Trong kỷ nguyên công nghệ số, việc đảm bảo an toàn thông tin trực tuyến rất quan trọng. Không chỉ bảo vệ dữ liệu nhạy cảm của cá nhân, mỗi tổ chức, doanh nghiệp cũng phải có ý thức đảm bảo an toàn thông tin. Và đây chính là tiền đề thúc đẩy sự ra đời của ngành an ninh mạng. Trong bài viết dưới đây, TinoHost sẽ giúp bạn hiểu rõ an ninh mạng là gì cũng như tầm quan trọng của lĩnh vực này trong đời sống.
An ninh mạng là gì?
An ninh mạng (Cyber Security) là sự bảo vệ, duy trì, đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu, thông tin cá nhân, hệ thống máy tính và hạ tầng mạng trước các mối đe dọa, tấn công, vi phạm từ các tổ chức hoặc cá nhân không được phép.
Đây là lĩnh vực quản lý và kỹ thuật đa phương tiện, nhằm đảm bảo mạng lưới kỹ thuật số và các hoạt động trực tuyến diễn ra an toàn, ổn định và tin cậy. An ninh mạng bao gồm một loạt biện pháp, quy tắc và công nghệ để ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các rủi ro, tác nhân đe dọa mạng. Mục tiêu của an ninh mạng là bảo vệ thông tin quan trọng, duy trì sự hoạt động bình thường của hệ thống và dịch vụ trực tuyến.
Chuyên ngành an ninh mạng là gì?
Chuyên ngành an ninh mạng là lĩnh vực chuyên sâu, tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển, triển khai và quản lý các biện pháp, kỹ thuật để bảo vệ hệ thống thông tin, mạng máy tính, dữ liệu tránh khỏi những đe dọa, tấn công hoặc vi phạm bảo mật.
Bên cạnh đó, chuyên ngành này còn liên quan đến việc xác định, đánh giá và quản lý các rủi ro mạng. Ngoài ra, chuyên ngành an ninh mạng còn đóng vai trò thiết kế, triển khai những giải pháp bảo mật để đảm bảo tính toàn vẹn, sẵn sàng và bảo mật của môi trường mạng.
Các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng thường phải nắm vững kiến thức về các loại tấn công mạng, mã hóa, phân tích malware, kiến thức về hệ điều hành và mạng máy tính, các chuẩn bảo mật và quy tắc tuân thủ. Chuyên ngành này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thông tin quan trọng của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trước các mối đe dọa liên quan đến an ninh mạng, nhất là trong bối cảnh ngày nay, khi mạng lưới kỹ thuật số ngày càng phức tạp và khó kiểm soát.
Vì sao an ninh mạng lại quan trọng?
Không đơn thuần là một vấn đề kỹ thuật, an ninh mạng còn là khía cạnh quan trọng trong bối cảnh công nghệ số. Khi Internet bùng nổ, dữ liệu, thông tin được chia sẻ, lan truyền với tốc độ cực nhanh. Điều này khiến chúng trở nên khó kiểm soát, tạo nên lỗ hổng “hấp dẫn” thu hút các hành vi tấn công.
Tương tự như cách chúng ta bảo vệ tài sản vật lý, mỗi cá nhân cần phải có ý thức bảo mật tài sản kỹ thuật số, hệ thống thông tin để không bị truy cập ngoài ý muốn. Sự xuất hiện của các giải pháp an ninh mạng đã mang lại những lợi ích tuyệt vời trong việc bảo vệ thông tin, dữ liệu của người dùng.
Bảo vệ thông tin cá nhân và dữ liệu
An ninh mạng là “chiếc chìa khoá” để mỗi cá nhân bảo vệ thông tin, tài khoản ngân hàng và dữ liệu quan trọng trên Internet. Không những thế, an ninh mạng còn khuyến khích người dùng hạn chế việc tiết lộ thông tin cá nhân. Điều này giúp bạn tránh bị đánh cắp dữ liệu quan trọng.
Bảo vệ doanh nghiệp và tổ chức
Doanh nghiệp, tổ chức cần phải đảm bảo tính bí mật của thông tin khách hàng, dữ liệu tài chính và bí mật thương mại. An ninh mạng giúp ngăn chặn các cuộc tấn công, vi phạm và bảo vệ uy tín, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bảo vệ quốc gia
An ninh mạng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quốc gia tránh khỏi các cuộc tấn công mạng, xâm nhập vào hệ thống quốc gia. Trên thực tế, không chỉ là một chuyên ngành công nghệ thông tin, an ninh mạng còn là “chiếc áo giáp” cứng cáp giúp mỗi quốc gia bảo vệ dữ liệu, thông tin trực tuyến.
Tránh các cuộc tấn công mạng
An ninh mạng giúp người dùng nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Một số cuộc tấn công mạng phổ biến hiện nay là: virus, malware, tấn công DDoS, rò rỉ dữ liệu,… Các chuyên gia an ninh mạng có nhiệm vụ duy trì sự ổn định của hệ thống và dịch vụ trực tuyến.
Bảo vệ tài sản trực tuyến
Những tài sản trực tuyến như trang web, ứng dụng, cơ sở dữ liệu có giá trị lớn đối với mỗi cá nhân doanh nghiệp. Vì vậy, ngành an ninh mạng ra đời có vai trò bảo vệ và đảm bảo tính toàn vẹn của những loại tài sản này.
Một số biện pháp an ninh mạng hiệu quả
#1. Thường xuyên cập nhật phần mềm
Cập nhật các hệ điều hành, ứng dụng và phần mềm trình duyệt là một biện pháp quan trọng để bảo vệ máy tính khỏi các lỗ hổng bảo mật đã biết. Nhà sản xuất liên tục phát hành các bản vá lỗi để khắc phục các lỗ hổng này. Việc cập nhật thường xuyên cho phép bạn sử dụng những phiên bản phần mềm mới nhất, được bảo mật hơn.
#2. Sử dụng mật khẩu mạnh
Mật khẩu mạnh là một yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ tài khoản trực tuyến của bạn. Thông thường, một mật khẩu mạnh sẽ bao gồm ít nhất 12 ký tự, kết hợp chữ cái (in hoa và in thường), chữ số và ký tự đặc biệt. Tốt nhất, bạn nên tránh sử dụng mật khẩu dễ đoán như ngày sinh, số điện thoại hay tên thú cưng. Bạn hãy sử dụng các biện pháp quản lý mật khẩu và tạo mật khẩu mạnh cho các tài khoản khác nhau.
#3. Dùng phần mềm diệt virus
Phần mềm diệt virus là công cụ quan trọng để phát hiện, loại bỏ các phần mềm độc hại, virus và malware khỏi máy tính của bạn. Bạn hãy đảm bảo phần mềm diệt virus của mình luôn được cập nhật để có thể nhận diện các mối đe dọa mới nhất. Ngoài ra, bạn nên quét máy tính của mình thường xuyên để kiểm tra sự tồn tại của các phần mềm độc hại.
Các loại tấn công mạng phổ biến hiện nay
Virus và malware
Virus là các chương trình độc hại có khả năng tự nhân bản và lan truyền từ máy tính này sang máy tính khác. Chúng thường xuất hiện trong các tệp hoặc ứng dụng và gây hại cho hệ thống bằng cách xóa dữ liệu hoặc kiểm soát máy tính của người dùng.
Malware là một loại chương trình hoặc mã được thiết kế để gây hại hoặc thu thập thông tin mà không được sự cho phép. Một số malware thường gặp là là spyware, adware, ransomware,…
Tấn công DDoS
Mục tiêu của tấn công DDoS là làm quá tải một trang web hoặc hệ thống mạng bằng cách gửi lượng lớn yêu cầu đến máy chủ. Khi máy chủ không thể xử lý hết số lượng yêu cầu này, dịch vụ sẽ thường xuyên không khả dụng cho người dùng.
Rò rỉ dữ liệu
Rò rỉ dữ liệu xảy ra khi thông tin quan trọng bị lộ ra ngoài một cách trái phép. Thực trạng này thường xuất hiện khi hệ thống của bạn bị xâm nhập bất thường. Trong nhiều trường hợp, dữ liệu có thể bị rò rỉ khi quản lý dữ liệu gặp lỗi. Các cuộc tấn công như trộm dữ liệu khách hàng, thông tin tài chính, hoặc bí mật thương mại cũng là những trường hợp của rò rỉ dữ liệu.
Tìm hiểu về ngành học an ninh mạng
Ngành an ninh mạng học những gì?
Theo tiêu chuẩn học thuật của NSA, chuyên ngành an ninh mạng gồm những phần học sau:
- Lập trình máy tính đại cương
- Mật mã học đại cương
- Nguyên tắc bảo đảm thông tin
- Nguyên tắc thiết kế bảo mật
- Chính sách, Pháp lý và Đạo đức
- Phân tích dữ liệu
- Phòng thủ trên không gian mạng
- Rủi ro trên không gian mạng
- Điện toán đám mây
- Hệ thống công nghệ thông tin
- Mạng lưới thông tin
- Quản trị hệ thống
Tuỳ vào mục tiêu đào tạo, một số trường sẽ tập trung đào tạo lập trình, trong khi đó, nhiều trường lại chú trọng vào các phương pháp kỹ thuật số hay điều tra số, chính sách an ninh,…
Học ngành an ninh mạng ở đâu?
Tại Việt Nam, có rất nhiều trường Đại học đào tạo chuyên ngành an ninh mạng. Danh sách các trường đào tạo an ninh mạng tiêu biểu ở Việt Nam là:
- Học Viện Kỹ thuật Mật mã
- Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội
- Đại học Bách Khoa Hà Nội
- Học Viện Kỹ thuật Quân sự
- Học Viện Công Nghệ Bưu chính – Viễn thông
- Học Viện An ninh nhân dân (Bộ Công an)
- Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP.HCM
- Đại học FPT HCM
Ngoài ra, nếu có đủ tài chính và tiềm lực học tập, bạn có thể theo học ngành an ninh mạng ở các trường quốc tế. Danh sách các trường chuyên đào tạo ngành an ninh mạng tốt nhất thế giới là:
- Học viện Công nghệ Georgia, tại Mỹ
- US Đại học Purdue, tại Mỹ
- Đại học Abertay, tại Vương quốc Anh
- Đại học Winnipeg, tại Canada
- Đại học Khoa học Ứng dụng Berlin, tại Đức
Học ngành an ninh mạng ra trường làm gì?
Học ngành an ninh mạng, bạn sẽ có nhiều cơ hội và lựa chọn nghề nghiệp khác nhau trong lĩnh vực. Dưới đây là một số công việc bạn có thể theo đuổi khi học ngành an ninh mạng:
- Chuyên gia An ninh Mạng (Security Analyst).
- Chuyên gia An ninh ứng dụng (Application Security Specialist)g.
- Chuyên gia Phân tích Malware (Malware Analysis).
- Chuyên gia Quản lý Sự kiện An ninh Mạng (Security Event Manager).
- Chuyên gia Kiểm tra Xâm nhập (Penetration Tester).
- Chuyên gia Quản lý Dự án An ninh Mạng (Security Project Manager).
- Chuyên gia Phân tích Dữ liệu An ninh Mạng (Security Data Analyst).
- Chuyên gia Phát triển Chính sách An ninh Mạng (Security Policy Developer).
- Chuyên gia Giảng dạy và Đào tạo (Security Educator/Trainer).
- Chuyên gia Phát triển Sản phẩm Bảo mật (Security Product Developer).
Có thể thấy, việc hiểu rõ khái niệm an ninh mạng là gì sẽ giúp bạn có ý thức bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân của mình hiệu quả hơn. Qua bài viết trên, TinoHost hy vọng bạn đã hiểu rõ tầm quan trọng của an ninh mạng. Hãy tiếp tục theo dõi TinoHost để khám phá thêm nhiều thông tin hay và hữu ích khác bạn nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Thế nào là mật khẩu mạnh?
Mật khẩu mạnh là chuỗi ký tự có độ dài đủ, bao gồm: chữ cái (in hoa và in thường), chữ số và ký tự đặc biệt, khó đoán, khó bị tấn công bằng kỹ thuật dò mật khẩu.
Làm thế nào xác định mình bị xâm nhập?
Để xác định mình có bị xâm nhập hay không, bạn cần giám sát hoạt động mạng, kiểm tra các dấu hiệu của tấn công, sử dụng phần mềm để phân tích sự cố.
Ngăn chặn tấn công DDoS như thế nào?
Bạn có thể ngăn chặn tấn công DDoS bằng cách sử dụng các dịch vụ bảo vệ DDoS, cấu hình tường lửa và giám sát lưu lượng mạng.
Có những tấn công mạng nào phổ biến?
Tấn công mạng phổ biến khác bao gồm: phishing (lừa đảo trực tuyến), tấn công mã độc, và xâm nhập vào hệ thống máy tính.