Trong thời đại số, “Hacker” đã trở thành một khái niệm phổ biến, được người dùng công nghệ quan tâm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn mơ hồ về ý nghĩa thực sự của khái niệm này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ Hacker là gì cũng như vai trò của họ trong thế giới công nghệ như thế nào. Cùng Tino Group tìm hiểu ngay nhé!
Tìm hiểu đôi nét về Hacker
Hacking là gì?
Trước khi tìm hiểu khái niệm Hacker là gì, bạn cần phải nắm được kiến thức về thuật ngữ “Hacking”.
Hacking đề cập đến những hoạt động xâm phạm các thiết bị kỹ thuật số, như máy tính, smartphone, máy tính bảng hay toàn bộ mạng lưới. Không phải lúc nào Hacking nhắm đến ý đồ xấu. Tuy nhiên, ngày nay, hầu hết các tài liệu tham khảo về Hack và Hacker đều mô tả những hành vi đó – hành vi bất hợp pháp với mục tiêu gây bất lợi về tài chính, phản động, thu thập thông tin hay chỉ để “cho vui”.
Hacker là gì?
Hacker (tin tặc) là những người am hiểu về kỹ thuật máy tính, có khả năng phát hiện và lợi dụng lỗ hổng bảo mật để xâm nhập vào một hệ thống mạng nào đó.
Về cơ bản, Hacker được ví như một “tên trộm” trong thế giới kỹ thuật số. Tuy nhiên, không giống như những tên trộm thông thường, Hacker sở hữu một trí thông minh siêu phàm và biết tính toán. Thứ mà Hacker nhằm đến là thông tin tuyệt mật của người dùng hoặc một website hay hệ thống mạng.
Từ thông tin chiếm đoạt được, Hacker sẽ tìm cách tống tiền hoặc phát tán chúng. Tuy nhiên, không phải Hacker nào cũng hành động theo xu hướng tiêu cực như vậy. Nhiều Hacker tận dụng khả năng của mình để bảo vệ người dùng mạng tránh khỏi những đe dọa về bảo mật.
Các nhóm Hacker phổ biến hiện nay
Theo trường phái hoạt động
Hacker mũ trắng (White Hat Hackers)
Nhóm Hacker này tập trung vào việc bảo vệ hệ thống và dữ liệu. Họ thường được các tổ chức và doanh nghiệp thuê để kiểm tra cũng như cải thiện bảo mật. Nhiệm vụ của White Hat Hackers là phát hiện lỗ hổng bảo mật, thử nghiệm và đề xuất giải pháp để ngăn chặn các cuộc tấn công.
Hacker mũ đen (Black Hat Hackers)
Black hat hackers là những kẻ tấn công mạng, thường với mục đích xấu. Họ sử dụng kiến thức kỹ thuật để thâm nhập vào hệ thống, đánh cắp thông tin quan trọng, gây hại hoặc lừa đảo. Thông thường, các Black Hat Hackers sẽ hoạt động bất hợp pháp, có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng.
Hacker mũ xanh (Green Hat Hackers)
Green Hat Hackers là những người mới, vừa bước lĩnh vực Hacking và đang trong quá trình học tập, trải nghiệm. Nhóm Hackers này thường tham gia vào các dự án nhỏ hoặc thử thách để nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm.
Hacker mũ xám (Grey Hat Hackers)
Grey Hat Hackers là một nhóm Hackers đặc biệt. Họ không hoàn toàn bất hợp pháp như Black Hat Hackers, cũng không hoàn toàn an toàn như White Hat Hackers. Nhóm Hackers này có thể vi phạm một số quy tắc nhất định để tìm ra lỗ hổng bảo mật và báo cáo chúng cho tổ chức liên quan.
Hacker mũ đỏ (Red Hat Hackers)
Đây được xem là biến thể của White Hat Hackers. Nhóm Hackers này tập trung vào việc bảo vệ mạng thông qua Internet. Nhiệm vụ cốt lõi của các Red Hat Hackers là chống lại các cuộc tấn công DDoS (Distributed Denial of Service).
Script Kiddie
Đây là nhóm những người không có kiến thức kỹ thuật sâu về Hacking, thường sử dụng những công cụ và mã đã được tạo sẵn để thực hiện các tấn công mạng cơ bản. Các Script Kiddie thường không hiểu rõ về cách hoạt động của các tấn công mà họ thực hiện. Và họ chính là các Hackers “nửa mùa”.
Theo lĩnh vực hoạt động
Hacker là chuyên viên công nghệ thông tin
Đây là những Hackers có vai trò tìm hiểu và áp dụng các kỹ thuật, công nghệ và biện pháp bảo mật để bảo vệ hệ thống, dữ liệu.
Hacker là chuyên gia reverse engineering
Nhóm Hackers này chuyên phân tích mã nguồn và sản phẩm phần mềm để hiểu cấu trúc cũng như hoạt động của chúng. Họ thường hướng đến mục đích tìm kiếm lỗ hổng bảo mật hoặc tối ưu hóa.
Hacker tấn công hệ thống mạng
Nhóm Hackers này thường sẽ thâm nhập vào hệ thống mạng, khai thác các lỗ hổng và tấn công để truy cập thông tin quan trọng và gây hại.
Hacker chuyên tấn công phần cứng
Những người này tập trung vào việc nghiên cứu, tấn công thiết bị phần cứng, như máy tính, thiết bị IoT và các hệ thống nhúng.
Con đường trở thành Hacker chuyên nghiệp
Xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc
Trước tiên, bạn cần xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc về lĩnh vực công nghệ thông tin. Bạn nên bắt đầu từ những kiến thức cơ bản như cách hoạt động của máy tính, cách hệ thống mạng kết nối và cách tương tác với hệ điều hành. Khi nắm rõ kiến thức nền tảng, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về quy trình hoạt động của các thành phần máy tính trong hệ thống mạng.
Nắm vững các khái niệm bảo mật
Hiểu rõ về những khái niệm bảo mật thông tin là một phần quan trọng nếu bạn muốn trở thành Hacker chuyên nghiệp. Bạn có thể học về nguyên lý hoạt động của các công cụ bảo mật, mã hóa dữ liệu, phương thức chứng thực và quản lý danh tính. Bên cạnh đó, học hỏi thêm về bảo mật cũng giúp bạn có khả năng phát hiện cũng như ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm ẩn.
Lập trình
Lập trình là một yếu tố quan trọng để bạn hiểu rõ cách hoạt động của phần mềm và phát hiện các lỗ hổng. Tốt nhất, bạn nên học một số ngôn ngữ lập trình phổ biến, như Python, Java hoặc C/C++. Đây là cách giúp bạn nâng cao kỹ năng thao tác với mã nguồn và hiểu rõ cấu trúc của các ứng dụng.
Tìm hiểu về công cụ bảo mật
Nắm vững cách sử dụng những công cụ bảo mật phổ biến như Wireshark (phân tích lưu lượng mạng), Metasploit (thử nghiệm lỗ hổng), Nmap (quét mạng),…, cũng là “hành trang” để bạn trở thành một Hacker chuyên nghiệp. Bạn có thể học cách sử dụng những công cụ này để phát hiện và kiểm tra lỗ hổng bảo mật. Từ đó, bạn sẽ tìm kiếm được các giải pháp tối ưu để ngăn chặn thực trạng này.
Tìm hiểu về hệ thống và mạng
Để trở thành một Hacker chuyên nghiệp, bạn cần phải hiểu rõ cấu trúc hệ thống và mạng. Có nền tảng kiến thức, bạn sẽ dễ dàng phát hiện hoặc tấn công vào các lỗ hổng. Khi nắm vững cách máy chủ, điểm cuối, router,…, hoạt động, bạn sẽ biết cách thâm nhập vào hệ thống và lấy thông tin cần thiết.
Tìm hiểu về lỗ hổng bảo mật
Học cách phát hiện và khai thác các lỗ hổng bảo mật cũng là một trong những cách giúp bạn trở thành Hacker. Bạn có thể đọc tài liệu, tham gia vào cộng đồng bảo mật, thực hành và thử thách bản thân để nâng cao kỹ năng của mình. Đồng thời, bạn cũng nên tìm hiểu các phương pháp những Hackers khác dùng để xâm nhập, tấn công và cách ngăn chặn chúng.
Tham gia vào cộng đồng bảo mật
Để học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia cũng như xây dựng mối quan hệ trong ngành, bạn có thể tham gia vào các diễn đàn, hội thảo hay sự kiện liên quan đến bảo mật. Bên cạnh đó, bạn hãy thường xuyên cập nhật kiến thức, thảo luận với cộng đồng để hiểu rõ về các xu hướng mới cũng như sự thay đổi trong lĩnh vực.
Tự trau dồi kinh nghiệm
Bảo mật dữ liệu và máy tính là một lĩnh vực không ngừng biến đổi, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay. Chính vì thế, không ngừng trau dồi, nâng cấp kiến thức cho bản thân sẽ là bí quyết để bạn thành công trong lĩnh vực. Bạn có thể tự học, đặt ra thử thách bằng cách tham gia vào những dự án và trải nghiệm tình huống thực tế. Đây là cách hiệu quả để bạn cải thiện kỹ năng, kiến thức và duy trì vị thế của mình trong ngành.
Tuân thủ luật pháp và đạo đức
Dù đang học về cách tấn công và bảo vệ nhưng bạn phải luôn tuân thủ các quy định luật pháp và có tinh thần đạo đức trong việc sử dụng kiến thức bảo mật. Tốt nhất, bạn không nên sử dụng kiến thức của mình để gây hại hoặc vi phạm quyền riêng tư của người khác.
5 biện pháp phòng tránh Hacker xâm nhập
#1. Cập nhật hệ thống và phần mềm
Những bản cập nhật bảo mật thường tích hợp các giải pháp vá lỗi mới để giúp người dùng ngăn chặn việc bị tấn công mạng. Vậy nên, bạn cần đảm bảo tất cả hệ thống, ứng dụng, phần mềm trên máy tính và mạng của mình được cập nhật thường xuyên. Nếu đang vận hành doanh nghiệp, bạn hãy tổ chức lịch cập nhật định kỳ và thiết lập hệ thống tự động cập nhật.
#2. Sử dụng phần mềm bảo mật uy tín
Một biện pháp tiếp theo giúp bạn ngăn chặn sự tấn công của Hackers là lựa chọn phần mềm bảo mật từ các nhà cung cấp uy tín, được các chuyên gia đánh giá cao. Những phần mềm này có thể là các giải pháp chống vi-rút, tường lửa mạng, phần mềm chống thâm nhập. Đồng thời, bạn cũng nên cập nhật phần mềm thường xuyên để sử dụng phiên bản mới nhất.
#3. Sử dụng mật khẩu mạnh và xác thực 2 yếu tố (2FA)
Mật khẩu mạnh là “chiếc chìa khóa” giúp bạn bảo vệ tài khoản của mình. Bạn nên sử dụng mật khẩu chứa ít nhất 8 ký tự bao gồm chữ thường, chữ hoa, chữ số và ký tự đặc biệt. Ngoài ra, bạn cũng nên thay đổi mật khẩu định kỳ và không sử dụng mật khẩu giống nhau cho nhiều tài khoản. Bật tính năng xác thực hai yếu tố (2FA) cũng là cách tối ưu giúp bạn tăng tính bảo mật và tránh bị Hacker xâm nhập.
#4. Giới hạn quyền truy cập
Giới hạn quyền truy cập cho những người liên quan cũng là cách hữu hiệu để bạn ngăn chặn Hacker.
#5. Bảo vệ mạng Wifi
Mạng Wifi là một điểm yếu tiềm ẩn trong hệ thống mạng của bạn. Sử dụng mã hóa WPA3 cho mạng Wifi là cách giúp bạn bảo mật quá trình truyền dữ liệu giữa thiết bị và điểm truy cập. Bên cạnh đó, bạn hãy đặt mật khẩu mạng Wifi mạnh, không sử dụng các thông tin dễ đoán như tên ngày sinh hay địa chỉ.
Nhìn chung, Hacker không chỉ là những kẻ tấn công mạng hoặc gây rắc rối, họ còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh mạng, đảm bảo tính riêng tư cho người dùng. Qua bài viết trên, Tino Group hy vọng bạn đã hiểu rõ Hacker là gì. Đừng quên theo dõi Tino Group để đón đọc những bài viết hữu ích khác bạn nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Anonymous là ai?
Anonymous là nhóm hacker hoặc nhóm hacktivist nổi tiếng. Họ thường tham gia vào các cuộc tấn công mạng và hoạt động để bảo vệ quyền riêng tư, tự do trên Internet.
Hacker thường tấn công vào những gì?
Hacker có thể tấn công vào nhiều mục tiêu khác nhau như hệ thống máy tính, mạng, ứng dụng web, thiết bị IoT, cơ sở dữ liệu hoặc hệ thống điều khiển công nghiệp.
Vì sao người ta trở thành Hacker?
Có nhiều lý do khiến một người muốn trở thành một Hacker, bao gồm: sự tò mò về công nghệ, mục tiêu học hỏi, thách thức bản thân hoặc vì các mục đích tiêu cực như tấn công, đánh cắp thông tin, lừa đảo.
Làm thế nào nhận biết mình bị Hacker tấn công?
Có một số dấu hiệu cho thấy bạn bị tấn công, bao gồm:
- Máy tính thường xuyên bị chậm trễ.
- Hiển thị lỗi kỳ lạ.
- Các tập tin mới bất ngờ xuất hiện.
- …