Trong thế giới SEO đầy cạnh tranh, việc sở hữu nội dung chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để thành công. Tuy nhiên, chỉ có nội dung tốt thôi là chưa đủ. Google còn sử dụng một hệ thống đánh giá độc đáo để xác định mức độ tin cậy và chuyên môn của trang web, đó chính là EAT. Vậy cụ thể EAT là gì? Tầm quan trọng của EAT đối với SEO như thế nào? Các bạn hãy cùng TinoHost tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
EAT là gì?
Định nghĩa EAT
EAT là viết tắt của:
- Expertise (Chuyên môn)
- Authoritativeness (Thẩm quyền)
- Trustworthiness (Độ tin cậy)
Đây là hệ thống đánh giá chất lượng nội dung được Google sử dụng để xác định mức độ tin cậy và chuyên môn của trang web.
EAT lần đầu xuất hiện trong Google’s Search Quality Rater Guidelines vào năm 2014 – một tài liệu trực tuyến gồm 168 trang được Google xuất bản để giúp những người làm SEO hiểu những gì Google tìm kiếm trên một trang web. Sau đó, EAT dần dần trở thành một trong những khía cạnh quan trọng nhất của SEO.Hệ thống đánh giá này đóng vai trò đặc biệt trong thuật toán xếp hạng của Google, ảnh hưởng gián tiếp đến thứ hạng của website trong kết quả tìm kiếm.
Chi tiết về các yếu tố trong hệ thống EAT
Expertise (Chuyên môn)
Chuyên môn yêu cầu bạn phải có đủ trình độ để chia sẻ về một lĩnh vực. Trong hệ thống EAT, chuyên môn là mức độ kiến thức và kỹ năng của tác giả hoặc trang web trong lĩnh vực liên quan. Đối với người đọc, họ có xu hướng đánh giá người cung cấp nội dung hơn chính nội dung đó và Google cũng muốn tìm kiếm nội dung được tạo bởi một chuyên gia về chủ đề cụ thể.
Các yếu tố đánh giá chuyên môn bao gồm:
- Trình độ học vấn và kinh nghiệm của tác giả.
- Tác giả có được công nhận bởi cộng đồng trong lĩnh vực liên quan hay không.
- Nội dung được trình bày có chính xác, cập nhật và đầy đủ hay không.
- Nội dung có được trình bày một cách khoa học, logic và dễ hiểu hay không.
Tuy nhiên, đối với các chủ đề về YMYL (Your Money or Your Life) (chủ đề có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc, sức khỏe, sự ổn định tài chính hoặc sự an toàn trong tương lai của một người), Google sẽ đánh giá cao cái gọi là “everyday expertise” (chuyên môn hằng ngày). Ví dụ với truy vấn “cảm giác bị ung thư như thế nào?”. Một người đang sống chung với căn bệnh này sẽ trả lời câu hỏi tốt hơn là một bác sĩ có trình độ và nhiều năm kinh nghiệm.
Authoritativeness (Thẩm quyền)
Authoritativeness (Thẩm quyền) là yếu tố cốt lõi tiếp theo của hệ thống EAT được Google sử dụng để đánh giá chất lượng của trang web. Thẩm quyền thể hiện mức độ uy tín và được công nhận của trang web trong cộng đồng.
Các yếu tố đánh giá thẩm quyền bao gồm:
- Số lượng và chất lượng backlink từ các trang web uy tín là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá thẩm quyền. Google sẽ xem xét các yếu tố như độ tin cậy của trang web backlink, sự liên quan của backlink với nội dung trang web và anchor text của backlink.
- Việc được giới thiệu bởi các trang web tin tức uy tín hoặc các tổ chức chuyên ngành có thể giúp tăng cường thẩm quyền cho trang web của bạn,
- Mức độ hoạt động của trang web trên mạng xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến thẩm quyền. Google sẽ xem xét số lượng người theo dõi, mức độ tương tác của người dùng với nội dung trang web trên mạng xã hội.
Trang web có thẩm quyền cao sẽ có khả năng xếp hạng cao hơn cho các từ khóa liên quan. Ví dụ:
- Wikipedia: Một nguồn thông tin tốt được Google đề xuất
- Amazon: Nhà bán lẻ trực tuyến dành cho người bán và người tiêu dùng trên toàn cầu
- WebMD: Nguồn thông tin và tin tức về sức khỏe và y tế hàng đầu
Ngoài ra, thẩm quyền cũng có thể giúp tăng lượng truy cập tự nhiên và tỷ lệ chuyển đổi cho website.
Trustworthiness (Độ tin cậy)
Độ tin cậy thể hiện mức độ tin cậy của trang web và nội dung được cung cấp. Các yếu tố đánh giá bao gồm:
Thông tin liên hệ:
- Trang web có thông tin liên hệ rõ ràng và minh bạch là yếu tố quan trọng để đánh giá độ tin cậy.
- Google sẽ xem xét thông tin liên hệ có đầy đủ hay không, bao gồm tên, địa chỉ, email, số điện thoại.
Chính sách bảo mật:
- Google sẽ xem xét trang web có chính sách bảo mật rõ ràng và bảo vệ thông tin người dùng hay không.
- Chính sách bảo mật cần nêu rõ cách thức thu thập, sử dụng và bảo mật thông tin người dùng.
Tính chính xác:
- Google sẽ xem xét nội dung trên trang web có được cung cấp một cách chính xác và khách quan hay không.
- Nội dung cần được cập nhật thường xuyên và dựa trên các nguồn tin uy tín. Trang web cần nêu rõ ai là người viết nội dung, nội dung được tài trợ bởi ai (nếu có).
Đánh giá của người dùng:
Google cũng sẽ xem xét đánh giá của người dùng về trang web, bao gồm bình luận, phản hồi và xếp hạng.
Trang web của bạn phải đáng tin cậy, đặc biệt nếu có nội dung YMYL. Đây là loại nội dung có thể tác động trực tiếp đến người đọc nên cần đảm bảo tính tin cậy 100%. Đó có thể là nội dung về các trường hợp khẩn cấp, tin tức, sự kiện thời sự, an toàn, sơ cứu, tình trạng tội phạm đang diễn ra, cháy rừng, đơn thuốc,…
EAT có phải là yếu tố để đánh giá xếp hạng không?
Theo Tweet của Danny Sullivan, Giám đốc Quan hệ Công chúng của Google về Tìm kiếm vào năm 2019, EAT không phải là yếu tố trực tiếp đánh giá xếp hạng của trang web.
Tương tự, chuyên gia SEO Grant Simmons – diễn giả, tác giả, nhà tư vấn và chiến lược gia SEO cũng khẳng định trên Twitter rằng: “EAT không phải là một hệ thống điểm được sử dụng cho thuật toán tìm kiếm”.
Yếu tố xếp hạng cần phải dễ hiểu đối với máy tính. Các thuật toán của Google dựa trên những tín hiệu có thể được máy móc hiểu và phân tích. Ví dụ, số lượng backlink đến một trang là một yếu tố rõ ràng và có thể đo lường được. Máy tính sẽ dễ dàng đếm backlink và xếp hạng các trang cho phù hợp.
Trong khi đó, EAT là hướng dẫn mà Google sử dụng để xác định nội dung nào có chất lượng cao và nên được xếp hạng cao hơn. Vì vậy, mặc dù nó không phải là yếu tố xếp hạng trực tiếp nhưng EAT có thể có tác động gián tiếp đến thứ hạng tìm kiếm tổng thể của bạn.
Mặt khác, thuật toán của Google đang được điều chỉnh để xếp hạng tốt hơn cho các trang web tuân thủ EAT so với các trang web chất lượng thấp không tuân thủ.
Dù không phải là yếu tố đánh giá xếp hạng nhưng tại sao EAT lại quan trọng trong SEO?
Tăng độ tin cậy và chuyên môn cho trang web
EAT giúp Google đánh giá mức độ tin cậy và chuyên môn của trang web, từ đó quyết định mức độ hiển thị của website trong kết quả tìm kiếm. Trang web có tuân thủ EAT sẽ được Google ưu tiên hiển thị hơn, giúp tăng khả năng thu hút người dùng truy cập.
Cải thiện trải nghiệm người dùng
EAT giúp Google cung cấp kết quả tìm kiếm phù hợp và hữu ích cho người dùng, từ đó nâng cao trải nghiệm của họ. Khi đó, người dùng sẽ có xu hướng tin tưởng và quay lại website này, giúp tăng lượng truy cập tự nhiên và tỷ lệ chuyển đổi.
Giảm nguy cơ bị phạt bởi Google
Google có thể phạt các trang web không tuân thủ EAT vì cung cấp nội dung chất lượng thấp hoặc không đáng tin cậy. Việc tuân thủ các nguyên tắc EAT có thể giúp giảm nguy cơ bị phạt, đảm bảo website hoạt động ổn định và hiệu quả.
Tăng cường uy tín thương hiệu
EAT góp phần xây dựng uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, giúp tăng nhận thức và lòng tin của khách hàng. Trang web tuân thủ EAT sẽ được đánh giá cao bởi cộng đồng và các tổ chức uy tín, từ đó nâng cao vị thế thương hiệu.
Trong môi trường SEO cạnh tranh cao, việc tối ưu hóa EAT sẽ giúp website nổi bật và thu hút hơn so với các đối thủ.
Cách cải thiện EAT cho website của bạn
Cho khách truy cập biết bạn là ai
Ba nguyên tắc cốt lõi của EAT đều hướng đến việc Google muốn biết ai là người tạo nội dung và liệu người đó có phải là nguồn đáng tin cậy cho thông tin này hay không.
Trang Giới thiệu một cách đơn giản để thiết lập chuyên môn, uy tín và độ tin cậy cho website của bạn. Tại đây, hãy nêu bật chuyên môn và kinh nghiệm của bạn trong lĩnh vực liên quan. Đồng thời, hiển thị hình ảnh và thông tin liên hệ chi tiết
Làm việc với các chuyên gia để tạo nội dung đáng tin cậy
Google không chỉ muốn nội dung hay mà còn muốn nội dung được viết bởi người biết họ đang nói về điều gì.
Hãy hợp tác với các chuyên gia trong lĩnh vực của bạn là một cách hiệu quả để nâng cao độ tin cậy và chuyên môn của nội dung website. Họ có thể hiểu rõ nhu cầu và sở thích của đối tượng mục tiêu từ đó cung cấp những thông tin chi tiết và chuyên sâu mà bạn không thể tìm thấy từ các nguồn thông tin thông thường.
Ngoài ra, việc gắn tên của một chuyên gia uy tín vào nội dung của bạn có thể giúp thu hút nhiều người đọc hơn. Ví dụ: Nếu trang của bạn viết về chủ đề sức khỏe, bạn có thể hợp tác với một người làm trong lĩnh vực y (dược sĩ, bác sĩ) và đưa ra trích dẫn của họ trong nội dung bạn viết.
Làm rõ mục đích nội dung của bạn
Trước khi bắt đầu viết bất kỳ nội dung nào, hãy dành thời gian để xác định rõ mục đích của nội dung đó. Khi đã xác định được mục đích, bạn có thể bắt đầu xây dựng dàn bài và viết nội dung theo hướng phù hợp. Lưu ý:
- Sử dụng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu.
- Cung cấp thông tin chính xác và hữu ích cho người đọc. Sử dụng các nguồn tin uy tín để tham khảo và dẫn chứng.
- Sử dụng các hình ảnh, video và infographic để minh họa cho nội dung.
- Chia nội dung thành các đoạn ngắn và dễ đọc.
- Kết thúc nội dung bằng lời kêu gọi hành động.
Liên kết tới các nguồn uy tín
Liên kết đến các nguồn chất lượng là một yếu tố quan trọng để xây dựng EAT. Google đánh giá cao các trang web có liên kết đến các nguồn uy tín và đáng tin cậy. Cách thực hiện như sau:
- Sử dụng các công cụ tìm kiếm như Google Scholar, PubMed, hoặc ScienceDirect để tìm kiếm các bài báo khoa học và tài liệu nghiên cứu.
- Tìm kiếm các trang web của các tổ chức uy tín như chính phủ, trường đại học hoặc hiệp hội chuyên ngành.
- Tham khảo các bài báo và blog được viết bởi các chuyên gia trong lĩnh vực của bạn.
- Sử dụng văn bản mô tả liên kết (anchor text) phù hợp và chính xác. Chỉ liên kết đến các trang web có liên quan đến nội dung của bạn.
- Sử dụng các công cụ như Ahrefs hoặc SEMrush để tìm kiếm các trang web có liên quan và uy tín.
- Sử dụng các công cụ như Moz Pro hoặc Link Juice Tool để phân tích chất lượng của các liên kết.
Đánh giá chất lượng của nguồn:
- Xác định xem tác giả của nội dung có phải là chuyên gia trong lĩnh vực hay không.
- Kiểm tra xem nội dung có được cập nhật và chính xác hay không.
- Đánh giá xem nội dung có được viết một cách khách quan và không thiên vị hay không.
Tạo backlinks chất lượng
Viết nội dung chất lượng cao là yếu tố quan trọng nhất để thu hút backlinks tự nhiên. Nội dung của bạn cần phải chính xác, hữu ích và phù hợp với nhu cầu của người dùng. Khi bạn cung cấp nội dung chất lượng cao, người dùng sẽ tự động chia sẻ và liên kết đến trang web của bạn.
Tham gia vào các diễn đàn, nhóm Facebook hoặc cộng đồng trực tuyến liên quan đến lĩnh vực của bạn. Tai đây, bạn có thể chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của bạn với cộng đồng và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các thành viên. Khi bạn có đủ uy tín trong, người dùng sẽ có nhiều khả năng liên kết đến trang web của bạn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ với các trang web uy tín trong lĩnh vực của bạn và đề xuất viết bài Guest Blogging. Đây là một cách hiệu quả để tiếp cận đối tượng mục tiêu mới và thu hút backlinks chất lượng cao.
Lưu ý:
- Chỉ đặt backlink trên các website uy tín và có liên quan đến lĩnh vực của bạn. Tránh đặt backlink trên các website spam hoặc có chất lượng thấp.
- Sử dụng các công cụ như SEMrush hoặc Ahrefs để theo dõi backlinks của bạn. Các công cụ này giúp bạn xác định các backlinks chất lượng cao và loại bỏ các backlinks xấu.
EEAT là gì? Tại sao Google bổ sung thêm “E” vào EAT?
EEAT là hệ thống EAT được bổ sung thêm Experience (Kinh nghiệm).
Trước đây, Google chỉ sử dụng EAT để đánh giá chất lượng trang web. Tuy nhiên, họ nhận thấy rằng cần phải có thêm một yếu tố để đánh giá mức độ phù hợp của nội dung với người dùng. Do đó, Google đã bổ sung thêm E (Experience) vào EAT để đánh giá kinh nghiệm trực tiếp của tác giả về một chủ đề cụ thể.
Trong Nguyên tắc cơ bản của Google Tìm kiếm, Experience được Google mô tả như sau:
“Hãy cân nhắc xem người tạo nội dung có kinh nghiệm trực tiếp hoặc trải nghiệm sống cần thiết cho chủ đề đó hay không. Nhiều trang web được tin tưởng và đạt được mục đích khi được tạo ra bởi những người có nhiều kinh nghiệm cá nhân. Ví dụ, bạn sẽ tin tưởng điều gì: một bài đánh giá sản phẩm từ người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm đó hay một ‘đánh giá’ từ người chưa từng dùng?“
Google đánh giá kinh nghiệm của tác giả thông qua các yếu tố như:
- Tác giả đã từng viết về chủ đề này trước đây hay chưa?
- Tác giả có bằng cấp hoặc chứng chỉ liên quan đến chủ đề này hay không?
- Tác giả có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này hay không?
Như vậy, Google bổ sung thêm Experience vào EAT vì một số lý do sau:
- Google muốn đảm bảo rằng nội dung được tạo ra bởi những người có kinh nghiệm và hiểu biết thực tế về chủ đề họ đang viết.
- Google muốn người dùng dễ dàng tìm thấy nội dung chất lượng cao được tạo ra bởi các chuyên gia trong lĩnh vực của họ.
- Google có thể sử dụng thông tin về Experience của tác giả để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của nội dung và xếp hạng chúng phù hợp với các truy vấn tìm kiếm của người dùng cũng như phù hợp với nhu cầu và sở thích của các nhóm người dùng khác nhau.
- Google muốn đảm bảo rằng người dùng có thể tìm thấy nội dung từ nhiều tác giả với nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm khác nhau.
- Google muốn đảm bảo rằng kết quả tìm kiếm sẽ không thiên vị cho các tác giả có nhiều kinh nghiệm hoặc nổi tiếng hơn.
Kết luận
EAT là một yếu tố quan trọng trong việc SEO website. Dù không phải là hệ thống xếp hạng trực tiếp nhưng Google sẽ sử dụng EAT để đánh giá chất lượng và độ tin cậy của một trang web, từ đó ảnh hưởng đến thứ hạng của trang web trong kết quả tìm kiếm.
Cải thiện EAT của là một quá trình lâu dài và cần sự kiên trì. Bằng cách tập trung vào việc cung cấp nội dung chất lượng cao, xây dựng backlinks chất lượng và xây dựng uy tín cho trang web, bạn có thể nâng cao EAT và thu hút nhiều người truy cập hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Neil Patel. (2023, July 21). What Is E-E-A-T?, NeilPatel. https://neilpatel.com/blog/what-is-e-e-a-t/
- Jacky Chou. (2024, March 2). What is EAT in SEO? How to Get a High Google E-E-A-T Score, Indexsy. https://indexsy.com/eat-in-seo/
- Joshua Hardwick. (2020, March 17). What is E-A-T? Why It’s Important for SEO, Ahrefs. https://ahrefs.com/blog/eat-seo/#is-eat-a-ranking-factor
- Anna Crowe. (2021, September 19). What Exactly Is E-A-T & Why Does It Matter to Google?, SearchEngineJournal. https://www.searchenginejournal.com/google-eat/what-is-it/
- Laura Kelly. (2022, November 8). What is E-A-T and why is it important for SEO?, Readable. https://readable.com/blog/what-is-e-a-t-and-why-is-it-important-for-seo/
Những câu hỏi thường gặp
Có cách nào để gian lận EAT hay không?
Không có cách nào để gian lận EAT. Google có thể phát hiện các kỹ thuật SEO mũ đen và phạt các trang web sử dụng chúng. Cách tốt nhất để cải thiện EAT của trang web là tập trung vào việc cung cấp nội dung chất lượng cao và xây dựng uy tín cho trang web.
Có phải tất cả các loại nội dung đều cần phải tuân thủ EAT không?
Mức độ quan trọng của EAT có thể khác nhau tùy thuộc vào loại trang web và chủ đề của nội dung.
Tuy nhiên, EAT sẽ là một yếu tố rất quan trọng đối với các loại nội dung mà Google coi là “YMYL” (Your Money or Your Life), tức là nội dung có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính, hoặc hạnh phúc của người dùng.
Những loại nội dung như giải trí, văn hóa sẽ có lợi khi tuân thủ EAT, nhưng không cần thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt như trong trường hợp của YMYL.
Có những ví dụ nào về các trang web có EAT tốt?
Ví dụ về các trang web có EAT tốt gồm: WebMD, Amazon, The New York Times, National Geographic, Harvard Health Publishing,…
Làm thế nào để xác định mức độ EAT của một trang web?
Để xác định mức độ EAT của một trang web, bạn có thể:
- Đánh giá chất lượng và tính độc đáo của nội dung
- Nghiên cứu về tác giả hoặc người viết nội dung trên trang web. Tác giả có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ viết không?
- Phân tích uy tín của trang web thông qua backlinks, phản hồi của người dùng
- Sử dụng các công cụ đánh giá như: Google Search Console, SEMrush, Ahrefs, Moz Pro,…