Youtube là “mảnh đất màu mỡ” giúp rất nhiều người dùng kiếm lợi nhuận từ việc sáng tạo nội dung. Không chỉ là nơi mang sản phẩm của bạn tiếp cận với khán giả, Youtube còn bảo vệ quyền lợi những nhà sáng tạo bằng Content ID. Việc kích hoạt Content ID là giải pháp hữu hiệu để bạn “khẳng định chủ quyền” đối với sản phẩm của mình. Vậy chính xác Content ID là gì? Bị Youtube khiếu nại bản quyền có sao không? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
Giới thiệu tổng quan về Content ID
Content ID là gì?
Mỗi ngày, có hàng triệu video được tải lên Youtube. Vậy làm thế nào để Youtube có thể kiểm soát và quản lý nội dung của các nhà sáng tạo? Lời giải đáp cho câu hỏi này là Content ID.
Content ID là công cụ được phát triển bởi Youtube có khả năng xác định và quản lý nội dung của nhà sáng tạo. Về bản chất, Content ID giống như một hệ thống bảo vệ chủ quyền của người sở hữu nội dung.
Hiểu đơn giản, sau khi tạo ra một sản phẩm trên Youtube, bạn có thể sử dụng Content ID để khẳng định quyền sở hữu. Tính năng của Content ID vượt trội hơn nhiều so với các hệ thống bảo vệ bản quyền khác. Chủ sở hữu có thể kiếm được tiền nếu phát hiện bất kỳ người dùng nào cố ý đăng tải trái phép nội dung của mình.
Với sự hỗ trợ của Content ID, sản phẩm của bạn sẽ được Youtube dễ dàng tìm thấy. Sau đó, Youtube sẽ thông báo cho các chủ sở hữu và cung cấp 3 quyền lựa chọn khác nhau, bao gồm:
- Yêu cầu Youtube tích hợp quảng cáo vào video và đổi lấy một phần doanh thu từ quảng cáo.
- Cho phép Youtube phát video mà không tích hợp bất kỳ quảng cáo nào.
- Yêu cầu Youtube gỡ video xuống.
Nguyên lý hoạt động của Content ID
Content ID hoạt động bằng cách quét các video được tải lên Youtube thông qua những cơ sở dữ liệu do chủ sở hữu video cung cấp. Khi hệ thống xác định sự trùng khớp giữa nội dung được tải lên Youtube và tác phẩm đã được bảo vệ bản quyền, video ấy sẽ nhận thông qua xác nhận quyền sở hữu qua Content ID.
Công cụ này hoạt động theo Digital Millennium Copyright Act (DMCA – Đạo luật bản quyền Thiên niên kỷ Kỹ thuật số). Đạo luật này có trách nhiệm hỗ trợ và bảo vệ những video đã được đăng ký bản quyền.
Khi xử lý các video trái phép, chủ sở hữu bản quyền có thể lựa chọn những giải pháp sau:
- Chặn video trái phép theo cách phổ thông.
- Bật kiếm tiền từ các video trái phép bằng cách đặt quảng cáo trên video.
- Theo dõi số liệu thống kê của video.
Tùy vào từng khu vực địa lý, Content ID cho phép bạn áp dụng các lựa chọn cụ thể. Ví dụ: Bạn có thể bật kiếm tiền từ video tại một quốc gia và chặn hoặc theo dõi ở một quốc gia khác.
Làm thế nào kích hoạt Content ID?
Để kích hoạt công cụ Content ID, bạn cần đáp ứng một số tiêu chí cụ thể. Để chứng minh mình là chủ sở hữu chính thống, bạn nên cung cấp các tài liệu độc quyền cho Youtube. Lúc này, Content ID sẽ khớp nội dung của bạn với cơ sở dữ liệu trên Youtube.
Trên thực tế, Youtube đặt ra rất nhiều chính sách nghiêm ngặt khi sử dụng Content ID. Vì vậy, bạn sẽ cần sự hỗ trợ từ dịch vụ đối tác của Youtube để được nhận quyền truy cập công cụ này. Về cơ bản, Youtube không cấp quyền truy cập cho từng chủ sở hữu nội dung.
Theo đó, dịch vụ đối tác của Youtube là những công ty trung gian đóng vai trò là cầu nối giữa nhà sáng tạo và hệ thống Content ID. Nhiệm vụ của các công ty này là hợp tác với một vài nhà sáng tạo nội dung, thay mặt họ quản lý Content ID của Youtube và giải quyết những vấn đề liên quan đến công nghệ cũng như pháp lý. Đổi lại, họ sẽ nhận được một khoản phí trong tổng doanh thu thu được từ video, chiếm từ 15% – 30%.
Phần lớn các dịch vụ này đều liên kết với một cơ quan phân phối kỹ thuật số, hoạt động trên nhiều nền tảng downloading và streaming khác nhau. Đối với những nhà sáng tạo độc lập có nhu cầu kiếm tiền từ Content ID trên Youtube, các dịch vụ đối tác chính là sự lựa chọn tuyệt vời nhất.
Bị khiếu nại bản quyền Youtube có sao không?
Khiếu nại bản quyền Youtube là gì?
Nếu vô tình đăng tải video chứa nội dung có bản quyền, bạn sẽ nhanh chóng nhận được đơn khiếu nại Content ID. Khi một video mới được tải lên, Content ID sẽ tự động kích hoạt chế độ xác nhận quyền sở hữu. Nếu video của bạn trùng toàn bộ hoặc một phần nội dung với video khác, Youtube sẽ đánh gậy bản quyền video của bạn.
Trong trường hợp này, chủ sở hữu video sẽ có 2 lựa chọn:
- Chặn video mà bạn đã tải lên.
- Bật kiếm tiền từ video của bạn để thu lợi riêng.
Nếu có khiếu nại về Content ID đối với một trong những video của mình, Youtube sẽ gửi Email về thông tin vụ việc cho bạn. Đồng thời, nếu muốn biết thêm nhiều thông tin về các xác nhận quyền sở hữu đối với video, bạn có thể tham khảo phần “Content” trong Youtube Studio.
Một video khi bị “đánh gậy” sẽ bị gắn nhãn “Copyright Claim” trong mục Restrictions. Bạn có thể xem chi tiết video bị khiếu nại tại mục “See details” và phần mô tả.
Video bị khiếu nại bản quyền có sao không?
Khi nhận được cảnh cáo vi phạm bản quyền nghĩa là chủ sở hữu bản quyền đã gửi yêu cầu pháp lý hoàn chỉnh và hợp lệ về việc gỡ bỏ video của bạn. Trong trường hợp này, Youtube có thể sẽ gỡ bỏ video của bạn để tuân thủ luật bản quyền.
Bên cạnh đó, mỗi video chỉ có thể nhận một cảnh cáo vi phạm bản quyền tại một thời điểm nhất định. Vì nhiều lý do liên quan đến bản quyền, Youtube có thể loại bỏ video của bạn trên nền tảng. Ngoài ra, việc nhận được thông báo xác nhận quyền sở hữu qua Content ID không liên quan đến việc nhận cảnh báo vi phạm bản quyền.
Khi bị khiếu nại lần đầu, Youtube sẽ yêu cầu bạn hoàn tất khóa học tại học viện về bản quyền. Học viện này giúp những người sáng tạo nội dung trên Youtube hiểu về bản quyền và cách thực thi bản quyền trên nền tảng.
Những cảnh báo vi phạm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng kiếm tiền từ video của bạn. Bên cạnh đó, nếu Livestream của bạn bị dính bản quyền, Youtube sẽ hạn chế bạn Livestream trong vòng 7 ngày. Ngoài ra, khi nhận từ 3 cảnh cáo vi phạm bản quyền trở lên:
- Toàn bộ tài khoản và những kênh liên kết với tài khoản của bạn sẽ bị chấm dứt hoạt động.
- Toàn bộ video bạn đăng tải sẽ bị xóa.
- Bạn không được phép tạo thêm bất kỳ kênh nào mới.
Kết luận
Là người sáng tạo nội dung trên một trong những nền tảng giải trí hàng đầu thế giới, bạn phải biết tự bảo vệ quyền sở hữu của mình và tôn trọng sản phẩm sáng tạo của người khác. Với sự trợ giúp của Content ID, bạn vừa khẳng định được chủ quyền vừa nâng cao giá trị video của mình. Qua bài viết trên, Tino Group hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về Content ID cũng như những thông tin xoay quanh thuật ngữ này.
Những câu hỏi thường gặp
Nội dung nào có thể áp dụng Content ID?
Trên thực tế, Content ID chỉ được áp dụng cho một số nội dung nhất định, như giải trí, âm nhạc, trò chơi, nội dung xanh.
Làm thế nào xóa quyết định cảnh cáo vi phạm bản quyền?
Có 3 cách phổ biến nhất giúp bạn gỡ bỏ cảnh cáo vi phạm bản quyền, bao gồm:
- Đợi sau 90 ngày cảnh cáo sẽ hết hiệu lực.
- Liên hệ và đàm phán với người xác nhận quyền sở hữu rút đơn khiếu nại.
- Gửi thông báo phản đối nếu cho rằng video bị xóa nhầm hoặc đủ điều kiện để xem là trường hợp sử dụng hợp lý.
Xem thông báo xác nhận bản quyền Content ID ở đâu?
Bạn có thể xem thông báo xác nhận bản quyền Content ID trên Youtube Studio.
Bị đánh bản quyền có phải nộp tiền phạt không?
Câu trả lời là “Không!”. Nếu vi phạm bản quyền lần đầu, bạn cần tham gia Học viện bản quyền của Youtube. Vi phạm từ lần thứ 3, hình phạt nặng nhất bạn phải chịu là bị xóa kênh và cấm tạo kênh mới.