Ngân hàng được xem là một trong những ngành mũi nhọn của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế phát triển. Hiện tại, nước ta sở hữu hàng chục ngân hàng lớn nhỏ, từ Thương mại Cổ phần, Ngân hàng Nhà nước đến Ngân hàng Quốc tế. Các ngân hàng vận hành với nhiều quy mô, cung cấp đa dạng sản phẩm/dịch vụ. Để hiểu rõ hơn về sự phát triển của lĩnh vực này, Tino Group sẽ giúp bạn khám phá top 6 ngân hàng lớn nhất Việt Nam được nhiều người tin dùng.
Thực trạng về ngành ngân hàng tại Việt Nam
Tốc độ lợi nhuận tăng nhanh
Trong vòng 5 năm (tính từ 2016 – 2021), tổng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng lớn tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh. Trong đó, Vietcombank là ngân hàng dẫn đầu về quy mô lợi nhuận, còn VIB có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc. Ngân hàng này đã có mức tăng trưởng kép đạt gần 63% trong vòng 5 năm.
Xu hướng bán lẻ phát triển
So với các ngân hàng trong khu vực, những ngân hàng hàng đầu Việt Nam có ROE trung bình cao gấp đôi. Trong đó, chỉ số ROE của VIB hiện đang dẫn đầu toàn ngành với 30% cùng danh mục cho vay bán lẻ đạt gần 90%. Theo sau VIB là ACB.
Chỉ trong vòng 5 năm, các ngân hàng đều có sự chuyển đổi nhất định thông qua tốc độ tăng trưởng bán lẻ trung bình. Ấn tượng nhất vẫn là VIB – ngân hàng sở hữu tốc độ tăng trưởng bán lẻ đạt 44% trong vòng 5 năm, cao gấp đôi so với những ngân hàng khác. Trong khi đó, Vietcombank đã trở thành đại diện nổi bật trong khối ngân hàng sở hữu vốn nhà nước cốt lõi, tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm.
Phát triển các sản phẩm/dịch vụ vượt trội
Trên thực tế, những ngân hàng top đầu Việt Nam rất tích cực trong việc ra mắt sản phẩm/dịch vụ với các tính năng vượt trội, mang đến những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng. Đặc biệt, phát hành dịch vụ thẻ rất được các ngân hàng chú trọng và đẩy mạnh.
VIB là cái tên gây ấn tượng khi gắn liền với các sản phẩm thẻ độc đáo, mới lạ. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi VIB trở thành “con sói” dẫn đầu trong nhóm về tổng chi tiêu thẻ của khách hàng.
Bắt tay cùng các đối tác lớn
Những ngân hàng top đầu tại Việt Nam cũng tiên phong trong việc trở thành đối tác chiến lược của các định chế tài chính và tập đoàn hàng đầu thế giới. Nhờ đó, các ngân hàng tạo nên nền tảng quản trị và vận hành vững chắc, mở ra những dấu ấn nổi bật trong tương lai.
Top 6 ngân hàng lớn nhất Việt Nam được nhiều người tin dùng
#1. Vietcombank
Đứng đầu danh sách top 6 ngân hàng lớn nhất Việt Nam chính là Vietcombank. Thương hiệu này có tên gọi đầy đủ là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Vietcombank chính thức thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/4/1963 với tên gọi là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Đây được xem là ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên được Chính phủ chọn lựa để thực hiện thí điểm cổ phần hoá. Đến đầu tháng 6/2008, Vietcombank hoạt động với vai trò là ngân hàng thương mại cổ phần. Cổ phiếu của Vietcombank được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vào cuối tháng 6/2009.
Trong suốt quá trình hoạt động, Vietcombank luôn nằm trong top dẫn đầu ngân hàng lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Không những sở hữu lợi thế lớn về chiến lược phát triển, Vietcombank còn được trang bị cơ sở hạ tầng, công nghệ hiện đại. Hiện tại, quy mô của Vietcombank đã mở rộng lên đến 560 chi nhánh, phòng giao dịch trải dài khắp các tỉnh thành, cung cấp 2536 máy ATM và sở hữu đội ngũ nhân sự lên đến 15.600 nhân viên.
#2. Vietinbank
Chính thức hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng từ năm 1988, Vietinbank đã trở thành cái tên tiếp theo nằm trong danh sách các ngân hàng lớn dẫn đầu Việt Nam. Vietinbank sở hữu vai trò cốt lõi và chủ đạo đối với một ngân hàng hàng đầu trong nền kinh tế.
Có thể nói, đây là ngân hàng đầu tiên và duy nhất có chi nhánh tại châu Âu. Sở hữu quy mô lớn, chất lượng tài sản tốt và giá trị thương hiệu tiềm năng, Vietinbank đã được Tạp chí Forbes ghi nhận trong top 2000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.
Vietinbank cung cấp các loại sản phẩm điển hình tích hợp với xu hướng chuyển đổi số. Nhằm tăng trải nghiệm và tính đa dạng cho khách hàng, Vietinbank sở hữu các gói vay tín chấp, mẫu sản phẩm thẻ, thế chấp ngân hàng, gửi tiết kiệm chi phí.
#3. BIDV
BIDV có tên gọi đầy đủ là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Đơn vị này được sáng lập vào cuối tháng 4/1957. Nhìn chung, BIDV chính là “cây đa cây đề” trong ngành ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Trải qua hơn 60 năm phát triển, BIDV sở hữu bề dày kinh nghiệm vững chắc. Vì vậy, ngân hàng luôn cung cấp đầy đủ sản phẩm/dịch vụ hiện đại và tiện ích nhất cho người dùng.
Nhìn chung, BIDV chính là sự lựa chọn và được các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp cũng như cá nhân tín nhiệm. Không những thế, BIDV nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng người dùng trong và ngoài nước. Có thể nói, BIDV chính là niềm tự hào đối với các thế hệ CBNV và ngành tài chính ngân hàng trong suốt 65 năm qua. Đơn vị không ngừng cống hiến giá trị, phục vụ cho sự nghiệp đầu tư và phát triển của đất nước. Hiện tại, BIDV đã mở rộng chi nhánh tại nhiều quốc gia khác trên thế giới như Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hoà Séc, Nga,…
#4. VIB
Cái tên tiếp theo chắc chắn phải nhắc đến trong danh sách các ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam là VIB. Được viết từ tên gọi Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Quốc tế Việt Nam, VIB đã chinh phục hàng triệu người dùng sau gần 30 năm hoạt động.
VIB chính thức “chào sân” vào giữa tháng 9/1996. Thương hiệu sở hữu vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng và 23 cán bộ nhân viên. Nhìn chung, giai đoạn khởi đầu của VIB không có gì nổi bật. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển trên thị trường, VIB đã có những bước đột phá lớn.
Tính đến ngày 30/6/2022, VIB đạt vốn điều lệ lên đến hơn 21.076 tỷ đồng. Theo đó, vốn chủ sở hữu của thương hiệu đạt 28.250 tỷ đồng với tổng tài sản đạt hơn 348.000 tỷ đồng. So với trước đây, VIB ở thời điểm hiện tại đã vững mạnh và ổn định hơn rất nhiều. Ngoài ra, đây còn là một trong những ngân hàng giàu tiềm năng, có sức bật mạnh mẽ nhất ở Việt Nam hiện tại.
#5. ACB
ACB là viết tắt của Asia Commercial Joint Stock Bank, tên đầy đủ tiếng Việt là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu. Ngân hàng chính thức thành lập vào đầu tháng 6 năm 1993. Sau gần 30 năm hoạt động, ACB đã tạo nên những tiếng vang lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Trong suốt thời gian hoạt động, ACB luôn nỗ lực mang đến cho khách hàng những sản phẩm/dịch vụ tốt và chất lượng nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, chi nhánh của ACB đã xuất hiện dày đặc khắp các tỉnh thành với hơn 350 chi nhánh, phòng giao dịch.
Ngân hàng vận hành dựa trên nguyên tắc lấy khách hàng làm trọng tâm phát triển. Vì vậy, sản phẩm/dịch vụ và phương thức chăm sóc khách hàng của ACB luôn được nâng cấp, cải thiện ngày một tốt hơn. Ngoài ra, ACB sở hữu đội ngũ nhân sự giàu chuyên môn, tư vấn tận tình và hướng dẫn khách hàng chi tiết để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tại các ngân hàng.
#6. MB
Cuối danh sách top 6 ngân hàng lớn nhất Việt Nam là MB bank. MB là viết tắt của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (tên tiếng Anh là Military Commercial Joint Stock Bank). Về bản chất, MB phát triển với vai trò là ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam – doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Điểm cộng của MB là ngân hàng này được đầu tư bởi những cổ đông lớn tại Việt Nam như tập đoàn Viettel, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước và Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn.
Bên cạnh dịch vụ tài chính ngân hàng, MB còn góp mặt vào lĩnh vực môi giới chứng khoán, kinh doanh địa ốc, bảo hiểm, quản lý nợ, quản lý quỹ, khai thác tài sản dựa trên cổ phần của một số doanh nghiệp.
Kết luận
Lĩnh vực tài chính ngân hàng đã chi phối không ít vào sự phát triển và hoàn thiện của nền kinh tế đất nước. Trên đây là top 6 ngân hàng lớn nhất Việt Nam cũng như 6 “chiến binh” dẫn đầu ngành. Qua bài viết, Tino Group hy vọng bạn đã hình dung rõ nét hơn về bức tranh ngân hàng Việt Nam. Đừng quên theo dõi chúng tôi để không bỏ lỡ những bài viết hay và hữu ích nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Đâu là tiêu chí đánh giá các ngân hàng lớn Việt Nam?
Có rất nhiều tiêu chí giúp bạn đánh giá quy mô hoạt động của một ngân hàng, cụ thể như sau:
- Tổng giá trị tài sản;
- Vốn điều lệ;
- Mạng lưới hoạt động;
- Hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch;
- Số lượng đội ngũ nhân viên;
- Số lượng khách hàng thường niên.
Big4 trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam là gì?
4 cái tên được xem là Big4 trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam là Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank.
Nên vay vốn ngân hàng để kinh doanh không?
Câu trả lời là “Có!”. Trên thực tế, vay vốn kinh doanh thế chấp có mặt bằng lãi suất thấp hơn vay tín chấp. Bên cạnh đó, khi kinh doanh, bạn phải cần một nguồn vốn lớn, dài hạn và có kế hoạch sử dụng vốn chi tiết trong hồ sơ vay. Vậy nên, vay vốn thế chấp chính là sự lựa chọn tối ưu khi kinh doanh.
Nên gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng nào?
3 ngân hàng có niêm yết lãi suất cao nhất, từ 7% trở lên gồm: SCB là 7,3%, Kiên Long Bank là 7,2% và Oceanbank là 7,0%.