Là một lập trình viên kỳ cựu, bạn sẽ rất quen thuộc với việc ngồi trên máy tính thâu đêm để “bắt bọ” – Debug cho phần mềm, ứng dụng của mình. Vậy, bạn có bao giờ thử tìm hiểu về “cách để Debug nhanh hơn” hay “Debug là gì” hay không? Trong bài viết này, Tino Group sẽ giải đáp và hướng dẫn cho bạn cách để Debug hiệu quả hơn nhé!
Tìm hiểu về Debug
Debug là gì?
Debug là quá trình tìm kiếm và gỡ lỗi trong phần mềm. Quá trình gỡ lỗi – fix Bug sẽ bao gồm rất nhiều bước nhằm để khắc phục lỗi giúp phần mềm có thể tiếp tục hoạt động. Để quá trình Debug diễn ra thực sự thuận lợi, lập trình viên sẽ cần phải có rất nhiều kinh nghiệm trong nghề; và Debug là “cơn ác mộng” đối với các lập trình viên ít kinh nghiệm.
Có thể bạn chưa biết, câu chuyện về cái tên “Debug” rất thú vị đấy!
Vào năm 1974, Grace Hopper, một trong những nhà tiên phong trong lập trình máy tính, cùng nhóm phát triển của cô đã gỡ một con bọ thật (bướm đêm) khỏi máy tính đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ do con bướm này khiến máy tính không hoạt động được. Từ đó, thuật ngữ Debug – gỡ bọ ra khỏi chương trình xuất hiện. Hiện tại, con bướm đêm đang được trưng bày tại viện bảo tàng Smithsonian.
Bug là gì?
Bug trong tiếng Việt có nghĩa là bọ, ví dụ trong thực tế như: bọ cánh cứng, bướm đêm, ruồi và một số loại côn trùng khác,… Tuy nhiên, trong ngành công nghệ thông tin, Bug là lỗi của phần mềm nói chung và tương đồng về nghĩa với error.
Vì sao Bug xuất hiện?
Trong khi lập trình, một trong những lý do như sau sẽ khiến Bug xuất hiện:
- Lỗi do cú pháp
- Lỗi do logic
- Lỗi gọi sai function
- Lỗi do thời gian chạy (quá dài)
- Lỗi về mặt ngữ nghĩa
- Thực hiện sai các quy ước đã được tiêu chuẩn và quốc tế hoá
- Tên biến sai
- Không thể khởi tạo biến khi cần thiết sử dụng
- Quá trình kiểm tra sai sót để lại nhiều lỗi
Vì sao cần phải Debug?
Debug là một việc rất quan trọng nhằm xác định lý do tại sao phần mềm, ứng dụng của bạn chạy không đúng hoặc quá tệ so với dự kiến. Sau khi xác định được, bạn sẽ cần tốn thời gian đôi khi còn nhiều hơn cả lúc viết code chỉ để Debug.
Tuy nhiên, Debug là vô cùng cần thiết để phần mềm của bạn hoạt động tốt, trơn tru nhất và đem đến cho người dùng những trải nghiệm mượt mà nhất.
Tìm hiểu về 6 bước Debug
Đi tìm Bug
Việc xác định đâu là lỗi chính xác sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bạn và cho quá trình phát triển của phần mềm. Tuy nhiên, khi xác định sai lỗi, bạn và cả đội nhóm sẽ lãng phí thời gian để Debug.
Nếu phần mềm, ứng dụng của bạn đã đưa vào hoạt động và nhận được báo cáo của người dùng, bạn nên kiểm tra nhiều lần để xác định lỗi một cách chính xác, vì đa phần những báo cáo khá mơ hồ như: App bị chậm, đơ, lag,…
Tìm vị trí của Bug
Khi xác định được Bug, chúng ta sẽ đi xác định vị trí của Bug nằm ở đâu trong phần mềm của mình. Bạn sẽ cần phải tập trung tìm vị trí thay vì tìm hiểu về lỗi.
Phân tích Bug
Bạn sẽ cần tìm cách để tiếp cận lỗi và phân tích mã nguồn để giúp bạn hiểu hơn về lỗi. Điều này sẽ có 2 lợi ích như sau:
- Giúp bạn tìm ra các lỗi xung quanh
- Cô lập phần bị lỗi – tránh việc Debug gây thiệt hại lên các chức năng khác
Kiểm tra những lỗi xung quanh
Việc tìm các lỗi có thể xảy ra trong phần mềm chính sẽ rất quan trọng nhằm tránh những sự cố lỗi kéo dài. Bạn có thể thực hiện kiểm tra bằng tay, hoặc lập trình ra một số công cụ để kiểm tra lỗi.
Kiểm tra Bug
Đến giai đoạn này, việc bạn cần thực hiện là kiểm tra lại phần code bạn đã chỉnh sửa xem tất cả những lỗi có thể xảy ra, hoặc những trường hợp thao tác có thể dẫn đến lỗi. Nếu chúng đều vượt qua bài kiểm tra của bạn, chúng ta tiếp tục đến giai đoạn tiếp theo.
Kiểm thử và Debug
Bạn sẽ cần mở lại tất cả các chứng năng, script và kiểm tra xem các lỗi có tiếp tục diễn ra hay không. Nếu có, xin chúc mừng bạn. Trong trường hợp còn lại, có thể bạn sẽ có nhiều lỗi hơn để sửa.
Những phương pháp Debug hiệu quả
Cách để tránh dính nhiều Bug
Phương pháp hiệu quả nhất để tránh Bug chắc chắn là phòng tránh Bug. Tuy nhiên, việc phòng tránh chỉ giảm thiểu một phần Bug xảy ra. Nhưng “có còn hơn không”. Đây là phương pháp tôi tổng hợp lại do các thầy trong trường cũng như các anh chị đi trước “để lại”:
- Tránh đặt tên biến theo các quy ước sẵn có
- Nên ghi chú lại chức năng của đoạn code
- Mọi biến bạn nên đặt giá trị sao cho gợi nhớ để có thể Debug dễ hơn.
- Chú ý đến các Error Message để tăng tốc tìm ra lỗi
- Hãy cẩn thận và tỉ mỉ khi code! Nếu bạn không muốn một dấu space dư thừa hay quên một dấu ngoặc hay dấu “;” khiến chương trình của bạn trở nên rối tung.
Sử dụng Debug tools
Debug tools là những công cụ được phát triển sẵn bởi các lập trình viên kỳ cựu khác, nhằm để xác định các mã lỗi ở các giai đoạn khác nhau của một phần mềm, hệ điều hành hay ứng dụng.
Một số phần mềm để Debug phổ biến bạn có thể tham khảo như:
- gdb
- dbx
- Radare2
- WinDbg
- Valgrind
- Microsoft Visual Studio Debugger
- GNU Debugger
Sử dụng Logging
Một trong những cách rất hiệu quả để có thể Debug là tạo ra một tệp/ biểu mẫu ghi lại những thông tin khi phần mềm, ứng dụng của bạn đang hoạt động. Những thông tin được ghi lại sẽ có giá trị rất lớn. Bạn sẽ có thể Debug từ chính những thông tin này.
Nhờ sự hỗ trợ của người có kinh nghiệm
Nếu bạn cảm giác thực sự bí bách trong việc Debug, nhờ những người có kinh nghiệm hơn sẽ là một phương pháp hiệu quả rất “công hiệu” đấy! Người đó có thể là thầy, bạn bè hay những người bạn quen biết.
Nếu bạn không có các mối quan hệ, những nhóm hỗ trợ lập trình trên các diễn đàn, mạng xã hội sẽ sẵn sàng hỗ trợ nếu bạn có một bài viết nhờ đúng mực, tôn trọng họ. Trong trường hợp bạn là nữ, rất nhiều anh coder sẽ sẵn sàng Debug tìm lỗi đến sáng với bạn :))
Một số trang sẽ có thể có ích cho nghề coder như: Stack Overflow, Quora,…
Hi vọng rằng bài viết đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan về Debug, hiểu Debug là gì cũng như cách để có thể Debug hiệu quả hơn. Nếu bạn có những nội dung muốn bổ sung cho bài viết hay bạn có những cách hay hơn để Debug, bạn có thể liên hệ ngay với Tino Group để chúng tôi có thể cập nhật thông tin cho cộng đồng cùng biết nhé! Chúc bạn thành công trên con đường đã chọn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ: BBC, Edureka, TechTarget, TopDev,…
Những câu hỏi thường gặp về Debug
IDE làgì?
IDE là viết tắt của cụm từ Integrated Development Environment, môi trường tích hợp được sử dụng để viết code nhằm xây dựng, phát triển ứng dụng. Có rất nhiều phần mềm IDE được tích hợp thêm các công cụ hỗ trợ thông dịch, biên dịch, Debug, tìm kiếm code,… nhằm hỗ trợ tối ưu nhất cho việc xây dựng phần mềm. Nếu bạn quan tâm về IDE, bạn có thể tham khảo bài viết đầy đủ của Tino Group: IDE là gì?
Ví dụ về cách Debug cho người mới lần đầu sử dụng SQL Server?
Khi làm việc với SQL Server để xây dựng ứng dụng, cơ sở dữ liệu, có thể bạn sẽ gặp một số Bug và bạn đang tìm cách để fix Bug đúng chứ! Nếu bạn đang loay hoay với việc Debug, bài viết How to Debug for absolute beginners của Microsoft sẽ giúp bạn rất nhiều đấy!
Vì sao nên sử dụng Debug tools?
Những lý do đơn giản nhất khiến bạn đồng tình về việc sử dụng Debug tools ngay lập tức là:
Debug tools giúp bạn kiểm tra tốt hơn kiểm tra bằng tay, nhanh hơn bạn kiểm tra bằng mắt và giảm thời gian ngồi hằng giờ đồng hồ nhìn chằm chằm vào code của bạn.
Dấu hiệu của Bug là gì?
Một trong những dấu hiệu đặc trưng của Bug là việc bạn chạy chương trình nhưng không có bất cứ một điều gì xảy ra tiếp theo cả. Đôi khi, IDE không báo lỗi ở đâu và bạn sẽ phải bắt tay và việc Debug.