Có bao giờ bạn tự hỏi: “Liệu số tiền của mình đã “chảy” về đâu? Vì sao chưa đến cuối tháng mình đã hết sạch tiền? Mình đã chi tiêu cho những khoản nào nhỉ?”. Nếu luôn đối diện với những thắc mắc này nghĩa là hầu bao của bạn đã đến lúc “báo động”. Để thắt chặt tài chính hiệu quả, Tino Group sẽ chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm tiền, giúp bạn tích lũy một khoản vốn để sống thoải mái và dư dả hơn nhé!
Tìm hiểu tổng quan về tiết kiệm tiền
Tiết kiệm tiền là gì? Hiểu như thế nào cho đúng?
Kinh tế học định nghĩa: tiết kiệm tiền là hoạt động tích lũy một phần thu nhập của bản thân, giữ nguồn tiền “bất động” mà không sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác. Hiểu đơn giản, tiết kiệm tiền là cách bạn giữ lại một khoản tiền nhất định để phòng tránh rủi ro và chi tiêu vào những trường hợp khẩn cấp.

Tầm quan trọng của tiết kiệm tiền đối với đời sống
Tự do tài chính
Cụm từ “tự do tài chính” được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Và đây cũng chính là mục tiêu được giới trẻ cực kỳ hưởng ứng. Khi có tiền tích lũy, bạn sẽ thoải mái làm những điều mình thích, như: ăn uống, du lịch, shopping,…
Nếu tự do tài chính, bạn vừa có thể chăm lo cho gia đình, vừa đủ khả năng tận hưởng cuộc sống cá nhân. Việc tích lũy tiền bạc trong thời gian đầu chính là “bệ phóng” mang đến cuộc sống thoải mái ở tương lai. Vì vậy, để tự do tài chính, bạn cần tiết kiệm ngay bây giờ.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Nhiều người cho rằng việc tiết kiệm sẽ khiến cuộc sống trở nên “ngột ngạt”. Thay vì dè dặt với nguồn chi tiêu, họ chọn cách hưởng thụ thành quả của mình ngay lập tức. Tuy nhiên, suy nghĩ này có phần hơi thiển cận.
Về bản chất, tiết kiệm tiền chỉ đơn thuần là hạn chế chi tiêu vào những khoản không cần thiết, tạm ngưng dùng tiền thỏa mãn các mong muốn tạm thời để phục vụ cho mục tiêu lớn hơn. Những mục tiêu lớn có thể là mua nhà, mua xe, đám cưới, sinh con,… Và điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải sống dè dặt, không thoải mái.
Khi số tiền tiết kiệm đủ lớn, chất lượng cuộc sống của bạn sẽ được cải thiện rõ rệt. Bạn sẽ không phải đắn đo chuyện “cơm áo gạo tiền” vào mỗi cuối tháng, không phải do dự có nên mua món đồ mình yêu thích hay không. Dù là cánh mày râu hay phái đẹp, tiền tiết kiệm vẫn là “gia tài” bền vững nhất giúp cuộc sống của bạn trở nên tươi đẹp hơn.

Nuôi dưỡng tinh thần
Có thể nói, tài chính chính là nơi bắt nguồn của mọi lo âu, căng thẳng và mệt mỏi. Thậm chí, nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm vì khủng hoảng tài chính. Đặc biệt, trong thời buổi lạm phát như ngày nay, đồng tiền dần trở nên mất giá, vấn đề tài chính càng trở nên áp lực hơn với mọi người.
Vậy nên, nếu biết tiết kiệm tiền, bạn sẽ giảm thiểu áp lực tài chính. Đây được xem là “phương thuốc” cứu rỗi tinh thần tốt nhất giúp bạn trở nên tích cực, lạc quan và tự tin theo đuổi đam mê của mình.
Chuẩn bị tốt cho tình huống khẩn cấp
Chẳng ai có thể lường trước điều gì sẽ xảy ra. Vì vậy, chuẩn bị một nguồn tiền dự phòng sẽ giúp bạn giải quyết được những rủi ro hoặc tình huống khẩn cấp. Tích lũy tiền là cách tốt nhất giúp bạn kịp thời trở tay trước những trường hợp đau ốm, bệnh tật, tai nạn,…, bất ngờ xảy đến.
Chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm tiền của tôi
#1. Chủ động tích lũy từ nguồn thu nhập
Mỗi tháng, bạn nên trích phần trăm tiền lương của mình để gửi vào tài khoản tiết kiệm. Và con số này phải được duy trì ở mức cố định. Cách tốt nhất để tích lũy thu nhập là bạn nên thiết lập tính năng chuyển khoản từ ngân hàng sang tài khoản tiết kiệm hoặc tài khoản đầu tư.

Để duy trì con số cố định mỗi tháng, bạn có thể cân đối lại các khoản thu chi trong 4 tuần. Việc này giúp bạn tránh bị thâm hụt hoặc chi tiêu quá đà.Ví dụ:
- Tiền lương mỗi tháng là 10.000.000 đồng.
- Bạn quyết định dành ra 2.000.000 đồng để tiết kiệm
- Vậy mỗi tháng, bạn cần phải đảm bảo không chi tiêu vượt quá 8.000.000 đồng để tích lũy đúng số tiền đã đề ra.
#2. Thiết lập kế hoạch chi tiêu
Kế hoạch chi tiêu hay ngân sách là một danh sách các khoản thu nhập và chi tiêu hàng tháng của bạn. Ghi lại các khoản chi tiêu trong tháng sẽ giúp bạn có thể biết nguồn tiền của mình đã sử dụng cho những việc gì. Nếu có bất kỳ hoạt động chi tiêu nào không phù hợp, bạn có thể chủ động loại bỏ.
Một bản kế hoạch chi tiêu hợp lý, trực quan sẽ giúp bạn “cân đo đong đếm” việc “rót” tiền vào đâu là phù hợp. Kế hoạch chi tiêu cũng bao gồm các hoạt động cố định, như: đi chợ, tiền trọ, tiền điện nước, tiền học cho con,…
#3. Ít chi tiêu, tiết kiệm nhiều
Khi bắt đầu tiết kiệm, người ta thường chọn cách chi tiêu ít hơn. Thay vì mua một ly cà phê thương hiệu đắt đỏ, bạn có thể chọn loại phổ thông, ít tiền hơn. Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng quy luật 10 giây trước khi đưa ra “chốt đơn”. Nghĩa là trước khi bỏ một món hàng vào giỏ, bạn cần dành ra 10 giây để tự hỏi liệu món đồ này có thật sự cần thiết không.
Chi tiêu hợp lý để tiết kiệm nhiều hơn sẽ giúp bạn tích lũy được một khoản tiền đáng kể. Với giải pháp này, bạn sẽ hạn chế tối đa việc “mua nhầm” những sản phẩm không cần thiết.
Trên thực tế, thói quen mua sắm của chúng ta đều không nằm trong một kế hoạch cụ thể nào. Thế nên, khi biết tiết chế tâm lý mua sắm quá đà, bạn có thể tiết kiệm được một số tiền không ngờ đến.

#4. Chọn công cụ tiết kiệm phù hợp
Hiện tại, có rất nhiều ngân hàng cung cấp tài khoản tiết kiệm, đầu tư phù hợp với mục tiêu ngắn và dài hạn của bạn. Và tất nhiên, bạn không nhất thiết chỉ chọn một. Bạn có thể kết hợp các giải pháp tiết kiệm, đầu tư để tích lũy một số tiền tốt nhất cho mục tiêu của mình.
Hãy dành thời gian cân nhắc số dư tối thiểu, phí, lãi suất, rủi ro cũng như thời gian tích lũy. Tùy vào từng mục tiêu, bạn có thể lựa chọn hình thức tiết kiệm phù hợp.
Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng Việt Nam đã cải thiện lãi suất huy động nhằm tăng thanh khoản cho vay. Nhờ đó, dòng tiền nhàn rỗi đã được kích thích và “chảy” vào nguồn tiết kiệm. Đây chính là dấu hiệu cho thấy tiền gửi ngân hàng vẫn là một trong những kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay. Vậy nên, bạn có thể chọn các ngân hàng phù hợp với mục tiêu của mình để “gửi gắm” tài sản.
#5. Tiết kiệm từ những bước đơn giản
Nếu cảm thấy tiết kiệm là một thách thức lớn, bạn có thể bắt đầu từ những khoản tiền nhỏ như: 100.000 đồng, 500.000 đồng vào mỗi tháng. Khi bắt đầu quen với khoản tiền ấy, bạn có thể tiếp tục nâng mức tiết kiệm lên. Việc này giúp bạn tạo nên thói quen và định hình rõ mục tiêu tiết kiệm của mình.
Nếu đang chi tiêu trên khả năng cho phép, bạn có thể điều chỉnh một chút về ngân sách hoặc thay đổi cuộc sống hằng ngày như tìm nơi ở mới, chọn phương tiện đi lại ít tốn kém hơn.
#6. Kiếm thêm thu nhập từ công việc phụ
Bên cạnh nguồn thu nhập chính, bạn có thể kiếm tiền tiết kiệm bằng những công việc ngoài giờ. Thông thường, các khoản thu nhập chính sẽ chiếm khoảng 8 giờ/ngày. Vì vậy, bạn có thể tận dụng những khoảng thời gian còn lại để tạo ra dòng tiền.

Trên thực tế, xu hướng kiếm tiền bằng nhiều nguồn thu nhập đã quá quen thuộc với người trẻ. Hiện tại, có ? cách để bạn kiếm thêm thu nhập sau giờ làm như đầu tư, kinh doanh, nhận viết bài, design,… Tùy vào kỹ năng và kinh nghiệm, bạn có thể lựa chọn công việc ngoài giờ phù hợp với mình.
Biết cách tiết kiệm tiền, chi tiêu hợp lý là “nấc thang” giúp bạn chinh phục cuộc sống trong mơ của mình. Dù bạn là ai, làm công việc gì, tiết kiệm tiền vẫn là giải pháp tối ưu mang đến một tương lai đủ đầy và trọn vẹn. Qua bài chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm tiền, Tino Group hy vọng bạn đã lựa chọn được giải pháp tích lũy vốn phù hợp với mục tiêu và tình hình tài chính của mình. Chúc bạn thành công!
Những câu hỏi thường gặp
Có app hỗ trợ người dùng tiết kiệm tiền không?
Tất nhiên là có! Một số app uy tín hỗ trợ người dùng tiết kiệm tiền hiệu quả là:
- Túi thần tài Momo.
- Timo.
- Savy.
- Finhay.
- Ứng dụng MB Bank.
- …
Có nên dùng tiền tiết kiệm đầu tư không?
Dùng tiền tiết kiệm để đầu tư cũng là cách rất tốt giúp bạn tạo thêm thu nhập thụ động. Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu thật kỹ, trau dồi kiến thức và chuẩn bị “hành trang” kinh nghiệm trước khi quyết định đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào.
Nên tiết kiệm bao nhiêu tiền mỗi tháng?
Số tiền tiết kiệm tùy thuộc vào khả năng tài chính và mục tiêu ngắn hạn hoặc dài hạn của bạn. Vì vậy, hãy cân nhắc các khoản chi tiêu hợp lý để tiết kiệm hiệu quả hơn.
Làm thế nào giảm hóa đơn ăn uống?
Để tiết kiệm chi phí ăn uống, bạn có thể:
- Nấu ăn ở nhà thay vì ăn ngoài, có thể mang cơm trưa khi đi làm.
- Chế biến thực phẩm trong một lần cho 4 buổi.
- Uống nhiều nước, ăn nhiều rau và trái cây.