Để biết được điều này một cách chắc chắn nhất bạn cần biết qua CloudFlare có lợi gì và có các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng nền tảng từ bên thứ 3 này.
Lợi ích khi dùng Cloudflare
Tăng tốc độ website
Cloudflare sẽ lưu một bản bộ nhớ đệm (cache) của website trên máy chủ của CDN của họ và từ đó phân phối cho người dùng truy cập ở gần máy chủ đó nhất. Ví dụ như Cloud Hosting tại TinoHost đặt máy chủ tại TP Hồ Chí minh (Viettel IDC), lúc này người dùng tại nước ngoài truy cập vào có thể sẽ hơi chậm vì máy chủ vật lý ở rất xa người dùng, nhưng khi dùng Cloudflare thì nội dung đệm sẽ được lưu tại máy chủ CDN gần với quốc gia truy cập nhất và sẽ phân phối cho người dùng. Ngoài ra, các dữ liệu tĩnh trên website như hình ảnh, CSS, Javascript, các tập tin,..đều được nén Gzip giúp website tải nhanh hơn. Với tính năng này, website không chỉ tải nhanh hơn mà bạn còn tiết kiệm được băng thông cho máy chủ vì hạn chế truy cập trực tiếp vào máy chủ.
Với hơn 200 địa chỉ Datacenter phân bố hơn 90 quốc gia thì Cloudflare có thể tối ưu tốc độ cho website của bạn trên hầu hết các nơi trên thế giới dù bạn có sử dụng web Hosting ở đâu.
Việt Nam là nơi Cloudflare đặt máy chủ của mình thứ 160 và 161 tại Hà Nội và TP.HCM, truy cập hiện nay sẽ được đảm bảo và ổn định hơn khi bạn sử dụng qua nền tảng này mà không phải truy cập qua các CDN ở các nước gần bên.
Tăng khả năng bảo mật
Một lý do khác để chúng ta sử dụng Cloudflare là giúp website trở nên bảo mật hơn, hạn chế được tấn công DDoS, spam bình luận trên blog và một số phương thức tấn công cơ bản khác.
Với bản chất các lượt truy cập phải thông qua máy chủ Cloudflare nên tại các máy chủ CDN đã có sẵn các công nghệ sàng lọc lượt truy cập và phân loại các lượt truy cập có nguy cơ tấn công như botnet, các truy cập nặc danh hoặc từ những địa chỉ IP xấu.
Hiện tại với Cloudflare, bạn có thể cải thiện bảo mật bằng cách:
Sử dụng SSL miễn phí để thêm giao thức HTTPS cho website.
Hạn chế truy cập từ các quốc gia chỉ định.
Cấm truy cập với các IP nhất định.
Công nghệ tường lửa ứng dụng website (WAF) giúp ngăn chặn các phương thức tấn công SQL Injection, Cross-site Scripting (XSS), Cross-Site Request Forgery (CSRF) và một số thủ thuật khai thác lỗ hổng trên website (gói Pro).
Bảo vệ các trang có tính chất đăng nhập (gói Pro).
Tiết kiệm tài nguyên
Chính việc cache dữ liệu tĩnh trên các server của Cloudflare sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều tài nguyên cho hosting (CPU, RAM và băng thông), điều này sẽ giúp cho Hosting của bạn giảm được lượng tài nguyên xuống và tiết kiệm chi phí khi bạn sử dụng gói dịch vụ của mình.
Ngoài ra trên nền tảng của mình Cloudflare còn có SSL miễn phí hay các ứng dụng mở rộng với nhiều chức năng sử dụng khác mà bạn có thể khám phá thêm.
Hạn chế của CloudFlare
CloudFlare miễn phí có 3 điểm hạn chế, tuy hơi khó chịu nhưng cũng không quá quan trọng. Nếu bạn chấp nhận được thì hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ này để tăng tốc độ load cũng như bảo vệ cho blog/ website của mình:
1. Lỗi SSL
Cả Universal SSL (miễn phí) lẫn Dedicated SSL (trả phí) của CloudFlare đều sử dụng Server Name Indication (SNI) certificates, do đó chúng sẽ không hỗ trợ các trình duyệt web thế hệ cũ (xem chi tiết). Nếu khách truy cập sử dụng trình duyệt hoặc hệ điều hành quá cũ, họ sẽ không thể truy cập được vào blog/ website của bạn. Vấn đề này chỉ được giải quyết khi bạn nâng cấp lên các gói CloudFlare trả phí (Pro, Business và Enterprise) sử dụng Subject Alternative Names (SAN). Tất nhiên, với tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay thì những thiết bị với phiên bản hệ điều hành và trình duyệt cũ không còn tồn tại nhiều nên vấn đề này cũng không quá đáng ngại.
2. Lỗi máy chủ phản hồi chậm
Cloudflare có thể làm giảm điểm test Google PageSpeed Insights của bạn do lỗi “máy chủ phản hồi chậm”. Đây là điều dễ hiểu do khi sử dụng Cloudflare, tín hiệu truyền từ người dùng đến máy chủ host sẽ phải thông qua Cloudflare và ngược lại. Nếu bạn là người không quá đặt nặng về vấn đề điểm số từ các công cụ kiểm tra tốc độ (giống như tôi) thì vấn đề này hoàn toàn có thể bỏ qua.
3. Lỗi kết nối
Thỉnh thoảng bạn có thể sẽ gặp lỗi khi truy cập vào blog/ website mà theo CloudFlare thông báo là do host chết. Thực tế thì nguyên nhân của việc này là do giữa host và CloudFlare tạo quá nhiều kết nối dẫn đến quá tải và bị lỗi. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này đã được khắc phục rất nhiều và bạn hầu như không cần bận tâm đến chúng nữa.
Nhìn chung việc sử dụng nào cũng có thể đem đến vấn đề tốt xấu khác nhau, nhưng theo quan điểm cá nhân thì dịch vụ này rất uy tín và giúp ích nhiều cho bạn trong quá trình vận hành website cũng như duy trì dịch vụ của mình trực tuyến, nên việc bật và theo dõi website của mình thường xuyên là điều cần thiết cũng như tăng cả độ bảo mật đến website của bạn trước những truy cập “rác” trên môi trường trực tuyến. Hy vọng thông tin này giúp ích được cho bạn.
Nếu truy cập của bạn đến từ trong nước (Việt Nam) và bạn không thường xuyên bị tấn công bởi các Bot hoặc các yếu tố tác động từ bên ngoài thì việc sử dụng Cloudflare là không cần thiết, việc sử dụng cũng không làm thay đổi quá nhiều mà bạn có thể thấy bằng mắt hay qua các công cụ kiểm tra.
Nếu truy cập của bạn đến từ các nơi trên thế giới phân bố tại các lục địa hoặc các vị trí địa lý khác nhau, cũng như bạn có chịu tác động từ các cuộc tấn công hoặc các truy cập không có thực thì bạn có thể xem xét đến việc sử dụng Cloudflare.
Nếu truy cập của bạn đến từ các nơi trên thế giới phân bố tại các lục địa hoặc các vị trí địa lý khác nhau, cũng như bạn có chịu tác động từ các cuộc tấn công hoặc các truy cập không có thực thì bạn có thể xem xét đến việc sử dụng Cloudflare.