Quản lý tài chính hiệu quả là vấn đề khá đau đầu đối với các bạn trẻ trong bối cảnh xã hội đang yêu cầu chi tiêu rất nhiều thứ. Việc cố gắng tiết kiệm đã trở thành áp lực trong cuộc sống hiện đại. Nếu đang rơi vào tình trạng tương tự, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây. Tino Group sẽ giới thiệu cho bạn phương pháp quản lý tài chính cá nhân theo nguyên tắc 6 chiếc lọ.
Đôi nét về nguyên tắc 6 chiếc lọ
“Cha đẻ” của nguyên tắc 6 chiếc lọ là ai?
Nguyên tắc 6 chiếc lọ được tạo ra bởi Harv Eker – tác giả của những cuốn sách về tài chính nổi tiếng thế giới như: “Làm giàu nhanh”, “Bí mật tư duy triệu phú”,… Harv Eker còn là người sáng lập công ty Peak Potential Trainning chuyên đào tạo, trang bị các kiến thức, tư duy và giải pháp về tài chính, đầu tư.
Kể từ khi ra mắt đến nay, nguyên tắc 6 chiếc lọ đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới trong việc quản lý chi tiêu cá nhân. Theo tác giả, phương pháp này bao gồm những điều cơ bản nhất mà bất cứ cá nhân nào cũng có thể áp dụng hiệu quả.
Theo đó, bạn sẽ chia nhỏ số tiền của mình thành các mức tỷ lệ khác nhau tương ứng với 6 hũ quản lý tiền bạc. Mỗi hủ có các nguyên tắc và chức năng riêng biệt. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng quản lý tài chính, lập kế hoạch hoặc sử dụng dòng tiền một cách hợp lý.
Tại sao cần quản lý tài chính cá nhân?
Tài chính cá nhân được hiểu là tất cả các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng tiền, hạch toán thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm hoặc đầu tư của mỗi cá nhân. Mỗi người sẽ có vấn đề tài chính cá nhân khác nhau do sự khác biệt về thu nhập, chi tiêu, nhu cầu cũng như thói quen tiêu dùng.
Quản lý tài chính cá nhân sẽ mang lại những lợi ích sau:
- Giúp bạn làm chủ đồng tiền, giải quyết nhanh chóng các nhu cầu cần thiết và đáp ứng mục tiêu cá nhân.
- Giúp bạn biết được mình có cần tăng thêm nguồn thu nhập hoặc giảm chi tiêu hay không, khoản đầu tư nào phù hợp,…
- Giúp bạn xác định điểm dừng khi chi tiêu, hạn chế lãng phí tiền vào những thứ vô bổ. Đồng tiền được sử dụng đúng mục đích, từ đó hạn chế các khoản nợ hay các vấn đề tài chính do thiếu tiền.
- Giúp bạn dễ dàng xây dựng các kế hoạch và mục tiêu tài chính trong tương lai.
- Giúp bạn chủ động hơn trong mọi trường hợp bất ngờ xảy ra. Khoản tiền tiết kiệm sẽ giúp bạn ứng phó kịp thời khi đau ốm, tai nạn, thất nghiệp hay bị cắt giảm lương do dịch bệnh, …
- Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả còn giúp nâng cao mức sống.
Quản lý tài chính cá nhân theo nguyên tắc 6 chiếc lọ
Lọ 1 – Necessity Account (NEC) – Quỹ chi tiêu cần thiết chiếm 55%
Ở lọ đầu tiên, bạn sẽ tạo ra quỹ Necessity Account (NEC) để phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng tháng, chẳng hạn như ăn uống, xăng xe, điện thoại, tiền học, tiền thuê nhà,… Đây sẽ là lọ chiếm tỷ lệ cao nhất để đảm bảo cho cuộc sống được đầy đủ, thoải mái.
Bên cạnh đó, NEC còn giúp bạn biết số tiền tối thiểu cần kiếm được là bao nhiêu.để điều chỉnh giới hạn chi tiêu và thay đổi mức sống cho phù hợp.
Lọ 2 – Financial Freedom Account (FFA)- Quỹ tự do tài chính chiếm 10%
Tự do tài chính (Financial Freedom Account – FFA) là khi bạn có một cuộc sống thoải mái mà không phụ thuộc tài chính vào người khác. Quỹ FFA là khoản được sử dụng để tham gia các hoạt động sinh lợi như gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán, đầu tư vàng, góp vốn kinh doanh.
Bằng cách này, bạn đã tạo ra thu nhập thụ động ngay cả khi không còn làm việc.
Nhưng bạn cần lưu ý: Đừng bao giờ được sử dụng tiền trong quỹ này. Bạn chỉ được sử dụng quỹ FFA để đầu tư, bắt “tiền đẻ ra tiền”.
Lọ 3 – Education Account (EDU) – Quỹ giáo dục chiếm 10%
Bất kỳ ai cũng cần phải rèn luyện, nâng cao kỹ năng và phát triển trí tuệ để hoàn thiện bản thân. Do đó, bạn cần trích 10% thu nhập để phục vụ cho việc học thêm, trau dồi kiến thức của bạn thân. Quỹ EDU được sử dụng để mua sách vở, tham dự hội thảo, buổi tọa đàm hay các khóa học kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc hay sở thích.
Tóm lại, đây là một khoản đầu tư quan trọng cho bản thân. Vì điều này sẽ có lợi cho công việc, mối quan hệ cũng như vấn đề tài chính của bạn trong tương lai.
Lọ 4 – Long Term Saving for Spending Account (LTSS) – Quỹ tiết kiệm dài hạn chiếm 10%
Quỹ tiết kiệm dài hạn được tích lũy dành cho những kế hoạch lâu dài của mỗi người như mua xe, mua nhà hay thực hiện ước mơ to lớn hơn.
Bạn chỉ được sử dụng số tiền này khi đã đạt được sự tự do tài chính và có quyết định “nghỉ hưu sớm”. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất không phải kiếm được bao nhiêu mà là tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Do đó, bạn cần trích ngay 10% để tiết kiệm khi kiếm được thu nhập.
Với quỹ LTSS, bạn sẽ dễ dàng xác định được mục đích cần nhắm tới và có động lực tiết kiệm cho mục đích đó.
Lọ 5 – Play Account (PLAY) – Quỹ hưởng thụ chiếm 10%
Sau khi đã cố gắng làm việc chăm chỉ để tạo ra thu nhập, bạn cần chi một khoản 10% để chăm sóc bản thân và hưởng thụ như: Chăm sóc nhan sắc, chăm sóc sức khỏe, mua sắm xa xỉ, trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ, có những chuyến du lịch hay những cuộc gặp người thân, bạn bè.
Đây là giải pháp tuyệt vời để nâng cao tinh thần sau một khoảng thời gian lao động vất vả, đồng thời giúp bản thân có động lực để làm việc tốt hơn.
Quỹ PLAY cần được sử dụng liên tục. Nếu không sử dụng hết quỹ này, có thể bạn đang mất cân bằng cuộc sống vì không dành đủ sự chăm sóc cho bản thân.
Lọ 6 – Give Account (GIVE) – Quỹ từ thiện chiếm 5%
“Cho đi để nhận lại” là kim chỉ nam giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Trong cuộc sống thường nhật, sẽ không ít lần người thân, bạn bè cần đến sự giúp đỡ của bạn. Vì vậy, quỹ GIVE được sử dụng để làm từ thiện, giúp đỡ cộng đồng hoặc người thân, bạn bè.
Tuy nhiên, nếu có nhiều thứ phải chi trả hơn, bạn có thể giảm tỷ lệ này xuống.
Một số thói quen giúp bạn quản lý tài chính các nhân hiệu quả
Luôn rà soát chi tiêu thường xuyên
Bạn nên tập thói quen luôn rà soát các khoản mà chi tiêu hàng ngày, hàng tháng, hàng năm… như học phí, tiền chợ, mua sắm quần áo,… Sau đó, phân loại chúng thành 2 loại cơ bản: có thể cắt giảm (ít hoặc không quan trọng) và không thể cắt giảm (quan trọng).
So sánh giá cả và nhu cầu sử dụng
Cần cân nhắc nhu cầu nên mua, thuê hay mượn rồi hãy quyết định chi tiền. Nếu mua, bạn hãy tìm hiểu và thực hiện các so sánh giá cả. Tuy hơi mất thời gian, nhưng bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều nếu tìm được nguồn bán món hàng đó với giá thấp nhất.
Liên tục tìm kiếm cơ hội và sử dụng tiền tiết kiệm để đầu tư
Sau khi đã có khoản tiền tiết kiệm kha khá, bạn hãy cân nhắc những cơ hội đang có để đầu tư. Bằng cách đó, bạn sẽ có nguồn thu nhập thụ động mà bạn không phải mất nhiều thời gian. Nên nhớ, những khoản đầu tư này sẽ kiếm ra thêm tiền cho bạn ngay cả lúc bạn đang ngủ.
Cố gắng thoát khỏi “vòng xoáy” nợ nần
Không ít người có thói quen tiêu hết tiền từ giữa tháng và mượn nợ để “duy trì cuộc sống” ở nửa tháng sau. Như vậy, bạn sẽ rất khó để thoát khỏi “vòng xoáy” nợ nần nếu không có quyết tâm mạnh mẽ.
Bạn hãy cố gắng trả hết nợ ở hiện tại và tránh mượn thêm nợ. Ngoài ra, nếu đang nợ, bạn nên thắt chặt chi tiêu, tránh mua sắm những món đồ không cần thiết.
Như vậy, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu nguyên tắc 6 chiếc lọ của Harv Eker trong quản lý tài chính cá nhân. Đây là công thức quản lý tiền thông minh cho bất cứ ai và bất kỳ mức thu nhập nào. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho những bạn trẻ đang loay hoay tìm giải pháp tiết kiệm và chi tiêu hiệu quả.
Những câu hỏi thường gặp
Nguyên tắc 6 chiếc lọ hiệu quả khi nào?
Áp dụng nguyên tắc 6 chiếc lọ hiệu quả khi:
- Tạo được thói quen và thực hành mỗi ngày
- Tuân thủ nguyên tắc. Ví dụ: không bao giờ được sử dụng tiền trong quỹ FFA
- Tạo được nguồn thu nhập thụ động
- Chăm sóc bản thân thật tốt
- Không ngừng trau dồi tư duy và kỹ năng
Làm sao để cải thiện lọ tiết kiệm dài hạn (LTSS)?
Khi đang còn trẻ, bạn có thể tuân thủ những điều sau để cải thiện lọ tiết kiệm dài hạn hiệu quả:
- Sử dụng sổ tay chi tiêu và ứng dụng quản lý tài chính
- Gửi tiết kiệm ngay sau khi có lương
- Hạn chế mua sắm khi thấy mặt hàng giảm giá
Có cần áp dụng chính xác tỷ lệ của từng lọ?
Mức sống và thói quen sinh hoạt của mỗi người sẽ khác nhau. Tỷ lệ của mỗi lọ trong phương pháp này dựa trên mức tiêu chuẩn sống cần thiết của mỗi người. Do đó, bạn có thể điều chỉnh trong giới hạn phù hợp.
Có những ứng dụng quản lý chi tiêu nào uy tín?
Ứng dụng quản lý chi tiêu thích hợp cho những ai hay quên, không có thời gian để thống kê lại thu chi của mình hay gia đình.
Một số ứng dụng tiêu biểu như: Money Lover, Spendee, MISA Money Keeper (MISA), Home Budget, Money Mate,…Bạn có thể tải những ứng dụng này về điện thoại Android hoặc iOS.