API không còn là một thuật ngữ quá xa lạ khi bạn thực hiện các ứng dụng cho web, hoặc bạn thiết kế một website thương mại điện tử và sử dụng API của các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển hay các ví hỗ trợ thanh toán điện tử cho website của mình. Vậy, API là gì? Ưu điểm, nhược điểm của API ra sao? Những câu hỏi này sẽ được Tino Group giải đáp cho bạn.
Tìm hiểu về API
API là gì?
API là viết tắt của Application Programming Interface – Giao diện lập trình ứng dụng. Đây là một phần mềm/ dịch vụ trung gian hỗ trợ cho 2 ứng dụng khác nhau có thể giao tiếp được với nhau. Vì thế, áp dụng và sử dụng API sẽ tăng tốc được quá trình xây dựng phần mềm, ứng dụng web mà không cần phải tốn nhiều thời gian, công sức để xây dựng chức năng đó từ đầu.
Ví dụ: khi bạn đến một tiệm cà phê, nhân viên phục vụ sẽ đi đến và hỏi bạn muốn uống gì. Sau đó, người nhân viên này sẽ đi đến khu vực pha chế và nói với người pha chế phải làm thức uống như thế nào. Khi pha chế xong, người phục vụ sẽ lại đem thức uống đến cho bạn.
Trong ví dụ này, API chính là người phục vụ chịu trách nhiệm hỗ trợ bạn liên hệ với bộ phận pha chế. Nếu bạn quen với các quán cà phê cao cấp như Highland hay The Coffee House bạn sẽ thấy ví dụ này khá lạ vì bạn yêu cầu trực tiếp với người pha chế. Nhưng đây chỉ là 1 ví dụ điển hình nhé!
Ứng dụng của api trong thực tế
Web API
Web API là một hệ thống API được thiết kế và sử dụng trong những dịch vụ, hoạt động liên quan đến website. Có thể bạn không để ý, những có rất nhiều hoạt động, dịch vụ trên 1 trang web sử dụng API như: thông tin về thời tiết ở đầu trang, chức năng cho phép người dùng đăng nhập vào website của bạn bằng các tài khoản như: Google, Facebook, Apple,… là bạn đang gọi API đấy!
API cho hệ điều hành
Trên các hệ điều hành như Linux, Windows cung cấp sẵn rất nhiều API đặc biệt là các đặc tả hàm, giao thức cung như các phương thức kết nối. Việc này nhằm hỗ trợ các nhà phát triển phần mềm tạo ra các ứng dụng, phần mềm có khả năng tương tác với hệ điều hành.
API của framework hoặc thư viện
API của framework hoặc Library thường sẽ mô tả và quy định sẵn các hành động mong muốn mà các thư viện cung cấp. Bạn có thể triển khai 1 API theo nhiều cách khác nhau nhằm giúp cho một chương trình viết bằng ngôn ngữ C có thể giao tiếp với chương trình bằng ngôn ngữ PHP.
Ưu điểm và nhược điểm của API
Ưu điểm của API
- Kết nối mọi lúc mọi nơi nhờ vào Internet
- Cung cấp giải pháp rút ngắn thời gian để phát triển phần mềm, giờ đây chỉ cần API để sử dụng phần mềm được dựng sẵn.
- Tạo ra trải nghiệm tốt và thân thiện đối với người dùng
- Giao tiếp 2 chiều nên quá trình thực hiện khá đáng tin cậy
Nhược điểm của API
Bất kể thứ gì cũng sẽ có một vài nhược điểm nhất định. Không nằm ngoài ngoại lệ, API cũng có một và nhược điểm khá đáng kể như:
- Đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức chuyên sâu
- Tốn rất nhiều chi phí để phát triển, vận hành cũng như chỉnh sửa API
- Web API không hoàn toàn là RESTful service, chỉ hỗ trợ trợ cho POST và GET là chủ yếu.
- Cần phải có kiến thức về bảo mật nếu không hệ thống sẽ rất dễ bị tấn công.
Web API là gì?
Web API là một phương thức hỗ trợ 2 phần mềm, dịch vụ hay ứng dụng khác nhau có thể giao tiếp và trao đổi dữ liệu với nhau. Thông thường, chúng sử dụng giao thức HTTP hoặc HTTPS bảo mật và trả lại dữ liệu ở dạng XML hoặc JSON.
Web API có gì nổi bật?
Khả năng tích hợp
Bạn có thể sử dụng API để lấy thông tin, nội dung từ những trang web hỗ trợ một cách dễ dàng, gia tăng trải nghiệm cho người dùng. API hoạt động như một cổng kết nối và bạn có thể chọn lọc những thông tin cho phép chia sẻ hay không.
Khả năng tự động hoá
Những công việc vốn dĩ phải thực hiện bằng sức người, với API, bạn chúng sẽ được tự động hoá từ khâu quản lý đến việc cập nhật. Điều này sẽ gia tăng năng suất một cách đáng kể.
Làm việc trong thời gian thực
Một trong những khả năng giúp API trở nên phổ biến chính là khả năng hỗ trợ cập nhật và thay đổi nội dung theo thời gian thực. Điều này sẽ làm cho thông tin trở nên chính xác hơn, linh hoạt hơn.
Có tiêu chuẩn chung để sử dụng
Bất kể một API nào được tạo ra cũng sẽ có bộ hướng dẫn chi tiết đi kèm để sử dụng. Vì chi phí để thiết lập một API là không hề nhỏ và các nhà phát triển sẽ cố gắng để giúp bất kể người dùng hay doanh nghiệp nào cũng có thể sử dụng API của họ tốt nhất.
Ứng dụng API vào lập trình và thiết kế website
Khi xây dựng một web bán hàng online, bạn sẽ cần rất nhiều những dịch vụ khác để hỗ trợ xung quanh việc bán hàng như: thanh toán, vận chuyển, hỗ trợ chia sẻ thông tin lên các mạng xã hội khác, đăng ký thành viên…
Thông thường, những nhà phát triển dịch vụ lớn sẽ tạo ra các API cho riêng mình. Mục đích là giúp các phần mềm, ứng dụng khác có thể giao tiếp với phần mềm, ứng dụng của họ một cách dễ dàng hơn. Bạn chỉ cần ứng dụng chúng vào thay vì phải lập trình lại từ đầu, ví dụ như:
- Sử dụng API của các đơn vị giao hàng tích hợp thẳng vào website của bạn. Hiện cũng có khá nhiều plugin hỗ trợ tích hợp API của các đơn vị giao hàng vào website. Ví dụ: API của Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm, J&T đều có API sẵn.
- Cho phép người dùng đăng ký bằng tài khoản của các mạng xã hội như Facebook, Apple hay Google làm cho người dùng của bạn cảm thấy tiện lợi hơn khi đăng ký.
- Thanh toán online là một việc rất quan trọng vì điều này liên quan trực tiếp đến tài sản. Bạn hãy để công việc phát triển khó nhằn cho các nhà phát triển phần mềm, bạn chỉ cần sử dụng các API cùng 1 khoản chi phí nhỏ để sử dụng chúng. Điều này sẽ giúp quá trình thanh toán của khách hàng được đảm bảo. Các đơn vị như: Momo, Zalo Pay, VNPay đều hỗ trợ API.
- Nếu website của bạn có lượng bài viết hay lượng sản phẩm lớn, ứng dụng API để giúp người dùng có thể tìm kiếm được những dữ liệu trong và cả ngoài website sẽ làm tăng trải nghiệm người dùng. Google chính là “bậc thầy” thực thụ trong việc hỗ trợ tìm kiếm.
Đến đây, bạn đã cùng với Tino Group tìm hiểu rất nhiều kiến thức thú vị để giải mã API là gì cũng như ưu điểm và nhược điểm của API. Kiến thức về cách áp dụng API thực sự rất rộng. Vì thế, nếu bạn muốn sử dụng API bạn nên dành một chút thời gian để tìm hiểu chính xác cái bạn thực sự đang cần nhằm tránh mất thời gian. Chúc bạn trở thành một lập trình viên xuất sắc!
Bài viết có tham khảo nhiều nguồn: Mulesoft, TopDev, ITViec,…
Những câu hỏi thường gặp về API
Restful API là gì?
Restful API hay còn được biết đến với cái tên REST API. Đây là một tập hợp của các tiêu chuẩn được sử dụng trong việc xây dựng và phát triển các API dành cho dịch vụ web. Để tìm hiểu thêm về Restful API, bạn có thể tham khảo bài viết đầy đủ: Restful API là gì? Cách thức hoạt động của Restful API.
API có phải là ngôn ngữ lập trình hay không?
Không, như đã đề cập ở trên, API khá giống với các hàm bạn sử dụng trong các ngôn ngữ lập trình, mỗi ngôn ngữ lập trình sẽ có những bộ API tương ứng.
API gateway là gì?
API gateway là một công cụ quản lý API thường sẽ nằm giữa một máy khách và tập hợp nhiều dịch vụ backend.
Những API miễn phí sử dụng để thử nghiệm ở đâu?
Nếu bạn là một người yêu động vật, đặc biệt là chó, bạn có thể sử dụng Dog API hoàn toàn miễn phí để cung cấp cho người dùng các thông tin, dữ liệu cũng như các hình ảnh về chó. Tương tự, chúng ta có shibe.online cũng cung cấp cho người dùng ảnh của chó.
Trong trường hợp bạn thích anime, bạn có thể sử dụng API của Anime News Network để cung cấp những thông tin mới về anime cho mọi người (bằng tiếng Anh).
Những API này hoàn toàn miễn phí và có hướng dẫn sử dụng đầy đủ, bạn có thể sử dụng chúng vào mục đích thử nghiệm, học tập của mình.