Khi làm việc với Git repository trên GitHub, chắc chắn bạn sẽ phải làm việc với Pull Request, đặc biệt là lúc thực hiện những dự án lớn và làm việc với nhiều người. Vậy, Pull Request là gì? Công dụng của Pull Request ra sao? Tại sao nên sử dụng Pull Request? Những câu hỏi này sẽ được Tino Group giải đáp giúp bạn qua bài viết này!
Tìm hiểu về Pull Request
Pull Request là gì?
Trong phần đầu này, Tino Group sẽ giải thích chi tiết về cách hoạt động của GitHub và giải thích một số thuật ngữ chuyên ngành để các bạn đọc phổ thông cũng có thể hiểu. Nếu bạn đã biết, bạn có thể đọc tiếp phần phân tích Pull Request.
Khi nhắc đến Pull Request, chúng ta sẽ phải tìm hiểu ngược từ source code của chương trình trước.
Thông thường, một phần mềm sẽ do rất nhiều người thực hiện (rất hiếm trường hợp 1 người thực hiện viết toàn bộ chương trình).
Để quản lý source code hiệu quả và nhất quán, họ sẽ sử dụng những công cụ quản lý source code như Git, Gitlab,… và nổi tiếng nhất là GitHub để quản lý source code của mình.
Các lập trình viên sẽ làm việc chung trên một tập source code trên GitHub (repository). Mỗi người một công việc và mỗi người sẽ thực hiện clone (sao chép) các repo (gọi đầy đủ là repository) trên GitHub về máy tính cá nhân của mình để hoàn thiện phần chức năng đó.
Source code quản lý trên máy tính cá nhân mỗi người sẽ được gọi là local repo, bạn có thể hình dung qua ảnh sau:
Trong đó, source code chính của phần mềm sẽ nằm trong nhánh gốc có tên là master. Khi các lập trình viên phát triển thêm các chức năng mới, họ sẽ tạo ra các nhánh con (branch) đã/ đang có của master ví dụ như tinh_nang_1, tinh_nang_2,… và thực hiện bổ sung chức năng trong các branch này, master sẽ không bị thay đổi gì.
Khi thực hiện viết code xong, các lập trình viên sẽ tạo các Pull Request để gộp source code mới vào source code cũ (thuật ngữ chuyên môn của việc này được gọi là merge source). Một ý nghĩa nữa của việc Pull Request chính là thông báo với những người làm việc chung là “tôi đã xong phần của tôi rồi nhé!”.
Giải thích một cách ngắn gọn và đơn giản: Pull Request là một cơ chế để lập trình viên/ nhà phát triển thông báo với những người trong nhóm rằng họ đã hoàn thành công việc, chức năng của phần mềm.
Và tất nhiên, Pull Request không phải là một thông báo thông thường. Thông báo này còn có rất nhiều chức năng, công dụng khác Tino Group sẽ giải thích cho bạn ngay sau đây.
Pull Request hoạt động ra sao?
Tiếp theo, chúng ta sẽ “mổ xẻ” rõ ràng hơn về quá trình Pull Request nhé!
Pull Request là một đặc trưng cho Branch Workflow ví dụ như Gitflow Workflow hoặc Forking Workflow, hai dòng này sẽ có một số điểm khác nhau. Nhưng chúng ta có thể tổng hợp lại quy trình chung của chúng từ ví dụ giải thích “Pull Request là gì”:
- Một lập trình viên sẽ lập trình một tính năng và họ sẽ phải tạo/ tải branch về local repo của họ.
- Sau khi thực hiện code xong chức năng của họ được giao, họ sẽ phải thực hiện nối branch local repo từ đó với repository công khai của nhóm.
- Lập trình viên sẽ phải tạo một Pull Request thông qua GitHub, Bitbucket hay những công cụ quản lý code nhóm sử dụng.
- Các thành viên còn lại của nhóm sẽ bắt đầu xem xét, thảo luận, chú thích hay thay đổi mã sao cho phù hợp.
- Sau khi hoàn tất, người quản lý dự án sẽ hợp nhất các tính năng vào kho lưu trữ chính và đóng Pull Request của lập trình viên lại.
Vì sao lại sử dụng Pull Request?
Vấn đề
Một dự án phần mềm sẽ cần rất nhiều nhân lực và đôi khi có cả những người chưa bao giờ làm việc với code tham gia vào dự án. Vì là các dự án, nên quá trình tuyển dụng nhân sự cũng sẽ phải tăng tốc và nhanh chóng thay thế nếu xảy ra sự cố về nhân sự. Do vậy, lực lượng “hùng hậu” trong một dự án sẽ bao gồm cả những chuyên gia lẫn những người chưa bao giờ đụng đến code.
Từ đó, sẽ dẫn đến những vấn đề cần phải giải quyết như sau:
- Nhân lực không đồng bộ, thiếu kiến thức lập trình, cấu trúc của ứng dụng và các thành phần khác liên quan đến kiến thức.
- Nhiều người thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng các ứng dụng tầm trung (các ứng dụng như Uber hay Grab là siêu ứng dụng nhé!)
- Những thành viên “non nớt” sẽ chưa hiểu về kỷ luật của dự án để thực hiện.
Vì thế, lúc này sẽ cần có giải pháp để giải quyết những tình trạng trên như: các buổi đào tạo, buổi chia sẻ kiến thức, tài liệu và hướng dẫn một một, các buổi thảo luận đánh giá,…
Nhưng những giải pháp này sẽ có thể gom lại vào một phương án duy nhất đó chính là Pull Request.
Lợi ích của Pull Request với dự án phần mềm
Vậy, Pull Request có những lợi ích, công dụng như thế nào để được “tung hô” như vậy?
Với dự án phần mềm nói riêng, Pull Request có những công dụng như sau:
- Cải thiện mã nguồn của phần mềm
- Giúp các thành viên cải thiện kỹ năng lập trình
- Lưu lại lịch sử phát triển của sản phẩm
Cải thiện mã nguồn của phần mềm
Khi một lập trình viên tạo Pull Request, trước khi mã nguồn của người đó được merge vào branch chính của dự án phần mềm, các thành viên của dự án có thể xem xét, bình luận và sửa các lỗi có trong code đó.
Với “con mắt tinh tường” của nhiều người “soi lỗi” chắc chắn, code sẽ được cải thiện hơn rất nhiều để code có thể đạt đến mức clean code.
Giúp các thành viên cải thiện kỹ năng lập trình
Khi nhận được các bình luận, góp ý sửa lỗi trong code của mình, các lập trình viên có thể cải thiện được khả năng lập trình của mình thông qua quá trình tự sửa lỗi, tự nâng cấp code của mình cho đến khi người quản lý dự án cho phép merge vào dự án.
Điều này sẽ cải thiện được rất nhiều kỹ năng khác cho lập trình viên như: làm việc theo nhóm, xử lý tình huống, giao tiếp với đồng nghiệp,…
Lưu lại lịch sử phát triển của sản phẩm
Khi merge Pull Request vào master branch của dự án phần mềm, các thông tin sẽ không bị mất đi khi đóng Pull Request lại. Các công cụ quản lý mã nguồn sẽ vẫn lưu trữ thông tin chi tiết đến từng dòng code để thực hiện lại truy vết nếu cần thiết.
Đến đây, chắc bạn cũng đã hiểu hơn về Pull Request là gì rồi đúng không nào? Nếu bạn sử dụng một phần mềm quản lý mã nguồn như GitHub lúc mới vào nghề, bạn sẽ phải tốn không ít thời gian để làm quen với GitHub. Nhưng dùng quen rồi, bạn sẽ cảm thấy những thứ như Pull Request, repo, lưu vết,… và nhiều tính năng khác trong các công cụ sẽ giúp ích cho bạn trong việc phát triển kỹ năng và bản thân đấy! Chúc bạn thành công trên con đường lập trình đầy gian nan!
Những câu hỏi thường gặp về Pull Request
Sự khác biệt giữa commits trên trang compare và trang Pull Request là gì?
Trang compare thể hiện những sự khác biệt giữa phần đầu của ref và branch master hiện tại.
Trang Pull Request thể hiện sự khác biệt giữa phần đầu của ref đầu với branch master của head và base ref tại thời điểm Pull Request được tạo.
Làm sao để tìm hiểu thêm về cách Pull Request hoạt động?
Để hiểu thêm về những hoạt động trong Pull Request, bạn có thể tham khảo tiếp nội dung Making a Pull Request của Atlassian – nhà quản lý và phát triển công cụ quản lý mã nguồn Bitbucket. Tài liệu của họ rất dễ hiểu, người viết bài nghĩ rằng nếu bạn không có kiến thức về code, bạn cũng có thể hiểu được bài viết này.
Ngoài GitHub, có công cụ nào quản lý mã nguồn hiệu quả?
Ngoài GitHub ra, bạn còn có thể tìm thấy rất nhiều công cụ quản lý mã nguồn như: Gitlab, Bitbucket, SCM, Backlog,…
Có nên sử dụng Bitbucket hay không?
Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào bạn. Nếu bạn sử dụng dịch vụ của AWS, có thể, bạn sẽ phải làm việc nhiều với Bitbucket. Trong trường hợp bạn sử dụng các dịch vụ phần mềm và công nghệ của Microsoft, GitHub sẽ tuyệt hơn cho dự án của bạn vì GitHub đã bán cho Microsoft.
Ngoài ra, GitHub rất phổ biến nên bạn có thể tìm nhiều nguồn tài liệu để tham khảo hơn. Tuy nhiên, đối với người viết bài cảm thấy những tài liệu chính thức của GitHub khó hiểu hơn so với tài liệu của Atlassian.