Khi khái niệm phi tập trung trở nên phổ biến, mô hình DAO cũng được nhắc đến rất thường xuyên trong các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là Crypto. Vậy cụ thể DAO là gì? Ứng dụng của DAO trong Crypto như thế nào? Mô hình quản trị này có gì đặc biệt? Các bạn hãy cùng Tino Group tìm hiểu cụ thể qua bài viết dưới đây nhé!
Định nghĩa DAO
DAO là gì?
DAO là viết tắt của cụm từ Decentralized Autonomous Organization, tạm dịch: Tổ chức tự trị phi tập trung. Đây là một tổ chức phi tập trung sử dụng các quy tắc được mã hóa trong Smart Contract và các chương trình máy tính để hoạt động một cách độc lập mà không cần sự can thiệp của con người.
Khác với những tổ chức truyền thống, DAO có thể hoạt động mà không cần một ai đó đứng đầu để “thao túng” thông tin.
Thực tế, DAO là một chủ đề rất rộng, có thể là các giao thức DeFi áp dụng mô hình quản trị on-chain cho đến các nhóm sử dụng cơ chế đề xuất và biểu quyết on-chain trong những lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều sở hữu điểm chung là những biểu quyết, thỏa thuận hay quyết định đều được công khai minh bạch trên nền tảng này.
Bên cạnh đó, các thành viên trong DAO có thể dễ dàng tiếp cận và kiểm chứng các đề xuất, hành động của của DAO một cách dễ dàng.
Hoạt động cơ bản của DAO
Đặc điểm của DAO
Các tổ chức truyền thống thường chia nhiều hệ thống và cấp bậc quản trị như Tổng giám đốc, CEO, Trưởng phòng,…nhưng DAO không có cơ chế này. Mô hình tự trị phi tập trung có khả năng tạo ra sự gắn kết giữa các thành viên và tổ chức.
Quy tắc hoạt động của DAO được hình thành dựa trên cơ chế bỏ phiếu cộng đồng. Cách giải quyết vấn đề trong DAO sẽ thông qua cơ chế đề xuất, đề xuất có nhiều phiếu tán thành thì được thực hiện. Bên cạnh đó, toàn bộ dữ liệu giao dịch của DAO đều được lưu trữ minh bạch trên các nền tảng blockchain tương ứng.
Ngoài ra, các thành viên trong một tổ chức DAO sẽ không có bất kỳ hợp đồng ràng buộc nào. Tuy nhiên, mục tiêu và lợi ích chung sẽ tạo ra các quy tắc ràng buộc lẫn nhau.
Những yếu tố cơ bản tạo nên một mô hình DAO
- DAO cần có một mục đích để vận hành
- DAO cần một cơ chế bỏ phiếu
- DAO cần một cộng đồng
- DAO cần một giải pháp để quản lý nguồn quỹ
- DAO cần một token quản trị (Token-Based) hoặc hệ thống chia sẻ (Shared-based)
Cách DAO thực hiện bỏ phiếu
Quá trình bỏ phiếu cho các DAO được đăng trên một blockchain. Quyền biểu quyết thường được phân bổ theo tỷ lệ cho người dùng dựa trên số lượng token mà họ nắm giữ. Ví dụ: một thành viên sở hữu 100 token của DAO sẽ có quyền biểu quyết cao gấp đôi so với người dùng sở hữu 50 token. Tuy nhiên, các DAO sẽ có quy định riêng để tránh những người sở hữu nhiều token thực hiện hành vi xấu.
Các DAO thường có kho bạc chứa token và có thể được phát hành để đổi lấy tiền pháp định (tiền Fiat). Các thành viên của DAO sẽ bỏ phiếu về cách sử dụng quỹ đó. Ví dụ: Một DAO có ý định dùng token trong quỹ mua lại các NFT, những thành viên có thể bỏ phiếu về việc có từ bỏ quỹ kho bạc để đổi lấy NFT hay không.
Phân loại DAO
Token-Based DAO
Trong mô hình Token-Based DAO, token đóng một vai trò quan trọng đối với sự vận hành của tổ chức. Đây cũng là loại hình DAO phổ biến nhất vì token đang hiện diện ở mọi nơi trong crypto.
Các token được sử dụng trong mô hình này gọi là Governance token (token quản trị).
Ưu điểm của Token-Based DAO là khả năng mở rộng rất tốt vì bất kỳ ai cũng có thể sở hữu token. Tuy nhiên, mô hình này lại gặp khó khăn trong việc tận dụng nguồn lực và đi đến những thống nhất chung.
Organization (Shared-based DAO)
Organization (Shared-based DAO) là mô hình đại diện cho một nhóm hay tổ chức có chung mục tiêu trong một lĩnh vực nào đó, chẳng hạn như các Ventures DAO tập trung vào việc đầu tư. Các thành viên trong DAO sẽ dùng Shares (cổ phần) để biểu quyết hoạt động của tổ chức.
Ví dụ: Trong The LAO, những người góp vốn sẽ nhận được tỷ lệ cổ phần tương ứng với vốn góp và sẽ có quyền đề xuất dự án để các thành viên khác của The LAO biểu quyết, xem xét có nên đầu tư hay không.
Nếu Token-based DAO cho phép bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận đến token và tham gia vào tổ chức, Shared-based DAO thường yêu cầu người tham gia đáp ứng một điều kiện nào đó. Do đó, mô hình này có ưu điểm là dễ quản lý và nguồn lực được tập trung, tuy nhiên lại khó để mở rộng.
Ưu điểm và hạn chế của DAO
Ưu điểm
- Tận dụng ưu điểm của blockchain, các tổ chức có thể tạo ra một môi trường cộng tác ngang hàng giữa các thành viên mà không cần trung gian.
- Mọi hoạt động trong DAO đều công khai và minh bạch. Tất cả các thành viên đều có quyền kiểm tra. Điều này mở ra nhiều tiềm năng mới cho việc hợp tác.
- Các dịch vụ được xử lý tự động theo cách phi tập trung
- Người tham gia sẽ nắm giữ một phần của DAO nên họ có thể lựa chọn những đề xuất giúp phát triển DAO, những đề xuất được đưa ra cần phải được cân nhắc để tạo ra lợi ích cho số đông.
- Mô hình DAO khuyến khích mọi người từ khắp nơi trên thế giới liên kết với nhau một cách liền mạch để xây dựng một tầm nhìn duy nhất.
Hạn chế
- Tính linh hoạt: DAO vận hành dựa trên các Smart Contract đã được thiết lập trước đó. Chính vì vậy, tính linh hoạt trong quá trình hoạt động của DAO còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, vấn đề bảo mật trong DAO cũng rất quan ngại.
- Dễ đưa ra những quyết định sai lầm: Việc mọi thành viên trong DAO đều có thể biểu quyết mang tính dân chủ. Chính điều này có thể dẫn đến các quyết định tệ hại. Chẳng hạn như vấn đề phức tạp về học thuật, một số thành viên không có kiến thức hoặc chưa hiểu rõ dẫn sẽ đến các quyết định sai lầm.
- Các quyết định thường bị trì hoãn: Mọi quyết định đều cần thời gian bỏ phiếu nên trong những trường hợp khẩn cấp, vấn đề không được xử lý một cách nhanh chóng gây nhiều hậu quả xấu
- Tính minh bạch cũng gây ra hạn chế: Trên DAO, tất cả mọi thứ đều minh bạch và được ghi lại rõ ràng. Điều dẫn đến trường hợp đối thủ có thể biết được về các hướng phát triển trong tương lai.
Ứng dụng của DAO trong các lĩnh vực
Lĩnh vực tiền mã hóa
- Ethereum: Ethereum là một DAO sử dụng cơ chế Proof of Work và Proof of Stake với Ethereum 2.0. Tương lai phát triển của mạng lưới Ethereum phụ thuộc vào sự quyết định của các thành phần trong DAO.
- Compound: Compound là một giao thức rất thành công trong việc quản trị on-chain. Thông qua mô hình DAO, các token holders có thể tham gia bỏ phiếu với các đề xuất trong giao thức
- The LAO: Đây là dự án nổi bật nhất trong các Quỹ đầu tư Phi tập trung. Hiện tại, The LAO đã hoàn thành 35 khoản đầu tư, đa phần là các dự án trên Ethereum như Gitcoin, Zapper, Lido Finance.
- Bitshares: Tổ chức này cung cấp khả năng tự quản lý với hệ thống bỏ phiếu nâng cao, thời gian xử lý chưa đến 3 giây và nền tảng DeFi được tích hợp sẵn.
- Marker DAO: Đây được xem là một phần nhỏ của hệ thống lớn Marker Protocol. Hệ thống là sự kết hợp giữa 2 tài sản tiền mã hóa là DAI và MKR. Trong đó, MKR cung cấp cho người tham gia các quyền bỏ phiếu biểu quyết.
- Uniswap: Uniswap đã phát hành Native Governance token UNI. Từ đó, giao thức đã trở thành một mạng lưới phi tập trung, thuộc sở hữu của cộng đồng.
- BitDAO: BIT là Governance token cung cấp quyền đề xuất, bỏ phiếu biểu quyết. Dự án có mục tiêu là xây dựng nền kinh tế mã hóa phi tập trung cho tất cả mọi người tham gia.
Các lĩnh vực khác
- Chính phủ: DAO sẽ hỗ trợ chính phủ tăng cường kiểm toán, bỏ phiếu, giám sát thực hiện hợp đồng, đấu thầu và nhiều quy trình khác.
- Tổ chức phi lợi nhuận: Cho phép những cá nhân nhận quyên góp một cách ẩn danh và chấp nhận các thành viên từ khắp mọi nơi trên thế giới. Các thành viên sẽ bỏ phiếu về cách sử dụng số tiền quyên góp được.
- Công ty Audit: Cải thiện hoạt động kiểm toán bằng cách cho phép quản lý dự án hoàn toàn tự động, cải tiến quá trình theo dõi và bảo mật tốt hơn.
DAO có tiềm năng không?
Hệ sinh thái DAO đang có sự tăng trưởng cực kỳ mạnh mẽ với sự xuất hiện của hàng trăm dự án mới. Các dự án phân bổ ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho thấy tiềm năng rộng lớn của việc áp dụng mô hình DAO.
Ở mảng DeFi, Governance đã trở thành một tiêu chuẩn cho các token của nhiều dự án. Dự án càng lớn, token này càng có giá trị. Trong danh sách các dự án có TVL cao nhất, hầu hết chúng đều được quản trị bởi cộng đồng, các quyết định đều được đề xuất và biểu quyết bởi các thành viên nắm giữ token của dự án. Tóm lại, mô hình DAO đã thứ không thể thiếu cho những giao thức DeFi hiện nay.
Tuy nhiên, DAO vẫn còn một chặng đường dài trước khi đạt được sự chấp nhận hoàn toàn chính thống. Không phải tất cả các dự án DAO đều hoạt động hiệu quả. Thực tế đang chứng minh, hầu hết các DAO sẽ không hoạt động trong thời gian dài.
Trong thế giới tiền mã hóa, giá trị các Governance token của một DAO có thể bằng không bất kỳ lúc nào.
Trên đây là những thông tin cơ bản về mô hình DAO cùng với những ưu điểm và hạn chế mà mô hình này mang lại cho thế giới kỹ thuật số nói chung và Crypto nói riêng . Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ bổ sung thêm một kiến thức hữu ích trong lĩnh vực công nghệ. Hẹn gặp lại ở những bài viết thú vị kế tiếp nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Xem các dự án có mô hình DAO ở đâu?
Bạn có thể truy cập vào trang CoinMarketCap để theo dõi các dự án đang áp dụng mô hình DAO.
Các mô hình DAO của những dự án có giống nhau?
Mỗi DAO có cách hoạt động khác nhau, nhưng hầu hết đều tuân theo các nguyên tắc cơ bản giống nhau. Bất kỳ ai nắm giữ các token quản trị đều có quyền biểu quyết với tỷ lệ dựa trên số lượng token mà họ sở hữu. Ngoài ra, những người nắm giữ các token này cũng có thể đưa ra đề xuất về những thay đổi trong hoạt động của DAO.
Có phải DAO trong cùng lĩnh vực sẽ sử dụng cùng mô hình?
Các DAO trong cùng một lĩnh vực hoàn toàn có thể sử dụng mô hình khác nhau. Ví dụ: Trong lĩnh vực Ventures DAO, The LAO sử dụng mô hình Shared-Based còn Yield Guild Games lại áp dụng mô hình Token-based.
Làm thế nào để tạo một DAO?
Về mặt kỹ thuật, bạn sẽ cần một cơ chế có thể xử lý các phiếu bầu và đề xuất, Aragon và Snapshot là một ví dụ. Tất cả các cơ chế này sẽ cung cấp cấu trúc gần giống nhau nhưng cách thực hiện có thể khác nhau. Bạn có thể tham khảo thêm từ các tư liệu trên internet.