Báo cáo tài chính (BCTC) là công cụ kỳ quan trọng để phản ánh tình hình hoạt động của một tổ chức, doanh nghiệp trong một khoảng thời gian cụ thể. Kỹ năng đọc báo cáo tài chính là rất cần thiết, đặt biệt những ai đang làm trong ngành kế toán. Kỹ năng này không quá phức tạp như nhiều người lầm tưởng. Trong bài viết hôm nay, Tino Group sẽ hướng dẫn bạn cách đọc báo cáo tài chính đầy đủ và chính xác.
Đôi nét về báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính là gì?
Báo cáo tài chính (BCTC) là các mẫu báo cáo cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp như: vốn chủ sở hữu, tài sản, nợ, doanh thu, lợi nhuận, hoạt động thu chi,… Báo cáo tài chính thường được công bố định kỳ vào cuối mỗi quý và cuối năm.
Theo quy định tại điều 100, Thông tư 200/2014/TT-BTC, một báo cáo tài chính hoàn chỉnh gồm các phần sau:
- Báo cáo tài chính của Ban giám đốc
- Báo cáo tài chính của công ty kiểm toán độc lập
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
- Bảng cân đối kế toán
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Thuyết minh báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính có ý nghĩa gì với doanh nghiệp và các bên liên quan?
Đối với chủ doanh nghiệp
Báo cáo tài chính cho biết tình hình tài chính, lời lỗ từ hoạt động kinh doanh, dòng tiền được sử dụng như thế nào,… Từ đó, doanh nghiệp có thể xác định được điểm mạnh, điểm yếu và đưa ra biện pháp khắc phục để quản lý tài chính tối ưu hơn.
Đối với ngân hàng
Thông qua báo cáo tài chính, ngân hàng có thể biết được tình trạng “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp, nắm được cơ cấu vốn, doanh thu và tỷ suất lợi nhuận để làm căn cứ cho vay.
Đối với đối tác kinh doanh
Đối tác sẽ biết được doanh nghiệp đang phát triển tốt hay xấu, đang đi theo hướng tích cực hay suy thoái, hoạt động kinh doanh hiện tại có triển vọng không. Từ đó, họ mới có thể yên tâm hợp tác với doanh nghiệp.
Đối với nhà đầu tư
Nhà đầu tư có thể xác định tỷ suất sinh lời, mức độ rủi ro của doanh nghiệp để quyết định đầu tư hoặc sở hữu cổ phiếu. Đồng thời, báo cáo tài chính còn thể hiện việc phân phối lợi nhuận cho cổ đông. Nếu doanh nghiệp kinh doanh tốt, cổ tức chi trả sẽ tăng theo thời gian, còn khi kinh doanh thua lỗ, cổ đông sẽ là người chịu thiệt.
Đối với các cơ quan chức năng
Đọc báo cáo tài chính sẽ giúp các cơ quan chức năng phát hiện rủi ro tiềm ẩn, ngăn chặn sai phạm, đưa ra cách quản lý doanh nghiệp tốt hơn.
Hướng dẫn cách đọc báo cáo tài chính
Bước 1: Xác định phạm vi thời gian của bản báo cáo tài chính
Đầu tiên, bạn hãy xác định xem báo cáo tài chính này đang thể hiện tình trạng tài chính của doanh nghiệp trong khoảng thời gian nào. Thông thường, thời gian của báo cáo sẽ được ghi ngay trên cùng hoặc trong phần tiêu đề.
Bước 2: Xem trước ý kiến của kiểm toán viên
Nhiều người thường bỏ qua phần này vì nghĩ rằng những dữ liệu trong bảng cân đối hay báo cáo kết quả hoạt động mới là quan trọng hơn. Tuy nhiên, việc xem trước ý kiến của kiểm toán viên rất cần thiết để:
- Đảm bảo báo cáo này được kiểm toán bởi một đơn vị chuyên nghiệp, toàn bộ dữ liệu trong báo cáo là thật chứ không phải do một cá nhân hay tổ chức nào tự nghĩ ra.
- Kiểm toán viên có xác minh tính trung thực của báo cáo bằng cách đưa ra ý kiến với mức độ tin cậy giảm dần: chấp nhận toàn phần -> ngoại trừ -> không chấp nhận -> từ chối.
Nếu kế toán viên chấp nhận toàn phần nghĩa là báo cáo này đã phản ánh trung thực, người đọc hoàn toàn có thể tin tưởng vào các dữ liệu được phân tích ở đây.
Các sai sót sẽ được kiểm toán viên phát hiện và yêu cầu phía doanh nghiệp chỉnh sửa kịp thời. Trong trường hợp kiểm toán viên đưa ra ý kiến từ chối, bạn nên cân nhắc lựa chọn đọc báo cáo khác để đảm bảo tính chính xác.
Bước 3: Phân tích bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán gồm hai phần quan trọng: tài sản và nguồn vốn. Theo nguyên tắc chung: Tài sản = Nguồn vốn.
Các tài sản được liệt kê ở bên phải và các khoản nợ bên trái.
Đọc cột tài sản
Bao gồm tiền mặt, các khoản đầu tư, tài sản cố định và những thứ có giá trị khác thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Tài sản được liệt kê theo thứ tự thanh khoản. Cụ thể, tài sản nào có tính thanh khoản cao nhất (như tiền mặt) sẽ được trình bày trước.
Bạn hãy quan sát số dư tiền mặt và các khoản tương đương tiền. Nếu doanh nghiệp có quy mô lớn và lãi lớn nhưng khoản này thấp nghĩa là doanh nghiệp đang bị thiếu hụt thanh khoản, chứng tỏ dòng tiền không được lành mạnh.
Xem các khoản nợ phải trả
Nợ phải trả là các khoản mà doanh nghiệp đang nợ người khác, có thể là tiền thuê mặt bằng, thuê văn phòng, thuế, lương trả cho nhân viên, thanh toán khoản vay và tiền nợ cho các nhà cung cấp hoặc nhà thầu khác.
Nếu mức vay nợ cao, vốn sinh lời sẽ thấp. Điều này phản ánh doanh nghiệp quản trị kém hiệu quả dẫn đến doanh thu thấp. Đồng thời, khả năng mở rộng đầu tư thấp vì tiền lời được ưu tiên dùng cho trả nợ.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ duy trì dư nợ cao. Vì vậy, mục này cũng còn tùy vào chiến lược kinh doanh mà doanh nghiệp đang thực hiện.
Phát hiện các dấu hiệu mất cân đối tài chính
Tài sản dài hạn sẽ được duy trì bằng nguồn vốn dài hạn, nếu duy trì vằn vốn ngắn hạn sẽ bất hợp lý. Xu hướng biến động của vốn lưu động thuần giảm dần hoặc âm cho thấy sự mất cân bằng tài chính. Nghĩa là doanh nghiệp đang dùng nợ ngắn hạn để đầu tư vào tài sản dài hạn.
Bước 4: Phân tích báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thể hiện những nội dung quan trọng sau: Doanh thu, thu nhập khác phát sinh từ hoạt động ngoài (thanh lý tài sản, nhượng bán tài sản cổ định, thu tiền phạt do đối tác vi phạm hợp đồng,…), các chi phí phát sinh trong kỳ.
Lưu ý: Lợi nhuận bằng doanh thu trừ chi phí.
Bảng báo cáo này sẽ chi tiết về hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính và hoạt động khác. Trong đó:
- Hoạt động kinh doanh: Doanh thu thuần từ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ, giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp phát sinh, chi phí phát sinh, biên lợi nhuận gộp, doanh thu từ các hoạt động tài chính khác,…
- Hoạt động tài chính: Doanh thu tài chính (lãi đầu tư, lãi tiền gửi, lãi chênh lệch tỷ giá,…) và chi phí tài chính (lỗ đầu tư, lãi vay,…).
- Hoạt động khác: Phản ánh tình hình của những hoạt động nằm ngoài hoạt động kinh doanh chủ chốt của doanh nghiệp, bao gồm: thu nhập từ lãi thanh lý, bồi thường hợp đồng,…
Để phân tích một bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, trước hết bạn phải phân loại doanh thu và chi phí rồi tính toán tỷ trọng dựa trên tổng doanh thu và tổng chi phí. Nếu phát sinh thay đổi, phải phản ánh kịp thời, đồng thời ghi chú các mục có sự biến động lớn để theo dõi.
Lưu ý: Báo cáo này không thể hiện dòng tiền thu chi trong kỳ, lợi nhuận hoàn toàn có thể bị thổi phồng hoặc che dấu. Do đó, nếu chỉ dựa vào mỗi báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và thấy rằng doanh nghiệp đang có lãi thì cũng chưa chắc. Doanh nghiệp đủ tiền để trả nợ khi đáo hạn hoặc dùng để tái sản xuất hay không chưa thể đảm bảo.
Bước 5: Phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Doanh thu và lợi nhuận ghi trên báo cáo kết quả hoạt động được ghi nhận ngay khi nghiệp vụ phát sinh trong kỳ. Có những khoản phải thu của khách hàng nhưng chưa thực được tiền nên dòng tiền không hề tăng. Vì vậy, bạn có thể sẽ thấy phát sinh doanh thu và lợi nhuận nhưng thực chất doanh nghiệp chưa có dòng tiền vào.
Bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ thể hiện ba dòng tiền cơ bản gồm:
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: Phát sinh do hoạt động thanh toán nhà cung cấp, khách hàng, người lao động, chi trả lãi hoặc nộp thuế. Dòng tiền này phải được lấy từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chứ không lấy từ huy động vốn hoặc vay nợ.
- Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: Là dòng tiền thu chi liên quan đến việc mua sắm, thanh lý và đầu tư tài sản cố định hoặc những tài sản dài hạn khác.
- Dòng tiền từ hoạt động tài chính: Phát sinh tư việc tăng/ giảm vốn chủ sở hữu thông qua hình thức nhận góp vốn mới, phát hành cổ phiếu, trả cổ tức hoặc từ khoản vay nợ, chi trả nợ gốc, vay mới,…
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể ghi nhận dữ liệu âm hoặc dương. Nếu doanh nghiệp có dòng tiền trả cổ tức đều đặn trong dài hạn chứng tỏ tình hình tài chính lành mạnh, lợi nhuận công bố đúng với thực tế.
Bước 6: Phân tích thuyết minh báo cáo tài chính
Thuyết minh báo cáo tài chính cung cấp cho bạn thông tin chi tiết dựa theo số liệu của bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cùng một số thông tin cần thiết khác.
Các nội dung cụ thể gồm: Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp, kỳ kế toán, đơn vị tiền tệ sử dụng trong các bảng báo cáo, chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán áp dụng, chính sách kế toán, … Những phát sinh tăng giảm trong kỳ của từng khoản cần được trình bày chi tiết, diễn giải bằng lời kèm với công thức toán học để người đọc hiểu rõ.
Tại đây, bạn có thể phân tích doanh nghiệp, chẳng hạn như:
- Doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nào? Nếu sản xuất sẽ cần đầu tư nhà xưởng, nghĩa tài sản cố định lớn. Nếu bán lẻ sẽ có hàng tồn kho cao, khoản phải thu ít.
- Doanh nghiệp đã hoạt động được bao lâu, đang trong giai đoạn đầu, giữa hay cuối chu kỳ phát triển? Chính sách kế toán, chuẩn mực áp dụng hiện tại như thế nào?
Bước 7: Xem thêm các tài liệu hỗ trợ khác nếu có
Bạn có thể tham khảo các tài liệu dự phòng hoặc được chuẩn sẵn, chẳng hạn như biên lai và hóa đơn để giải thích cũng như đối chiếu các giao dịch có trong báo cáo tài chính.
Tóm lại, báo cáo tài chính mang ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp và lợi ích của các bên liên quan. Biết cách đọc báo cáo tài chính sẽ giúp bạn tự tin hơn trong việc vận hành hoặc đầu tư vào doanh nghiệp. Chúc bạn thành công!
Những câu hỏi thường gặp
Báo cáo tài chính của doanh nghiệp được công bố ở đâu?
Báo cáo tài chính thường được doanh nghiệp công bố minh bạch trên website của họ. Bạn có thể tải về thiết bị để tiện theo dõi khi cần. Các báo cáo này thường được sử dụng cho hoạt động kiểm toán và thanh toán thuế hằng năm.
Tại sao báo cáo lưu chuyển tiền tệ quan trọng khi độc báo cáo tài chính?
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cần được đọc và phân tích kỹ. Vì thông qua đó, bạn sẽ xác định được doanh nghiệp thực sự kiếm được bao nhiêu tiền và chi ra bao nhiêu trong khoảng thời gian cụ thể.
Làm sao để đọc báo cáo tài chính hiệu quả nhất?
Để đọc báo cáo tài chính hiệu quả nhất, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên so sánh dữ liệu ở từng thời điểm khác nhau mới có thể đánh giá xu hướng phát triển của doanh nghiệp. Các con số trên báo cáo chỉ mang tính thời điểm nên có cái nhìn tổng quan, bạn nên tham khảo thêm dữ liệu từ các báo cáo tài chính của 5 năm gần nhất.
- Nên so sánh với các doanh nghiệp đang kinh doanh cùng lĩnh vực để đánh giá lại điểm mạnh, yếu của doanh nghiệp mình.
Những ai cần quan tâm đến báo cáo tài chính?
Các thông tin trong báo cáo tài chính được rất nhiều người quan tâm, từ các nhà phân tích tài chính của những định chế tài chính trung gian (quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty bảo hiểm), đối tác kinh doanh cho đến nhà đầu tư tiềm năng. Ngoài ra, báo cáo tài chính còn được sử dụng bởi các cơ quan quản lý nhà nước, điển hình là cơ quan thuế.