Thông thường, các thông tin về địa chỉ, cách thức liên hệ hoặc liên kết mạng xã hội sẽ được đặt bên dưới cùng của một website. Vị trí này được gọi là Footer hay chân trang. Đây là phần rất quan trọng vì có thể giúp mang lại sự uy tín cho thương hiệu cũng như cơ hội chuyển đổi khách hàng. Vậy cụ thể Footer của trang web là gì? Các bạn hãy cùng Tino Group tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Tổng quan về Footer của trang web
Footer của trang web là gì?
Footer hay chân trang là vị trí cuối cùng của một website. Vai trò của Footer là đánh dấu điểm kết thúc của bố cục trang web, đồng thời cung cấp cho khách hàng những thông tin quan trọng như:
- Giới thiệu sơ về cửa hàng/doanh nghiệp
- Thông tin về tuyển dụng
- Văn phòng đại diện và các chi nhánh của cửa hàng/doanh nghiệp
- Các thương hiệu cùng tập đoàn
- Các sản phẩm chính được gắn link để chuyển hướng đến danh mục cụ thể
- Các liên kết mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Youtube, Zalo,…
- Hình thức liên hệ: Hotline, email, giờ làm việc…
- Điều khoản sử dụng, chính sách bảo hành/đổi trả.
- Bản đồ chỉ dẫn đến vị trí cửa hàng/doanh nghiệp.
- Chứng nhận của Bộ công thương
- Cổng thanh toán: Momo, VNPAY, Visa/Mastercard, Paypal,…
Dưới đây là Footer của TinoHost:
Nhìn chung, Footer có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là nơi tổng hợp tất cả những thông tin cần thiết mà hầu hết các khách hàng muốn tìm hiểu. Tuy nhiên, do vị trí hiển thị không được “đắc địa” như các thành phần khác nên nhiều người không thực sự quan tâm đến Footer. Nếu biết tận dụng khu vực này, phần Footer sẽ giữ chân được khách hàng ghé thăng website và tạo ra chuyển đổi cho doanh nghiệp.
Footer website cần đảm bảo được yếu tố nào?
Đảm bảo bố cục rõ ràng
Bố cục của phần Footer phải có tổ chức, mỗi thông tin phải được sắp xếp ở vị trí hợp lý, thể hiện tổng quan các nội dung cơ bản của website. Đồng thời, bố cục này phải có sự khoáng đạt để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Đảm bảo độ tin cậy và chuyên nghiệp
Các thông tin ở Footer cần thể hiện tính chuyên nghiệp và độ tin cậy cao của website với khách hàng. Bạn có thể tích hợp nút CTA liên kết với số hotline, tích hợp Google Maps chỉ đường đến cửa hàng, mã số thuế, người đại diện,…
Chỉ như vậy mới khiến khách hàng thực hiện những hành động cụ thể tiếp theo, chẳng hạn như tìm hiểu thông tin kỹ hơn, liên lạc tư vấn, giao dịch,…
Đảm bảo tính thẩm mỹ
Trước hết, Footer cần đảm bảo sự tương đồng về phong cách thiết kế với phần đầu trang (Header) và sự hài hòa so với tổng thể trang web. Các thành phần cần được chú trọng gồm có kích thước, bảng phối màu, phông chữ,…
Phù hợp với ngành nghề và phong cách của doanh nghiệp
Mỗi lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động sẽ có những phong cách thiết kế web khác nhau. Do đó, bạn cần đảm bảo thiết kế Footer phù hợp phong cách mà doanh nghiệp đang định hướng.
Những lưu ý để thiết kế Footer trang web chất lượng
Lựa chọn những nội dung cần thiết nhất
Để khách hàng có thể khái quát toàn bộ thông tin cơ bản của website, bạn cần lựa chọn những nội dung được cho là cần thiết nhất, giúp khách hàng sau khi kéo xuống sẽ tìm được những gì họ muốn. Đặc biệt, bạn hãy nhớ gắn link cho từng nội dung để khách hàng có thể truy cập nhanh chóng.
Icon mạng xã hội
Thông thường, vị trí mạng xã hội trên Footer website rất được mọi người quan tâm. Vì sau khi khám phá trang web, họ có xu hướng tìm đến các Fanpage, kênh YouTube,…để xem những nội dung khác, đồng thời kiểm chứng bạn có chuyên nghiệp hay không.
Do đó, bạn hãy gắn icon mạng xã hội vào Footer để vừa tạo tính thẩm mĩ vừa giúp khách hàng dễ dàng tương tác trên các kênh online này.
Thiết kế Footer kết hợp hình ảnh
Chèn những bức ảnh đẹp về doanh nghiệp, nhân viên hay hoạt động của doanh nghiệp ở Footer website là một ý tưởng tuyệt vời để quảng bá doanh nghiệp theo cách chân thực nhất. Ví dụ, nếu bạn muốn quảng bá tinh thần đoàn kết, sự chuyên nghiệp thì hãy thử đưa một bức ảnh đội ngũ nhân viên vui tươi mặc đồng phục.
Nhờ bức ảnh sinh động cụ thể, khách hàng sẽ có cái nhìn trực quan và sâu sắc với doanh nghiệp của bạn. Lựa chọn những bức ảnh đúng thông điệp muốn truyền tải còn giúp doanh nghiệp tạo sự uy tín và ấn tượng khó phai trong tâm trí của khách hàng.
Đăng ký hoặc thông báo website để có chứng nhận của Bộ công thương
Các trang web đã được đăng ký/thông báo sẽ được gắn logo cùng với link dẫn về website chính thức của Bộ Công Thương. Logo của Bộ ở dưới Footer là minh chứng cho việc website đã đủ điều kiện để kinh doanh trực tuyến. Điều đó sẽ giúp khách hàng cảm thấy an tâm hơn khi chọn sử dụng các sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.
Như vậy, Tino Group vừa giúp bạn nắm được một số thông tin cơ bản về cũng như những lưu ý để thiết kế Footer tối ưu. Hy vọng qua bài viết trên, bạn sẽ quan tâm nhiều hơn đến phần Footer của trang web để mang lại hiệu quả trong việc chuyển đổi khách hàng.
Những câu hỏi thường gặp
Chỉnh sửa Footer có dễ không?
Nếu bạn chỉ là quản trị viên website thông thường, việc chỉnh sửa Footer cho website khá phức tạp. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn với những người chuyên thiết kế web.
Vì vậy, nếu có nhu cầu chỉnh sửa Footer cho website của mình, bạn hãy nhờ sự hỗ trợ của đơn vị thiết kế web hoặc những người có am hiểu về lập trình web để tiết kiệm thời gian.
Đâu là thành phần giúp Footer nổi bật?
Các thành phần chính làm Footer nổi bật, ấn tượng với khách hàng gồm: icon mạng xã hội, địa chỉ và bản đồ, số hotline và chứng nhận của Bộ công thương.
Làm sao để đăng ký website và nhận logo từ Bộ công thương?
Bạn hãy truy cập vào địa chỉ: http://online.gov.vn/ để đăng ký website miễn phí với Bộ công thương.
Tham khảo bài viết Quy trình đăng ký website với Bộ công thương để biết thêm chi tiết.
Header của website là gì?
Header là phần trên cùng của trang web. Đây là phần hiển thị đầu tiên khi bạn truy cập vào một trang web bất kỳ.
Một Header thường có các yếu tố sau:
- Các thông tin cơ bản như logo, tên doanh nghiệp, slogan, linh vật, ảnh giới thiệu… và màu sắc chủ đạo của doanh nghiệp
- Các danh mục sản phẩm/dịch vụ và mục trang chủ.
- Các trang mạng xã hội quan trọng.
- Thông tin liên hệ cơ bản.
- Ô tìm kiếm.