Với số lượng người dùng ngày càng tăng, mạng lưới Bitcoin đang gặp khó khăn trong việc xử lý khối lượng giao dịch lớn. Điều đó dẫn đến tình trạng tắc nghẽn mạng, tốc độ giao dịch chậm và phí giao dịch cao. Để giải quyết những vấn đề này, giải pháp Bitcoin Layer 2 (L2) đã ra đời. Vậy cụ thể Bitcoin layer 2 là gì? Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn top 6 dự án Bitcoin layer 2 nổi bật nhất hiện nay.
Tóm tắt
Bitcoin layer 2 là các giải pháp được xây dựng trên nền tảng Bitcoin nhằm giải quyết những vấn đề về khả năng mở rộng và phí giao dịch của mạng lưới. Các giải pháp này hoạt động bằng cách chuyển một số giao dịch khỏi mạng chính Bitcoin, qua đó giảm tải cho mạng lưới, giúp cho việc xử lý giao dịch nhanh hơn và rẻ hơn. Dưới đây là các dự án Bitcoin layer 2 nổi bật nhất hiện nay.
Tổng quan về Bitcoin layer 2
Bitcoin layer 2 là gì?
Blockchain Bitcoin chỉ có khả năng xác thực 7 giao dịch mỗi giây. Mặc dù con số khá hạn chế, nhưng vẫn đủ đáp ứng nhu cầu vào thời điểm đồng coin này mới ra mắt. Tuy nhiên, việc áp dụng Bitcoin ngày càng rộng rãi, cùng với sự phát triển của Ordinals và token BRC-20, đã làm gia tăng nhu cầu đối với mạng lưới, dẫn đến tình trạng quá tải trong một số trường hợp và phí gas tăng vọt.
Ban đầu, blockchain Bitcoin được thiết kế chủ yếu cho việc chuyển giao giá trị ngang hàng (P2P), do đó, mạng lưới này thua kém hầu hết các blockchain hiện đại về thông lượng và khả năng ứng dụng. Dù vậy, Bitcoin vẫn được xem là mạng blockchain Proof of Work (PoW) phi tập trung và bảo mật nhất.
Giải pháp Bitcoin Layer 2 là một giao thức hoạt động song song với chuỗi chính của Bitcoin. Các mạng lưới có thể cải thiện khả năng mở rộng của Bitcoin, cho phép mạng xử lý khối lượng giao dịch lớn mà không làm giảm tốc độ giao dịch hoặc tăng phí giao dịch.
Bitcoin Layer 2 hoạt động như thế nào?
Một mạng lưới blockchain được tạo thành từ hai lớp: lớp thực thi (execution layer) và lớp đồng thuận (consensus layer).
- Lớp thực thi xử lý tính toán các giao dịch (yêu cầu thay đổi trạng thái) từ người dùng blockchain và gửi chi tiết của các giao dịch này lên lớp đồng thuận.
- Lớp đồng thuận chạy thuật toán đồng thuận và chứa các thợ đào (đối với Proof of Work – PoW) hoặc validator (đối với Proof of Stake – PoS) – những bên xác minh tính hợp lệ của giao dịch trước khi chấp thuận chúng.
Nền tảng của các dự án Layer 2 sẽ phát triển một lớp thực thi riêng biệt với lớp trên mạng chính (mainnet), đồng thời kết nối hiệu quả với lớp đồng thuận của mạng chính.
Giải pháp Bitcoin Layer 2 là môi trường thực thi ngoài chuỗi (off-chain), tính toán các giao dịch và gửi chi tiết giao dịch lên lớp đồng thuận của mạng lưới Bitcoin. Mặc dù cách thức hoạt động của các dự án Layer 2 khác nhau, nhưng chiến lược chung vãn tương đồng. Mỗi giải pháp đều cố gắng duy trì mối quan hệ với mạng chính, sau đó, tạo ra một môi trường cho phép các giao dịch thông thường hay bất kỳ hoạt động nâng cao nào khác diễn ra.
Bằng cách gửi các giao dịch để thanh toán cuối cùng trên mạng chính Bitcoin, các dự án Bitcoin layer 2 có thể đạt được mức độ bảo mật và phi tập trung tương tự (hoặc gần bằng) như Bitcoin.
Giải pháp Bitcoin Layer 2 giúp mở rộng mạng lưới bằng cách chọn lọc thông tin truyền qua lại. Thay vì xử lý từng giao dịch riêng lẻ trên Bitcoin, layer 2 sẽ xử lý giao dịch ngoài chuỗi và chỉ gửi thông tin cần thiết lên chuỗi chính. Ví dụ, một layer 2 xử lý thanh toán chỉ lưu trữ xác nhận thanh toán trên Bitcoin, thay vì sử dụng mạng lưới cho mọi bước yêu cầu, chuyển và nhận thanh toán.
Một số layer 2 thậm chí còn giúp giao dịch hiệu quả hơn bằng cách gom nhóm thông tin lại và đăng lên Bitcoin dưới dạng một khối (block) duy nhất, thay vì nhiều thông báo riêng lẻ. Các layer 2 khác sử dụng các thuật toán đặc biệt để mã hóa và nén thông tin thành các giao dịch nhỏ hơn. Những tính năng này giúp giảm sức mạnh tính toán cần thiết cho nhiều giao dịch, giúp toàn bộ hệ sinh thái blockchain hoạt động hiệu quả hơn.
Ưu điểm của giải pháp Bitcoin layer 2
- Giao dịch nhanh hơn: Hệ thống Bitcoin layer 2 được xây dựng để xử lý lưu lượng truy cập mạng cao hơn, do đó, chúng có thể xử lý giao dịch nhanh hơn.
- Phí giao dịch thấp hơn: Hầu hết các thiết kế Bitcoin layer 2 được thiết lập để tính phí người dùng ít tiền hơn cho các giao dịch.
- Xử lý đáng tin cậy: Vì các mạng Bitcoin layer 2 được xây dựng trên hệ thống Bitcoin cơ bản nên chúng sẽ kế thừa tính năng bảo mật ấn tượng của Bitcoin.
- Nhiều lựa chọn hơn: Một số dịch vụ Bitcoin layer 2 sử dụng công nghệ Smart Contract, giúp blockchain Bitcoin linh hoạt và lập trình được hiệu quả hơn.
- Khả năng tương tác cao hơn: Công nghệ blockchain layer 2 có tính ứng dụng cao vì nó cho phép blockchain Bitcoin giao tiếp với các mạng phổ biến khác, chẳng hạn như Ethereum.
Top 6 dự án Bitcoin layer 2 nổi bật nhất hiện nay
Lightning Network
Lightning Network là một trong những giải pháp mở rộng layer 2 phổ biến nhất của Bitcoin. Mạng lưới này sử dụng phương thức gọi là kênh (channel) để xử lý các giao dịch ngoài chuỗi hiệu quả hơn. Chiến lược của Lightning Network cho phép người dùng giao tiếp với nhau thông qua một kết nối riêng lẻ. Mỗi kênh cho phép một người gửi và nhận bất kỳ số lượng giao dịch nào, chỉ có kết quả cuối cùng được ghi lại trên mạng chính.
Ưu điểm chính của Lightning Network là khả năng tăng tốc độ xử lý giao dịch, chủ yếu được sử dụng cho các khoản thanh toán. Do đó, bảo mật là điều cần thiết. Mạng lưới này sử dụng Hashed Timelock Contract – HTLC và giao dịch đa chữ ký để giúp người dùng chuyển tiền và xử lý thanh toán mà không gặp vấn đề về bảo mật.
Thiết kế của Lightning Network có tốc độ xử lý khoảng 1 triệu giao dịch mỗi giây (TPS), trong khi Bitcoin chỉ có khoảng 10 TPS. Hơn nữa, chi phí giao dịch trên Lightning Network chỉ 0,001. Đặc biệt là trong đợt giá Bitcoin tăng vọt vào cuối tháng 2 năm 2024, các giải pháp mở rộng của Lightning Network đã trở nên cực kỳ hữu ích.
Stacks Network
Stacks Network là một sidechain bán độc lập của Bitcoin. Mạng lưới này vận hành thuật toán đồng thuận riêng có tên là Proof of Transfer (PoX). PoX là sự kết hợp giữa thuật toán đồng thuận Proof of Stake (PoS) và Proof of Burn (PoB), cho phép kết nối các thợ đào trên blockchain Bitcoin với các Stack (người khóa STX) trên mạng Stacks.
Stack khóa token STX của họ trên mạng Stacks trong khi các thợ đào trên blockchain Bitcoin sẽ “hối lộ” Stack (bằng Bitcoin) để giành quyền xác thực một khối trên mạng Stacks. Thợ đào Bitcoin được chọn sẽ xác thực khối và nhận phần thưởng bằng STX.
Cơ hội được chọn để xác thực khối trên mạng Stacks của thợ đào phụ thuộc vào lượng Bitcoin họ cam kết đóng góp cho mạng lưới. Mặt khác, các Stack nhận sẽ phần thưởng BTC như một động lực để họ củng cố mạng Stacks bằng cách khóa token STX của họ. Số BTC mà một Stack kiếm được phụ thuộc vào lượng STX họ khóa trên mạng lưới.
Nói một cách đơn giản, Stacks Network không xử lý giao dịch trên mạng Bitcoin, thay vào đó, nền tảng sẽ “mượn” các thợ đào từ mạng Bitcoin để xác thực giao dịch trên lớp riêng của mình. Stacks vận hành một cầu nối cho phép chuyển Bitcoin giữa nền tảng và mạng chính của Bitcoin. Trong đó số Bitcoin chuyển sang mạng Stacks sẽ được biểu thị dưới dạng SBTC. Mạng lưới còn có khả năng chạy các Smart Contract nâng cao và hỗ trợ các ứng dụng phi tập trung (dApp) như các giao thức DeFi.
Rootstock (RSK)
Lấy cảm hứng từ các giải pháp mở rộng Ethereum Virtual Machine (EVM), Rootstock là một sidechain sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Work (PoW) để đồng thời đào cả Bitcoin và RSK. Khi các giao dịch được xác thực, Rootstock sẽ gom chúng lại và gửi lên mạng chính Bitcoin để hợp nhất lịch sử giao dịch của hai chuỗi.
Mặc dù chỉ nhanh hơn một chút so với Bitcoin, Rootstock vẫn cung cấp khả năng mở rộng nhất định nhờ phương pháp gom nhóm giao dịch. Tuy nhiên, phương thức đào PoW vẫn khiến tốc độ bị hạn chế. Rootstock có tốc độ giao dịch (TPS) khoảng 20 đến 300.
Bên cạnh việc tăng tốc độ giao dịch, ưu điểm chính của Rootstock là thống Smart Contract chuyên sâu. Các nhà phát triển có thể sử dụng Rootstock và Rootstock Infrastructure Framework cho nhiều giải pháp lưu trữ hoặc thanh toán. Mạng lưới còn cung cấp nhiều tính năng tích hợp hữu ích, bao gồm dịch vụ rollup và ví điện tử cho người dùng.
Liquid Network
Liquid Network được ra mắt vào năm 2018 bởi Blockstream, là một sidechain của Bitcoin cung cấp giải pháp xử lý giao dịch nhanh chóng. Mạng lưới hỗ trợ người dùng thực hiện các hoạt động nâng cao như phát hành token hoặc chạy các giao dịch bí mật.
Liquid Network sử dụng cơ chế two-way peg, cho phép người nắm giữ Bitcoin chuyển tiền của họ giữa hai mạng. Số BTC được chuyển sang Liquid Network được gọi là L-BTC (liquid BTC). Cơ chế chuyển đổi này đảm bảo giá trị của Bitcoin và L-BTC luôn tương đương nhau trên cả hai mạng lưới, thông qua việc sử dụng cơ chế đốt (burn) và phát hành (mint) được điều khiển bởi các Smart Contract.
Thay vì sử dụng thuật toán đồng thuận như PoW, Liquid Network được bảo mật bởi Liquid Federation – một liên đoàn được ủy quyền bao gồm các tổ chức tiền điện tử như sàn giao dịch tập trung và các nhà phát triển nổi bật. Các thành viên của Liquid Federation có trách nhiệm xác thực giao dịch và vận hành cơ chế two-way peg.
Omni Layer
Omni Layer là một nền tảng mã nguồn mở được tạo bởi Tether, công ty phát hành stablecoin nổi tiếng. Nền tảng này hoạt động như một lớp phần mềm (software layer) chạy trên mạng Bitcoin. Khả năng Smart Contract của Omni Layer cho phép nhà phát triển có thể xây dựng các loại tiền điện tử tùy chỉnh (custom crypto) mới, tự động hóa các quy trình tài chính phức tạp và phi tập trung hóa mạng lưới Bitcoin
Để dễ hình dung, mối quan hệ giữa Omni Layer và Bitcoin thường được so sánh với mối quan hệ giữa HTTP và TCP/IP trong kiến trúc mạng.
Một trong những điểm độc đáo nhất của Omni Layer là khả năng thay đổi siêu dữ liệu giao dịch Bitcoin. Sau khi xử lý các giao dịch trên Omni Layer, hệ thống sẽ gom nhóm dữ liệu giao dịch và thêm chúng vào siêu dữ liệu giao dịch Bitcoin. Điều này giúp lưu trữ thông tin trên chuỗi chính mà không cần xác thực từng giao dịch trên mạng lưới Bitcoin.
Drivechain
Drivechain là một phiên bản “fork” của Bitcoin. Nói cách khác, đây là một blockchain được sao chép từ mạng Bitcoin gốc, sau đó được phát triển thêm các tính năng mới. Để cải thiện khả năng mở rộng, Drivechain sử dụng các sidechain dung lượng có thể xử lý các khối dữ liệu lớn hơn, cho phép thực hiện các giao dịch vượt quá khả năng của mạng chính Bitcoin. Bên cạnh đó, hệ thống còn sử dụng cơ chế bảo mật được gọi là “hash rate escrow” , cho phép người dùng duy trì giá trị token khi di chuyển giữa Bitcoin và mạng layer 2.
Thiết kế của Drivechain mang lại một số lợi ích cho người dùng trong bối cảnh giá Bitcoin tăng vọt. Drivechain cung cấp các kênh thanh toán cho phép thực hiện giao dịch tức thời với phí thấp. Tốc độ giao dịch này phù hợp với những người dùng muốn mua Bitcoin ngay tại thời điểm giá tốt nhất. Hơn nữa, mạng lưới còn cung cấp một số tính năng bảo mật bổ sung, hữu ích cho những người dùng muốn tận dụng biến động giá BTC mà không cần tiết lộ danh tính.
Kết luận
Nhìn chung, các giải pháp layer 2 là một công nghệ tiềm năng có thể giúp Bitcoin trở nên dễ tiếp cận và hữu ích hơn cho nhiều người dùng hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết trước khi các giải pháp này có thể được áp dụng rộng rãi. Trên đây là những dự án Bitcoin layer 2 tốt nhất thời điểm hiện tại. Hy vọng bạn sẽ tìm hiểu chi tiết hơn trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
CẢNH BÁO: Đây là bài viết chia sẻ thông tin, không phải là lời kêu gọi đầu tư, bạn phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Đầu tư vào các sản phẩm tài chính luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nên bạn cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Chúc bạn sáng suốt và tỉnh táo để đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Có bao nhiêu loại blockchain layer 2?
Có 3 loại blockchain layer 2 gồm:
- State Channels: Được thiết kế cho các giao dịch hiệu quả và nhanh chóng (như thanh toán vi mô).
- Rollup Chains: Gộp nhiều giao dịch off-chain thành một giao dịch duy nhất cho trên mạng chính giúp cải thiện khả năng mở rộng.
- Sidechains: Hoạt động như các blockchain riêng biệt với cơ chế đồng thuận của riêng chúng, thường được sử dụng cho các ứng dụng DeFi và Smart Contract.
Tương lai của các giải pháp Bitcoin layer 2 như thế nào?
Năm 2023 đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử cho hệ sinh thái Bitcoin. Mặc dù mọi thứ đang diễn ra rất nhanh chóng, nhưng những tác động thật sự của các giải pháp Layer 2 vẫn chưa được biết rõ.
Tuy nhiên, với mỗi trường hợp sử dụng mới xuất hiện, Bitcoin sẽ củng cố vị trí của mình như công nghệ blockchain tiên phong. Do đó, tương lai của Bitcoin layer 2 vô cùng hứa hẹn
Khả năng tương thích của Bitcoin layer 2 có cao không?
Điều này sẽ còn phụ thuộc vào cấu trúc của mạng lưới. Nếu Bitcoin Layer 2 được thiết kế không phù hợp vẫn có thể gặp phải các vấn đề về khả năng tương thích khiến mạng bị trễ hoặc khó hoạt động với các ứng dụng Web3 khác.
Theo dõi giá trị đồng token của dự án Bitcoin Layer 2 ở đâu?
Bạn có thể theo dõi giá trị đồng token của các dự án Bitcoin layer 2 trên nhiều trang web và ứng dụng khác nhau, điển hình là Coinmarketcap và Coingecko.