Đối với người lao động, thuế thu nhập cá nhân là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương, tiền công của mình. Hơn hết, đóng thuế còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân, góp phần không nhỏ vào nguồn ngân sách nhà nước. Thông qua những quy định chung của Pháp luật, Tino Group sẽ hướng dẫn bạn cách tính thuế thu nhập cá nhân online chuẩn xác qua bài viết dưới đây nhé!
Tìm hiểu đôi nét về thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân là gì?
Trên thực tế, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chưa được định nghĩa trong các văn bản Pháp luật Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Dù vậy, trong Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (được sửa đổi, bổ sung vào năm 2008) và một số nghị định, thông tư hướng dẫn, thuế TNCN được nhắc đến như sau:
“Thu nhập cá nhân trong kinh tế là thuật ngữ đề cập đến các khoản thu nhập của một cá nhân kiếm được trong một thời gian nhất định từ tiền lương, đầu tư và các khoản khác. Đây là tổng hợp của tất cả các khoản thu nhập thực nhận bởi tất cả các cá nhân hoặc hộ gia đình. Thông thường, mỗi cá nhân sẽ phải chịu đánh thuế thu nhập.”
Vậy thuế TNCN được hiểu đơn giản là thuế trực thu. Khoản thuế này được tính dựa trên thu nhập của cá nhân nộp thuế (đã trừ đi các khoản thu nhập được tính miễn thuế và các khoản giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân cùng các văn bản, hướng dẫn liên quan).
Khoản thuế được dùng để nộp vào ngân sách nhà nước sau khi đã giảm trừ. Tuy nhiên, các cá nhân có thu nhập thấp dưới mức quy định sẽ không phải nộp thuế TNCN. Đối với người lao động nộp thuế TNCN có người phụ thuộc cũng sẽ được giảm trừ thuế theo quy định. Vậy người có thu nhập càng cao, mức thuế TNCN phải nộp càng lớn.
Các trường hợp tính thuế thu nhập cá nhân
Theo điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012, đối tượng nộp thuế TNCN bao gồm 2 nhóm, bao gồm: cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú.
Cá nhân cư trú
Đây là nhóm người lao động có nơi ở hoặc thuê nhà thường xuyên tại Việt Nam theo quy định của Pháp luật. Theo đó, thời hạn của các hợp đồng thuê nhà kéo từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế hoặc cá nhân có nơi ở thường xuyên, có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong 1 năm dương lịch hoặc 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Đồng thời, ngày đến và ngày đi sẽ được tính là 1 ngày.
Đối với cá nhân cư trú, có 2 trường hợp áp dụng tính thuế TNCN:
- Các cá nhân ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên.
- Các cá nhân ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động.
Cá nhân không cư trú
Đây là những người không đáp ứng đủ điều kiện cá nhân cư trú, được xác định là cá nhân không cư trú (thường là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam).
Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân dành cho người lao động
Các bước tính thuế TNCN đối với cá nhân cư trú
Trường hợp 1: Các cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, có nguồn thu nhập từ tiền lương và tiền công.
Công thức tính thuế TNCN:
(1): Thuế TNCN cần nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất.
(2): Thu nhập tính thuế = Thu nhập phải chịu thuế – các khoản giảm trừ.
(3): Thu nhập phải chịu thuế = Tổng tiền lương nhận được – Các khoản được miễn trừ.
Để tính thuế TNCN phải nộp, bạn cần áp dụng các công thức tính số (1), (2) và (3) theo các bước sau:
Bước 1: Tính tổng thu nhập tiền lương nhận được.
Bước 2: Tiếp tục tính các khoản được miễn thuế. Trong đó, các khoản thu nhập được miễn thuế (nếu có) từ tiền lương/tiền công gồm:
- Khoản tiền làm thêm giờ, làm việc tăng ca được trả cao hơn so với tiền lương làm việc trong giờ hành chính.
- Tiền lương của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng hàng hải Việt Nam, vận tải quốc tế hoặc hãng tàu của nước ngoài.
Bước 3: Áp dụng công thức số (3) để tính thu nhập phải chịu.
Bước 4: Tính các khoản giảm trừ bao gồm:
- Giảm trừ gia cảnh đối với người lao động nộp thuế có thu nhập 132 triệu đồng/năm, tương đương 11 triệu/tháng và với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
- Giảm trừ các khoản đóng tiền bảo hiểm, khuyến học, nhân đạo, đóng góp từ thiện và quỹ hưu trí tự nguyện.
Bước 5: Áp dụng công thức (2) tính thu nhập tính thuế.
Theo Điều 22, Luật Thuế TNCN năm 2007, bảng biểu thuế luỹ tiến từng phần được xác định như sau:
Để xác định mức thuế suất tương đương, bạn chỉ cần căn cứ theo phần thu nhập tính thuế theo tháng/năm của mình. Khi biết được thu nhập tính thuế và thuế suất, bạn tiếp tục áp dụng công thức (1) để tính thuế TNCN cần nộp.
Cuối cùng, sau khi xác định được “Thu nhập tính thuế” và “Thuế suất”, bạn có thể tính thuế TNCN theo 2 cách thức sau:
- Phương thức luỹ tiến: Tính số thuế phải nộp theo từng bậc thuế rồi cộng lại theo bảng thuế lũy tiến.
- Phương thức rút gọn: Tính thu nhập tính thuế và áp dụng bảng dưới đây để tính ra số thuế TNCN phải nộp:
Trường hợp 2: Các cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng.
Dựa vào điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC quy định như sau:
“Cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động mà có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập (khấu trừ luôn trước khi trả tiền)”.
Lưu ý: Trừ những trường hợp làm cam kết theo mẫu 08/CK-TNCN nếu đủ điều kiện trên.
Công thức tính thuế TNCN phải nộp đối với các cá nhân sau:
Thuế TNCN phải nộp = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả
Cách tính thuế thu nhập cá nhân online chuẩn xác
Hệ thống tính thuế TNCN online của luatvietnam.vn
Bước 1: Trước tiên, bạn cần truy cập vào hệ thống tính thuế TNCN của Luật Việt Nam theo đường link: https://luatvietnam.vn/tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan.html
Bước 2: Tiếp tục nhập tổng thu nhập của bạn.
Bước 3: Nhập số lượng người phụ thuộc.
Bước 4: Hệ thống sẽ tính toán thuế TNCN của bạn và trả lại kết quả cho bạn sau vài phút.
Lưu ý: Tổng thu nhập bao gồm lương tháng (đã trừ bảo hiểm bắt buộc) và tiền thưởng. Đồng thời, tổng thu nhập chỉ áp dụng đối với:
- Tổng thu nhập từ tiền lương và tiền công.
- Các đối tượng lao động nhận lương net (lương nhận được đã trừ bảo hiểm 10,5%).
Hệ thống tính thuế TNCN của thuvienphapluat.vn
Bước 1: Trước tiên, bạn truy cập vào đường link: https://thuvienphapluat.vn/tien-ich/tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan.html
Bước 2: Nhập thu nhập mỗi tháng của bạn, được tính bằng tiền lương được ghi trên hợp đồng.
Bước 3: Nhập chi phí đóng bảo hiểm (nếu không tự nộp bảo hiểm thì mức đống này là 0).
Bước 4: Tiếp tục nhập số lượng người phụ thuộc.
Bước 5: Hệ thống sẽ tính toán thuế TNCN bạn cần nộp.
Lưu ý: Thông thường, thu nhập tháng được tính bằng tiền lương ghi trên hợp đồng của tiện ích là tổng thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 10 và 11 của Luật thuế TNCN và tính các khoản giảm trừ sau:
- Những khoản tiền đóng bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện.
- Những khoản tiền đóng góp từ thiện, nhân đạo và khuyến học.
Trong đó, mức tiền lương tháng thấp nhất để đóng BHXH không được thấp hơn mức tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc các chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
Qua bài viết trên, Tino Group hy vọng bạn đã biết cách tính thuế thu nhập cá nhân online nhanh chóng và chính xác. Nhìn chung, thuế TNCN là khoản thuế bắt buộc phải đóng của các đối tượng lao động. Vì vậy, chủ động tìm hiểu về thuế TNCN và cách thức nộp thuế là điều cần thiết. Đừng quên theo dõi Tino Group để không bỏ lỡ những thông tin hữu ích.
Những câu hỏi thường gặp
Lương bao nhiêu mới phải nộp thuế TNCN?
- Đối tượng lao động không có người phụ thuộc, có tổng thu nhập từ tiền lương hoặc tiền công trên 11 triệu đồng/tháng buộc phải đóng thuế TNCN.
- Đối tượng lao động có 1 người phụ thuộc, thu nhập trên 15,4 triệu đồng/tháng buộc phải đóng thuế TNCN.
Nhân viên thử việc có đóng thuế TNCN không?
Căn cứ vào Thông tư số 111/2013/TT-BTC, người lao động ký hợp đồng thử việc có mức thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên, doanh nghiệp sẽ thực hiện khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho người lao động.
Thu nhập chịu thuế là gì?
Thu nhập chịu thuế được hiểu là tổng thu nhập mà cá nhân được chi trả và không bao gồm các khoản dưới đây:
- Tiền ăn trưa và ăn giữa các ca làm việc.
- Tiền phục cấp cho điện thoại.
- Tiền phục cấp cho trang phục.
- Tiền công tác phí.
- Thu nhập từ phần tiền lương/tiền công mà lao động làm thêm giờ hoặc tăng ca.
Tầm quan trọng của thuế TNCN là gì?
Thuế TNCN góp phần:
- Cải thiện nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
- Góp phần cân bằng xã hội.
- Điều tiết vĩ mô nền kinh tế nước nhà.
- Hạn chế khắc phục các loại thuế khác.
- …