Tỷ suất lợi nhuận là một trong những chỉ số được các nhà kinh doanh quan tâm nhiều nhất trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Chỉ số này phản ánh mức độ hiệu quả của các hoạt động đang diễn ra trong doanh nghiệp. Vậy cụ thể tỷ suất lợi nhuận là gì? Cách tính chỉ số lợi nhuận như thế nào? Các bạn hãy cùng Tino Group tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Định nghĩa tỷ suất lợi nhuận
Tỷ suất lợi nhuận là gì?
Có thể chúng ta đều biết, lợi nhuận là khoản thu nhập của doanh nghiệp thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi trừ đi các khoản chi phí.
Vì vậy, tỷ suất lợi nhuận (Profit Margin) được hiểu là tỷ lệ giữa lợi nhuận và các chỉ tiêu được dùng để đánh giá hiệu quả sinh lời như doanh thu, vốn chủ sở hữu hay tài sản.
Chỉ số này được sử dụng để đo lường mức độ sinh lời từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và giúp họ điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh sao cho hợp lý hơn.
Tỷ suất lợi nhuận được chia làm 2 loại: Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) và tỷ suất sinh lợi (ROE và ROA). Mỗi loại có công thức tính riêng. Thông thường:
- Nếu nhận kết quả tỷ suất lợi nhuận có giá trị dương, doanh nghiệp đó đang kinh doanh có lãi.
- Nếu nhận kết quả tỷ suất lợi nhuận có giá trị âm, doanh nghiệp đó có thể đang bị kinh doanh thua lỗ và cần điều chỉnh gấp chiến lược kinh doanh.
Những đặc điểm của tỷ suất lợi nhuận
- Tỷ suất lợi nhuận đóng vai trò đo lường khả năng kiếm tiền và sinh lãi của một doanh nghiệp
- Được biểu thị dưới dạng phần trăm, cho biết có bao nhiêu đồng lợi nhuận được tạo ra cho mỗi đồng doanh thu.
- Trong số những loại tỷ suất lợi nhuận, loại quan trọng và thường được sử dụng nhất là tỷ suất lợi trên doanh thu (ROS), đặc biệt là tỷ suất lợi nhuận ròng. Đây lợi nhuận cuối cùng của một công ty sau khi tất cả các chi phí khác, bao gồm cả thuế.
- Tỷ suất lợi nhuận được các nhà đầu tư và các doanh nghiệp sử dụng làm chỉ số đo lường sức khỏe tài chính, kỹ năng quản lý và tiềm năng tăng trưởng của một doanh nghiệp.
- Tỷ suất lợi nhuận có thể sẽ khác nhau tùy theo ngành nên bạn cần thận trọng khi so sánh số liệu của các doanh nghiệp khác nhau.
Phân loại và cách tính tỷ suất lợi nhuận
Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu
Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS – Return On Sales) là tỷ số giữa lợi nhuận thu được trên tổng doanh thu trong một kỳ. Có thể chia ROS thành 2 loại: Tỷ suất lợi nhuận gộp và Tỷ suất lợi nhuận ròng.
Tỷ suất lợi nhuận ròng
Đây là là tỷ số giữa lợi nhuận sau thuế trên doanh thu hay còn gọi là tỷ suất sinh lời của doanh thu. Chỉ số này giúp phản ánh hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến công tác quản trị doanh thu và chi phí.
Công thức tính:
Tỷ suất lợi nhuận ròng (%) = Lợi nhuận ròng / Doanh thu thuần
Trong đó:
- Doanh thu thuần = Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ – các khoản giảm trừ doanh thu.
- Lợi nhuận ròng hay lãi thuần, thu nhập ròng là lợi nhuận sau khi trừ đi tất cả các chi phí và thuế.
Ý nghĩa của tỷ suất lợi nhuận ròng:
- Nếu tỷ số này dương, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đang có lời. Doanh nghiệp càng kiếm thêm được lợi nhuận để phục vụ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh.
- Nếu càng gần về 0, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khả quan, không mang về lợi nhuận ròng đáng kể và khó mở rộng quy mô.
- Nếu tỷ suất lợi nhuận ròng âm, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang bị thua lỗ, doanh số thu không đủ bù đắp chi phí.
Ví dụ:
Một doanh nghiệp có lợi nhuận ròng là 7.360.000 VNĐ và doanh thu thuần là 110.000.000 VNĐ.
Khi đó, tỷ suất lợi nhuận ròng được tính như sau:7.360.000/110.000.000 = 0,067.
Con số 0,067 cho biết tại thời đó, cứ 1 đồng doanh thu thuần, doanh nghiệp đã tạo ra 0,067 đồng lợi nhuận ròng.
Tỷ suất lợi nhuận gộp
Tỷ suất lợi nhuận gộp được dùng đo lường sự tỷ lệ giữa doanh thu bán hàng và giá vốn hàng bán (COGS). Giá vốn hàng bán bao gồm chi phí sản phẩm trực tiếp như nguyên vật liệu, đóng gói và lao động trực tiếp.
Công thức tính:
Tỷ suất lợi nhuận gộp (%) = Lợi nhuận gộp / doanh thu thuần
Trong đó:
- Doanh thu thuần = Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ – các khoản giảm trừ doanh thu.
- Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán
Ý nghĩa:
- Lợi nhuận gộp sẽ cho các nhà phân tích biết công ty đã tạo ra sản phẩm tốt như thế nào hoặc cung cấp dịch vụ hiệu quả ra sao so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành.
- Tỷ suất lợi nhuận gộp cho phép các nhà phân tích so sánh các mô hình kinh doanh với số liệu có thể định lượng.
- Chỉ số này còn cho biết mỗi đồng doanh thu thuần tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận gộp.
- Chỉ số này cần phải đặt trong bối cảnh riêng của mỗi ngành. Nếu chỉ số của doanh nghiệp cao hơn so với chỉ số chung của toàn ngành, chứng tỏ doanh nghiệp đang kiểm soát chi phí hiệu quả hơn và làm ăn có lãi hơn các đối thủ cùng ngành.
Ví dụ:
Giả sử doanh nghiệp ABC kiếm được 200.000.000 VNĐ doanh thu thuần từ kinh doanh và có giá vốn hàng bán là 100.000.000 VNĐ.
Lợi nhuận gộp của ABC là 200.000.000 – 100.000.000 = 100.000.000 VNĐ.
Tỷ suất lợi nhuận gộp là: 100.000.000 / 200.000.000 = 0,5 (50%).
Điều này đồng nghĩa, cứ 1 đồng doanh thu thuần của công ty ABC sẽ có 0,5 đồng lợi nhuận gộp.
Tỷ suất sinh lời
Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA)
ROA (Return on Assets) là chỉ số được dùng để đo lường khả năng sinh lợi của một doanh nghiệp dựa trên mỗi đồng tài sản của họ. Có thể nói rằng, ROA sẽ cho biết một doanh nghiệp đang sử dụng tài sản để kiếm lợi có hiệu quả hay không.
Công thức tính:
ROA = Lợi nhuận ròng / Tổng tài sản bình quân x 100%
Trong đó:
- Lợi nhuận ròng là lợi nhuận sau khi trừ đi tất cả các chi phí và thuế.
- Tổng tài sản bình quân = (Tổng tài sản đầu kỳ + Tổng tài sản cuối kỳ) / 2
Ý nghĩa:
- ROA là thước đo hiệu quả nhất của việc sử dụng tài sản thành lợi nhuận.
- Nếu ROA càng cao, khả năng sử dụng tài sản của doanh nghiệp càng hiệu quả.
- Trong lĩnh vực chứng khoán, cổ phiếu/trái phiếu của doanh nghiệp có tỷ số ROA lớn sẽ được ưa chuộng và có giá thành cao hơn bình thường.
- ROA của những doanh nghiệp lớn thường được công bố trên các website tài chính hoặc bạn hãy dựa trên Báo cáo tài chính và áp dụng công thức trên là được.
Ví dụ:
Một doanh nghiệp A có thu nhập ròng sau một kỳ là 10 tỷ và tổng tài sản bình quân là 50 tỷ.
ROA của công ty A = 10/50 = 20%
Cũng với thu nhập ròng là 10 tỷ, nhưng doanh nghiệp B có tổng tài sản bình quân là 100 tỷ. ROA của công ty B sẽ là 10%. Như vậy, ta có thể khẳng định, doanh nghiệp A sử dụng tài sản để sinh lợi hiệu quả hơn doanh nghiệp B.
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE)
ROE (Return On Equity) là chỉ số đo lường khả năng sinh lời của một khoản đầu tư trên mỗi đồng vốn mà doanh nghiệp bỏ ra. Nói cách khác, chỉ số này sẽ phản ánh khả năng sử dụng vốn của doanh nghiệp.
ROE rất quan trọng đối với các nhà với các nhà đầu tư. Dựa vào đó, họ sẽ biết doanh nghiệp sử dụng tiền của mình để tạo ra lợi nhuận như thế nào.
Công thức tính:
ROE = Lợi nhuận ròng / Tổng bình quân vốn chủ sở hữu x 100%
Ý nghĩa:
- Chỉ số này cho biết cứ 1 đồng vốn chủ sở hữu bỏ ra thì sẽ thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận. ROE càng cao, khả năng thu hồi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp càng lớn.
- Sử dụng chỉ số ROE có thể tránh sự chênh lệch giữa báo cáo thu nhập và bảng cân đối kế toán.
- ROE đặc biệt có lợi khi so sánh các doanh nghiệp trong cùng một ngành. Vì chỉ số này có thể đưa ra các chỉ dẫn chính xác về doanh nghiệp nào đang hoạt động với hiệu quả tài chính cao hơn. Bên cạnh đó, ROE còn có thể giúp đánh giá bất kỳ doanh nghiệp nào có tài sản chủ yếu là tài sản hữu hình.
Tóm lại, tỷ suất lợi nhuận là yếu tố quan trọng với các nhà đầu tư, việc phân tích và đánh giá các chỉ số này một cách đúng đắn sẽ đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về khái niệm tỷ suất lợi nhuận cũng như nắm được những công thức tính cơ bản. Chúc bạn áp dụng thành công!
Những câu hỏi thường gặp
ROS, ROA và ROE có mối quan hệ với nhau không?
Các chỉ số này đều được dùng để đánh giá mức độ hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi ROS được tính trên hoạt động kinh doanh thì ROE và ROA được lấy từ bảng cân đối kế toán.
3 chỉ số này có mối quan hệ tương đồng về mặt xu hướng, đặc biệt là ROE và ROS. Khi vòng quay tài sản không đổi, ROS tăng, ROA cũng tăng tương ứng. Lúc này, doanh nghiệp được nhận xét là quản lý tốt chi phí trong một kỳ.
Có phải ROS âm chứng tỏ doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả?
Đa số là vậy. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, ROS âm không có nghĩa là doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả. Việc doanh nghiệp có biểu hiện thua lỗ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể thời gian đầu, doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ để thâu tóm thị trường hoặc đó là các doanh nghiệp mới thành lập.
Chỉ số ROA bao nhiêu được xem là hiệu quả?
Theo tiêu chuẩn quốc tế: ROA của một doanh nghiệp đủ năng lực tài chính phải > 7.5%, trong khi ROE phải > 15%
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần xem xét điều này trong nhiều năm (thường là 3 năm trở lên), nếu doanh nghiệp duy trì được ROA >=10% ít nhất 3 năm, đó mới thực sự là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, để đánh giá ROA hiệu quả hay không còn phải phụ thuộc vào:
- Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nào
- So sánh ROA với các đối thủ trong ngành
- So sánh ROA hiện tại với kết quả trong quá khứ
ROE tăng cực kỳ cao trong thời gian ngắn có phải là tín hiệu tích cực?
Trên lý thuyết, ROE tăng cao cho thấy doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi thu nhập ròng của doanh nghiệp cực kỳ lớn so với nguồn vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, nếu ROE tăng quá cao có thể bởi các nguyên nhân:
- Lợi nhuận không nhất quán
- Khi doanh nghiệp có nhiều nợ, vốn chủ sở hữu sẽ càng giảm xuống
- Thu nhập ròng âm và vốn chủ sở hữu âm có thể tạo ra chỉ số ROE ảo
ROS và ROI có gì khác nhau?
Khá nhiều người bị nhầm lẫn giữa 2 chỉ số này. Bản thân ROI phản ánh hiệu suất lợi nhuận từ hoạt động đầu tư mang lại, trong khi ROS thể hiện hiệu suất sinh lời từ hoạt động kinh doanh.
Để biết thêm về ROI, bạn có thể tham khảo bài viết: ROI là gì?