesla,…

Co-Founder là gì?
Một doanh nghiệp khởi nghiệp được thành lập với 2 người trở lên thì sao? Lúc này, ta có thể gọi 2 người đó là Co-Founder với vị trí ngang hàng với nhau.
Co-Founder có nghĩa là nhà đồng sáng lập. Người này có thể xuất hiện cùng lúc với nhà sáng lập hoặc đồng ý tham gia vào dự án khởi nghiệp với một vị trí nào đó hoặc sau một thời gian Founder mới tìm thấy Co-Founder của mình.
Ví dụ điển hình chúng ta có thể thấy: Sergey Brin và Larry Page là hai nhà đồng sáng lập ra Google. Vì thế, họ là Co-Founder của Google.
Tùy thuộc vào từng doanh nghiệp và giữa các thành viên với nhau, họ sẽ thỏa thuận phân chia lợi nhuận, quyền lợi, quyền biểu quyết khác nhau.
Founder, Co-Founder và CEO
Founder có cần phải có thêm Co-Founder hay không?
Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào khả năng cá nhân của Founder và rất nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” có khiến Co-Founder xuất hiện hay không.
Tuy nhiên, sau rất nhiều câu chuyện thành công, thất bại của những Founder hay việc các nhà đầu tư thiên thần mất trắng tiền,… , nguyên nhân phổ biến dẫn đến thất bại là do đội nhóm của dự án khởi nghiệp.
Trong các cuộc thi khởi nghiệp, giám khảo sẽ đánh giá dự án dựa trên tính khả thi và khả năng thành công.
Trong khi đó, các nhà đầu tư sẽ đánh giá dự án thông qua đội ngũ của dự án. Chính xác là nhà đầu tư thiên thần – Angel investor sẽ đầu tư vào con người.

Vì thế, câu trả lời “một dự án có cần Co-Founder hay không” là “có”.
- Founder có giỏi chuyên môn hay không? Không có, tìm Co-Founder giỏi chuyên môn.
- Founder có khả năng quản lý và vận hành doanh nghiệp hay không? Không có, tìm Co-Founder giỏi quản lý
- Founder có giỏi quản lý tài chính hay không? Không có, tìm Co-Founder giỏi tài chính.
Dự án thiếu nhân lực nào sẽ phải cần bù vào nhân lực đó.
Founder có phải là CEO hay không?
Câu trả lời là “có và không”. Nếu Founder giỏi vận hành hoặc có khả năng vận hành doanh nghiệp, họ có thể trở thành CEO và đảm nhận vị trí vận hành doanh nghiệp. Ví dụ điển hình là Mark Zuckerberg.
Nếu Founder cảm thấy bản thân không đủ khả năng lãnh đạo và vận hành, hoặc tìm được một người phù hợp với vị trí CEO hơn, họ có thể trao vị trí đó cho người mới thay thế.
Một số ví dụ như: Steve Jobs trao vị trí CEO cho Tim Cook, Larry Page cũng chuyển giao vị trí CEO cho Sundar Pichai.
Vị trí điều hành là một vị trí quan trọng. Vì thế, nếu Founder “cố đấm ăn xôi” giữ vị trí CEO dù biết bản thân không thích hợp sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường và khiến cho doanh nghiệp khởi nghiệp không thể tiếp tục tồn tại ổn định, lâu dài.
5 bước để trở thành một Founder thực thụ
Vậy đâu là tố chất và cần làm gì để một người bình thường trở thành một Founder thực thụ? Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu trong phần này nhé!
Lưu ý: trong phần này, những kiến thức được người viết tổng hợp từ những người đi trước, từ sách, báo, các bài viết khác và có một chút góc nhìn chủ quan từ người viết bài. Vì thế, đây không hẳn là một “khung mẫu” chung để trở thành Founder thực thụ nhé!
Biết bản thân thực sự là ai và muốn gì
Bạn có một ý tưởng, bạn thực hiện hóa ý tưởng đó và bạn trở thành Founder của dự án. Về mặt lý thuyết là như vậy. Nhưng trong thực tế, không phải ai cũng có thể trở thành một nhà lãnh đạo được.
- Bạn sẽ cần phải biết bạn là ai?
- Bạn mong muốn điều gì?
- Bạn thực sự muốn khởi nghiệp hay không hay thích sự ổn định?
- Kỹ năng chuyên môn của bạn ra sao?
- Mức độ quyết tâm của bạn đối với dự án như thế nào?
Biết được những điều này, bạn sẽ có thể đến gần hơn con số 1.

Khởi nghiệp hoặc tham gia vào một startup
Có nhiều người khuyến khích bạn tham gia vào một startup để trải nghiệm trở thành một phần của startup – nơi bạn sẽ phải là một người đa năng. Bạn có chuyên môn về website? Nhưng sửa mạng, đi dây cáp, quản lý server, sửa máy lạnh, máy quét vân tay lẫn những công việc khác như marketing bạn cũng sẽ phải nếm thử. Tất cả đều là những kinh nghiệm quý báu.
Đi tìm mentor
Tìm được mentor phù hợp sẽ giúp hạn chế tỷ lệ thất bại, giúp dự án của bạn phát triển nhanh hơn.
Sẽ có rất nhiều người ngoài kia sẵn sàng làm người dẫn dắt khi họ thấy bạn đủ tiêu chuẩn hoặc thấy niềm đam mê hoặc thấy bản thân họ trong chính bạn. Chúc bạn sẽ may mắn và tìm được cho mình một mentor.

Đi tìm Co-Founder
Dĩ nhiên, bạn thiếu kỹ năng gì, bạn nên tìm ngay cho mình một Co-Founder là mảnh ghép còn thiếu đó.
Một doanh nghiệp khó vận hành nếu chỉ có chuyên môn.
Doanh nghiệp sẽ không thể sống nổi nếu không có doanh thu
Biết về luật cũng là một lợi thế để khởi nghiệp nữa đấy!
Hãy tìm một người đồng hành với bạn. DÙ ĐIỀU NÀY KHÔNG HỀ DỄ DÀNG.
Tham gia các cuộc thi khởi nghiệp
Bạn muốn marketing 0 đồng?
Bạn muốn lên báo miễn phí?
Bạn muốn gặp những người nổi tiếng chỉ thấy trên TV?
Tại những cuộc thi khởi nghiệp, bạn sẽ tìm thấy những điều này.
Ngoài ra, bạn còn có nguồn vốn không hoàn lại miễn phí từ những cuộc thi; những gói ươm tạo, mở rộng mối quan hệ, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của mình,… Tất cả đều 0 đồng. Bạn sẽ chỉ đánh đổi bằng thời gian và công sức đi lại thôi.
Những cuộc thi còn mang lại rất nhiều khóa học để đào tạo ra những doanh nhân khởi nghiệp từ ghế nhà trường đấy! Hãy thử tìm hiểu nhé!
Đến đây, chắc hẳn bạn cũng đã biết về Founder là gì, những bước nên thử để trở thành một Founder thực thụ hoặc “thực thụ” rồi đúng không nào? Nếu bạn có bất kỳ góp ý nào, hãy liên hệ ngay với Tino Group để chúng tôi cập nhật thông tin bài viết nhé!
Những câu hỏi thường gặp về Founder
Có nên thành lập startup 1 người hay không?
Không. Như trong bài viết đã đề cập, dù bạn giỏi đến đâu nhưng một mình bạn không thể nào làm tất cả mọi việc được. Nếu có thể, bạn hãy tìm cho mình một người bạn đồng hành để chia sẻ gánh nặng về chuyên môn lẫn tinh thần nhé!
Vì sao dự án startup hay, ý nghĩa nhưng lại không được đầu tư?
Phần đông các dự án hay dự án ý nghĩa,.. không được các nhà đầu tư đổ tiền vào dù họ thừa nhận rất quan tâm đến dự án là vì:
- Đội ngũ của dự án vẫn chưa đủ thuyết phục
- Khả năng sinh lời của dự án kém
- Quá dễ bị sao chép
Và “hằng hà sa số” lý do khiến dự án của bạn bị các nhà đầu tư thiên thần bỏ qua.
Mất bao lâu để tìm được Co-Founder?
Câu trả lời này không thể xác định được. Theo quan điểm cá nhân của người viết, để tìm được một Co-Founder bằng một cách nào đó giống như bạn có con rồi mới đi tìm vợ/ chồng để chăm đứa con startup vậy.
Vì thế, bạn sẽ cần mở rộng mối quan hệ của mình lên nhiều lần và biết đâu trong số những người đó có thể trở thành Co-Founder của bạn.
Trong thực tế, để tìm một người có cùng quan điểm, chí hướng để phát triển dự án khởi nghiệp là rất khó. Nên chúc bạn may mắn nhé!
Mất gì khi khởi nghiệp?
Bạn sẽ mất gần như tất cả những gì bạn có thể nghĩ ra được. Nếu bạn tham gia vào giới khởi nghiệp và lắng nghe câu chuyện của những Founder khác, bạn sẽ thấy khởi nghiệp sẽ mất rất nhiều thứ:
- Tình cảm gắn kết gia đình
- Mất người yêu, vợ, chồng
- Mất tiền, mất mối quan hệ, mất thời gian, mất công sức
Và đánh đổi rất nhiều thứ nữa chỉ để nhận ra mình đang cạnh tranh cho vị trí 1/10 doanh nghiệp startup có thể sống “lê lết” qua 1, 2 năm đầu tiên.
Vì thế, chúc bạn sẽ đánh đổi ít nhất có thể nhưng vẫn thành công nhé!
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN TINO
- Trụ sở chính: L17-11, Tầng 17, Tòa nhà Vincom Center, Số 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Văn phòng đại diện: 42 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: 0364 333 333
Tổng đài miễn phí: 1800 6734 - Email: sales@tino.org
- Website: www.tino.org