Một trong những yếu tố có khả năng thúc đẩy sự cố gắng và tạo động lực cho người lao động là bonus. Nhiều người quan niệm rằng bonus chỉ dành cho các ngành dịch vụ với hàm ý là “tiền boa” cho phục vụ. Tuy nhiên, thuật ngữ này cũng xuất hiện phổ biến trong thị trường lao động. Vậy thực chất bonus là gì? Có bao nhiêu loại bonus phổ biến trong doanh nghiệp? Hãy cùng Tino Group tìm hiểu chi tiết về bonus qua bài viết dưới đây!
Giới thiệu tổng quan về Bonus
Bonus là gì?
Trong những cuộc vui chơi, ăn uống, chắc hẳn bạn đã quen với việc bonus thêm cho người phục vụ hoặc các dịch vụ. Hiểu đơn giản, đây chính là “tiền boa” mà khách hàng gửi thêm cho nhân viên. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, khái niệm bonus còn được vận dụng vào các doanh nghiệp, công ty với ý nghĩa to lớn hơn.
Khái niệm Bonus
Trong tiếng Anh, bonus mang ý nghĩa là tiền thưởng hoặc phần thưởng khi hoàn thành một nhiệm vụ, công việc nào đó. Để nhận bonus, người lao động cần phải cố gắng và thực hiện mục tiêu đúng hạn, tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Thông thường, các khoản bonus sẽ không được biểu thị trong hợp đồng lao động. Thay vào đó, bonus sẽ được trao đổi với ứng viên khi họ tham gia ứng tuyển vào công ty.
Bonus được quy ước như thế nào tại doanh nghiệp?
Trên thực tế, pháp luật lao động hiện hành không có bất kỳ quy định hoặc điều khoản nào về việc doanh nghiệp phải bonus cho nhân viên. Tuy nhiên, tùy theo đặc thù công việc cũng như doanh thu, mỗi doanh nghiệp sẽ có chế độ thưởng cho nhân viên khác nhau. Những phần thưởng này chính là động lực để khuyến khích, thúc đẩy nhân viên làm việc hết mình.
Như đã chia sẻ, các phần thưởng bonus sẽ không được quy định cụ thể trong hợp động và giữ kín với từng nhân viên. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp hiện nay đã hoạch định rõ ràng về các khoản bonus nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch. Thông thường, bonus sẽ được thể hiện dưới dạng phần trăm trên mức lương thực nhận.
8 loại hình bonus phổ biến nhất hiện nay
Sau khi hiểu bản chất bonus là gì, Tino Group sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về những loại hình bonus phổ biến hiện nay. Theo đó, bonus được chia thành 8 loại hình cơ bản sau:
- Profit-Sharing Bonus.
- Spot Bonus.
- Non-Cash Bonus.
- Referral Bonus.
- Signing Bonus.
- Milestone Bonus.
- Project Bonus.
- Annual Bonus.
Profit-Sharing Bonus
Profit-Sharing Bonus (tạm dịch: tiền thưởng chia sẻ lợi nhuận) là một hình thức bồi dưỡng cho nhân viên. Theo đó, đơn vị sử dụng lao động sẽ đóng góp một tỷ lệ phần trăm nhất định từ lợi nhuận doanh nghiệp vào chính sách phúc lợi của người lao động.
Một số tính chất cơ bản của Profit-Sharing Bonus là:
- Doanh nghiệp có thể thanh toán tiền thưởng thường xuyên thay vì mỗi năm.
- Không bắt buộc theo luật, doanh nghiệp được tự do quyết định khoản tiền thưởng cho nhân sự.
- Có thể được dùng để đóng góp vào tài khoản hưu trí của nhân viên hoặc chia thành 2 đợt tiền thưởng trong năm.
Spot Bonus
Loại tiền thưởng này sẽ được doanh nghiệp giao ngay cho nhân sự của mình. Spot Bonus có thể bao gồm tiền mặt, tiền thưởng ngang hàng (Peer-to-Peer Bonus), thanh toán tự phát. Hiểu đơn giản, Spot Bonus chính là các khoản “thưởng nóng” cho các cá nhân hoặc đội nhóm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Về bản chất, Spot Bonus sẽ diễn ra một cách bất ngờ, không có sự dự tính trước.
Non-Cash Bonus
Non-Cash Bonus là khoản thưởng không phải là tiền mặt. Thay vào đó, nhân sự sẽ được thưởng giấy chứng nhận, danh hiệu hoặc nguồn cấp dữ liệu giải thưởng nội bộ đặc biệt của công ty. Ví dụ, bạn nhận được giải thưởng nhân viên xuất sắc của tháng.
Ngoài việc giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, Non-Cash Bonus cũng có khả năng thúc đẩy tinh thần đồng đội. Thông qua các giải thưởng mang tính tinh thần, nhân viên sẽ cảm thấy được quan tâm và cố gắng làm việc hơn.
Referral Bonus
Khi giúp doanh nghiệp kiếm thêm nhân sự mới, nhân viên sẽ được nhận phần thưởng giới thiệu. Đây chính là Referral Bonus. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng áp dụng chính sách thưởng này.
Trong một số trường hợp, nhân viên sẽ được nhận Referral Bonus ngay khi tìm được nhân sự mới. Nhưng theo quy định của nhiều doanh nghiệp, nhân viên chỉ có thể nhận thưởng nếu nhân sự mới hoàn thành thời gian thử việc (90 ngày) của họ.
Chính sách tiền thưởng này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tìm kiếm nhân lực nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Vì quá trình tìm kiếm nhân sự tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc. Đồng thời, doanh nghiệp phải đảm bảo nhân viên của mình nắm rõ JD (Job Description: bản mô tả công việc) để tìm kiếm nhân sự phù hợp nhất.
Signing Bonus
Signing Bonus là khoản thưởng chào mừng nhân viên mới gia nhập công ty. Đối với phần thưởng này, doanh nghiệp cần ghi rõ trong hợp đồng bằng văn bản. Hợp đồng cần chỉ định các điều khoản thanh toán, bao gồm khoảng thời gian nhân viên làm việc cho công ty trước khi nhận được Signing Bonus.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải nêu rõ liệu tiền thưởng có được hoàn lại nếu nhân viên rời công ty trước khi hoàn thành thời gian làm việc trong 1 năm. Thông thường, khoản tiền thưởng sẽ được ký kết dựa trên các tiêu chuẩn của ngành và thương lượng rõ ràng với nhân viên mới. Về cơ bản, Signing Bonus là khoản tiền thưởng đặc biệt mà không phải doanh nghiệp nào cũng có.
Milestone Bonus
Milestone Bonus (tiền thưởng cột mốc) là phần thưởng được trao cho nhân viên đã hoàn thành các nhiệm vụ nhất định. Số tiền thưởng này thường cố định ở một mức độ thành tích và không thay đổi giữa các nhân viên. Là người lao động, bạn có thể đàm phán với các doanh nghiệp về khoản tiền thưởng này. Tất nhiên, bạn cần đảm bảo với họ sẽ đạt được các thành tích nhất định với mức thưởng tương ứng.
Project Bonus
Trước đây, tiền thưởng dành cho người quản lý dự án sẽ dựa trên tổng kết quả của một dự án. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chế độ thưởng dự án đã có nhiều sửa đổi. Thay vì khen thưởng các nhà quản lý dự án, doanh nghiệp sẽ chia tiền thưởng cho cả nhóm. Đây chính là Project Bonus (tạm dịch: tiền thưởng dự án). Phần thưởng này giúp các thành viên trong nhóm cùng hợp tác làm việc để đạt mục tiêu của công ty.
Annual Bonus
Annual Bonus (tạm dịch: tiền thưởng hàng năm) là khoản thanh toán bằng tiền mặt bổ sung. Đôi lúc, Annual Bonus sẽ gắn liền với lợi nhuận của công ty, Số tiền thưởng này có thể lên đến 50% mức lương cơ bản của nhân viên. Hội đồng Quản trị công ty sẽ quyết định số tiền thưởng cuối cùng.
Annual Bonus sẽ phụ thuộc vào hiệu suất làm việc và thành quả nhân viên đạt được trong năm. Nhân viên có thể được nhận thưởng tiền mặt hoặc cổ phiếu tuỳ vào quy định của doanh nghiệp.
Điểm giống và khác nhau giữa Bonus và Commission
Một số người lao động thường nhầm tưởng Bonus và Commission (tiền hoa hồng) là giống nhau. Tuy nhiên, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, bạn cần hiểu rõ điểm giống và khác nhau giữa Bonus và Commission để tránh xảy ra những hiểu lầm, tranh chấp không đáng có.
Giống nhau
Về cơ bản, Bonus và Commission là khoản tiền mà đơn vị sử dụng lao động thanh toán cho người lao động. Đồng thời, cả hai khoản tiền này không được quy định cụ thể về giá trị cũng như được tính chung vào phần lương của nhân viên.
Khác nhau
Bonus
Bonus (tạm dịch: tiền thưởng) là khoản tiền thưởng được tính cố định mà người lao động nhận dựa vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Commission
Commission (tạm dịch: hoa hồng) là khoản tiền được trích từ giá trị mà người lao động tạo ra cho doanh nghiệp. Thuật ngữ này được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực sale. Nhân viên bán hàng sẽ nhận được hoa hồng khi giá trị hợp đồng, thỏa thuận mà họ thực hiện có doanh thu lớn. Đồng thời, Commission có giá trị biến thiên.
Trong nhiều trường hợp, Commission có thể được hiểu là Bonus. Tuy nhiên, Bonus lại không thể trở thành Commission. Đó là vì Commission phụ thuộc vào năng suất lao động của mỗi cá nhân, còn Bonus lại chịu tác động bởi hoạt động kinh doanh của toàn doanh nghiệp.
Có thể thấy, không chỉ quan trọng với người lao động, Bonus còn là yếu tố giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng nhân sự của mình. Hy vọng bài viết của Tino Group đã giúp bạn hiểu rõ về Bonus cũng như các loại hình Bonus thường gặp. Đừng quên theo dõi chúng tôi để không bỏ lỡ những kiến thức hữu ích mỗi ngày bạn nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Yếu tố nào ảnh hưởng đến Bonus?
Bonus phụ thuộc vào vị trí của nhân viên cũng như kết quả họ đã đạt được khi làm nhiệm vụ. Nếu nhân viên tạo ra giá trị lớn cho công ty, Bonus thậm chí cao hơn tiền lương mỗi tháng của họ.
Incentive Bonus là gì?
Incentive Bonus hay tiền thưởng khuyến khích là khoản bồi dưỡng tài chính cao và vượt hơn tiền lương cơ bản của người nhận. Nếu nhân viên tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp hoặc cống hiến nhiều sẽ có cơ hội nhận được Incentive Bonus.
Bonus có cần thiết không?
Câu trả lời là “Có!”. Bonus chính là nguồn động lực to lớn để nhân viên cố gắng làm việc, hoàn thành tốt chỉ tiêu. Trên thực tế, bonus càng hấp dẫn, động lực và nhiệt huyết của nhân viên càng cao. Điều này góp phần thúc đẩy doanh thu của doanh nghiệp tăng trưởng.
Nhân viên có thể thỏa thuận Bonus như lương không?
Về cơ bản, bonus không được tính như mức lương mỗi tháng. Tuy nhiên, yếu tố này lại nằm trong chế độ đãi ngộ của công ty. Vì vậy, nhân viên hoàn toàn có thể thỏa thuận với doanh nghiệp về các khoản bonus.