Mở quán cà phê được xem là mô hình kinh doanh phổ biến và có khả năng mang đến lợi nhuận hiệu quả nhất hiện nay. Tuy nhiên, không phải nhà khởi nghiệp nào cũng có nhiều kinh nghiệm điều hành và quản lý. Chính vì thế, nhiều người đã chọn mở quán cà phê nhượng quyền để giảm phần nào gánh nặng. Vậy thực chất có nên mở quán cà phê nhượng quyền không? Ưu điểm và hạn chế của mô hình này là gì?
Giới thiệu tổng quan về quán cà phê nhượng quyền
Quán cà phê nhượng quyền là gì?
Nhượng quyền quán cà phê là một phương thức kinh doanh khá phổ biến trong lĩnh vực F&B. Để mở quán cà phê nhượng quyền, bạn cần đăng ký và thỏa thuận hợp đồng với một thương hiệu cà phê nổi tiếng.
Hiểu đơn giản, mở quán cà phê nhượng quyền nghĩa là bạn sẽ kinh doanh sản phẩm của một thương hiệu đã có sẵn danh tiếng trên thị trường, tương tự như việc mua lại thương hiệu và công thức chế biến.
Một số mô hình quán cà phê nhượng quyền đã rất thành công và phát triển mạnh mẽ trên thị trường, như: The Coffee Bean and Tea, Scooter’s Coffee, Dunkin Donuts, Gloria Jean’s Coffee,… Tại Việt Nam, mô hình này cũng được áp dụng phổ biến, điển hình như: Cộng Cafe, E-Coffee, Viva Star Coffee, Trung Nguyên Legend,…
Kinh doanh cà phê là một trong những phương thức làm giàu hàng đầu của thương nhân Việt Nam. Sức hấp dẫn của thị trường cà phê Việt cực kỳ mạnh mẽ, được định giá lên đến hàng tỷ USD. Lý do dẫn đến điều này vì nhu cầu tiêu thụ cà phê ở nước ta rất lớn. Ngoài ra, check-in ở những quán cà phê đẹp cũng đã trở thành xu hướng chung của giới trẻ. Từ đó, ngày càng nhiều quán cà phê phát triển theo mô hình nhượng quyền ra đời.
4 hình thức mở quán cà phê nhượng quyền phổ biến
Nhượng quyền toàn diện
Đây là cách thức nhượng quyền kinh doanh “trọn gói”. Nghĩa là người được nhượng quyền sẽ hưởng 4 quyền lợi cụ thể:
- Hệ thống kinh doanh.
- Công thức pha chế.
- Sản phẩm/dịch vụ.
- Tên thương hiệu.
Đặc biệt, chủ sở hữu sẽ hỗ trợ người được nhượng quyền cách trang trí quán, đào tạo nhân viên, văn hóa thương hiệu,… Từ đó, quán cà phê của bạn vẫn giữ nguyên giá trị thương hiệu dù đã đổi chủ sở hữu.
Nhượng quyền không toàn diện
Với hình thức này, người được nhượng quyền chỉ được hưởng 1 trong 4 đặc quyền so với hình thức trên, bao gồm: tên thương hiệu, hệ thống kinh doanh, công thức pha chế và sản phẩm/dịch vụ.
Nhượng quyền có sự tham gia quản lý
Về cơ bản, hình thức này chỉ áp dụng cho những chuỗi thương hiệu lớn. Với mô hình này, bên nhượng quyền sẽ cung cấp người quản lý cho bên nhận nhượng quyền. Họ có nhiệm vụ hỗ trợ người được nhượng quyền quản lý và điều hành cửa hàng.
Nhượng quyền tham gia vốn đầu tư
Đối với hình thức này, bên nhượng quyền sẽ “rót” một số vốn vào cửa hàng của người được nhượng quyền.
Có nên mở quán cà phê nhượng quyền không?
Để giải đáp câu hỏi “Có nên mở quán cà phê nhượng quyền không?”, bạn cần điểm qua một số lợi ích mà mô hình kinh doanh này mang đến.
Lợi ích của mở quán cà phê nhượng quyền là gì?
Kế thừa “tên tuổi” của thương hiệu lớn
Thương hiệu là một trong những yếu tố hàng đầu thúc đẩy nhu cầu mua sắm, trải nghiệm của khách hàng. Vì vậy, nếu kinh doanh quán cà phê có thương hiệu đã “có chỗ đứng” trên thị trường, bạn sẽ có sẵn một lượng khách hàng ổn định.
Bên cạnh đó, với mức độ nổi tiếng của thương hiệu, bạn cũng dễ dàng thu hút khách hàng mới. Có thể nói, ưu điểm lớn nhất khi mở quán cà phê nhượng quyền là bạn sẽ không tốn quá nhiều chi phí Marketing để quảng bá thương hiệu.
Trước khi nhượng quyền, phần lớn chủ các quán cà phê đều rất đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu. Khi thương hiệu đủ sức ảnh hưởng, họ sẽ bắt đầu thiết lập chính sách nhượng quyền.
Được hỗ trợ đào tạo
Nếu mở quán cà phê theo hình thức nhượng quyền toàn diện, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ bên nhượng quyền. Từ việc đào tạo nhân viên, công thức pha chế đến quy trình làm việc, bạn sẽ được bên chuyển nhượng hỗ trợ 100%.
Như vậy, bạn sẽ không phải tốn thời gian và chi phí để học những khóa pha chế đắt tiền hoặc tự sáng tạo công thức. Nếu quán cà phê của bạn cần đội ngũ Bartender chuyên nghiệp, bên nhượng quyền cũng sẽ hỗ trợ đào tạo để mang đến sự thống nhất, đồng bộ.
Tiết kiệm chi phí quảng cáo
Truyền thông Marketing là một trong những yếu tố “ngốn” nhiều kinh phí của doanh nghiệp nhất. Khi mở một quán cà phê mới, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút khách hàng mới. Đặc biệt, chi phí Marketing đắt đỏ rất dễ “quật ngã” những quán cà phê nhỏ.
Là thành viên của một thương hiệu nhượng quyền, bạn sẽ được hỗ trợ rất nhiều kế hoạch tiếp thị, như: phát tờ rơi, voucher, in áp phích,… Ngoài ra, những chương trình khuyến mại, quảng cáo từ thương hiệu cũng được áp dụng vào cửa hàng cà phê của bạn. Từ đó, bạn dễ dàng thu hút khách hàng mà không cần tốn quá nhiều chi phí PR, quảng bá.
Hỗ trợ quản lý vận hành
Khi mở quán cà phê nhượng quyền, bạn sẽ được chủ thương hiệu hỗ trợ các hoạt động kinh doanh, quản lý cửa hàng. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, bên nhượng quyền sẽ đưa ra lời khuyên, đóng góp ý kiến cũng như giúp bạn xây dựng các chiến lược kinh doanh hợp lý, như: tư vấn chọn nguyên liệu, thiết bị, gợi ý vị trí kinh doanh, đề xuất kế hoạch truyền thông,… Việc này giúp cửa hàng của bạn được vận hành tốt hơn, tránh xảy ra những thiếu sót không đáng có.
Giảm thiểu rủi ro thất bạn
Về cơ bản, với vai trò là bên nhận nhường quyền, bạn cần trả chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh, như: nguồn nguyên liệu, thuê nhân viên, tiền mặt bằng,… Tuy nhiên, với vị thế và danh tiếng sẵn có của bên nhượng quyền, bạn sẽ giảm được nguy cơ phá sản, thất bại hoặc không có lợi nhuận.
Nhìn chung, từ những lợi ích trên, chúng ta có thể nhận định: việc mở quán cà phê nhượng quyền hoàn toàn khả thi. Mô hình kinh doanh này mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho bên nhận nhượng quyền. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt lợi và hại. Vì vậy, khi mở quán cà phê nhượng quyền, bạn nên xem xét cẩn thận về khía cạnh hạn chế.
Hạn chế khi mở quán cà phê nhượng quyền
- Dễ bị ảnh hưởng bởi thương hiệu hoặc 1 cửa hàng nằm trong chuỗi nhượng quyền nếu xảy ra sự cố.
- Không được sở hữu vĩnh viễn thương hiệu cà phê mà chỉ kiếm lợi nhuận từ việc kinh doanh dựa trên thương hiệu nhượng quyền ấy.
- Cần tuân theo những quy định được đặt ra từ thương hiệu nhượng quyền.
- Khó xây dựng màu sắc, phong cách riêng vì nằm trong chuỗi thương hiệu nhượng quyền.
- Chi phí nhượng quyền tương đối đắt đỏ, không phù hợp với những người có nguồn vốn thấp.
Kết luận
Qua bài viết trên, Tino Group đã giúp bạn phân tích những lợi ích cũng như hạn chế của mô hình kinh doanh quán cà phê nhượng quyền. Tùy thuộc vào ngân sách, mục tiêu kinh doanh và nhu cầu lợi nhuận của mình, Tino Group hy vọng bạn sẽ đưa ra quyết định chính xác hơn.
Đừng quên theo dõi Tino Group để không bỏ lỡ những thông tin thú vị và hữu ích về kinh doanh bạn nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Chi phí nhượng quyền các quán cà phê tại Việt Nam là bao nhiêu?
Trên thực tế, mỗi thương hiệu cà phê sẽ có mức giá nhượng quyền khác nhau tùy vào mức độ nổi tiếng. Các mức giá nhượng quyền của một số quán cà phê bạn có thể tham khảo là:
- Cà phê Vina: 27 cửa hàng phân phối trên 13 tỉnh thành có phí nhượng quyền là 286 triệu/5 năm, phí quản lý 4 triệu/tháng.
- Cà phê Aha: 60 cửa hàng phân phối trên 4 tỉnh có phí nhượng quyền là 225 triệu – 300 triệu/5 năm.
- Milano Coffee: 1600 cửa hàng phân phối trên 50 tỉnh thành có phí nhượng quyền từ 185 triệu – 300 triệu, không thu phí quản lý.
- Highlands Coffee: Hơn 300 cửa hàng trên 24 tỉnh thành có phí nhượng quyền từ 3,5 tỷ – 5 tỷ đồng, phí quản lý 7% trên tổng doanh thu.
Có thể đổi công thức pha chế khi mở quán cà phê nhượng quyền không?
Câu trả lời là “Không!”. Khi kinh doanh quán cà phê nhượng quyền, bạn buộc phải tuân theo bí quyết và công thức pha chế của bên nhượng quyền. Nếu có bất kỳ thay đổi nào về công thức, bạn cần trao đổi với bên nhượng quyền để nhận được sự đồng ý.
Làm thế nào thu hồi vốn nhanh khi mở quán cà phê nhượng quyền?
Để nhanh chóng thu hồi vốn, bạn cần:
- Dành thời gian nghiên cứu thị trường, thị hiếu khách hàng.
- Lựa chọn thương hiệu nhượng quyền phù hợp.
- Chọn mặt bằng kinh doanh phù hợp.
Thời hạn hợp đồng nhượng quyền kéo dài trong bao lâu?
Thông thường, thời hạn hợp đồng nhượng quyền sẽ kéo dài từ 3 – 5 năm hoặc lâu hơn tùy vào các thương hiệu nhượng quyền khác nhau.