Bạn muốn “lấn sân” vào lĩnh vực kinh doanh để kiếm lợi nhuận mỗi tháng. Tuy nhiên, với nguồn vốn ít ỏi, bạn không biết mình nên bắt đầu kinh doanh từ đâu. Vậy sự lựa chọn tốt nhất dành cho bạn ngay lúc này là Dropshipping Shopee – cách bán hàng trên Shopee không cần vốn nhưng vẫn tạo ra doanh thu hấp dẫn. Để hiểu rõ hơn về hình thức Dropshipping trên Shopee, mời bạn tham khảo chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
Tổng quan về phương thức Dropshipping Shopee
Dropshipping Shopee là gì?
Dropshipping Shopee hay Dropship là một phương thức bán hàng không cần vốn trên sàn thương mại điện tử Shopee. Trong vài năm gần đây, Shopee là một trong những nền tảng cung cấp dịch vụ Dropshipping rất được người dùng ưa chuộng.
Với phương thức bán hàng online truyền thống, bạn cần phải chuẩn bị nhiều khâu, từ: nhập và trữ hàng, quảng bá sản phẩm, giao hàng và xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Trong khi đó, tham gia Dropshipping, nhiệm vụ của bạn chỉ đơn giản là thu hút khách hàng tiềm năng. Nghĩa là bạn chỉ cần tập trung vào khâu Marketing và quảng bá sản phẩm.
Đối với Dropshipping trên Shopee, bạn đóng vai trò như “người môi giới” giữa người tiêu dùng với các đơn vị bán hàng trên sàn thương mại điện tử này. Khi khách hàng “chốt đơn”, bạn sẽ chuyển những đơn hàng này đến đơn vị cung cấp. Sau đó, họ sẽ tự thực hiện các bước còn lại là đóng gói và vận chuyển sản phẩm đến tay khách hàng.
Trên thực tế, mô hình Dropshipping đã tồn tại và phát triển khá lâu, nhưng ở nước ta, phương thức này vẫn còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đã có nhiều bạn trẻ tiếp cận với Dropshipping và xem đây là công việc chính của mình.
Ưu điểm và hạn chế của Dropshipping Shopee
Ưu điểm
Dropshipping Shopee chính là “cứu tinh” cho những người đam mê kinh doanh nhưng không có vốn. Bên cạnh những đặc trưng thú vị, lợi ích nổi bật, Dropshipping Shopee còn tạo ra lợi nhuận lâu dài và ổn định cho người bán. Vậy điều gì đã khiến Dropshipping Shopee trở nên hấp dẫn đến thế?
Cách thức tham gia đơn giản
So với các phương thức kinh doanh khác, tham gia Dropshipping trên Shopee khá đơn giản và nhanh chóng. Với phương thức này, bạn không cần thực hiện các quy trình bán hàng phức tạp. Nhiệm vụ của bạn chỉ đơn giản là tiếp cận và quảng bá sản phẩm đến khách hàng, thúc đẩy họ “chốt đơn”. Những công đoạn khác như: đóng gói sản phẩm, giao hàng và xây dựng mối quan hệ với người tiêu dùng sẽ được thực hiện bởi đơn vị cung cấp.
Sở hữu lượng truy cập lớn
Shopee hiện là sàn giao dịch thương mại điện tử lớn và được nhiều người ưa chuộng. Chỉ trong quý 3 năm 2021, Shopee đã đạt hơn 77 triệu lưu lượng truy cập trung bình mỗi tháng (Theo thống kê của iPrice).
Con số này đã đưa Shopee lên ngôi vị quán quân trên bản đồ thương mại và điện tử Việt Nam. Thậm chí, những “ông lớn” cùng ngành như: Tiki, Lazada hay Sendo cũng không “vượt mặt” Shopee.
Nhìn chung, Shopee sở hữu số lượng người dùng rất lớn. Vì vậy, khi tham gia Dropshipping trên nền tảng này, cơ hội bạn tiếp cận được khách hàng tiềm năng cũng cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ kiếm được lợi nhuận hiệu quả khi tham gia Dropshipping trên Shopee.
Tối ưu hóa lợi nhuận
Như đã đề cập, Dropshipping Shopee không đòi hỏi nguồn vốn ban đầu.Thay vì phải bỏ ra hàng trăm hay hàng chục “củ” để mở shop trực tuyến, bạn chỉ cần tốn khoảng 250k/tháng để sử dụng tool nhân bản shop khi tham gia Dropshipping. Sau mỗi đơn hàng thành công, bạn sẽ được nhận hoa hồng trực tiếp từ đơn hàng đó và không bị khấu trừ bất kỳ khoản phí nào.
Vận hành dễ dàng
Để đăng bán sản phẩm trên Shopee, bạn cần được cấp giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, Shopee không yêu cầu quá nghiêm ngặt về vấn đề này. Vì vậy, bạn có thể dễ dàng mở và vận hành một cửa hàng trực tuyến trên Shopee. Lưu ý, để tạo niềm tin trong mắt khách hàng và duy trì hoạt động kinh doanh lâu dài, cửa hàng của bạn phải đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng.
Hạn chế
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, phương thức kinh doanh Dropshipping cũng tồn tại một số hạn chế nhất định.
Cạnh tranh cao
Số lượng cửa hàng trực tuyến trên Shopee ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với rất nhiều đối thủ cạnh tranh nặng ký. Trong khi đó, phần lớn khách hàng đều lựa chọn những nơi cung cấp sản phẩm có giá thành rẻ. Vì vậy, bạn không thể tránh khỏi những trường hợp bị khách hàng hủy hoặc hoàn đơn. Bên cạnh đó, bạn và bên cung cấp có thể vướng phải rắc rối nếu gặp phải đơn hàng ảo từ những đối thủ cạnh tranh xấu tính.
Chính sách giao hàng khắt khe
Các chính sách và quy định về thời gian giao hàng dự kiến trên Shopee khá khắt khe. Nếu trong quá trình vận chuyển, đơn hàng của bạn gặp phải sự cố hoặc bất kỳ nguyên nhân khách quan nào dẫn đến việc chậm trễ so với thời gian dự kiến, bạn sẽ là người chịu trách nhiệm trực tiếp.
Hướng dẫn cách bán hàng trên Shopee không cần vốn với Dropshipping
Bước 1: Lựa chọn sản phẩm tiềm năng
Để thực hiện Dropshipping hiệu quả, bạn cần xác định loại sản phẩm mình sẽ cung cấp, thị trường kinh doanh và khách hàng tiềm năng. Hiểu rõ về sản phẩm chính là “bí quyết” giúp bạn bán hàng thành công.
Nếu muốn nhanh chóng thu hút khách hàng, bạn có thể lựa chọn những mặt hàng đang thịnh hành. Google Trends sẽ là công cụ đắc lực giúp bạn tìm được sản phẩm ưng ý. Tuy nhiên, bán sản phẩm theo trend không mang lại hiệu quả lâu dài. Thay vào đó, bạn nên dành thời gian nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu mua sắm của khách hàng để chọn mặt hàng phù hợp nhất.
Bước 2: Tìm đơn vị cung cấp dịch vụ Dropshipping trên Shopee
Sau khi lựa chọn sản phẩm tiềm năng, bước tiếp theo bạn cần làm là tìm đơn vị cung cấp dịch vụ Dropshipping Shopee.
- Truy cập vào trang chủ Shopee tại: https://shopee.vn/ -> Chọn “Trở thành Người bán Shopee” -> Tại mục tìm kiếm, nhập loại sản phẩm mình muốn bán. (Ví dụ: Giày, áo thun, ba lô,…).
- Click vào mục “Lọc các shop ở …” (Khu vực bạn muốn kinh doanh).
- Hệ thống hiển thị danh sách các sản phẩm từ nhiều shop khác nhau -> Chọn shop phù hợp.
Lưu ý: Bạn có thể lọc tìm kiếm theo: shop yêu thích, shop xu hướng hoặc sắp xếp từ cao xuống thấp.
Bước 3: Liên hệ với nhà cung cấp
Trong bước tiếp theo, bạn cần liên hệ với nhà cung cấp để trao đổi chính sách hợp tác và hỗ trợ quảng bá sản phẩm. Bạn có thể nhắn tin trực tiếp trên Shopee, gọi điện thoại hoặc gửi Email đến nhà cung cấp.
Bước 4: Thiết lập cửa hàng trực tuyến
Sau khi hoàn tất các thủ tục và hợp đồng cộng tác là lúc bạn thiết lập cửa hàng trực tuyến trên Shopee.
- Tạo tài khoản Shopee.
- Đổi tên Shop, cập nhật ảnh đại diện, ảnh bìa và các thông tin liên quan.
- Lục chọn cách thức thanh toán.
- Bổ sung thông tin cho sản phẩm: hình ảnh, đoạn mô tả.
- Liên kết đơn vị vận chuyển.
Lưu ý: Trong phần bổ sung thông tin sản phẩm, bạn có thể sao chép đoạn mô tả và hình ảnh từ nhà cung cấp hoặc tự triển khai nội dung nếu đủ kiến thức cũng như am hiểu về sản phẩm.
Bước 5: Bắt tay xây dựng cửa hàng
Tối ưu shop
- Tên: Tốt nhất, bạn nên đặt tên shop theo từ khóa sản phẩm mà mình bán. Ví dụ: ÁO THUN NỮ.
- ID: Đặt theo dạng không dấu, mỗi từ cách nhau bằng dấu xếp gạch và kèm theo tên thương hiệu. Ví dụ: ao_thun_nu_unisexM.
Mô tả sản phẩm
- Tiêu đề: Dòng tiêu đề cần có từ khóa chính xuất hiện.
- Nội dung: Mô tả chi tiết về sản phẩm một cách đầy đủ, chính xác. Nếu được, bạn có thể chèn từ khóa vào sao cho tự nhiên nhất.
- Hashtag: Gắn hashtag để tăng độ phủ sóng của sản phẩm và dễ tiếp cận với khách hàng hơn.
Decor gian hàng
- Thiết kế: Để gian hàng trông thu hút và bắt mắt hơn, bạn có thể thiết kế banner đính kèm các dòng sản phẩm bán chạy, sản phẩm thịnh hành, voucher, các chương trình khuyến mại,…
- Mã giảm giá: Tùy theo thời gian khuyến mại, bạn có thể đặt tối thiểu 3 mức giảm giá cho từng đơn hàng khác nhau. Việc này giúp kích thích khách hàng mua đơn hàng cao hơn. Ví dụ: Hóa đơn trên 100k giảm 10k, trên 200k giảm 20k, trên 500k giảm 50k.
- Tạo khuyến mại: Các khuyến mại nên được cập nhật thường xuyên và chia theo nhiều đợt để thu hút khách hàng.
Thu hút khách hàng
Để tiếp cận với nhiều người tiêu dùng hơn, bạn có thể chia sẻ gian hàng của mình lên các trang mạng xã hội. Đây là nguồn cung ứng lượng khách hàng dồi dào và đầy tiềm năng.
Theo quy định của Shopee, sản phẩm của bạn sẽ được lên top tìm kiếm 4 giờ/lần, mỗi lần là 5 sản phẩm. Ngoài ra, để sản phẩm nhanh chóng lên top, bạn có thể đầu tư một khoản vốn nhỏ để mua từ khóa.
Bước 6: Đăng sản phẩm lên gian hàng
Khi đăng sản phẩm lên gian hàng Shopee, bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, bao gồm: thời gian giao hàng, địa chỉ nhận hàng, chỉnh sửa thông tin sản phẩm sau khi đăng bán.
Thời gian giao hàng
Theo quy định của Shopee, thời gian chuẩn bị hàng là tối đa 30 ngày. Vì vậy, bạn cần nắm rõ thông tin về nguồn hàng để chủ động setup thời gian lấy hàng. Đối với những mặt hàng order từ nước ngoài, bạn có thể mô tả thông tin nhận hàng từ 7 – 10 ngày.
Địa chỉ nhận hàng
Bạn nên để địa chỉ của nhà cung cấp ở kho hàng của kho Dropship. Ngoài ra, bạn có thể cung cấp số điện thoại lên Shopee và liên hệ với nhà cung cấp theo thông tin trên đơn hàng. Việc này giúp hạn chế tình trạng nhân viên nhận hàng không tìm được kho hoặc cần xử lý đơn hàng tại kho. Để nhận thanh toán, bạn cung cấp tài khoản ngân hàng của mình. Trong đó, tên người thụ hưởng phải trùng khớp với tên trên CCCD.
Chỉnh sửa thông tin sản phẩm sau khi đăng bán
Trước khi đăng bán, bạn cần tổng hợp lại thông tin sản phẩm từ nhà cung cấp. Để sản phẩm thu hút hơn, bạn có thể chỉnh sửa lại theo ý của mình sao cho đầy đủ và cụ thể nhất.
Sau khi cập nhật thông tin, Shopee sẽ phê duyệt sản phẩm của bạn. Thời gian duyệt của Shopee tùy thuộc vào từng ngành hàng và quy định cụ thể của nền tảng.
Tương tự như các hình thức kinh doanh khác, Dropshipping Shopee cũng có những ưu điểm và hạn chế riêng. Tuy nhiên, nếu dành thời gian tìm hiểu và nghiêm túc theo đuổi lĩnh vực này, bạn vừa kiếm được lợi nhuận khủng vừa xây dựng hình ảnh cá nhân. Trong tương lai, bạn có thể trở thành người bán hàng với các sản phẩm của riêng mình trên Shopee.
Kết luận
Chỉ với các thao tác đơn giản, bạn đã có thể bán hàng trên Shopee mà không cần vốn. Dropshipping Shopee là phương thức kinh doanh 3 không: “Không vốn – không đóng gói – không giao hàng”. Chỉ cần tập trung vào việc thiết kế gian hàng và quảng bá sản phẩm, bạn sẽ có cơ hội kiếm lợi nhuận ổn định mỗi tháng.
Qua bài viết trên, Tino Group hy vọng bạn đã biết cách bán hàng trên Shopee không cần vốn với Dropshipping. Đừng quên theo dõi chúng tôi để không bỏ lỡ những bài viết hay và hấp dẫn về các giải pháp kinh doanh mới nhất nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Làm thế nào để sản phẩm không bị khóa trên Shopee?
Một sản phẩm đạt tiêu chuẩn trên Shopee bao gồm các yếu tố:
- Hình ảnh sản phẩm không chứa bất kỳ logo nào của các doanh nghiệp lớn, logo Shopee hoặc logo Shopee Mall.
- Tiêu đề mô tả sản phẩm trung thực, cụ thể, chi tiết.
- Tiêu đề, phần mô tả thông tin không trùng lặp 100% với các shop khác.
Phí thanh toán trên Shopee của nhà bán hàng là bao nhiêu?
Phí thanh toán trên Shopee với nhà bán hàng chỉ từ 0% – 2% trên mỗi đơn hàng.
Chọn nhà cung cấp Dropshipping dựa trên tiêu chí nào?
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn chọn nhà cung cấp dịch vụ Dropshipping chất lượng:
- Có đại diện bán hàng.
- Sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng.
- Có hợp đồng cộng tác Dropshipping rõ ràng.
- Tốc độ giao hàng nhanh chóng, thời gian vận chuyển từ 2 – 3 ngày hoặc hỏa tốc trong vòng 24 giờ.
Có nên chọn bán sản phẩm theo trend không?
Bạn hoàn toàn có thể chọn bán sản phẩm theo trend. Tuy nhiên, bán sản phẩm theo trend khá rủi ro vì xu hướng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.