Theo nghiên cứu của Forbes Health, có đến 73% người trong độ tuổi từ 25 – 35 rơi vào trạng thái Overthinking. Nhất là trong thời buổi khủng hoảng thông tin như hiện nay, tỷ lệ người trẻ mắc hội chứng Overthinking ngày càng nhiều. Tưởng chừng như vô hại, nhưng Overthinking có thể gây ra nhiều hệ luỵ khôn lường đối với sức khỏe tinh thần của nhiều người. Vậy chính xác Overthinking là gì? Làm thế nào “dập tắt” luồng suy nghĩ trong đầu hiệu quả? Tino Group sẽ giúp bạn giải đáp về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé!
Tìm hiểu tổng quan về Overthinking
Overthinking là gì?
Overthinking (tạm dịch: suy nghĩ quá mức, phóng đại mọi chuyện) là trạng thái suy ngẫm liên tục về một sự vật, sự việc nào đó quá mức theo chiều hướng tiêu cực. Hội chứng này gần giống với một dạng bệnh tâm lý như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
Đối với nhiều người, Overthinking đơn thuần là một thói quen khó bỏ. Thói quen này xuất hiện khi họ rơi vào những quyết định trọng đại của cuộc đời như chọn trường Đại học, chuyển nhà, kết hôn, nhảy việc, ly dị,… Những người mắc hội chứng Overthinking có xu hướng suy nghĩ rất lâu và cặn kẽ về những kết quả có thể xảy ra. Suy nghĩ cứ hình thành trong đầu rồi lớn dần, lớn dần khiến họ cảm thấy mệt mỏi.
Overthinking thường được chia thành 2 loại: hoài niệm về quá khứ hoặc lo lắng cho tương lai. Nếu là một người Overthinking, bạn có thể cảm thấy “mắc kẹt” giữa một mớ hỗn độn trong đầu, những suy nghĩ của bạn trở thành vô số “mối tơ vò” khó thể nào gỡ ra được.
Trên thực tế, không phải việc Overthinking lúc nào cũng xấu. Tuy nhiên, nếu không biết cách điều tiết, bạn có thể khiến luồng suy nghĩ của mình trở thành một thứ vũ khí huỷ diện cuộc sống yên bình, hạnh phúc.
Điều gì khiến chúng ta Overthinking?
Về bản chất, Overthinking không phải là một triệu chứng của bệnh tâm thần. Tuy nhiên, hội chứng này liên quan đến các tình trạng như trầm cảm, lo lắng, rối loạn ăn uống, rối loạn sử dụng chất gây nghiện.
Theo Natalie Dattilo, Ph.D – nhà tâm lý học sức khỏe lâm sàng Boston kiêm giáo sư tâm thần học tại trường Y Harvard giải thích: “Đôi khi, sự lo lắng và suy nghĩ quá mức có thể đánh lừa bộ não của bạn rằng đó là một thói quen hữu ích”. Từ đó, bộ não của bạn sẽ dần hình thành thói quen lo lắng, suy nghĩ tiêu cực một cách phóng đại. Điều này khiến cho bạn trở nên mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng và có thể rơi vào những trạng thái bệnh lý nghiêm trọng khác.
Triệu chứng của người mắc hội chứng Overthinking?
Nếu không chắc mình có phải là người Overthinking hay không, hãy cùng Tino Group xác nhận qua một số triệu chứng dưới đây nhé!
- Lo lắng cho tương lai: Bạn thường tự đưa ra các dự đoán tiêu cực về những sự kiện chưa chắc sẽ xảy ra. Điều này khiến bạn không thể thoải mái tận hưởng cuộc sống ở hiện tại.
- Hoài niệm về quá khứ: Bạn luôn trong trạng thái tự dằn vặt về những điều mình “nên có” và “có thể có”. Đây là triệu chứng của người không thể buông bỏ quá khứ và tự tin bước tiếp.
- Toả ra năng lượng tiêu cực: Người mắc hội chứng Overthinking luôn độc thoại nội tâm với những điều tiêu cực trong suy nghĩ.
- Không ngừng phân tích: Đối với bất kỳ hành động nào, người Overthinking luôn cân nhắc rất chi tiết, sợ sai. Thông thường, chính sự phân tích này khiến họ chỉ suy nghĩ chứ không hành động được.
- Cảm thấy căng thẳng hoặc chán nản: Việc Overthinking có thể làm tăng các triệu chứng trầm cảm, căng thẳng và che mờ khả năng phán đoán của bạn.
8 cách “dập tắt” luồng suy nghĩ trong đầu
#1. Tự đánh lạc hướng bản thân
Khi mớ suy nghĩ sắp sửa “nhấn chìm” bạn, hãy nhanh chóng đánh lạc hướng bản thân bằng cách làm một việc nào đó mình yêu thích và đam mê. Thay vì đắm chìm vào suy nghĩ, bạn cần đứng lên và làm việc. Bạn có thể làm bất cứ việc gì như vẽ tranh, chạy bộ, tô tượng,…, để xua đi những thứ đang quấy rầy mình. Tốt nhất, bạn nên chọn việc mà mình thật sự yêu thích. Và tất nhiên, việc ấy không đòi hỏi bộ não của bạn phải hoạt động.
#2. Viết nhật ký
Một giải pháp rất hay giúp bạn cải thiện tình trạng Overthinking là viết nhật ký. Hãy viết toàn bộ luồng suy nghĩ đang chạy trong đầu của bạn ra giấy, viết đến khi nào luồng suy nghĩ ấy cạn đi hết mới thôi. Phương pháp này không khuyên bạn trốn tránh với những điều tiêu cực đang “lởn vởn” trong đầu, mà đối giúp bạn học cách đối diện trước chúng.
Khi viết ra giấy, bạn có thể sắp xếp ý nghĩ của mình để chúng thôi lộn xộn và choán hết tâm trí. Thậm chí, giải pháp này còn giúp bạn tìm ra gốc rễ của vấn đề và hướng giải quyết tốt hơn. Trên thực tế, viết nhật ký mỗi ngày là một thói quen cực kỳ tốt giúp bạn chữa lành tinh thần hiệu quả.
Sau đó, bạn có thể đọc lại những gì đã viết và các quy luật vận hành trong lối suy nghĩ của mình. Thông quá đó, bạn sẽ đúc kết được kinh nghiệm cũng như định hướng lại kiểu suy nghĩ sao cho cân bằng nhất.
#3. Tự đặt ra thời gian lo lắng mỗi ngày
Thay vì dành toàn bộ thời gian trong ngày để nghĩ đến một vấn đề mình lo lắng, bạn hãy đặt ra giới hạn. Ví dụ, bạn có thể chủ động dành ra từ 15 – 20 phút để suy nghĩ về các vấn đề mình đang quan tâm, đây được gọi là “thời gian lo lắng”. Như một chiếc đồng hồ báo thức, sau khoảng thời gian này, bạn hãy tắt đi những suy nghĩ không cần thiết. Lưu ý, bạn không nên đặt “thời gian lo lắng” quá gần giờ đi ngủ. Vì điều này có thể khiến bạn thức trắng cả đêm do không kiểm soát được nỗi lo đấy nhé!
#4. Học cách mở lòng chia sẻ
Thật sự rất tệ nếu bạn cố gắng tự ôm khư khư nỗi buồn và gặm nhấm chúng một mình. Nếu không tự giải thoát được khỏi các suy nghĩ, bạn hãy thử tâm sự với một người mà mình thật sự tin cậy – người mà thật sự muốn lắng nghe bạn. Việc chia sẻ tâm tư, suy nghĩ của mình sẽ giúp bạn thoải mái hơn.
Tuy nhiên, bạn cũng cần để ý đến cảm xúc của người lắng nghe. Nếu tâm trạng của họ đang rất tệ, hãy chia sẻ câu chuyện với một người khác. Không chỉ làm giảm tải nỗi lo, phương pháp này còn có thể giúp bạn tìm ra cách giải quyết vấn đề thông qua lời khuyên mà người nghe chia sẻ.
#5. Ngồi thiền
Thiền là một giải pháp hữu hiệu giúp bạn tịnh tâm, dập tắt đi những “bóng ma tâm lý”. Khi ngồi thiền, bạn sẽ tập trung luồng suy nghĩ của mình vào hơi thở sâu. Đây là cách giúp tâm trí bạn ổn định lại khi chúng có dấu hiệu “rong ruổi” lang man. Theo nhiều nghiên cứu, mỗi ngày dành ra 10 phút thiền định sẽ giúp bạn giảm bớt suy nghĩ tiêu cực hoặc những ám ảnh cưỡng chế.
Để ngồi thiền hiệu quả, bạn nên chọn một không gian tĩnh lặng như buổi sáng sớm hoặc tối trước khi đi ngủ – nơi không ai có thể quấy rầy khi bạn đang tập trung hít thở. Ngoài ra, khi thiền, bạn có thể mở một bài nhạc tần số hoặc tiếng chim hót nhẹ nhàng để tạo cảm giác an nhiên hơn.
#6. Luôn tin tưởng vào bản thân
Những người Overthinking thường có xu hướng tự hạ thấp giá trị bản thân. Đôi khi, họ còn suy diễn ra những điều tệ hại và tự thất vọng về chính mình. Xu hướng này bắt nguồn từ việc bạn không nhận diện được giá trị của bản thân và tin rằng những lời chỉ trích của một số người về mình là đúng.
Tuy nhiên, thay vì tự trách móc chính mình, bạn hãy học thói quen độc thoại những điều tích cực về mình. Bạn có thể dùng những câu khẳng định như: “Tôi là người xinh đẹp”, “Tôi có sức khỏe rất tốt”, “Trí thông minh của tôi đã giúp tôi hoàn thành tốt công việc”,…, và tự độc thoại chúng trong đầu. Đồng thời, bạn cũng cần học cách thay đổi lăng kính về mọi thứ diễn ra trong cuộc sống. Điều này sẽ giúp bạn nhận ra rằng mọi chuyện không tệ như mình nghĩ và chắc chắn chúng luôn có hướng giải quyết.
#7. Tập trung sống ở hiện tại
Việc lo lắng quá nhiều cho tương lai hay dằn vặt về những điều đã qua trong quá khứ chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi. Một người biết “nhìn xa trông rộng”, nhớ cội nhớ nguồn không hề xấu. Tuy nhiên, nếu để việc lo lắng hay hoài niệm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại, bạn nên loại bỏ thói quen ấy. Khi đưa tâm trí trở lại những gì đang thực sự diễn ra xung quanh, bạn có thể giảm nhẹ gánh nặng trong tâm trí.
Một bài tập hữu hiệu giúp bạn thực hành chánh niệm tốt hơn là dùng mọi giác quan để trải nghiệm những gì đang xảy ra trong hiện tại. Bạn hãy cố gắng tìm một thứ gì mà mình có thể nghe, nhìn, ngửi, nếm và cảm nhận được bằng xúc giác xung quanh.
#8. Đến chuyên gia trị liệu
Cách cuối cùng mà Tino Group muốn gợi ý đến bạn khi mắc hội chứng Overthinking là tìm đến chuyên gia trị liệu. Bạn đừng quá căng thẳng khi nghe đến chuyên gia trị liệu hay bác sĩ tâm lý. Trên thực tế, đây là giải pháp an toàn và mang đến hiệu quả nhanh nhất giúp bạn vượt qua hội chứng Overthinking.
Việc suy nghĩ quá nhiều có thể xuất phát từ những điều thường nhật. Tuy nhiên, đôi khi chúng cũng có thể bắt nguồn từ các vấn đề như sang chấn tâm lý trong quá khứ, nỗi sợ thất bại ăn sâu. Đây là những vấn đề chỉ có chuyên gia trị liệu mới giúp bạn vượt qua. Bằng các giải pháp khoa học, họ sẽ giúp bạn đối phó với những ý nghĩ và cảm xúc tiềm ẩn bên dưới tầng nhận thức.
Tựu trung, Overthinking là một hội chứng mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải trong bối cảnh công nghệ hiện đại. Nếu có những triệu chứng của Overthinking, bạn đừng quá lo lắng mà hãy bình tĩnh tìm ra giải pháp khắc phục hội chứng này. Qua bài viết trên, Tino Group tin rằng bạn đã phần nào hiểu Overthinking là gì và cách khắc phục. Đừng quên theo dõi chúng tôi để không bỏ lỡ những bài viết hữu ích nhất nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Ngồi thiền có tác dụng gì?
Phương pháp này giúp cân bằng tinh thần, giúp mọi người giải toả áp lực và mệt mỏi.
Overthinking có phải căn bản không?
Câu trả lời là “Không!”. Overthinking không phải bệnh. Tuy nhiên, khi chạm đến một trạng thái nhất định, hội chứng này sẽ trở thành bệnh.
Biểu hiện cơ bản của Overthinking là gì?
Biểu hiện cơ bản của Overthinking là suy nghĩ quá nhiều và tiêu cực hoá một vấn đề tiểu tiết nào đó.
Overthinking thường xảy ra lúc nào?
Overthinking thường xuất hiện khi chúng ta bị quá tải công việc, “bội thực” deadline. Ngoài ra, hội chứng này còn là “bạn đồng hành” của những người có tính cách cầu toàn, luôn quan tâm đến tiểu tiết.