Cloud Computing hay điện toán đám mây đã trở thành một khái niệm quen thuộc trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng website. Vậy còn Hybrid Cloud là gì? Liệu Hybrid Cloud có giống Cloud Computing không? Hybrid Cloud có những ưu điểm nào nổi bật? Mời bạn cùng Tino Group tìm hiểu chi tiết về Hybrid Cloud qua bài viết dưới đây nhé!
Hybrid Cloud là gì?
Hybrid Cloud (đám mây lai) là một môi trường điện toán đám mây tạo ra bằng cách kết hợp các nền tảng Private Cloud (đám mây riêng) và Public Cloud (đám mây công cộng), cùng với cơ sở hạ tầng tại chỗ. Trong đó, nền tảng Public Cloud thường được bên thứ 3 cung cấp. Hybrid Cloud là sự kết hợp độc đáo giữa hai dịch vụ đám mây trong một môi trường đồng nhất, có khả năng thay đổi tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Sự ra đời của Hybrid Cloud mang lại sự linh hoạt cho doanh nghiệp trong việc triển khai và quản lý ứng dụng. Đồng thời, giải pháp này còn hỗ trợ người dùng di chuyển dữ liệu giữa các môi trường đám mây một cách dễ dàng khi có nhu cầu. Đây là cách giúp người dùng tiết kiệm chi phí, thúc đẩy năng suất làm việc của doanh nghiệp.
Hybrid Cloud cung cấp một môi trường điện toán đồng nhất, linh hoạt và đa dạng. Người dùng có khả năng mở rộng, quản lý công việc trên mô hình điện toán phù hợp nhất. So với Private Cloud và Public Cloud độc lập, Hybrid Cloud giúp doanh nghiệp đạt được hiệu suất kinh doanh tối ưu. Thực tế cho thấy, các công ty áp dụng giải pháp Hybrid Cloud thường đạt được giá trị gấp 2,5 lần so với việc sử dụng Private Cloud và Public Cloud.
Hybrid Cloud hoạt động như thế nào?
Nguyên lý hoạt động của Hybrid Cloud có sự phân chia rõ ràng giữa kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại.
Kiến trúc Hybrid Cloud truyền thống
Trong mô hình truyền thống, Hybrid Cloud chuyển đổi trung tâm dữ liệu tại chỗ (on-premises) thành cơ sở hạ tầng đám mây riêng. Cơ sở hạ tầng đám mây riêng này sau đó sẽ kết nối với nền tảng đám mây công cộng, thường do các nhà dịch vụ như Google Cloud Services, Microsoft Azure, AWS và những nhà cung cấp tương tự cung cấp.
Quy trình này dựa trên giải pháp Hybrid Cloud đã được “đóng gói sẵn” hoặc sử dụng các phần mềm trung gian dành cho doanh nghiệp. Các tài nguyên đám mây sẽ được tích hợp và quản lý thông qua các công cụ quản lý thống nhất, cho phép người dùng giám sát, phân bổ, quản lý tài nguyên từ một bản điều khiển trung tâm.
Kiến trúc Hybrid Cloud hiện đại
Hiện nay, Hybrid Cloud tập trung vào việc hỗ trợ tính di động của khối lượng công việc trong tất cả môi trường đám mây. Giải pháp này tự động hóa triển khai những công việc này theo mục tiêu kinh doanh cụ thể.
Thông qua giải pháp này, các doanh nghiệp có thể tập trung vào cải thiện hiệu suất làm việc trên môi trường đám mây, làm cho quá trình triển khai và quản lý công việc trở nên dễ dàng và nhanh chóng.
Một ví dụ cụ thể của kiến trúc hiện đại này là việc sử dụng kiến trúc microservices. Người dùng có thể xây dựng hoặc chuyển đổi các ứng dụng thành các phần nhỏ hơn, tái sử dụng chúng và tập trung vào các chức năng kinh doanh cụ thể. Private Cloud và Public Cloud đóng vai trò như “địa điểm” vật lý để kết nối. Chúng có thể lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu bên ngoài cơ sở, trên mạng riêng ảo (VPN) hoặc đám mây riêng ảo (VPC).
Kiến trúc Hybrid Cloud hiện đại hỗ trợ ảo hóa cơ sở hạ tầng, cho phép nhà phát triển tạo ra môi trường theo yêu cầu thông qua tài nguyên máy tính hoặc tài nguyên đám mây bên ngoài tường lửa. Nhờ đó, khối lượng công việc và dữ liệu sẽ được triển khai gần với nơi thực hiện tính toán thực tế hơn.
Ưu điểm và hạn chế của Hybrid Cloud
Ưu điểm
Tốc độ chuyển đổi cao
Mô hình Hybrid Cloud cho phép doanh nghiệp chuyển đổi ứng dụng và dữ liệu nhanh chóng giữa các môi trường đám mây khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho thích ứng với nhu cầu kinh doanh đang thay đổi.
Ứng dụng và dữ liệu linh hoạt
Hybrid Cloud giúp tổ chức quản lý ứng dụng, dữ liệu một cách linh hoạt, cho phép họ lựa chọn nơi lưu trữ dựa trên độ nhạy cảm, hiệu suất và chi phí.
Chi phí vận hành thấp
Khi sử dụng Hybrid Cloud, doanh nghiệp có thể tận dụng tài nguyên đám mây công cộng để giảm bớt chi phí vận hành cơ sở hạ tầng riêng tư mà vẫn duy trì tính bảo mật hiệu quả.
Tốc độ tăng nhanh
Hybrid Cloud cho phép mở rộng tài nguyên tính toán và lưu trữ nhanh chóng để đáp ứng tải công việc tăng cao hoặc dự án đặc biệt. Giải pháp này cũng đảm bảo doanh nghiệp không bị giới hạn về mặt cơ sở hạ tầng.
Chi phí triển khai thấp
Do không cần đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng riêng lẻ, Hybrid Cloud giúp giảm chi phí triển khai so với việc xây dựng và duy trì trung tâm dữ liệu tại chỗ.
Không giới hạn khả năng mở rộng
Hybrid Cloud mang đến sự linh hoạt cho doanh nghiệp trong việc mở rộng hoặc thu hẹp tài nguyên theo nhu cầu. Đồng thời, giải pháp này cũng không bị ảnh hưởng bởi chất lượng của cơ sở hạ tầng.
Độ tin cậy cao
Hybrid Cloud kết hợp sự đáng tin cậy của cả Private Cloud và Public Cloud. Nhờ đó, dữ liệu và ứng dụng của doanh nghiệp sẽ luôn có sẵn và được đảm bảo an toàn.
Hạn chế
Yêu cầu kết nối mạng vững chắc
Hybrid Cloud yêu cầu người dùng phải mạng kết nối thật sự vững chắc để tương tác giữa Private Cloud và Public Cloud. Với yêu cầu này, các API của nhà cung cấp dịch vụ đám mây phải tương thích với nhau. Hạn chế này có thể gây khó khăn cho các tổ chức với hạ tầng mạng yếu.
Vấn đề về kết nối và gián đoạn
Hybrid Cloud có thể khiến bạn gặp phải các vấn đề về kết nối và gián đoạn đối với Public Cloud. Hạn chế này có thể gây ra sự cố trong quá trình thử nghiệm, thiết kế công việc, làm tăng sự phức tạp của việc quản lý, duy trì mô hình.
Tái cấu trúc công việc
Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp cần phải tái cấu trúc lại khối lượng công việc dự kiến để phù hợp với mô hình Hybrid Cloud. Quá trình này đòi hỏi sự đầu tư vào việc kết nối và tích hợp với các API của nhà cung cấp dịch vụ Public Cloud, tạo ra thách thức trong việc thích ứng, triển khai.
Phụ thuộc vào việc xây dựng và bảo trì đám mây riêng
Hybrid Cloud chỉ hiệu quả khi người dùng xây dựng và bảo trì Private Cloud một cách hiệu quả. Việc xây dựng, bảo trì tốn khá nhiều thời gian, nguồn lực và kiến thức kỹ thuật để duy trì sự liên tục của cơ sở hạ tầng Private Cloud.
Hạn chế về bảo mật và tính riêng tư
Dù có khả năng kiểm soát tính riêng tư và bảo mật, Hybrid Cloud vẫn chia sẻ thông tin trên Public Cloud. Điều này có thể gây ra rủi ro về bảo mật và làm hạn chế khả năng đảm bảo tính riêng tư của mô hình này, đặc biệt đối với dữ liệu nhạy cảm.
Trên đây là những thông tin cơ bản về Hybrid Cloud. Tino Group hy vọng bài viết đã giúp bạn phần nào gỡ bỏ những khúc mắc liên quan đến Hybrid Cloud. Đừng quên theo dõi Tino Group để không bỏ lỡ những bài viết hay và hữu ích khác bạn nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Vì sao doanh nghiệp nên sử dụng Hybrid Cloud?
Hybrid Cloud cho phép doanh nghiệp kết hợp tính riêng tư và bảo mật của Private Cloud với tính linh hoạt và khả năng mở rộng của Public Cloud, giúp đáp ứng nhu cầu kinh doanh đa dạng.
Triển khai mô hình Hybrid Cloud bằng cách nào?
Để triển khai mô hình Hybrid Cloud, bạn cần xây dựng cơ sở hạ tầng đám mây riêng, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây công cộng, tích hợp tài nguyên cùng quản lý thống nhất.
Làm thế nào đảm bảo tính bảo mật của Hybrid Cloud?
Tính bảo mật trong Hybrid Cloud được đảm bảo bằng cách sử dụng các biện pháp bảo mật, như mã hóa, kiểm soát truy cập và theo dõi hoạt động.
Hybrid Cloud có phù hợp với doanh nghiệp nhỏ không?
Câu trả lời là: “Có!”. Hybrid Cloud là sự lựa chọn phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ vì có tính linh hoạt cao, khả năng mở rộng mạnh mẽ và tối ưu hoá chi phí.