Nếu bạn đã từng xem các video chế lại MV nổi tiếng của những YouTuber như Hậu Hoàng, Huỳnh Lập, Đỗ Duy Nam,…thì đó được gọi là video Parody. Vậy cụ thể Parody là gì? Parody quan trọng như thế nào trong việc quảng bá thương hiệu? Có bao nhiêu loại Parody hiện nay? Mọi thắc mắc sẽ được Tino Group giải đáp qua bài viết dưới đây.
Parody là gì?
Định nghĩa Parody
Trong tiếng Anh, Parody có nghĩa là “nhái lại” hay sự “bắt chước lại một cách hài hước để châm biếm”, “phóng tác”, … Thuật ngữ này dần được tách thành một nhánh riêng của nền công nghiệp giải trí.
Trong lĩnh vực truyền thông giải trí, Parody được hiểu là những video có thời lượng ngắn (5 – 10 phút) với nội dung được cover lại từ video gốc nào đó theo phong cách hài hước hoặc châm biếm. Mục đích của loại video này chủ yếu là để giải trí chứ không đặt nặng tính nhân văn hay vấn đề nghiêm túc.
Từ khi các kênh truyền thông và các kênh mạng xã hội phát triển, Parody đã trở thành một loại hình giải trí hấp dẫn giới trẻ. Rất nhiều sản phẩm Parody có lượt xem còn vượt trội hơn hẳn video gốc. Điều này cho thấy sức hút vô cùng mạnh mẽ của loại hình Parody so với các loại video khác.
Thể loại Parody đã sớm phát triển từ 5 năm trở về trước và đến nay vẫn phát triển khá thịnh. Các YouTuber nổi tiếng một thời như Hậu Hoàng, BB Trần, Huỳnh Lập, Đỗ Duy Nam, Vanh Leg hay các nhóm hài như FapTV… đều là những cái tên nổi bật trong những dạng video Parody.
Phân loại Parody
Parody cover nhạc
Đây là thể loại Parody phổ biến nhất hiện nay được nhiều KOLs, Influencer và YouTuber lựa chọn. Parody dạng này sẽ dựa theo một bản nhạc có sẵn để sáng tác (chế) lời khác. Ngoài ra, nội dung của MV cũng được trình bày theo cách dí dỏm, hài hước.
Để sản xuất các Parody cover nhạc, bạn cần có gu âm nhạc tốt, năng lực content tuyệt vời mới có thể chế một lời nhạc chuẩn chỉnh, gây ấn tượng cho người nghe. Rất nhiều YouTuber nổi tiếng đã thành công với con đường này và thu hút hàng trăm triệu View như: Vanh Leg, Hậu Hoàng, Đỗ Duy Nam, Huỳnh Lập,….
Parody cover phim, truyện
Đây là dạng Parody yêu cầu người thực hiện cần đầu tư chăm chút về vấn đề makeup, hóa trang và xây dựng nội dung kịch bản. Parody dạng này chỉ thành công khi bạn có kịch bản tốt, hài hước nhưng không quá lố. Bạn có thể là dựa theo một bộ phim nổi tiếng nào đó rồi chèn các trend hay lồng ghép những câu nói lóng được giới trẻ ưa thích.
Đặc biệt, diễn viên trong video cần thể hiện khả năng duyên dáng trước ống kính mới có thể tạo ấn tượng với khán giả. DamTV, BB&BG, FapTV… là những kênh YouTube đạt được thành công ở mảng này.
Parody mô phỏng các show truyền hình
Định dạng này thường phỏng tác theo những show truyền hình “hot” hiện nay theo phong cách dí dỏm. Dựa trên tinh thần của các phiên bản gốc, những người xây dựng nội dung cho video Parody dạng này sẽ tạo ra những sản phẩm giàu tính hài hước, các câu nói hay, mang tính giải trí cao được lồng vào.
Các Parody điển hình như “Ai là Trọc phú”, “Giọng hát Thiệt”…
Parody lồng tiếng
Người thực hiện các video này sẽ lồng tiếng để thay thế lời thoại trong phim hoặc ca nhạc theo phong cách dí dỏm, đặc biệt là những video đang nhận được sự quan tâm từ công chúng thời điểm đó. Khó khăn của dạng Parody này là làm thế nào để lồng tiếng một cách tự nhiên, duyên dáng và khiến cho người xem cảm thấy hấp dẫn, vui vẻ. Chất giọng, biểu cảm và cách nhấn nhá câu chữ là yếu tố quan trọng khi lồng tiếng video.
Điển hình của thể loại này phải nói đến Duy Khiêm Ngố – một Youtuber chuyên dựng các video Parody lồng tiếng cho các bộ phim Trung Quốc, hoạt hình Disney,…
Ngoài ra, Thánh Lồng Tiếng cũng là một cái tên cực kỳ nổi tiếng trên YouTube và mạng xã hội.
Ưu điểm và hạn chế của Parody
Ưu điểm
Ngoài mục đích thể hiện tính giải trí, mang lại tiếng cười sảng khoái cho mọi người, những video Parody đôi khi còn phản ánh các quan điểm về những vấn đề đang nổi trong xã hội. Việc lồng ghép tinh tế những phê phán, nhắc nhở cũng như truyền tải các nội dung thông điệp tích cực, lạc quan giúp các video này dễ dàng đi vào lòng người hơn.
Hơn nữa, làm các video Parody thường sẽ không mất quá nhiều kinh phí hay thời gian. Chỉ cần đầu tư chất xám để truyền tải nội dung hấp dẫn vẫn đạt được hàng triệu view, thậm chí còn cao hơn cả video gốc. Người làm Parody cũng xây dựng được hình ảnh thương hiệu cá nhân nhờ vào những sáng tạo của mình.
Đặc biệt, Parody còn là một công cụ rất hữu ích trong các chiến dịch Marketing của thương hiệu. Những video hài hước như thế này sẽ giúp tăng khả năng nhận diện thương hiệu với người dùng, tạo ra lượng Reach rất lớn và tỷ lệ tương tác (Engagement) cao.
Hạn chế
Với mong muốn nhanh chóng nổi tiếng, nhiều người không ngần ngại sáng tạo các video Parody với những hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục, bôi nhọ danh dự người khác,…
Những nội dung và trào lưu không nghiêm túc có thể tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người làm video trong mắt cộng đồng mạng và nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật.
Parody quan trọng như thế nào trong việc quảng bá thương hiệu?
Parody không chỉ mang lại giá trị về mặt giải trí mà còn có vai trò quan trọng trong mảng quảng bá thương hiệu. Các sản phẩm cover thường thu hút lượng lớn người xem và đây chính là cơ hội tuyệt vời mà các doanh nghiệp không nên bỏ lỡ.
Hiểu được tầm quan trọng của video Parody đối với việc quảng bá thương hiệu nên các nhãn hàng lớn thường “bắt tay” với các Celeb, Influencer để tạo ra các clip Parody chèn vào quảng cáo của mình.
Một gương mặt thường xuyên được các thương hiệu mời gọi đó là diễn viên Huỳnh Lập. Đây là chàng diễn viên vô cùng tài năng, luôn biết cách lồng ghép khéo léo các thương hiệu vào video của mình mà không gây phản cảm, lố lăng.
Một trong những ví dụ điển hình có thể kể đến chính là MV “Bùa ăn” trong chiến dịch quảng cáo Tết 2019 của trà Ô Long TEA Plus. Thông điệp “Ăn Tết ngon, nhẹ dáng son” đã được truyền tải vô cùng khéo léo qua những lời bài hát dí dỏm, khai thác nỗi trăn trở chung của tất cả mọi người vào ngày Tết đó là luôn phải kìm lòng trước những món yêu thích vì nỗi ám ảnh cân nặng.
Với giai điệu dựa trên bài hát gốc “Bùa yêu” cùng sự kết hợp ăn ý từ “Bích Phô” Quang Trung, MV của Huỳnh Lập đã thu về gần 2 triệu view chỉ sau 2 ngày ra mắt. Sự thành công này cũng đã giúp cho “Bùa ăn” trở thành sản phẩm quảng cáo Tết 2019 đạt giải Best Breakthrough Advertiser tại sự kiện Youtube Works Awards.
Một số MV Parody kết hợp thương hiệu khác có thể kể đến như:
- Thương hiệu thiết bị nhiệt Ferroli thực hiện MV “Ước mơ đổi vợ” với sự hợp tác cùng Đỗ Duy Nam.
- Vinamilk cùng Huỳnh Lập ra mắt MV “PPProbi – Hắt xì Huỳnh Lập kể” dựa trên MV gốc PPAP nổi tiếng.
- Highlands Coffee cùng Huỳnh Lập và Chị Ca Nô ra mắt clip “Tết Ngưng Cà Khịa – Chuyện Thêm Bùi Tai”.
- ….
Trên đây là một số thông tin cơ bản về Parody – một loại video giải trí, bắt trend cực kỳ thu hút giới trẻ. Hy vọng bài viết sẽ bổ sung thêm cho bạn một kiến thức mới trong lĩnh vực truyền thông cũng tiếp thêm động lực nếu bạn có định hướng đi theo con đường này. Chúc bạn thành công!
Những câu hỏi thường gặp
Nhạc chế có phải là Parody?
Về cơ bản, những bản nhạc được cover lại từ giai điệu gốc đều được xem là Parody. Tuy nhiên, hiện nay người ta chỉ công nhận những video Parody có một sự đầu tư nhất định, bao gồm diễn viên, trang phục, kịch bản để tạo thành một MV có độ dài từ 5 – 10 phút.
Đâu là nhóm chuyên làm các MV Parody cover phim hay nhất Việt Nam?
Nói đến các nhóm chuyên làm MV Parody cover phim ở Việt Nam, bạn không thể bỏ qua những cái tên như:
- FapTV: Tổng hợp nhiều thể loại
- Action C: Chuyên cover các bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc
- 1977 Vlog: Cover các tác phẩm văn học Việt Nam
Ngoài ra, BB&BG và DamTV trước đây cũng đã từng “làm mưa làm gió” mạng xã hội giống như Faptv hiện tại.
YouTuber nào nắm giữ nhiều MV Parody có lượt view cao nhất?
Hiện tại, Vanh Leg chính là YouTuber có nhiều MV Parody có lượt view cao nhất ở thể loại này, đơn cử những MV như:
- Đại Ca Lớp 12A (Túy Âm + Save Me Parody): 315 triệu view
- Giấc Mộng Ca Sĩ: 183 triệu view
- Đời Anh Xe Ôm (Despacito Parody ): 130 triệu view
- Anh Thơ Nụ (Em Gái Mưa Parody): 105 triệu view
Có phải chỉ những MV chế trên YouTube mới được coi là Parody?
Parody tồn tại ở nhiều loại hình nghệ thuật, bao gồm kịch nói và phim điện ảnh. Những bộ phim điện ảnh Parody nổi tiếng như:
- Johnny English: Tái xuất giang hồ
- Điệp viên không không thấy
- Giải cứu Guy
- Meet the Spartans
- Not Another Teen Movie
- Robin Hood: Men In Tights
- Holmes & Watson