Thị trường tiền mã hóa trong những năm gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ của DeFi, mở ra một loạt các cơ hội đầu tư mới mẻ và đầy tiềm năng. Một trong những lĩnh vực đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ của cộng đồng là Restaking, một giải pháp sáng tạo giúp tối ưu hóa lợi nhuận cho người nắm giữ tài sản tiền mã hóa. Bài viết này sẽ giới thiệu đến bạn top 5 dự án Restaking lớn nhất hiện nay.
Tóm tắt
Restaking hay Liquid Staking, là một phương thức stake tài sản tiền điện tử tiên tiến, cho phép người dùng kiếm thêm lợi nhuận bằng cách stake tài sản của họ trên nhiều giao thức khác nhau để duy trì tính thanh khoản. Người dùng nhận được token LST đại diện cho quyền sở hữu một phần tài sản stake của người dùng và giá trị được liên kết với giá trị của tài sản gốc. LST có thể được mang đi stake ở giao thức khác để kiếm thêm lợi nhuận, tạo ra hiệu ứng lợi nhuận kép.
Đôi nét về Restaking
Trước tiên, bạn cần hiểu khái niệm Proof of Stake (PoS). PoS là một thuật toán được sử dụng bởi một số mạng blockchain để đạt được sự đồng thuận phân tán. Cơ chế đồng thuận này yêu cầu người dùng khóa một phần token của họ làm tài sản thế chấp trong mạng lưới. Quy mô tài sản thế chấp của người dùng sẽ quyết định khả năng được chọn để xác thực giao dịch và tạo ra các khối (block) mới nhằm nâng cao bảo mật cho mạng lưới. Đổi lại, những người tham gia staking sẽ nhận được phần thưởng (thường được coi như lãi suất trên tài sản thế chấp của họ).
Restaking mở rộng mô hình staking truyền thống bằng cách giới thiệu một cơ chế cho phép các token nhận được từ staking – được gọi là Liquid Staking Tokens (LST) – có thể được tiếp tục sử dụng trong các nền tảng DeFi khác. Các LST này đại diện cho tài sản thế chấp và được thiết kế có tính linh hoạt, chúng có thể dễ dàng được giao dịch hoặc sử dụng trên nhiều nền tảng DeFi khác nhau.
Với mô hình Restaking, bạn có thể tái đầu tư LST vào các cơ hội tạo ra lợi nhuận khác mà không ảnh hưởng đến vị trí staking ban đầu của bạn, từ đó, cải thiện cả tính thanh khoản và thu nhập tiềm năng trong hệ sinh thái.
Để hiểu rõ hơn về Restaking cũng như cách hoạt động của mô hình này, bạn có thể tham khảo bài viết: Restaking là gì?
Phân biệt Staking, Liquid Staking vs Liquid Restaking
Những cải tiến nổi bật
Sự phát triển từ Staking truyền thống sang Liquid Staking và cuối cùng là Liquid Restaking phản ánh nỗ lực liên tục để tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn và tiềm năng lợi nhuận của tài sản blockchain:
- Staking truyền thống: Bao gồm việc khóa tiền điện tử để hỗ trợ bảo mật và hoạt động của mạng lưới. Phần thưởng là động lực chính.
- Liquid Staking: Mang đến một cách tiếp cận linh hoạt hơn bằng cách cung cấp cho những người tham gia các LST (Liquid Staking Token) dựa trên tài sản staking của họ, cho phép tiếp tục tham gia vào thị trường DeFi.
- Liquid Restaking: Xây dựng trên Liquid Staking bằng cách cho phép sử dụng LST vào các hoạt động tạo ra lợi nhuận khác. Người dùng có thể kiếm được phần thưởng kép – từ việc staking tài sản và sử dụng các token thanh khoản trong các hoạt động DeFi khác.
Sự khác biệt giữa Liquid Staking và Liquid Restaking
Mục tiêu
- Liquid Staking: Mục tiêu chính là tăng tính thanh khoản cho tài sản staking. Người dùng nhận được token LST đại diện cho tài sản đang được stake của họ, có thể được sử dụng trong các hoạt động DeFi khác nhau mà không cần phải hủy staking.
- Liquid Restaking: Mục tiêu chính là tăng hiệu quả sử dụng vốn và kích thích lợi nhuận. Người dùng tái đầu tư token LST của họ vào các cơ hội sinh lời khác trong hệ sinh thái DeFi, qua đó kiếm được lợi nhuận kép từ tài sản staking ban đầu.
Cách thức hoạt động
- Liquid Staking: Người dùng gửi tiền điện tử của họ vào một giao thức Liquid Staking. Giao thức sẽ cấp cho họ token LST tương ứng. Người dùng có thể tự do sử dụng token LST này trong các hoạt động DeFi khác nhau.
- Liquid Restaking: Người dùng gửi token LST của họ vào một giao thức Liquid Restaking. Giao thức sẽ tái đầu tư token LST này vào các cơ hội sinh lời khác trong hệ sinh thái DeFi, chẳng hạn như cho vay hoặc farming. Người dùng sẽ nhận được phần thưởng bổ sung từ các hoạt động này.
Top 5 dự án Restaking lớn nhất hiện nay
#1. Etherfi
Etherfi tận dụng sức mạnh thuật toán Proof-of-Stake của Ethereum để gia tăng tính bảo mật cho các mạng lưới và giao thức khác. Điểm nổi bật của Etherfi là cách tiếp cận sáng tạo, cho phép người dùng stake ETH và nhận lại eETH. eETH là token Liquid Restaking gốc trên Ethereum, giúp người dùng dễ dàng tham gia vào hệ sinh thái DeFi rộng lớn, đồng thời tối đa hóa lợi nhuận từ staking và restaking.
Bằng cách hợp tác với EigenLayer, Etherfi mở rộng khả năng của mình, cho phép những người stake ETH đóng góp vào việc xác thực các module phần mềm khác nhau dựa trên Ethereum, giúp thúc đẩy cơ sở hạ tầng mạng lưới phi tập trung và an toàn hơn.
Về mặt tài chính, vị thế của Etherfi được củng cố bởi vòng gọi vốn Series A trị giá 23 triệu USD, dẫn đầu bởi Bullish Capital và CoinFund. Điều này cho thấy niềm tin mạnh mẽ của thị trường vào giải pháp Liquid Restaking của họ. Thành tích về gọi vốn này diễn ra sau sự gia tăng đáng kể về TVL, từ 103 triệu USD lên 1,66 tỷ USD
Cam kết đổi mới và đóng góp vào lĩnh vực DeFi của Etherfi đã đưa họ trở thành một mắt xích quan trọng trong quá trình phát triển liên tục của hệ sinh thái Ethereum.
#2. EigenLayer
EigenLayer là một giao thức Restaking tiên phong được xây dựng trên mạng lưới Ethereum với TVL hiện tại hơn 12 tỷ USD, mở ra tiềm năng to lớn trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và củng cố bảo mật cho hệ sinh thái.
Nền tảng cho phép người dùng có thể stake ETH theo cách truyền thống hoặc stake thông qua các giao thức Liquid Staking Derivatives (LSD) và tiếp tục sử dụng Liquid Staking Tokens (LST) để Restaking trên các Smart Contract của nền tảng đó để kiếm thêm phần thưởng.
Nhìn chung, cơ chế của EigenLayer không chỉ giúp tăng cường bảo mật cho các dịch vụ mà còn cải thiện hiệu quả sử dụng vốn cho Staker, cho phép họ tận dụng cùng một nguồn vốn để kiếm phần thưởng từ nhiều giao thức khác nhau. Mô hình này mang đến giải pháp thống nhất để bảo mật các dịch vụ phi tập trung mà không cần khởi động một mạng lưới tin cậy mới.
#3. Puffer Finance
Puffer Finance đang nổi lên như một dự án quan trọng trong lĩnh vực Restaking. Đây là một giao thức Liquid Restaking gốc (Native Liquid Restaking Protocol – nLRP) phi tập trung được xây dựng trên nền tảng EigenLayer. Giao thức này kết hợp tính năng Staking truyền thống với Restaking gốc trên EigenLayer để tối ưu hóa tiềm năng của Ethereum cũng như tăng cơ hội sinh lời cho nhà đầu tư.
Bằng cách gửi ETH và nhận pufETH (LST) người dùng có thể hưởng lợi nhuận từ cả phần thưởng PoS và phần thưởng restaking. PufETH không chỉ đại diện cho phần thưởng PoS mà còn tích lũy giá trị theo thời gian khi các vé Validator mới được phát hành và phần thưởng Restaking được tích lũy.
Puffer Finance sử dụng công nghệ Secure Signe và Remote Attestation Verification (RAVe) để bảo vệ khóa riêng tư của các Validator giúp giảm thiểu rủi ro Slashing. Cách tiếp cận này còn giúp các Validator tham gia vào mạng lưới với các rào cản tối thiểu, họ chỉ cần ký quỹ 1 hoặc 2 ETH là được.
Chỉ trong vòng 13 ngày kể từ khi ra mắt, Puffer Finance đã thu hút hơn 850 triệu USD vào TVL, trở thành giao thức Liquid Staking lớn thứ 2 trên mạng lưới Ethereum.
#4. Renzo
Renzo đóng vai trò như một mảnh ghép quan trọng cho hệ sinh thái EigenLayer, giúp người dùng dễ dàng tham gia và tận dụng các lợi ích của nền tảng này. Kết hợp giữa Smart Contract và các node điều hành, Renzo cung cấp các chiến lược Restaking tự động, giúp người dùng dễ dàng quản lý tham gia staking ETH cũng như Restaking với ETH và LST.
Dự án hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao hơn so với staking ETH truyền thống bằng cách đơn giản hóa quy trình Restaking. Giao thức giúp loại bỏ các vấn đề phức tạp, cho phép người dùng cộng tác dễ dàng với các nhà vận hành node EigenLayer.
Sắp tới, Renzo sẽ ra mắt ezETH, một token đại diện cho vị trí ETH được Restake. ezETH có thể tích hợp với các nền tảng DeFi để sinh lời với nhiều loại tiền điện tử khác nhau. Ngoài ra, dự án cũng có kế hoạch triển khai một DAO để giám sát hoạt động và chiến lược của giao thức.
Renzo đã huy động được 3,2 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống, cho thấy sự quan tâm lớn của thị trường đối với giải pháp Restaking sáng tạo của họ.
#5. Kelp DAO
Được thành lập bởi Amitej G và Dheeraj B, những bộ óc đứng sau Stader Labs, dự án Kelp DAO hướng đến việc đơn giản hóa việc tham gia các giải pháp Liquid Restaking cho các mạng blockchain công khai.
Kelp DAO được xây dựng trên EigenLayer, tập trung vào việc cải thiện tính linh hoạt và thanh khoản của tài sản ETH được Stake thông qua rsETH, một Liquid Restaked Token (LRT) riêng của dự án.
Người dùng có thể stake các LST của họ trên Kepl DAO và nhận lại rsETH. rsETH đại diện cho quyền sở hữu một phần của các tài sản nền tảng, cho phép phân phối các token được stake giữa các Node Operator khác nhau liên kết với Kelp DAO. Điều này giúp tạo điều kiện tích lũy phần thưởng trực tiếp từ các dịch vụ khác nhau vào hợp đồng rsETH.
Kelp DAO đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực DeFi với hơn 628 triệu USD TVL và hơn 15.000 người nắm giữ rsETH. Chỉ trong 15 ngày đầu ra mắt, nền tảng này đã thu hút hơn 10% tổng số tiền gửi EigenLayer.
Kết luận
Tóm lại, lĩnh vực Liquid Staking đang phát triển nhanh chóng, mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn hấp dẫn để tối đa hóa lợi nhuận từ tài sản tiền điện tử của họ. Các dự án được liệt kê ở trên đều cung cấp những giải pháp sáng tạo tham gia Restaking. Mỗi dự án có những ưu điểm điểm riêng nên bạn phải tự nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Chúc bạn thành công!
Những câu hỏi thường gặp
Có nên tham gia Restaking không?
Restaking có thể là một cách tuyệt vời để kiếm thêm lợi nhuận từ tài sản staking hiện có của bạn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu rõ rủi ro liên quan trước khi đưa ra quyết định. Bạn nên tự nghiên cứu kỹ nền tảng và chỉ đầu tư số tiền hợp lý.
Làm sao staking trên EigenLayer?
Để bắt đầu kiếm lợi nhuận với Eigenlayer, bạn truy cập vào trang web: https://app.eigenlayer.xyz/. Sau đó, kết nối với các ví lưu trữ được hỗ tr, bao gồm: Coinbase Wallet, Metamask, WalletConnect, OKX Wallet,…
Làm sao để giảm thiểu rủi ro khi tham gia Restaking?
Để giảm thiểu rủi ro khi tham gia Restaking, bạn cần đa dạng hóa danh mục đầu tư và chiến lược Staking của mình:
- Đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách phân bổ tài sản cho nhiều giao thức khác nhau.
- Đa dạng hóa chiến lược bằng cách sử dụng các phương pháp Restaking khác nhau.
Restaking có làm ảnh hưởng đến Layer 1 không?
Mặc dù các nền tảng như EigenLayer cho phép các giao thức tận dụng mạng lưới tin cậy phi tập trung của Ethereum để đảm bảo bảo mật nhưng thực tế, động lực chính của Staker là hệ thống phần thưởng. Điều này có thể dẫn đến việc Staker chọn những giao thức có lợi nhuận cao nhất, tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng đến mạng Layer 1.