Để hiểu rõ được tâm lý con người, tháp nhu cầu Maslow ra đời như một phép giải của bài toán khó. Vậy tháp nhu cầu Maslow là gì?
Tháp nhu cầu Maslow là gì?
Tâm lý học là một khoa học nghiên cứu vô cùng quan trọng trong đời sống. Các đóng góp của lĩnh vực này cho nhân loại là hết sức lớn lao, trong số đó là phát minh ra định nghĩa tháp nhu cầu Maslow.
Vào năm 1943, nhà tâm lý học Abraham Maslow đã đưa ra thuyết nhu cầu của con người trong một bài viết A Theory of Human Motivation. Ông định nghĩa mô hình này theo năm cấp độ dưới dạng hình kim tự tháp, xuất phát từ dưới lên sẽ là: nhu cầu sinh lý (physiological needs), nhu cầu an toàn (safety needs), nhu cầu xã hội, tình cảm (love and belonging), nhu cầu tôn trọng (esteem needs), nhu cầu thể hiện bản thân (self-actualization).
Sau đó, định nghĩa này được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới cho đến ngày nay và người ta lấy tên ông đặt cho mô hình như một sự trân trọng và biết ơn.
Và rõ ràng bất kỳ ai trong chúng ta hầu hết cũng đều có các cấp độ nhu cầu như thế, chỉ khác nhau mức độ ít nhiều. Thấu hiểu được điều đó, rất nhiều nhà chiến lược đã ứng dụng tháp nhu cầu Maslow vào trong kinh doanh các ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, trước tiên chúng ta cần phải hiểu rõ từng cấp độ nhu cầu của kim tự tháp này.
Các cấp độ của tháp nhu cầu Maslow
Nhu cầu sinh lý (physiological needs)
Đây là nhu cầu cơ bản nhất của con người. Các ham muốn về thể chất, cũng như các yếu tố cơ bản như ăn – ngủ – ở – mặc là những nhu cầu không thể thiếu cho đời sống vật chất của con người.
Đây được xem như là tiền đề, là nền tảng cho các nhu cầu khác. Vì việc việc ăn uống, đi lại, hít thở,… sẽ giúp cuộc sống của chúng ta được đảm bảo, từ đó việc thể hiện các nhu cầu cao hơn trở nên dễ dàng. Đây là nhu cầu mà bất kỳ ai cũng có, thiếu nhu cầu này chúng ta không thể sống tiếp.
Nhu cầu an toàn (safety needs)
Sau khi đảm bảo được các yếu tố sinh lý học diễn ra một cách đầy đủ và hoàn thiện, bản thân con người còn có mong muốn được sinh sống an toàn, bình yên. Đây sẽ là điều kiện đảm bảo cho sức khỏe tinh thần luôn ở trạng thái ổn định.
Khái niệm “an toàn” ở đây còn được mở rộng là đảm bảo các vấn đề về an ninh con người trong đó có an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Ai trong chúng ta ắt hẳn cũng sẽ lo sợ về mạng sống, về việc làm của mình trong thời buổi nhiều hiểm họa khôn lường này.
Vì thế, nhu cầu về an toàn là không thể vắng mặt trong tháp nhu cầu Maslow.
Nhu cầu xã hội, tình cảm (love and belonging)
Nếu như hai nhu cầu trên thể hiện nhiều ở mặt vật chất thì đây là một nhu cầu có thiên hướng về khía cạnh tinh thần của con người. Đó là khát khao được hòa nhập với cộng đồng, với xã hội. Đó còn là mong muốn được giao lưu, sẻ chia và yêu thương nhau: yêu mình – yêu người – yêu đời.
Nếu như được mượn văn thơ để diễn tả các nhu cầu này thì các câu thơ sau sẽ tái hiện vô cùng mạnh mẽ và giàu cảm xúc:
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau” (Tố Hữu)
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”
Hay trong lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không?”
Một thi vị nếu thiếu đi trong đời sống này sẽ rất tẻ nhạt và buồn chán, đó chính là nhu cầu xã hội và tình cảm trong tháp nhu cầu Maslow.
Nhu cầu tôn trọng (esteem needs)
Đây là cấp bậc thứ tư trong tháp nhu cầu Maslow. Việc mong muốn bản thân được người khác tôn trọng, kính nể cũng là một nhu cầu chính đáng. Vì nhu cầu này sẽ giúp bản thân trở nên tự tin hơn trong cuộc sống và hơn hết là phải có trách nhiệm xứng đáng với sự tôn trọng mà người khác dành cho mình.
Đây là một nhu cầu cấp cao và không phải ai có nhu cầu thì cũng sẽ đạt được. Vì thế, nếu bạn là người sở hữu nhu cầu này, bạn phải thực sự nỗ lực và cố gắng thì khi đó bạn mới nhận được những gì bạn cầu mong.
Nhu cầu thể hiện bản thân (self-actualization)
Đỉnh của kim tự tháp Maslow gọi tên nhu cầu thể hiện cái tôi bản ngã của con người. Con người vô hình chung đa số đều có mong muốn được là chính mình, được nói lên quan điểm cá nhân, được ghi nhận, được ủng hộ và được thể hiện bản thân. Tuy nhiên, nhu cầu này đôi khi lại gây ra các tác dụng phản cảm.
Đó là vì cái tôi quá lớn nên sự thể hiện mình trước người khác mất kiểm soát, không có chừng mực, dẫn đến sự thiếu vắng cái ta. Điều này đã là bài học của rất nhiều bạn trẻ hiếu thắng. Vì thế, nhu cầu thể hiện bản thân cần được áp dụng trong thực tiễn một cách vừa phải, đúng đắn để tránh gây cảm giác khó chịu cho những người xung quanh.
Bên cạnh năm nhu cầu cơ bản của tháp Maslow, các nhà nghiên cứu còn mở rộng mô hình này thêm ba nhu cầu bậc cao khác.
- Nhu cầu nhận thức (cognitive needs): đây là nhu cầu về sự khám phá, tìm tòi và không ngừng học hỏi để tiếp thu thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý giá.
- Nhu cầu thẩm mỹ (aesthetic needs): đơn giản đây là nhu cầu làm đẹp – một nhu cầu vô cùng quan trọng trong thời buổi người ta chú ý đến “nước sơn” trước khi quan tâm “chất lượng gỗ” bên trong thế nào.
- Nhu cầu siêu hình về tự tôn bản ngã (self-transcendence): đây là nhu cầu tối cao của con người với những biểu hiện và đức tính cao cả như vị tha, lòng bác ái, lòng trắc ẩn,…
Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow vào kinh doanh
Nhờ vào việc hiểu rõ tâm lý con người, các chuyên gia marketing đã ứng dụng mô hình này để tiến hành nghiên cứu đọc vị khách hàng, tìm kiếm insight. Từ đó, họ đề ra những chiến lược marketing mix một cách phù hợp để phát triển công ty.
Định vị thói quen mua sắm/ phân khúc khách hàng tiềm năng
Vì hiểu được các nhu cầu cơ bản như ăn uống, mặc đẹp,…của người tiêu dùng, bạn sẽ áp dụng để chia họ thành các phân khúc khác nhau. Ứng với từng phân khúc sẽ có các bước phát triển chiến lược riêng biệt.
Truyền tải thông điệp sâu lắng, dễ dàng
Nếu như bạn biết khách hàng của mình là một người sống tình cảm, yêu thương chan hòa bạn sẽ đánh các đòn tâm lý vào đó để đưa ra các thông điệp hữu ích. Việc làm này sẽ giúp cho hiệu suất social media marketing của bạn cao hơn.
Bên cạnh việc ứng dụng tháp nhu cầu Maslow vào kinh doanh, tháp nhu cầu này còn được ứng dụng ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau từ đời sống, giáo dục, tình cảm,…nếu như bạn có thể khai thác tối ưu tiềm năng của chiếc tháp này.
Trên đây là các kiến thức cơ bản về tháp nhu cầu Maslow. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ thấu hiểu hơn nội tâm của bản thân cũng như của những người xung quanh. Từ đó, hãy giúp cho con người có những đời sống tích cực, tốt đẹp và vẹn tròn hơn.
Những câu hỏi thường gặp
Áp dụng nhu cầu an toàn đối với nhân viên ở công ty như thế nào?
Để áp dụng nhu cầu này vào nơi làm việc, bạn cần tạo cho nhân viên một môi trường công sở an toàn về cả cơ sở vật chất, lẫn tính tình đồng nghiệp xung quanh để đảm bảo không có sự ghen ghét, đố kỵ lẫn nhau.
Áp dụng nhu cầu xã hội vào công ty như thế nào để hiệu quả?
Bạn cần tạo ra các cuộc bonding, các chuyến du lịch để nhân viên có thể ngồi lại với nhau, thấu hiểu và sẻ chia. Đồng thời, việc làm cũng giúp cho các bạn còn e dè, ngại ngùng được mở lòng với mọi người xung quanh.
Nhu cầu thể hiện bản thân của nhân viên thể hiện như thế nào?
Một nhân viên có nhu cầu thể hiện chính mình là người xung phong trong các công việc, chủ động nhận trách nhiệm và việc làm để mình chứng với sếp và đồng nghiệp về năng lực của mình.
Nhu cầu được tôn trọng của nhân viên quan trọng như thế nào trong công ty?
Việc bạn đảm bảo nhu cầu được tôn trọng cho mọi người trong công ty sẽ giúp mọi người cố gắng phấn đấu hết mình cho sự nghiệp và giá trị chung của tập thể.