Để có thể quản lý tốt số hàng hóa và tối ưu được lợi nhuận, các doanh nghiệp cần phải tính toán chính xác giá vốn hàng bán. Đây là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến nhiều hoạt động trong kinh doanh. Vậy giá vốn hàng bán là gì? Cách tính giá vốn hàng bán chính xác như thế nào? Các bạn hãy tham khảo bài viết sau để biết chi tiết nhé!
Giá vốn hàng bán là gì?
Định nghĩa giá vốn hàng bán
Giá vốn hàng bán có tên tiếng Anh là Cost Of Goods Sold (COGS), đây là một loại chi phí trực tiếp để sản xuất hàng hóa bán ra của một doanh nghiệp. Số tiền này bao gồm chi phí nguyên vật liệu và nhân công để tạo ra hàng hóa. giá vốn hàng bán không bao gồm các chi phí gián tiếp, chẳng hạn như chi phí phân phối, vận chuyển và chi phí cho lực lượng bán hàng.
Giá vốn hàng bán được tìm thấy trên báo cáo thu nhập của doanh nghiệp, một trong những báo cáo tài chính hàng đầu trong kế toán. Báo cáo thu nhập cho biết thu nhập cho một kỳ kế toán nhất định như một năm, quý hoặc tháng. Vì vậy, loại báo cáo này còn được gọi là “báo cáo lãi và lỗ” .
Tại sao giá vốn hàng bán quan trọng trong kinh doanh?
Giá vốn hàng bán là một số liệu quan trọng vì chỉ số này sẽ được trừ vào doanh thu để xác định lợi nhuận gộp của doanh nghiệp. Lợi nhuận gộp được xem như một thước đo khả năng sinh lời nhằm đánh giá mức độ hiệu quả của một doanh nghiệp trong việc quản lý lao động và vật tư của mình trong quá trình sản xuất.
Biết được giá vốn hàng bán sẽ giúp các nhà phân tích, nhà đầu tư và nhà quản lý ước tính lợi nhuận cuối cùng của doanh nghiệp. Nếu giá vốn hàng bán tăng, đồng nghĩa thu nhập ròng sẽ giảm. Do đó, các doanh nghiệp sẽ cố gắng giữ giá vốn hàng bán ở mức thấp để lợi nhuận ròng.
Giá vốn bán hàng còn phản ánh là những chi phí liên quan trực tiếp đến việc sản xuất sản phẩm, bao gồm cả chi phí lao động, nguyên vật liệu và chi phí sản xuất. Với lượng hàng hóa và loại sản phẩm đa dạng, tính toán chính xác giá vốn hàng bán sẽ giúp doanh nghiệp có thể quản lý chi phí một cách chính xác và cụ thể nhất.
Công thức chung để tính giá vốn hàng bán
Giá vốn hàng bán = Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ + Hàng mua trong kỳ – Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ
Qua đó có thể thấy, giá trị của giá vốn hàng bán phụ thuộc vào phương pháp tính giá hàng tồn kho mà một doanh nghiệp áp dụng. Vì vậy sẽ có các phương pháp khác nhau mà một doanh nghiệp có thể sử dụng khi tính mức hàng tồn kho đã bán trong một thời kỳ.
Các phương pháp tính giá vốn hàng bán thường được dùng
Phương pháp nhập trước – xuất trước ( FIFO)
Hàng hóa được mua hoặc sản xuất sớm nhất sẽ được bán trước. Vì giá có xu hướng tăng lên theo thời gian, doanh nghiệp sử dụng phương pháp FIFO sẽ bán các sản phẩm rẻ nhất của mình đầu tiên. Do đó, thu nhập ròng khi sử dụng phương pháp FIFO tăng lên theo thời gian, đặc biệt là trong điều kiện lạm phát.
Phương pháp nhập sau – xuất trước (LIFO)
Phương pháp này giả định hàng tồn kho được mua sau hoặc sản xuất sau sẽ được xuất trước, ngược lại, những hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là hàng được mua hoặc sản xuất trước đó. Theo phương pháp này, giá trị hàng xuất kho sẽ được tính theo giá của lô hàng nhập sau và giá trị của hàng tồn kho được tính theo giá của hàng nhập kho đầu kỳ.
Tuy nhiên, ngày nay rất ít khi phương pháp LÌFO được sử dụng. Hiện tại, chỉ còn 2 nước là Mỹ và Nhật chấp nhận cách tính này.
Phương pháp chi phí bình quân
Giá trung bình của tất cả hàng hóa trong kho, bất kể ngày mua đều được sử dụng để định giá hàng hóa đã bán. Việc tính giá thành sản phẩm trung bình trong một khoảng thời gian sẽ giúp giá vốn hàng bán không bị ảnh hưởng lớn bởi chi phí của một hoặc nhiều hoạt động mua hàng.
Đây cũng là phương pháp tính giá vốn hàng bán phổ biến nhất mà các phần mềm quản lý hàng hóa đang áp dụng.
Phương pháp hạch toán
Phương pháp này dùng để tính giá trị vốn thực tế của hàng xuất kho. Phù hợp với các doanh nghiệp mua các hàng hóa vật tư thường có sự biến động về giá cả, khối lượng chủng loại vật tư hàng hoá nhập và xuất kho nhiều. Giá hạch toán là loại giá ổn định do doanh nghiệp xây dựng và không có tác dụng giao dịch với bên ngoài. Việc nhập xuất cần phải tính hệ số giữa giá thực tế và giá hạch toán của hàng luân chuyển trong kỳ.
Phương pháp cân đối
Phương pháp này sẽ tính trị giá thực tế của hàng còn lại cuối kỳ = số lượng còn lại cuối kỳ * đơn giá mua lần cuối cùng trong tháng.
Cách kiểm tra giá vốn hàng bán đã đúng chưa yêu cầu bạn phải kết xuất Excel đối soát trước khi in báo cáo . Hoặc có thể sử dụng một số phần mềm khác để cảnh báo giá vốn khi xem báo cáo nhập-xuất-tồn kho.
Sự khác biệt giữa giá vốn hàng bán và chi phí bán hàng
Một số doanh nghiệp sẽ liệt kê giá vốn hàng bán hoặc chi phí bán hàng (Cost of Sales) trên bảng cân đối kế toán, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp bao gồm cả hai điều khoản. Chúng thường được sử dụng để thay thế cho nhau nên rất dễ tạo ra sự nhầm lẫn. Một số điểm dưới đây sẽ làm cho chúng trở nên khác biệt.
Phân tích
Chi phí bán hàng phân tích chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan đến việc bán hàng hóa và dịch vụ, trong khi giá vốn hàng bán phân tích chi phí trực tiếp liên quan đến việc sản xuất hàng hóa.
Vị trí báo cáo thu nhập
Chi phí bán hàng được bao gồm trước EBIT trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Giá vốn hàng bán được liệt kê sau doanh thu, vì chúng bao gồm tất cả các chi phí trực tiếp liên quan đến việc tạo ra doanh thu.
Số tiền
Chi phí bán hàng bao gồm chi phí bổ sung còn giá vốn hàng bán sẽ tập trung vào chi phí trực tiếp của doanh nghiệp, nên khi cả hai được sử dụng, giá vốn hàng bán luôn nhỏ hơn chi phí bán hàng.
Cách tính
Trong khi cách tính chi phí bán hàng phản ánh số lượng hàng hóa đã bán thì phép tính giá vốn hàng bán phản ánh số lượng hàng hóa mà một doanh nghiệp sản xuất.
Tóm lại, giá vốn hàng bán là một loại chi phí quan trọng mà doanh nghiệp cần nắm rõ. Biết được cách tính chỉ số này sẽ giúp bạn khắc phục được những sai lệch khi nhập vào bản báo cáo tài chính. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích dành cho bạn.
FAQs về giá vốn hàng bán
giá vốn hàng bán và chi phí bán hàng được sử dụng bởi doanh nghiệp nào?
Thông thường, các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất hoặc kinh doanh hàng hóa sẽ sử dụng giá vốn hàng bán, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ sẽ sử dụng chi phí bán hàng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng được áp dụng theo nghĩa chung cho mục đích kế toán.
Mặc khác, các doanh nghiệp chỉ cung cấp dịch vụ thay vì sản phẩm thường sử dụng chi phí bán bởi họ họ không có chi phí hoạt động gắn với hàng hóa hữu hình. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ có thể cung cấp các sản phẩm nhỏ đi kèm, khi làm như vậy, các khoản mục này được phân loại là giá vốn hàng bán.
Vì sao giá vốn hàng bán bị âm?
Khi áp dụng các phương pháp tính toán, giá vốn hàng bán có thể âm khi số phát sinh bên Có 632 nhiều hơn số phát sinh bên Nợ 632. Cụ thể là khi doanh nghiệp hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với giá trị rất lớn nhưng không phát sinh giao dịch bán hàng đáng kể.
Đối với các trường hợp giá vốn âm, doanh nghiệp cần tính toán loại trừ khi phân tích
Bên cạnh đó, trường hợp hàng tồn kho của doanh nghiệp bị âm cũng có thể do doanh nghiệp tính toán sai.
Tiền lương có được tính vào giá vốn hàng bán không?
Giá vốn hàng bán không bao gồm tiền lương và các chi phí quản lý doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, một số loại chi phí lao động nhất định có thể được bao gồm trong giá vốn hàng bán, miễn là chúng có thể liên quan trực tiếp đến doanh thu bán hàng cụ thể.
Giá vốn hàng bán cần ghi nhận vào thời điểm nào?
Xác định thời điểm ghi nhận giá vốn cũng chính là xác định thời điểm ghi nhận một khoản doanh thu bất kỳ của doanh nghiệp. Do đó, thời điểm ghi nhận doanh thu bán hàng cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Phần lớn rủi ro và lợi ích của sản phẩm đã được doanh nghiệp chuyển giao
- Doanh thu đã được xác định chắc chắn
- Doanh thu đó đã hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế những từ giao dịch bán hàng
- Đã xác định được các khoản chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.