Kinh tế thị trường là thuật ngữ xuất hiện khá thường xuyên trên các mặt báo, mạng xã hội hay chương trình thời sự trong nhiều năm gần đây. Với nhiều ưu điểm nổi bật, mô hình kinh tế này đang được nhiều quốc gia phát triển trên thế giới áp dụng. Trong bài viết hôm nay, Tino Group sẽ cùng bạn tìm hiểu cụ thể kinh tế thị trường là gì cũng như vai trò của kinh tế thị trường đối với sự phát triển của quốc gia.
Định nghĩa kinh tế thị trường
Kinh tế thị trường là gì?
Kinh tế thị trường là một mô hình kinh tế mà ở đó người mua và người bán có mối quan hệ chặt chẽ với nhau theo quy luật cung cầu nhằm xác định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.
Về cơ bản, nền kinh tế này tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nhiều loại hình sở hữu cùng tham gia, vận động và phát triển trong một cơ chế cạnh tranh bình đẳng, ổn định.
Sự ra đời và phát triển của nền kinh tế thị trường cho phép các chủ thể trong xã hội thỏa mãn niềm đam mê trong kinh doanh, sản xuất, đồng thời tạo điều kiện để tăng cường sự cạnh tranh của các thành phần trong nền kinh tế dựa trên hoạt động trao đổi, mua bán trên thị trường.
Một số mô hình kinh tế điển hình là kinh tế thị trường xã hội, kinh tế thị trường tự do và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Kinh tế thị trường xã hội: là một nền kinh tế trong đó nhà nước bảo đảm tự do hoạt động kinh tế, thương mại, nhưng vẫn có những chính sách về kinh tế cũng như về xã hội để đạt được sự cân bằng xã hội.
- Kinh tế thị trường tự do: là nền kinh tế trong đó không phải nhà nước mà là các lực lượng thị trường chi phối các quá trình kinh tế.
- Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Là một nền kinh tế thị trường nhiều thành phần. Trong đó, nhà nước giữ vai trò chủ đạo và có trách nhiệm định hướng nền kinh tế, với mục tiêu dài hạn là xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tại sao xuất hiện kinh tế thị trường?
Đỉnh cao xã hội loài người là thành quả của sự phát triển kinh tế ở những thời kỳ, những giai đoạn khác nhau. Khởi điểm là một “nền kinh tế cướp đoạt” (theo Ph. Engels), con người đã phải trải qua hàng vạn năm để biết dùng lửa nấu chín thức ăn, biết thuần hóa súc vật, biết chăn nuôi, biết làm nghề nông từ đó biết chế tạo ra những vật phẩm đơn giản để đáp ứng nhu cầu cho một phạm vi cộng đồng nhỏ hẹp.
Dần dần, khi các loại sản phẩm dư thừa xuất hiện của những cộng đồng khác nhau xuất hiện, sự trao đổi đã diễn ra. Cùng với việc sản xuất phát triển, sự trao đổi đó diễn ra ngày càng thường xuyên hơn và trên phạm vi mở rộng hơn.
Như vậy, từ hình thái kinh tế tự nhiên, nhân loại đã từng bước chuyển dần lên một hình thái kinh tế cao hơn là sản xuất hàng hóa (tức kinh tế hàng hóa). Có thể coi đây một bước tiến lớn trong lịch sử nhân loại. Đến nay, nền kinh tế này đã phát triển và đạt tới trình độ rất cao gọi là nền kinh tế thị trường hiện đại.
Theo Karl Marx, kinh tế thị trường là giai đoạn phát triển tất yếu của lịch sử mà bất cứ nền kinh tế nào cũng phải trải qua. Nấc thang cao nhất trong nền kinh tế thị trường chính là nền kinh tế Cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là nền kinh tế XHCN.
Các chủ thể tham gia vào nền kinh tế thị trường
- Nhà nước: Đóng vai trò đảm bảo cho sự ổn định và phát triển nền kinh tế. Nhà nước có thể chức năng cơ bản như chức năng xây dựng thể chế, cung cấp các loại hàng hóa công cộng thuần túy, quan tâm đến các yếu tố ngoại ứng, kiểm soát độc quyền, phân phối các hoạt động tư nhân và phân phối lại của cải xã hội.
- Doanh nghiệp: Đóng vai trò sản xuất mọi loại hàng hóa và dịch vụ cho thị trường. Đây là chủ thể rất quan trọng của kinh tế thị trường với khả năng chi phối động thái của nền kinh tế.
- Người tiêu dùng: Mục tiêu lớn nhất của nền kinh tế thị trường là cung cấp sản phẩm cho thị trường để hoạt động mua bán được diễn ra. Do đó, nhu cầu của người tiêu dùng là cơ sở cho sự phát triển sản xuất trong nền kinh tế thị trường.
Tóm lại, thiếu đi một chủ thể, nền kinh tế thị trường sẽ không diễn ra.
Đặc điểm trong nền kinh tế thị trường
- Kinh tế thị trường đòi hỏi sự đa dạng của các chủ thể kinh tế với nhiều hình thức sở hữu. Bên cạnh đó, các chủ thể kinh tế đều bình đẳng và hoạt động dựa trên pháp luật pháp luật.
- Thị trường có ảnh hưởng lớn đến việc phân bổ các nguồn lực xã hội thông qua hoạt động của các thị trường bộ phận như hàng hóa, dịch vụ, sức lao động, khoa học công nghệ, bất động sản…
- Giá của sản phẩm, dịch vụ được hình thành theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh. Cạnh tranh cũng là động lực thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển.
- Mục tiêu của các chủ thể sản xuất kinh doanh là lợi ích kinh tế. Còn với nhà nước, đó vừa là lợi ích kinh tế vừa phải đảm bảo lợi ích xã hội.
- Đây là nền kinh tế mở. Đồng thời, thị trường trong nước phải có quan hệ chặt chẽ với thị trường quốc tế.
Ưu điểm và hạn chế của nền kinh tế thị trường
Ưu điểm
Là điều kiện để các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp nào giải pháp sản xuất hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận cao hơn và dễ dàng tăng quy mô sản xuất. Ngược lại, những doanh nghiệp sức cạnh tranh kém sẽ bị đào thải.
Vì vậy, nền kinh tế này thúc đẩy các doanh nghiệp luôn trong trạng thái đổi mới để phát triển. Trong đó, đổi mới về công nghệ, quy trình sản xuất là quan trọng nhất.
Tạo ra một lực lượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường, hạn chế thất nghiệp
Dưới sự tác động của các quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh,…nền kinh tế thị trường yêu cầu một lực lượng sản xuất lớn nhằm đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Chính điều này đã gián tiếp tạo ra nhiều việc làm hơn cho thị trường lao động.
Tạo động lực để người lao động làm việc
Kinh tế thị trường thúc đẩy doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm nhân lực tài năng. Vì vậy, mức lương và chế độ đãi ngộ dành cho người lao động cũng tăng lên đáng kể. Điều này là động lực cho người lao động làm việc hiệu quả hơn để tạo ra nhiều của cải vật chất.
Không chỉ vậy, việc sáng tạo không ngừng còn là tiền đề để nâng cao tay nghề, kiến thức chuyên môn của bộ phận lao động.
Hạn chế
Có thể dẫn đến phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội
Trong nền kinh tế thị trường, người giàu sẽ càng giàu và tạo ra khoảng cách với người nghèo. Khoảng cách này ngày càng gia tăng sẽ dẫn tới tình trạng phân chia giai cấp, gây bất bình đẳng xã hội và phát sinh các tệ nạn khác.
Có thể làm mất cân bằng cung cầu, dẫn đến khủng hoảng kinh tế
Nền kinh tế thị trường rất khó để đảm bảo sự cân đối về giá cả và hàng hóa. Vì thị trường biến động không ngừng nên việc xảy ra các vấn đề như chiến tranh, dịch bệnh, thiện tai, cấm vận… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế.
Trong trường hợp nguồn cung cao hơn cầu có thể dẫn đến hiện tượng khủng hoảng thừa, gây ra tình trạng lạm phát và thất nghiệp và gây ra khủng hoảng kinh tế.
Khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ
Trong cạnh tranh, các nhà sản xuất nhỏ lẻ dễ bị các doanh nghiệp lớn mạnh thôn tính và nền kinh tế dần trở thành độc quyền chi phối.
Tóm lại, kinh tế thị trường là một nấc thang tất yếu trên con đường phát triển của nhân loại. Trên đây là một số thông tin cơ bản về khái niệm kinh tế thị trường. Hy vọng bài viết sẽ là một nguồn kiến thức bổ ích cho bạn tham khảo. Hẹn gặp lại ở những chủ đề thú vị khác nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Nền kinh tế thị trường có thể thiếu chủ thể nhà nước không?
Không có chủ thể nhà nước, các vấn đề tiêu cực như độc quyền hay phân hóa xã hội trong nền kinh tế thị trường sẽ không được quản lý. Từ đó, nền kinh tế sẽ dễ bị đổ vỡ.
Tóm lại, nhà nước có chức năng khắc phục những vấn đề trên thị trường, thúc đẩy các yếu tố tích cực, đảm bảo cạnh tranh công bằng, sự bình đẳng xã hội cũng như sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế.
Tại sao kinh tế thị trường dễ gây bất bình đẳng xã hội?
Việc phân bổ nguồn lực không đều trong nền kinh tế thị trường có thể là nguyên nhân chính đã gây bất bình đẳng xã hội.
Những người chiếm ưu thế trong kinh doanh sản xuất sẽ ngày càng có nhiều tài sản, quyền lực trong khi những người còn lại sẽ rơi vào tình trạng tệ hơn. Điều này dẫn đến sự phân chia giai cấp: thống trị và bị trị. Sự phân chia giai cấp là cốt lõi những bất ổn trong đời sống xã hội.
Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường theo mô hình nào?
Việt Nam đã và đang xây dựng mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, con người giữ vai trò cao nhất của sự phát triển.
Việt Nam bắt đầu xây dựng nền kinh tế thị trường khi nào?
Việt Nam bắt đầu xây dựng và phát triển nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước vào Đại hội lần thứ VỊ Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1986) và được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 cùng với các văn kiện của Đảng và Nhà nước.