Thị trường xuất nhập khẩu ngày càng sôi động kéo theo nhu cầu về Logistics tăng lên đáng kể. Nhằm tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc, rất nhiều doanh nghiệp đã nhờ đến Forwarder hỗ trợ vận chuyển hàng hóa. Vậy cụ thể Forwarder là gì trong Logistics? Vai trò của Forwarder như thế nào? Các bạn hãy cùng Tino Group tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Forwarder là gì trong Logistics?
Định nghĩa Forwarder
Freight Forwarder hay Forwarder là thuật ngữ chỉ người (hoặc công ty) làm nghề giao nhận vận tải. Hiểu đơn giản, đây là một bên trung gian chuyên nhận vận chuyển hàng của của một doanh nghiệp hoặc gộp nhiều lô hàng nhỏ thành những lô hàng lớn hơn, sau đó, họ sẽ thuê vận tải (hãng tàu, hãng hàng không) vận chuyển từ điểm xuất phát tới địa điểm đích.
Ví dụ: Một công ty ở TP. HCM muốn xuất khẩu 1 container 40 tấn hàng than củi sang Incheon (Hàn Quốc) và muốn thuê Forwarder. Các bên sẽ tiến hành ký hợp đồng vận tải nhận chuyển lô hàng này. Sau đó, Forwarder sẽ tìm hãng tàu nào phù hợp để thuê vận chuyển lô hàng tới cảng đích.
Ngoài các tuyến quốc tế, cũng có các dịch vụ vận chuyển chỉ diễn ra trên tuyến nội địa. Hàng hóa được đóng trong container rồi vận chuyển từ phía Bắc qua cảng Hải Phòng, đưa vào phía Nam qua cảng Sài Gòn hoặc ngược lại.
Forwarder sẽ chịu trách nhiệm trong xuyên suốt quá trình vận chuyển, từ lúc tiếp nhận hàng đến lúc đến đích an toàn. Về mặt dịch vụ, đây là một đơn vị “cò” rất hữu ích cho các khách hàng muốn vận chuyển hàng số lượng lớn lẫn những chủ hàng nhỏ.
Vai trò của Forwarder trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa
Thông qua các mối liên kết, Forwarder đóng vai trò quan trọng giúp việc vận chuyển hàng hóa từ nơi xuất phát đến nơi nhận diễn ra thuận lợi. Vai trò cụ thể của Forwarder như sau:
- Xử lý thủ tục xuất nhập khẩu nhanh chóng. Với nghiệp vụ chuyên môn, Forwarder sẽ hiểu rõ các bước cần xử lý cho những lô hàng xuất nhập khẩu giúp hàng hoá được giao đúng tiến độ.
- Nhờ có sự liên kết một mạng lưới hãng tàu và nhà vận chuyển rộng lớn, Forwarder sẽ dễ dàng chọn ra phương án vận chuyển phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Nếu không có Forwarder, doanh nghiệp sẽ phải mất rất nhiều thời gian để làm điều đó.
- Forwarder có thể thương lượng để nhận được mức giá ưu đãi từ các hãng vận chuyển. Điều mà người không chuyên sẽ khó tự thực hiện được và đôi khi dễ bị “hớ” khi mặc cả cước phí.
- Các Forwarder có khả năng thu xếp nhiều lô hàng nhỏ để đóng ghép (consolidate) và vận chuyển tới địa điểm đích, nhờ vậy các chủ hàng nhỏ sẽ tiết giảm chi phí đáng kể.
- Hỗ trợ doanh nghiệp làm việc với các nhà vận chuyển quốc tế để quá trình giao nhận hàng hoá diễn ra nhanh chóng, đúng kế hoạch.
Một số dịch vụ khác của Forwarder
- Forwarder thay mặt doanh nghiệp/chủ hàng thực hiện tất cả các thủ tục thông quan và đóng thuế.
- Cung cấp dịch vụ lưu trữ và quản lý hàng tồn kho
- Cung cấp dịch vụ quản lý hồ sơ, chứng từ, giấy tờ như vận đơn, giấy phép xuất nhập hàng hóa hay chứng nhận về xuất xứ nguồn gốc
- Hỗ trợ tư vấn về lĩnh vực thương mại quốc tế và thanh toán quốc tế, chẳng hạn như hợp đồng, pháp luật, thanh toán,…
Các vị trí công việc liên quan đến Forwarder
- Sales Forwarder: Vị trí này có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng tiềm năng, tư vấn các dịch vụ của công ty và hỗ trợ các khách hàng về cước phí, tuyến đường, lịch trình tàu của đơn hàng do mình phụ trách.
- Nhân viên chứng từ: Chịu trách nhiệm chính về chứng từ xuất nhập khẩu, đảm nhiệm công việc thu thập, bổ sung hồ sơ chứng từ có liên quan để giúp hàng hoá thông quan thuận lợi.
- Nhân viên thông quan: Phụ trách việc khai báo hải quan để đảm bảo rằng hàng hoá sẵn sàng để vận chuyển cho khách hàng nhanh nhất.
- Nhân viên giao nhận xuất nhập khẩu: Đảm nhận việc book tàu, chịu trách nhiệm tập kết hàng ở cảng và các kho hàng lẻ, cập nhật tình hình thông quan hàng hoá và tiến độ giao hàng cho khách hàng.
- Nhân viên quản lý vận tải đường bộ: Phụ trách quản lý các vấn đề liên quan đến vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ như xe tải, xe container, tập kết hàng, bốc dỡ hàng,…
Mức lương của Forwarder là bao nhiêu?
Mức lương trung bình của một Forwarder là từ 6 – 8 triệu/tháng. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm sẽ khởi điểm ở mức khoảng 4 – 5 triệu/tháng. Cao nhất là 15 – 20 triệu/tháng cho những người có năng lực và nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.
Mỗi vị trí trong Forwarder sẽ có những nhiệm vụ khác nhau, chẳng hạn chuyên về lo giấy tờ hải quan hay thủ tục tại cảng, kho bãi, làm việc với bên vận chuyển,… Do đó, mức lương cũng vì thế mà khác nhau nhưng nhìn chung vẫn khá lý tưởng trong bối kinh nền kinh tế hội nhập như hiện nay.
Yêu cầu cơ bản để trở thành một Forwarder
Về kiến thức
Đối với công việc của Forwarder, một số nhà tuyển dụng lại ưu tiên những bạn có kinh nghiệm thực tế hơn. Tuy nhiên, việc sở hữu bằng cấp ở các ngành liên quan Logistics sẽ là một lợi thế lớn giúp bạn có cơ hội làm việc ở vị trí có trình độ cao hơn.
Về kỹ năng mềm
Công việc Forwarder chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những kỹ năng mềm của bạn. Bao gồm:
- Kỹ năng giao tiếp
- Khả năng giải quyết vấn đề
- Kỹ năng tổ chức và lập kế hoạch
- Khả năng làm việc theo nhóm
- Có kiến thức địa lý tốt
- Tính linh hoạt, khả năng thích ứng khi hoàn cảnh thay đổi
- Tính tỉ mỉ, biết quan sát và tư duy tốt
- Kỹ năng tin học và ngoại ngữ
Một số tiêu chí để lựa chọn Forwarder cho doanh nghiệp
- Kinh nghiệm và tuyến dịch vụ của Forwarder đối với loại hàng của bạn. Chẳng hạn như khi cần vận chuyển hàng đông lạnh sang châu Âu, bạn phải xem các Forwarder này có kinh nghiệm với hàng lạnh trên tuyến này hay không.
- Các dịch vụ phụ trợ và chi phí mà bên Forwarder tính cho bạn.
- Tận tình giải đáp cho bạn về quá trình cung cấp dịch vụ không. Điều này rất hữu ích khi bạn là người mới tham gia vào lĩnh vực xuất nhập khẩu.
- Các điều khoản về thương mại quốc tế, đặc biệt là những điều khoản phổ biến như: FOB, CIF, CNF, DDU…
- Các bên có liên kết với Forwarder như: hãng tàu (hàng không), cảng, hải quan, kiểm dịch, CFS/Depot…
- Khả năng hỗ trợ chứng từ vận tải, ngoại thương như: Vận đơn, Packing List, Cargo Manifest, Hợp đồng thương mại, C/O, L/C
Trên đây là tất cả những thông tin về Forwarder. Hy vọng bạn sẽ tham khảo để biết thêm một kiến thức mới trong ngành Logistics cũng như có sự chuẩn bị tốt nhất để theo đuổi nghề này. Chúc bạn thành công!
Những câu hỏi thường gặp
Forwarder và Logistics khác nhau như thế nào?
Các công ty làm về Forwarder thường tự nhận mình đang làm Logistics, Logistics thuê ngoài hoặc Logistics bên thứ ba (3PL). Chính điều này đã gây ra sự nhầm lẫn giữa 2 khái niệm.
Về cơ bản, Forwarder hay Giao nhận vận tải là dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ địa điểm này đến địa điểm khác (thông qua một hay nhiều phương thức vận chuyển). Trong khi đó, lĩnh vực Logistics bao gồm vận chuyển, lưu kho, quản lý hàng tồn …và có thể cung cấp cả dịch vụ Forwarder nữa.
Tại sao nghề Forwarder chỉ mới nổi lên gần đây ở Việt Nam?
Nhiều người cho rằng, Freight cũng chỉ là một dạng “cò” đứng giữa để ăn chênh lệch. Điều này cũng đã phản ánh được ít nhiều thực trạng của các công ty Forwarder ở Việt Nam. Những công ty này thường có quy mô nhỏ, dễ thành lập nhưng cũng dễ giải thể, đôi khi được lập ra phục vụ một vài mối hàng nào đó.
Có những công ty Forwarder lớn nào ở Việt Nam?
Không phải là tất cả các công ty Forwarder ở Việt Nam đều nhỏ. Nước ta cũng có nhiều công ty kinh doanh khá thành công trong lĩnh vực này, chẳng hạn như Vinatrans, Sotrans, Vinalink Logistics , Vitranimex…đều là những công ty uy tín và có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành.
Tìm nghề Forwarder ở đâu?
Lĩnh vực Logistics trên đà phát triển nên nghề Forwarder đang được tuyển rộng rãi. Bạn có thể truy cập vào các nền tảng tuyển dụng trực tuyến như: TopCV, Indeed, Careerbuilder, Vietnamwork, Tìm Việc Nhanh, Vieclam24h,…
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo trong các Group tuyển dụng nhân viên Logistics trên Facebook để ứng tuyển công việc phù hợp.