Design Thinking được biết đến như một phương pháp tư duy được áp dụng phổ biến trong các trường Đại học hàng đầu thế giới. Không những thế, nhiều doanh nghiệp cũng vận dụng phương pháp này để khai thác tiềm năng phát triển của khách hàng, nhân sự. Vậy chính xác Design Thinking là gì? Vì sao phương pháp này lại được sử dụng rộng rãi như vậy?
Giới thiệu tổng quan về Design Thinking
Design Thinking là gì?
Design Thinking (tạm dịch: tư duy thiết kế) là một quy trình tư duy có tính lặp lại, được các doanh nghiệp vận dụng nhằm hiểu rõ hơn về người tiêu dùng. Đây là một trong những phương pháp sáng tạo có khả năng xử lý vấn đề. Về bản chất, Design Thinking lấy con người làm “cái nhân vũ trụ”. Nghĩa là phương pháp này tập trung chủ yếu vào con người, xử lý các vấn đề, tình huống mà con người gặp phải. Nhờ đó, quy trình vận hành, sản phẩm/dịch vụ được tạo ra tốt hơn.
Với Design Thinking, doanh nghiệp có thể quan sát và dễ đồng cảm hơn với người tiêu dùng. Thông thường, Design Thinking được áp dụng để giải quyết các vấn đề phức tạp, chưa được xác định rõ ràng.
Trước tiên, bạn cần định hướng các vấn đề mà người tiêu dùng gặp phải, hình thành các phương án giải quyết thông qua Design Thinking. Cuối cùng, bạn sẽ tiến hành phác thảo, tạo mẫu, thí nghiệm và thực hành các ý tưởng của mình.
Các tập đoàn hàng đầu thế giới đã vận dụng Design Thinking như một giải pháp tất yếu như Google, Apple, Samsung, GE,… Ngoài ra, phương pháp này còn được giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng như Harvard, Stanford, MIT,… Có thể thấu, Design Thinking đã trở thành giải pháp hàng đầu giúp con người giải quyết mọi vấn đề từ tư duy, suy nghĩ.
Tầm quan trọng của Design Thinking
Design Thinking mang đến cho doanh nghiệp các giá trị lâu dài và thiết thực. Đây được xem là phương pháp cực kỳ hữu ích trong việc xử lý vấn đề. Với Design Thinking, bạn có thể áp dụng vào những bản kế hoạch dài ngoằng hoặc các quy trình lê thê không rõ ràng.
Tạo ra những giải pháp đầy sáng tạo
Trên thực tế, trí tưởng tượng của con người chính là một “đại dương” vô tận. Thậm chí, chúng ta có thể nghĩ ra những giải pháp tưởng chừng phi thực tế nhưng lại rất khả thi. Với Design Thinking, chúng ta có thể tự do phát triển tư duy sáng tạo của mình.
Design Thinking cho phép bạn chạm đến những ý tưởng tuyệt vời. Bằng cách tư duy liên tục về các vấn đề cần giải quyết, bạn sẽ nhanh chóng tìm được phương án giải quyết đúng đắn nhất.
Giải quyết đúng “điểm đau” của khách hàng
Như đã đề cập, Design Thinking bắt nguồn từ sự tiếp cận, quan sát và lấy người dùng làm trung tâm. Thông qua quá trình tư duy, doanh nghiệp có thể phát hiện được những khó khăn của người tiêu dùng. Thậm chí, những khó khăn này người tiêu dùng cũng chưa hẳn đã nhận ra. Với phương pháp Design Thinking, bạn có thể tìm được giải pháp cho các vấn đề khi chúng vẫn còn “manh nha” hình thành.
Xử lý các vấn đề phức tạp, khó nhằn
Trên thực tế, phần lớn người tiêu dùng sẽ không biết mình gặp phải vấn đề gì hoặc khó nói thành lời. Tuy nhiên, với phương pháp Design Thinking, bạn có thể hình thành thói quen quan sát cẩn trọng hơn. Chỉ qua hành vi của người tiêu dùng, doanh nghiệp có thể xác định đúng các vấn đề họ gặp phải.
Cải thiện quy trình hoạt động hiệu quả
Trước đây, các doanh nghiệp thường giải quyết một vấn đề bằng cách tìm hiểu, nghiên cứu trong khoảng thời gian dài. Việc này vừa tốn thời gian vừa không mang lại hiệu quả. Thay vào đó, Design Thinking sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra các nguyên mẫu và thử nghiệm giúp doanh nghiệp tìm được giải pháp một cách tối ưu hơn.
5 giai đoạn phát triển Design Thinking
Giai đoạn 1: Thấu cảm với người tiêu dùng
Bước đầu tiên trong quá trình phát triển Design Thinking là bạn cần nhìn nhận và hiểu được các vấn đề mình cần giải quyết. Những vấn đề này chính là “nỗi đau” của khách hàng khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ. Bạn có thể tham khảo ý kiến chuyên gia, nghiên cứu tài liệu trên Internet, đọc sách,…, để hiểu rõ hơn về lĩnh vực mình đang hoạt động.
Có thể nói, sự đồng cảm rất quan trọng trong quá trình phát triển Design Thinking. Thông qua việc quan sát, tương tác và đồng cảm, bạn có thể cảm nhận sâu sắc hơn về vấn đề người tiêu dùng đang gặp phải.
Giai đoạn 2: Xác định các vấn đề cụ thể
Trong bước tiếp theo, việc bạn cần làm là tổng hợp lại toàn bộ thông tin đã thu thập được trong giai đoạn đầu. Thông qua đó, bạn có thể xác định chính xác các vấn đề cốt lõi mà doanh nghiệp mình gặp phải. Đồng thời, bạn đừng quên việc phải lấy con người làm trung tâm để xử lý vấn đề.
Ví dụ, thay vì xác định vấn đề dựa trên mục đích của doanh nghiệp là “Tăng thị phần sản phẩm làm đẹp của phái nữ lên 10%”, bạn có thể chuyển sang hướng: “Phái đẹp cần dùng sản phẩm chất lượng để chăm sóc cơ thể tốt hơn”.
Giai đoạn 3: Xây dựng ý tưởng
Khi đã hoàn thành hai giai đoạn trên, bạn chắc chắn đã có một nền tảng vững chắc hơn. Vì vậy, điều bạn cần làm ngay lúc này là phác họa ý tưởng của mình bằng tư duy sáng tạo. Trong quá trình brainstorm, bạn có thể kích thích tư duy tự do và rộng mở hơn. Nhờ đó, các ý tưởng mới lạ sẽ được hình thành. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chia sẻ ý tưởng của mình với đồng nghiệp. Vì trong giai đoạn này, ý tưởng càng nhiều, các vấn đề của bạn càng nhanh chóng được giải quyết.
Giai đoạn 4: Bắt đầu tạo mẫu
Trong giai đoạn 4, bạn và team của mình có thể triển khai các sản phẩm/dịch vụ thu nhỏ, tốn ít chi phí. Đây chính là những nguyên mẫu dùng để thử nghiệm trong nhóm Design Thinking hoặc các phòng ban khác. Việc tạo mẫu giúp bạn dễ dàng xác định được phương pháp để giải quyết các vấn đề đã xác định.
Giai đoạn 5: Kiểm tra lại các thành phẩm
Cuối cùng, bạn sẽ kiểm tra lại các sản phẩm/dịch vụ đã hoàn chỉnh. Bước cuối cùng được thực hiện dựa trên những phương pháp đã được xác định trong giai đoạn 4. Trên thực tế, Design Thinking chính là một quy trình mang tính lặp lại. Thế nên, trong giai đoạn cuối cùng, bạn có thể quay lại một hoặc một số giai đoạn mình cảm thấy chưa hoàn thiện trước.
Một số ứng dụng của Design Thinking
Cải thiện tính tương tác
Về bản chất, Design Thinking là một quy trình đòi hỏi tính hợp tác cao. Vì vậy, bất kỳ ai trong doanh nghiệp đều có thể tham gia thiết kế ý tưởng. Thế nên, khi áp dụng Design Thinking để giải quyết vấn đề, tính tương tác của doanh nghiệp sẽ được cải thiện tốt hơn. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp đều áp dụng Design Thinking như một giải pháp cải thiện tinh thần đồng đội và tính tương tác của nhân sự.
Nắm bắt hành vi tiêu dùng
Ở giai đoạn cuối cùng của Design Thinking, bạn có thể quan sát lại toàn bộ quy trình người dùng trải nghiệm nguyên mẫu. Trong quy trình này, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến người tiêu dùng để tìm hiểu các vấn đề họ đang gặp phải. Thông qua chia sẻ của người dùng cuối, doanh nghiệp có thể xác nhận mục tiêu mình cần làm là gì. Từ đó, họ sẽ tạo ra được các sản phẩm/dịch vụ chính thức đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng tốt hơn.
Tăng tính linh hoạt
Một lợi ích rất lớn của Design Thinking là hỗ trợ nhân sự cải thiện sự sáng tạo và kích thích tư duy não bộ. Nhờ đó, mỗi nhân viên có thể đề xuất ít nhất từ 1 – 2 ý tưởng mới lạ, độc đáo. Lúc này, doanh nghiệp sẽ sưu tầm được một kho tàng giải pháp hữu hiệu.
Thế nên, khi đứng trước những vấn đề phức tạp, doanh nghiệp có thể linh hoạt hơn trong việc đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp. Việc này thúc đẩy các hoạt động của tổ chức diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Nhìn chung, Design Thinking mở ra những ý tưởng mới lạ và tạo ra một nền tảng vững chắc giúp bạn giải quyết mọi vấn đề. Tino Group tin rằng qua bài viết này, bạn đã sẵn sàng giải phóng tư duy, nâng tầm sáng tạo với phương pháp Design Thinking đầy hữu ích.
Những câu hỏi thường gặp
Mục tiêu cốt lõi của Design Thinking là gì?
- Mở ra tư duy sáng tạo và đổi mới các phương pháp giải quyết vấn đề.
- Xây dựng một nền tảng hiệu quả để xử lý vấn đề của người tiêu dùng.
- Nâng cao lợi ích và giá trị của người tiêu dùng lên hàng đầu.
Design Thinking tuân theo nguyên tắc nào?
Một số nguyên tắc khi thực hiện Design Thinking là:
- Lấy con người làm trung tâm phát triển cốt lõi để tạo ra sự đồng cảm.
- Luôn chú trọng tinh thần hợp tác của các bộ phận trong doanh nghiệp.
- Tập trung vào tinh thần sáng tạo để tạo thành ý tưởng thực tiễn.
- Cần tạo mẫu và thử nghiệm nhiều lần.
Khi nào cần áp dụng Design Thinking?
Bạn có thể áp dụng Design Thinking khi đối mặt với các vấn đề phức tạp, tình huống khó giải quyết.
Design Thinking có tuyến tính không?
Câu trả lời là: “Không!”. Tuy các giai đoạn của Design Thinking được sắp xếp rất hợp lý và theo một trật tự nhất định, nhưng phương pháp này không tuyến tính. Vì quy trình của Design Thinking cực kỳ linh hoạt, chúng có thể lặp lại bất kỳ giai đoạn nào (nếu cần).