Bạn đang quan tâm về “ Snapshot là gì?” cũng như bạn đang tìm hiểu về công dụng của Snapshot trên máy tính? Nếu vậy, Tino Group sẽ giúp bạn hiểu hơn về Snapshot, giới thiệu với bạn 5 loại Snapshot, cũng như tìm điểm khác biệt giữa backup và Snapshot là gì nhé!
Tìm hiểu về Snapshot
Snapshot là gì?
Snapshot, tạm dịch: ảnh chụp nhanh bộ nhớ, là một hình ảnh hoặc điểm tham chiếu được khởi tạo từ một điểm cụ thể để duy trì “trạng thái” của: hệ thống, máy chủ hoặc ổ đĩa. Nếu xảy ra các thảm hoạ không mong muốn như: nhiễm virus, ransomware, lỗi do người dùng hoặc các lỗi khác,…, Snapshot sẽ giúp người dùng có thể khôi phục lại trạng thái ngay tại điểm họ đã khởi tạo trước đó.
Hãy tưởng tượng, bạn đang sở hữu một bộ tóc dài óng ả. Sau khi vào tiệm cắt tóc, họ biến bộ tóc óng ả của bạn thành một ổ quạ lởm chởm. Bạn sử dụng Snapshot để quay lại khung thời điểm trước khi bạn bước vào tiệm “hurt” tóc đó. Hay một cách trực quan ngắn gọn hơn: bạn “du hành thời gian” về thời điểm bạn khởi tạo trong quá khứ để sửa sai.
Đây chỉ là một ví dụ bạn nhé! Công nghệ Snapshot của năm 2023 vẫn chưa áp dụng được với con người hay thời gian đâu! Snapshot hiện tại chỉ áp dụng với dữ liệu trên máy tính.

Storage Snapshot là gì?
Storage Snapshot, tạm dịch ảnh chụp lưu trữ, là một tính năng/ công nghệ sao lưu dữ liệu của mình một cách hiệu quả cũng như khi thác và hỗ trợ sao lưu dữ liệu. Hầu hết các nhà cung cấp phần cứng và phần mềm lưu trữ đều có sẵn dịch vụ/ giải pháp Storage Snapshot để giúp người dùng lưu trữ nhanh các dữ liệu quan trọng và bảo vệ dữ liệu khỏi ransomware.
Ứng dụng của Snapshot trong thực tế
Trong thực tế, Snapshot có rất nhiều ứng dụng để bảo vệ hệ thống, dữ liệu máy tính như:
- Tạo điểm sao lưu, khôi phục dữ liệu và hệ thống
- Hỗ trợ những điểm khôi phục cấp tốc khi phát triển, thử nghiệm các bản vá lỗi, phát hành của phần mềm.
- Giúp người dùng có thể khôi phục toàn bộ cài đặt, dữ liệu trên thiết bị một cách nhanh chóng và tiết kiệm thời gian.
Có thể bạn chưa biết: Snapshot có rất nhiều loại khác nhau đấy!
Có những loại Snapshot nào?
Phần này dựa trên thông tin từ StoneFly – nhà cung cấp dịch vụ/ giải pháp lưu trữ – đưa iSCSI trở thành tiêu chuẩn phổ biến trên toàn thế giới.
Snapshot bao gồm có 5 loại chính:
- Copy-on-Write Snapshots
- Redirect-on-Write Snapshots
- Split-Mirror Snapshots
- Copy-on-Write with background copy
- Continuous data protection (CDP)

Copy-on-Write Snapshots
Với Copy-on-Write Snapshots, trước khi tạo Snapshots, hệ thống sẽ lưu trữ siêu dữ liệu gốc của khối sau đó tạo 3 I/O (Input/output – Đầu vào/đầu ra) như sau:
- Đọc khối trước khi ghi
- Khối được tạo/ ghi sẽ được lưu trữ Snapshots riêng
- Dữ liệu mới sẽ ghi đè dữ liệu ban đầu
Điểm mạnh: không tạo bản sao lưu siêu dữ liệu giúp chúng khởi tạo nhanh hơn và gần như tức thì.
Điểm yếu: chúng ngốn nhiều tài nguyên khi thực hiện vì mỗi Snapshot yêu cầu 1 lần đọc và 2 lần ghi.
Redirect-on-Write Snapshots
Redirect-on-Write Snapshots sử dụng con trỏ để tham chiếu đến các khối được bảo vệ bằng Snapshots. Quá trình của loại này như sau:
- Hệ thống thực hiện lệnh ghi các thay đổi trong khối được bảo vệ bằng Snapshots
- Tiện ích chuyển hướng ghi đến 1 khối mới và con trỏ liên quan được cập nhật.
- Dữ liệu cũ vẫn nằm nguyên vị trí như một tham chiếu tại thời điểm của khối gốc.
Điểm mạnh: ít ngốn tài nguyên hơn Copy-on-Write Snapshots vì chỉ có 1 lần ghi duy nhất.
Điểm yếu: Redirect-on-Write Snapshots dựa trực tiếp vào khối gốc để tạo các khối bổ sung mới. Do đó nếu 1 Snapshots bị xóa sẽ dẫn đến việc đối chiếu nhiều khối mới với khối ban đầu trở nên phức tạp.
Split-Mirror Snapshots
Split-Mirror Snapshots sẽ tạo một bản sao lưu hoàn chỉnh của dung lượng lưu trữ gốc thay vì tạo các Snapshots cho những khối đã được sửa đổi.
Điểm mạnh: phục hồi dữ liệu đơn giản hơn, sao chép, lưu trữ đơn giản hơn. Bạn có thể khôi phục toàn bộ dữ liệu ngay cả khi bản gốc bị mất.
Điểm yếu: Split-Mirror Snapshots sẽ lưu toàn bộ dữ liệu. Do đó, thời gian tạo sẽ lâu hơn và dung lượng bộ nhớ của bạn sẽ bị tăng gấp đôi khi thực hiện.
Copy-on-Write with background copy
Đây là sự kết hợp độc đáo giữa Copy-on-write và split-mirror. Bằng cách này, tiện ích sẽ tạo Snapshot bằng cách Copy-on-Write. Sau đó, một bản sao của Snapshot sẽ được tạo tại Storage Snapshot bằng quy trình nền.
Snapshot của phương thức này kết hợp ưu điểm của Copy-on-write và split-mirror đồng thời giảm các nhược điểm của cả 2 phương thức trên.
Continuous data protection (CDP)
Bạn có thể hiểu một cách đơn giản: Continuous data protection là quá trình tạo Snapshot dựa trên bản gốc liên tục mỗi khi dữ liệu có sự thay đổi dựa trên các cài đặt của bạn.
Điểm mạnh: giảm thiểu thời gian khôi phục dữ liệu xuống gần bằng 0.
Điểm yếu: ngốn tài nguyên máy, tốn kém băng thông nếu lưu trữ trên Cloud.

Sự khác biệt giữa backup và Snapshot là gì?
Những điểm khác biệt lớn nhất giữa backup và Snapshot chính là:
Backup là bản sao lưu dữ liệu hoàn chỉnh của dữ liệu gốc, trong khi đó Snapshot là sao lưu các thay đổi dựa trên dữ liệu gốc.
- Snapshot tốn ít thời gian để thực hiện vì chỉ lưu những thay đổi của dữ liệu gốc, trong khi đó Backup lại sao lưu toàn bộ dữ liệu rất mất thời gian.
- Việc backup dữ liệu sẽ dùng để lưu trữ dài hạn, trong khi đó, Snapshot dùng để lưu trữ ngắn hạn.
- Dữ liệu khi Snapshot sẽ bao gồm toàn bộ những gì có bên trong ổ đĩa, server như: dữ liệu, cài đặt, các phần mềm,…. Trong khi đó, chúng ta chỉ backup dữ liệu của ổ đĩa, server.
- Thông thường, vị trí backup dữ liệu sẽ nằm trên cùng 1 máy chủ hoặc sao lưu ở một nơi khác an toàn để phòng trường hợp mất dữ liệu có thể khôi phục lại. Trong khi đó, Snapshot sẽ lưu ngay tại vị trí đặt dữ liệu gốc nhằm mục đích đối chiếu và sao lưu (liên tục) nếu dữ liệu gốc có sự thay đổi hoặc theo cài đặt của người sử dụng.
- Ngoài ra, dữ liệu khi backup có thể sẽ khác đi ngay tại thời điểm backup, trong khi đó, Snapshot sẽ lưu trữ “hình ảnh” tại 1 thời điểm xác định.
Đến đây, chúng ta đã tìm hiểu về Snapshot là gì, sự khác biệt giữa backup và Snapshot ra sao cũng như những hình thức khởi tạo Snapshot. Dĩ nhiên, kiến thức về Snapshot vẫn còn rất nhiều khía cạnh chưa được khai thác. Nhưng Tino Group vẫn mong rằng kiến thức này sẽ giúp bạn có thể nắm rõ hơn về Snapshot khi sử dụng.
Những câu hỏi thường gặp về Snapshot
Có nên sử dụng backup và Snapshot cùng lúc hay không?
Có. Sử dụng các 2 hình thức thức backup và Snapshot sẽ giúp cho dữ liệu của bạn được an toàn hơn.
Làm sao để sử dụng Snapshot hiệu quả?
Bạn nên đặt tên cho từng phiên bản hoặc ghi chú lại phiên bản Snapshot đó có chứa gì bên trong, dữ liệu ra sao. Điều này sẽ giúp bạn có thể lựa chọn khôi phục chính xác phiên bản bạn đang cần.
Khi nào nên sử dụng Snapshot để khôi phục hệ thống?
Trong hầu hết các trường hợp máy tính gặp sự cố, bạn đều có thể sử dụng Snapshot, ví dụ như:
- Máy tính quá chậm
- Lỗi, bug
- Màn hình xanh, trắng, đen
Lúc này, Snapshot sẽ phát huy tác dụng khi trả về phiên bản ổn định gần nhất của thiết bị.
Có nên lưu trữ Snapshot trên nhiều thiết bị khác hay không?
Có, việc này tương đối giống với backup. Lưu trữ các phiên bản Snapshot trên nhiều thiết bị khác nhau sẽ giúp cho những bản dữ liệu này an toàn hơn, khiến người dùng có thể an tâm hơn phần nào về dữ liệu của mình.
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN TINO
- Trụ sở chính: L17-11, Tầng 17, Tòa nhà Vincom Center, Số 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Văn phòng đại diện: 42 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: 0364 333 333
Tổng đài miễn phí: 1800 6734 - Email: sales@tino.org
- Website: www.tino.org