Khi nói đến sự phát triển của một nền kinh tế, thuật ngữ GDP được nhắc đến nhiều nhất. Đây cũng là chỉ số quan trọng nhất dùng để đo lường sự thịnh vượng của quốc gia. Vậy cụ thể GDP là gì? Chỉ số này quan trọng như thế nào? Các bạn hãy cùng Tino Group tìm hiểu về GDP qua bài viết dưới đây nhé!
Định nghĩa GDP
GDP là gì?
GDP là viết tắt của Gross Domestic Product, tạm dịch: Tổng sản phẩm quốc nội. Chỉ số này được dùng để đo lường tổng giá trị của tất cả các loại sản phẩm/dịch vụ trên thị trường được sản xuất ra ở một quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Có thể là 1 quý, 6 tháng, 9 tháng hay 1 năm.
Với việc sử dụng giá của thị trường, nhiều loại sản phẩm sẽ được cộng lại thành một chỉ tiêu duy nhất về giá trị. Giá thị trường là số tiền mà người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các loại hàng hoá khác nhau. Do đó, nó sẽ phản ánh chính xác giá trị của những hàng hóa này.
GDP chỉ tính cho các loại hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ hợp pháp trên thị trường nên sẽ không bao gồm các sản phẩm/dịch vụ trong nền kinh tế ngầm. Sản phẩm/dịch vụ được tính trong GDP gồm: Các loại hàng hoá hữu hình như thực phẩm, xe cộ, các mặt hàng thời trang, bất động sản… và những dịch vụ như nghệ thuật, y tế, du lịch, …
Ví dụ: Những loại rau quả được mua trong cửa hàng là một phần của GDP nhưng việc bạn tiêu dùng rau quả do chính mình trồng trong vườn lại không nằm trong GDP.
Bên cạnh đó, GDP chỉ bao gồm giá trị cuối cùng của hàng hóa, không tính giá trị của những dịch vụ trung gian. Hơn hết, GDP được tính trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia. Chủ thể đóng góp GDP là các đơn vị sản xuất – kinh doanh dưới hình thức tổ chức, cá nhân và hộ gia đình.
Phân loại GDP
GDP bình quân đầu người
GDP bình quân đầu người thể hiện kết quả sản xuất kinh doanh trung bình của một người tại một quốc gia tại thời điểm cụ thể trong năm. Chỉ số GDP này tỉ lệ thuận với mức thu nhập, đời sống của người dân ở một quốc gia. Tuy nhiên, quốc gia có chỉ số GDP bình quân đầu người cao chưa chắc người dẫn đã có mức sống cao.
GDP bình quân đầu người được tính bằng cách lấy chỉ số GDP chung chia cho tổng số dân của quốc gia đó.
GDP danh nghĩa
GDP danh nghĩa là GDP tính theo giá thị trường hiện tại. Chỉ số GDP này được dùng để phản ánh sự thay đổi về giá do lạm phát và tốc độ tăng giá của nền kinh tế. Nếu tất cả mức giá cùng có xu hướng tăng hoặc cùng giảm, chỉ số GDP danh nghĩa sẽ lớn hơn.
GDP thực tế
GDP thực tế (hay Real GDP) là chỉ số GDP dựa trên tổng sản phẩm/dịch vụ trong nước đã được điều chỉnh theo lạm phát.
Nếu lạm phát dương, GDP thực tế sẽ thấp hơn GDP danh nghĩa do công thức: GDP thực tế = GDP danh nghĩa/ hệ số giảm phát GDP.
GDP Xanh
Đây là khái niệm ít được xuất hiện hơn. GDP xanh là phần GDP còn lại sau khi đã trừ đi chi phí để phục hồi môi trường do hậu quả của quá trình sản xuất gây ra. Công thức như sau:
GDP xanh = GDP – chi phí phục hồi tái tạo môi trường trong chu kỳ sản xuất.
Các yếu tố tác động đến chỉ số GDP
Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến chỉ số GDP gồm: Dân số, FDI và lạm phát.
Dân số
GDP và dân số có mối quan hệ chặt chẽ và không thể tách rời. Dân số là yếu tố quyết định chỉ số GDP bình quân đầu người. Ngoài ra, đây cũng chính là lực lượng lao động tạo ra vật chất và cũng là đối tượng tiêu thụ sản phẩm/dịch vụ.
FDI
Chỉ số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là các khoản đầu tư được thực hiện bởi một công ty vào một công ty khác ở một quốc gia khác. FDI bao gồm các hình thức đầu tư dài hạn của như đầu tư vốn, vật chất, cơ sở hạ tầng, phương tiện sản xuất…
Chỉ số này đóng góp vào thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Lạm phát
Lạm phát khiến giá của hàng hóa tăng lên liên tục theo thời gian. Khi lạm phát tăng lên mà thu nhập danh nghĩa không thay đổi khiến cho thu nhập thực tế của người lao động giảm xuống. Ngoài ra, tình trạng lạm phát còn có thể gây những rối loạn trong nền kinh tế và tạo ra khoảng cách lớn về thu nhập cũng như mức sống giữa người giàu và người nghèo.
Lạm phát còn khiến cho GDP cao “giả tạo”
GDP có vai trò như thế nào đối với nền kinh tế của một quốc gia?
- GDP là thước đo tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia vào một thời điểm nhất định. Chỉ số này còn phản ánh sự biến động của sản phẩm/dịch vụ trên thị trường theo thời gian.
- Khi chỉ số GDP giảm có thể dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế, lạm phát, thất nghiệp, … Những ảnh hưởng tiêu cực này sẽ có tác động trực tiếp đến đời sống người dân.
- GDP bình quân đầu người cho biết mức thu nhập tương đối cũng nhữ phản ánh được chất lượng cuộc sống của người dân mỗi quốc gia.
- GDP còn là yếu tố quan trọng để các các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá về tiềm năng phát triển của một quốc gia và đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.
- Thông qua GDP, chính phủ có thể ban hành các chính sách tiền tệ phù hợp với nền kinh tế.
Một số phương pháp phổ biến để tính GDP
Tính GDP dựa trên sản xuất
Trên góc độ sản xuất, GDP là tổng tất cả giá trị gia tăng của nền kinh tế một nước trong một thời gian nhất định. Tổng sản phẩm trong nước bằng tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của tất cả các ngành kinh tế cộng với thuế sản phẩm và trừ đi trợ cấp sản xuất. Công thức:
GDP = Giá trị tăng thêm + Thuế nhập khẩu – Trợ cấp sản xuất
Trong đó:
- Giá trị tăng thêm là thu nhập của người sản xuất, tiền công, bảo hiểm, khấu hao tài sản cố định, thuế sản xuất, giá trị thặng dư…
- Trợ cấp sản xuất là khoản tiền mà chính phủ cấp cho các doanh nghiệp để họ giữ giá hoặc giảm giá bán sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng.
Tính GDP theo chi tiêu
GDP là tổng chi tiêu của hộ gia đình, tiêu dùng cuối cùng của chính phủ, tích lũy tài sản và chênh lệch xuất – nhập khẩu của một quốc gia. Công thức:
GDP = C + I + G + NX
Trong đó:
- C: Tổng chi tiêu cho sản phẩm/dịch vụ của các hộ gia đình trong quốc gia
- I: Tổng chi tiêu của các nhà đầu tư
- G: Tổng chi tiêu của chính phủ
- NX: Xuất khẩu ròng. Được tính =X (xuất khẩu) – M ( nhập khẩu).
Tính GDP dựa trên thu nhập
GDP là tổng thu nhập của người lao động, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất và giá trị thặng dư sản xuất trong kỳ của một quốc gia. Công thức
GDP = W + R + I + Pr + Ti + De
Trong đó:
- W: Tiền lương
- R: Tiền thuê
- I: Tiền lãi
- Pr: Lợi nhuận
- Ti: Các khoản thuế dịch vụ, hàng hóa bán trên thị trường và trợ cấp của chính phủ cho sản xuất (thuế gián thu ròng)
- De: Khấu hao tài sản cố định
Phân biệt GDP và các chỉ số kinh tế phổ biến
GDP và GNP
GDP là tổng giá trị của tất cả các loại sản phẩm/dịch vụ… nội địa của một quốc gia trong một thời điểm nhất định. GDP càng cao, nền kinh tế của quốc gia đó càng mạnh và ngược lại.
GNP (Gross National Product) là tổng sản lượng quốc gia được biểu thị bằng tổng giá trị thu được từ các sản phẩm/ dịch vụ mà tất cả công dân của một quốc gia (trong và ngoài nước) tạo ra trong một thời điểm nhất định.
Vì vậy, sự khác biệt của GDP và GNP là phạm vi lãnh thổ. GDP chỉ tính đến những thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài hoạt động tại quốc gia đó. Trong khi GNP tính cả các trường hợp đầu tư vào quốc gia khác.
Ví dụ: Một nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam có chủ sở hữu là công dân Nhật Bản thì lợi nhuận sau thuế từ nhà máy sẽ được tính vào GNP của Nhật Bản. Vì vốn sử dụng trong sản xuất như nhà xưởng, máy móc… đều thuộc sở hữu của công dân Nhật Bản.
GDP và CPI
CPI (Consumer Price Index) là chỉ số tính theo phần trăm nhằm phản ánh mức độ thay đổi tương đối của giá hàng tiêu dùng theo thời gian. Chỉ số này được dùng để theo dõi giá cả của hàng hóa và dịch vụ hàng ngày mà các hộ gia đình mua, bao gồm các lĩnh vực thực phẩm, quần áo, phương tiện đi lại và chi tiêu giải trí.
Cả GDP và CPI đều là các chỉ số đo lường giá trị kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, GDP sẽ đo lường tất cả giá hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Trong khi CPI chỉ đo lường giá sản phẩm/dịch vụ (kể cả hàng nhập khẩu) được mua bởi người tiêu dùng (không bao gồm giá sản phẩm/dịch vụ được mua bởi chính phủ hay doanh nghiệp).
GDP của Việt Nam năm 2024
Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây. Trước sự tác động mạnh mẽ của đại dịch, GDP của nước ta vẫn tăng đáng kể. Quy mô GDP của Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 391,92 tỷ USD trong khi năm 2021 là 368 tỷ USD.
GDP quý 3 của Việt Nam đã tăng hơn 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trung bình 9 tháng đầu năm, GDP nước ta đã tăng 8,8%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
GDP bình quân đầu người vào năm 2021 đạt 3743 USD với tổng dân số xấp xỉ 99 triệu người. Xét trên mức GDP này, Việt Nam đang đứng thứ 6 trong khu vực và thứ 111 trên toàn thế giới (theo Global Finance vào tháng 8). Tuy nhiên, mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam có sự chênh lệch giữa các ngành, vùng miền.
Trong khi đó, tổng GDP danh nghĩa của Việt Nam năm 2024 hiện đang xếp thứ 37 thế giới.
Sau đại dịch, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP vượt qua nhiều quốc gia lớn như: Trung Quốc, Singapore, EU… Nhà nước đang đặt ra mục tiêu phấn đấu thu nhập bình quân đầu người Việt Nam trong 2024 sẽ đạt mức 3.900 USD/năm và đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 4.700 – 5.000 USD.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về chỉ số GDP và vai trò của chỉ số này đối với nền kinh tế của quốc gia. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn một nguồn kiến thức hữu ích. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết kế tiếp liên quan đến chủ đề kinh tế nhé!
Những câu hỏi thường gặp
GDP có thể bị âm không?
Hoàn toàn có thể xảy ra. GDP âm là biểu hiện của sự suy giảm của nền kinh tế trong một giai đoạn nhất định so với trước đó, có thể là năm hoặc quý.
GDP có đơn vị cụ thể không?
Đơn vị tính của GDP cũng chính là đơn vị tiền tệ. Chẳng hạn như Việt Nam lấy đơn vị cho GDP là VND, Mỹ là USD, Nhật là Yên, Trung Quốc là Nhân dân tệ,…
Những hàng hóa nào không được tính vào GDP?
Những loại hàng hóa không được tính vào GDP như: Hàng hóa không được sản xuất để bán trên thị trường, hàng hóa trao đổi, chợ đen và các hoạt động bất hợp pháp, các khoản thanh toán chuyển đổi, bán hàng đã qua sử dụng, hàng hóa và dịch vụ trung gian được sử dụng để sản xuất hàng hóa cuối cùng ,…
Nước nào có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới 2024?
Theo bảng xếp hạng của Global Finance công bố hồi tháng 8 năm 2024, vị trí số 1 trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ giàu nhất thế giới tính theo GDP đầu người là Luxembourg. GDP của đất nước tí hon này lên đến 140.694 USD (khoảng 3,5 tỷ đồng), vị trí thứ 2 thuộc về Singapore với 9.000 USD (131.580 USD/người/năm).
GDP cao có phải luôn tốt?
Câu trả lời là có hoặc không. Vì GDP cao chưa chắc cuộc sống người dân được cải thiện tương ứng. Chẳng hạn như lạm phát làm GDP cao nhưng người dân lại không được hưởng lợi gì khi vật giá leo thang.