Sau nhiều năm chăm chỉ làm việc, dư ra một ít tiền, bạn bắt đầu tìm đến việc gửi tiết kiệm như một kênh đầu tư sinh lãi an toàn. Ngoài việc chọn một ngân hàng an toàn để gửi tiền, bạn cũng sẽ cần tính toán lãi suất để có được mức lợi nhuận tối đa. Trong bài viết này, tino group sẽ hướng dẫn bạn cách tính lãi suất ngân hàng để bạn tự tính toán và quyết định chọn ngân hàng nhé!
Lãi suất tiết kiệm là gì?
Khi bạn có một số tiền nhàn rỗi và chưa có ý định đầu tư vào bất kỳ kênh nào hoặc mong muốn đầu tư sinh lời an toàn, ổn định, gửi tiết kiệm ngân hàng chính là giải pháp tốt nhất dành cho bạn.
Tuy mức sinh lời của cách này tương đối thấp và có thời gian dài nhưng lại có mức độ an toàn và ổn định cao hơn các hình thức đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp hoặc chơi tiền ảo.
Lưu ý: Bài viết chỉ cung cấp nội dung tham khảo. Để tìm ngân hàng gửi tiết kiệm hoặc thực hiện các hình thức đầu tư khác, bạn nên tìm hiểu thật kỹ và chấp nhận các rủi ro khi đầu tư. Tiền là của bạn, do đó hãy có trách nhiệm với quyết định đầu tư của mình.
Có bao nhiêu hình thức để gửi ngân hàng?
Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều cho phép khách hàng gửi tiền vào bằng 2 hình thức chính để tính lãi suất bao gồm:
Gửi tiết kiệm không kỳ hạn: bạn có thể linh hoạt gửi thêm tiền hoặc rút tiền ra để sử dụng mà không gây ảnh hưởng đến việc có nhận được lãi hay không. Do đó, hình thức này có mức lãi suất rất thấp.
Gửi tiết kiệm có kỳ hạn: đây là một hình thức gửi tiết kiệm phổ biến và mức lãi tiết kiệm sẽ cao hơn gửi tiết kiệm không kỳ hạn rất nhiều. Tuy nhiên, bạn sẽ phải rút tiền đúng kỳ hạn cam kết. Nếu bạn rút trước, có thể tiền lãi sẽ không được thanh toán.
2 cách tính lãi suất ngân hàng
Tính lãi suất ngân hàng không kỳ hạn
Một trong những điểm nổi bật nhất của việc gửi tiết kiệm không kỳ hạn chính là bạn có thể gửi bao nhiêu tùy ý và rút tiền ra bất cứ lúc nào để sử dụng mà không cần phải lo lắng về thời gian rút tiền đã cam kết với ngân hàng.
Do đó, lãi suất của hình thức gửi tiết kiệm này thường rất thấp và dưới 1%/năm.
Công thức để tính tiền lãi gửi tiết kiệm không kỳ hạn như sau:
Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%/năm) x số ngày thực gửi/360
Ví dụ, bạn đang sử dụng ngân hàng ABC với mức lãi suất là 1% và bạn gửi vào 100 triệu đồng. Sau 6 tháng, bạn rút tiền ra bạn sẽ nhận được số tiền lãi là:
Tiền lãi = Tiền gửi x 1% x 180/360 = 100.000.000 x 1% x 180/360 = 500.000 VNĐ.
Vậy, sau 6 tháng gửi tiền, bạn sẽ nhận lại được tổng cộng là 100.500.000 tiền vốn lẫn lời.
Cách tính lãi suất ngân hàng có kỳ hạn
Điểm đặc biệt và nổi trội nhất của gửi ngân hàng có kỳ hạn chính là bạn sẽ nhận được mức lợi nhuận cao hơn gửi không kỳ hạn từ 3 – 10 lần! Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải chọn kỳ hạn mà ngân hàng đặt ra như theo 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 36 tháng để có thể rút tiền. Những mốc thời gian này sẽ có mức tính lãi suất khác nhau.
Để sinh lợi nhiều nhất, bạn nên quan sát kỹ thông tin khi gửi ngân hàng với mốc thời gian nào để quyết định “chốt sổ”.
Khi bạn rút tiền theo thời hạn cam kết, bạn sẽ nhận được toàn bộ số tiền sinh lợi. Tuy nhiên, nếu bạn rút trước kỳ hạn tùy ngân hàng bạn sẽ bị mất số tiền sinh lợi của mình.
Chúng ta có 2 trường hợp để tính lãi bao gồm:
Số tiền lãi theo ngày = Số tiền gửi x lãi suất (%năm) x số ngày gửi/360.
Hoặc:
Số tiền lãi theo tháng = Số tiền gửi x lãi suất (%năm)/12 x số tháng gửi.
Ví dụ, ta có một biểu suất lãi như sau cho khách hàng cá nhân. Và bạn chọn gói TIẾT KIỆM ĐIỆN TỬ trong kỳ hạn 6 tháng với số tiền là 100 triệu để có thể gửi và rút tiền ra linh hoạt hơn.
Vậy công thức tính lãi suất nhận được sẽ như sau:
Số tiền lãi theo tháng = Số tiền gửi x lãi suất (%năm)/12 x số tháng gửi.
Số tiền lãi theo tháng = 100.000.000 x 5.45%/12 x 6 = 2.725.000 VNĐ.
Đồng nghĩa, sau 6 tháng bạn sẽ nhận lại tiền lãi lẫn gốc là: 102.725.000 VNĐ, đây là con số lớn hơn gửi tiết kiệm không kỳ hạn đúng không nào?
Vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về cách để tính lãi suất ngân hàng rồi đấy! Tino group hi vọng rằng bạn đã có thể tự tính toán hoặc sử dụng các công cụ thành thạo để xác định được số lãi mình sẽ nhận được. Chúc bạn sẽ có thể đầu tư sinh lợi an toàn và lời nhất có thể!
FAQs về cách tính lãi suất ngân hàng
Ngân hàng nào có lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay?
Theo tng tổng hợp lại, hiện tại đây là danh sách top 4 ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay:
- Lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng SCB cao nhất 7%
- Lãi suất gửi tiết kiệm online ngân hàng số Timo cao nhất 6,7%
- Lãi suất tiết kiệm ngân hàng Sacombank cao nhất 6,2%
- Lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng Agribank cao nhất 5,6%
Ngoài ra, bạn nên theo dõi nhiều website hoặc đến tận các chi nhánh ngân hàng để cập nhật thông tin về lãi suất chính xác nhất.
Có nên gửi tiết kiệm online hay không?
Hiện tại, có rất nhiều ứng dụng cho phép bạn gửi tiết kiệm online nhanh chóng, an toàn và hoàn toàn miễn phí như: TPBank, Cake, Timo,… Bạn chỉ cần tìm một ngân hàng/ ứng dụng phù hợp để sử dụng.
Dĩ nhiên, bạn sẽ cần phải tìm hiểu thông tin về các ứng dụng, ngân hàng đó một cách kỹ càng và quan sát các “phốt” để tránh mất tiền oan uổng.
Nên làm sổ tiết kiệm online hay ra chi nhánh và đăng ký như truyền thống?
Việc này sẽ tùy thuộc vào bạn. Hiện tại, hầu hết các ứng dụng ngân hàng đều có mức bảo mật tương đối cao (dù một số ứng dụng có giao diện không đẹp mắt cho lắm). Tuy nhiên, hình thức gửi trực tiếp, truyền thống sẽ ghi nhận nhiều thông tin để làm bằng chứng khi có sự cố xảy ra hơn. Do đó, bạn có thể cân nhắc thực hiện hình thức mở sổ tiết kiệm phù hợp với mình.
Có những cách nào khác ngoài việc gửi tiền vào ngân hàng để sinh lời hay không?
Để dùng “tiền đẻ ra tiền” có rất nhiều cách khác nhau nhưng chúng sẽ có một số rủi ro nhất định mà bạn cần phải tìm hiểu như:
- Kinh doanh online
- Khởi nghiệp
- Affiliate marketing (bạn sẽ không mất đồng nào đâu!)
- Đầu tư chứng khoán – bạn có thể đăng ký để đầu tư chứng khoán online đấy!
- Ngoài ra, bạn cũng có thể đầu tư vào tiền điện tử dù thị trường này còn tương đối mới mẻ và rất nhiều rủi ro vẫn chưa thể nhận diện được trong tương lai.