Hướng nội (Introvert) và hướng ngoại (Extrovert) là hai thuật ngữ chỉ những xu hướng tâm lý rất phổ biến của con người. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ nghĩ đến một kiểu người có tính cách vừa hướng nội nhưng cũng vừa hướng ngoại? Ambivert chính là định nghĩa cho tính cách đứng giữa hai thái cực này. Vậy Ambivert là gì? Lợi thế của người Ambivert trong cuộc sống như thế nào? Ambivert chiếm bao nhiêu phần trăm trong xã hội? Các bạn hãy cùng Tino Group tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
Định nghĩa Ambivert
Ambivert là gì?
Trước tiên, chúng ta cần khái quát thuật ngữ mô tả hai tính cách đối lập của con người là: Hướng nội (Introvert) và Hướng ngoại (Extrovert).
- Người hướng nội: Chọn cách sống kín đáo, ít giao tiếp với xã hội và không có thói quen chia sẻ với người khác.
- Người hướng ngoại: Ưu tiên giao tiếp xã hội, thích tạo mối quan hệ, đem đến nguồn năng lượng tích cực cho bản thân và người đối diện.
Tuy nhiên, vẫn còn một kiểu người đứng giữa được gọi là Ambivert. Ambivert là thuật ngữ chỉ những những người “hướng trung”, nằm ở vùng giao thoa giữa hai thái cực hướng nội và hướng ngoại.
Người thuộc Ambivert sống không quá khép kín như người hướng nội nhưng cũng không quá năng động, yêu thích đám đông như những người hướng ngoại. Nhìn chung, Ambivert có khả năng cân bằng giữa 2 xu hướng. Họ có thể tạo ra một phiên bản hoàn thiện hơn khi vừa có năng lượng tích cực nhưng vẫn cho bản thân một không gian riêng tư để cảm thấy thoải mái hơn.
Các đặc điểm để xác định bạn có phải là Ambivert hay không?
Bạn không xác định được mình hướng nội hay hướng ngoại
Nếu cảm thấy khó khăn trong việc miêu tả bản thân mình là hướng nội và hướng ngoại, rất có thể bạn là một Ambivert.
Bản thân cần không gian riêng nhưng vẫn muốn có thời gian bên người khác
Đây là hai thứ mà bạn đều muốn có, nếu như bạn là người hướng trung.
Nếu là một Ambivert, sẽ có những giai đoạn bạn chỉ muốn được ở một mình và chìm đắm vào thế giới nội tâm hoặc một đam mê cá nhân. Có những lúc bạn muốn thoát khỏi sự đơn độc này và tận hưởng thời gian bên người khác. Tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định, bạn vẫn sẽ muốn quay về “vỏ ốc” của chính mình.
Làm việc độc lập hay làm việc nhóm đều được
Trong công việc và học tập, Ambivert rất linh hoạt trong việc chuyển đổi giữa làm việc độc lập và làm việc nhóm. Đây là một điểm rất có lợi cho Ambivert, bởi họ sẽ dễ dàng phát huy khả năng của mình trong mọi trường hợp.
Gây ấn tượng bạn đầu khác nhau với nhiều người
Bạn rất có thể là một Ambivert nếu có ai đó nhận xét bạn ít nói nhưng cũng có một số người lại thấy bạn vô cùng thân thiện, cởi mở và dễ kết giao trong lần đầu gặp mặt.
Luôn tạo sự cân bằng, hòa hợp trong các hội nhóm
Trong những hội nhóm (nhóm bạn bè hoặc cộng đồng), một người hướng trung luôn tạo ra sự cân bằng. Họ có thể hòa hợp với bất kỳ kiểu tính cách nào.
Chẳng hạn, Ambivert sẽ biết cách tìm kiếm chủ đề, dẫn dắt câu chuyện và phá bỏ những rào cản để giúp nhóm người hướng nội thoải mái hơn khi nói chuyện cùng người khác. Hoặc khi hoạt động với những người hướng ngoại, Ambivert sẽ thiên về lắng nghe nhiều hơn là tranh luận hoặc cố gắng thể hiện bản thân.
Nói chuyện phiếm hay tâm sự “mỏng” với Ambivert đều được
Hướng nội đa số không thích nói chuyện phiếm mà thường nghiêng về những cuộc hội thoại sâu sắc và đa chiều. Ngược lại, hướng ngoại có thể nói rất nhiều về những thứ “trên trời dưới biển”.
Còn với Ambivert, họ có thể “cân” mọi chủ đề, từ những câu chuyện “xàm xí” cho tới những tâm sự sâu lắng nhất.
Rất muốn nổi bật nhưng không phải mọi lúc
Một Ambivert sẽ không muốn cảm giác làm trung tâm giữa đám đông kéo dài quá lâu. Đôi lúc, họ sẽ muốn quan sát một cách thầm lặng hơn là trở thành người thu hút mọi ánh nhìn.
Ambivert có mắt nhìn người khá chuẩn xác
Người hướng nội thường gặp khó khăn trong việc cởi mở và hay tự tạo khoảng cách với người khác trước khi hoàn toàn tin tưởng họ. Người hướng ngoại rất hòa đồng nhưng cũng dễ dàng tin tưởng người khác ngay từ lúc mới quen.
Còn với người hướng trung, họ sẽ thận trọng hơn và biết ai là người mình nên tin tưởng.
Ưu điểm và hạn chế của Ambivert
Ưu điểm
Khả năng thích nghi cao
Cá nhân những người thuộc Ambivert vẫn có sở thích riêng. Tuy nhiên, họ có khả năng thích nghi nhanh chóng với môi trường và hoàn cảnh
Ambivert có thể thay đổi cách nhìn nhận và làm quen với những người khác dựa trên nhiều tình huống khác nhau. Do đó, họ dễ dàng kết nối và xây dựng nhiều mối quan hệ trong xã hội.
Có lợi thế khi làm lãnh đạo
Ambivert có khả năng kết nối con người vì họ có thể lắng nghe và đóng góp ý kiến khi cần thiết. Ngoài ra, họ biết cách tìm ra những giải pháp cho nhiều vấn đề.
Một nghiên cứu được công bố trên Harvard Business Review cho rằng, các nhà lãnh đạo thiên về hướng ngoại mang về lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, dưới quyền họ, nhân viên thường trở nên thụ động, chịu sự hướng dẫn từ cấp trên và “lười” tìm giải pháp sáng tạo để cống hiến cho tổ chức.
Mặt khác, nhân viên được lãnh đạo bởi những vị sếp hướng nội sẽ có xu hướng chủ động vì họ được lãnh đạo lắng nghe và góp ý để nhận ra điểm mạnh, điểm yếu. Tuy nhiên, môi trường làm việc của họ đôi khi “sôi động” quá mức cần thiết và không dễ để kiểm soát.
Về cơ bản, những người hướng ngoại và hướng nội đều có thể trở thành những người sếp giỏi nhưng độ hiệu quả sẽ còn phụ thuộc vào bối cảnh cũng như nhân viên mà họ dẫn dắt.
Đối với những người Ambivert, họ sẽ dễ dàng nhận ra được tình huống khi nào cần đứng ra làm trung tâm để định hướng nhân viên và khi nào cần lùi lại để lắng nghe.
Tận dụng được sức mạnh từ trực giác
Như đã chia sẻ ở trên, trực giác của Ambivert rất nhạy. Họ có thể cân bằng được sự đa cảm của người hướng nội và tính độc đoán của người hướng ngoại. Ambivert biết khi nào họ cần lên tiếng và khi nào đưa ra phản hồi.
Ngoài ra, họ thường là người rất hiểu vấn đề. Bởi sự giao thoa giữa hai tính cách giúp họ tự hiểu chính mình và những người khác tốt hơn. Từ đấy có thể xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp.
Hạn chế
Thiếu tính quyết đoán
Ambivert được đánh giá là có khả năng thích nghi trong công việc và cuộc sống. Nhưng họ cũng có xu hướng lưỡng lự và quyết định chậm hơn trong trường hợp người đứng đầu cần đưa ra quyết định nhanh chóng.
Khó cân bằng trong cảm xúc
Trong cuộc sống hằng ngày, Ambivert được đánh giá là những người khá khó hiểu khi họ có thể thoải mái trêu đùa, nói chuyện với mọi người nhưng cũng nhanh chóng tự tách riêng ra ngay sau đó.
Dù bề ngoài của người Ambivert có vẻ hòa đồng, dễ tương tác và dễ thích nghi với người lạ nhưng để mở lòng tâm sự với một ai đó khi mới quen thường rất khó. Tâm hồn của họ có thể sẽ hoàn toàn khác biệt so với những gì mà họ đã thể hiện ra bên ngoài. Điều này có thể sẽ khiến họ dễ gặp phải sự rối loạn trong việc cân bằng cảm xúc.
Kết bạn dễ, duy trì khó
Khi ở chế độ giao tiếp, Ambivert rất dễ dàng kết bạn. Nhưng duy trì những mối quan hệ ấy được bao lâu mới là vấn đề.
Ambivert chiếm bao nhiêu phần trăm trong xã hội?
Theo Adam Grant – một nhà tâm lý học và giáo sư tại trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, có đến ⅔ (66%) dân số thế giới là người hướng trung, ⅓ còn lại là những người cực hướng nội hoặc cực hướng ngoại.
Thế giới hiện tại có 8 tỷ người nên theo tỷ lệ trên, có đến 5,33 tỷ người thuộc Ambivert.
Những nghề nghiệp thích hợp với Ambivert
Bán hàng
Lĩnh vực bán hàng yêu cầu kỹ năng nói chuyện khéo léo và sức thuyết phục. Bên cạnh đó, họ cũng phải biết cách hiểu được khách hàng tiềm năng. Đặc điểm của Ambivert rất thích hợp để theo đuổi ngành này. Họ có thể chủ động trong việc vừa nói chuyện, vừa quan sát lắng nghe mong muốn của khách hàng.
Theo nghiên cứu của Adam Grant, Ambivert làm trong ngành bán hàng có thu nhập cao hơn 24% so với Introvert và 32% so với Extrovert.
Quản lý dự án
Quản lý dự án sẽ là người hướng dẫn, hỗ trợ các thành viên trong nhóm thực hiện theo đúng kế hoạch. Ambivert có khả năng lập kế hoạch, giúp đỡ và lắng nghe mọi người nên có thể trở thành một nhà lãnh đạo được kính trọng.
Giáo viên, giảng viên
Nghề dạy học cần có khả năng tiếp cận cũng kết nối các học sinh với những tính cách và hoàn cảnh sống khác nhau. Mặt khác, họ cũng cần có kỹ năng thuyết trình, nói trước đám đông và nói chuyện riêng, đưa ra lời khuyên cho học sinh lẫn phụ huynh.
Trong khi đó, Ambivert với khả năng thấu hiểu và hoán đổi giữa hai kiểu tính cách sẽ dễ dàng có được niềm tin của học sinh.
Tóm lại, dù còn một số điểm hạn chế nhưng Ambivert đã có nhiều đặc điểm tính cách xuất sắc để linh hoạt trong các hoàn cảnh phức tạp. Họ luôn là những nhân tố có thể mang lại giá trị trong công việc và cuộc sống thường ngày. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ dễ dàng xác định được tính cách của chính mình và những người xung quanh xem có phải là kiểu người Ambivert hay không nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Người Ambivert có bị ngại giao tiếp?
Ngại giao tiếp là một biểu hiện thường thấy của người hướng nội. Tuy nhiên, tính cách này cũng có thể xảy ra đối với Ambivert. Khi lần đầu gặp mặt người lạ, đặc biệt là một tập thể mới quen, các Ambivert có thể sẽ ít nói. Nhưng sau một thời gian kết thân, họ sẽ mạnh dạn và chia sẻ nhiều hơn so với một người cực hướng nội.
Ambivert và Omnivert có giống nhau?
Giống với Ambivert, Omnivert cũng là thuật ngữ chỉ những người không có tính cách nghiêng về hướng nội hoặc hướng ngoại. Tuy nhiên, nếu Ambivert là sự giao thoa giữa hướng nội và hướng ngoại thì Omnivert là những người có thể chuyển tính cách từ hướng nội sang hướng ngoại tùy thuộc vào bối cảnh và tình huống.
Đây là những người mang đến cho bạn những bất ngờ. Khi gặp Omnivert trong một môi trường mới, bạn sẽ không bao giờ biết chính xác họ sẽ trở nên như thế nào. Họ có thể là người hướng ngoại sôi nổi ở những bữa tiệc nhưng đồng thời cũng có thể là người hướng nội trầm ngâm tận hưởng thời gian khi ở một mình.
Có phải người hướng nội không thích nhiều người xung quanh mình?
Người hướng nội có cách thức tương tác với xã hội hoàn toàn khác. Họ thích thú được tận hưởng “sự cô đơn” nhiều hơn người hướng ngoại. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa họ là những người chán ghét, chống đối xã hội hay không có thiện chí kết bạn. Thực tế, người hướng nội vẫn có thể duy trì một mạng lưới rộng lớn những sự quen biết chỉ là không phải ai cũng thân để họ chia sẻ tâm sự của mình.
Ambivert có hoàn toàn vượt trội hơn Introvert và Extrovert?
Mặt dù người hướng trung thể hiện sự thích ứng tốt hơn hướng nội và hướng ngoại nhưng thực tế, mỗi xu hướng tính cách có ưu điểm riêng.
Người hướng nội có khả năng quan sát, tư duy tốt, biết lắng nghe và dễ đồng cảm. Trong khi người hướng ngoại luôn mang lại năng lượng tích cực, dễ dàng giao tiếp và có cơ hội rất cao tìm được nghề nghiệp trong nhiều lĩnh vực “hot” hiện nay như: ngoại giao, bán hàng, truyền thông & Marketing …